Sao lại có chính sách hình sự đặc biệt với ông Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn?

© Ảnh : NVCC/Thể Thao và Văn HóaÔng Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG)
Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG)  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Vụ Mobifone mua AVG, cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt đối với em trai ông Phạm Nhật Vượng- Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và một số bị can khác. Chuyên gia nói gì?

Bộ Công an nói chính sách hình sự đặc biệt là “chính sách ưu việt”

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra đại án Mobifone mua 95% cổ phần công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG và đề nghị truy tố 14 bị can với các tội danh sau: “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.

Trong bản Kết luận điều tra vụ án được công bố ngày 31/8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt” cho 12/14 bị can tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo để điều tra, làm rõ vụ án, chủ động hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, tự nguyện trả lại Mobifone số tiền đã nhận gần 8.900 tỷ đồng (bao gồm lãi và các chi phí khác), góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Nguyễn Bắc Son - Sputnik Việt Nam
Vụ AVG, cứ nộp 3/4 tài sản tham ô là thoát tử hình?
Cựu Chủ tịch Phạm Nhật Vũ bị cáo buộc đã đưa hối lộ hơn 6 triệu USD cho 4 bị can là Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải. Theo khoản 4, Điều 364 Bộ Luật Hình sự năm 2015, ông Vũ bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ” với khung hình phạt 12-20 năm tù.

Tuy nhiên, phía Bộ Công an lại đánh giá rất tích cực về em trai ông Phạm Nhật Vượng. Đại diện cơ quan điều tra cho biết, Vũ đã “rất thành khẩn” thừa nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Ông Phạm Nhật Vũ còn chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận kèm lãi và chi phí dự án góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Thêm vào đó, gia đình Cựu chủ tịch AVG lại có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho các tổ chức, hoạt động xã hội nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi tiên lượng khung hình phạt đối với bị can này.

Cả cựu Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn và cựu chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà cũng được phía Bộ Công an ghi nhận khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong quá trình công tác và đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt này khi truy tố xét xử.

Tại Phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đã lên tiếng lý giải về đề xuất của cơ quan điều tra. Theo vị lãnh đạo này, chính sách khoan hồng của pháp luật là rất rõ ràng, ghi nhận sự hợp tác tích cực từ những người có hành vi phạm tội đối với cơ quan điều tra cũng như khắc phục hậu quả tốt.

“Đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực, khắc phục các hậu quả đã xảy ra”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định phía Bộ Công an đã điều tra toàn diện đại án, xác định rõ sai phạm, xem xét đúng người đúng tội.

Chính sách hình sự đặc biệt là gì?

Dư luận hiện đang rất xôn xao về việc cơ quan điều tra đề nghị áp dụng “chế định hình sự đặc biệt” đối với các bị can trong vụ án Mobifone mua AVG. Hầu hết các chuyên gia, luật sư am hiểu pháp luật đều khẳng định, hiện Việt Nam chưa quy định “chính sách, chế định” này trong Bộ Luật hình sự, tố tụng hình sự.

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.  - Sputnik Việt Nam
Vụ AVG, không xem xét trách nhiệm hình sự ông Bùi Quang Vinh và Lê Mạnh Hà
Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, ông Trần Văn Độ, khẳng định trong luật “không có chính sách hình sự đặc biệt”.

Theo ông Độ, Bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định nào về “chính sách hình sự đặc biệt”, mà chỉ có chính sách khoan hồng. Cụ thể, trong các vụ án tham nhũng, tham ô, nếu bị can đã khắc phục hoàn toàn hậu quả, thể hiện thái độ thành khẩn khai báo thì sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương nhấn mạnh:

“Việc dùng từ “chính sách hình sự đặc biệt” trong vụ việc Mobifone mua AVG, cho vài trường hợp có liên quan là không ổn, dễ gây hiểu nhầm chỉ được áp dụng cho Phạm Nhật Vũ và ông Trương Minh Tuấn… Đây là điều cần rút kinh nghiệm, bảo đảm sử dùng từ ngữ một cách chính xác, đúng thuật ngữ pháp luật. Ngoài ra, qua vụ việc này các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định để ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng. Điều quan trọng là làm sao phải quản lý được dòng tiền, quản lý được sự dịch chuyển tài sản từ người này, sang người kia, từ tiền “bẩn” biến thành tiền “sạch”, TPO dẫn lời ông Trần Văn Độ bình luận.

Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phân tích về trường hợp ông Nguyễn Bắc Son khai đã đưa 3 triệu USD cho con gái là bà Nguyễn Thị Thu H. khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD- 400.000 USD. Thế nhưng, bà H. lại phủ nhận hoàn toàn điều này khi làm việc với cơ quan điều tra. Bà H. thừa nhận bà có ra thăm cha mẹ ở Hà Nội vài lần, và vợ chồng ông Son cũng vào TP. HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian chính xác. Kể cả khi đối chất với ông Son ở cơ quan công an, bà H. vẫn giữ lời khai không nhận tiền.

Ông Trần Văn Độ nói về cái khó của cơ quan điều tra trong tình huống này:

“Qua đây cho thấy, pháp luật đang có những khoảng trống. Nếu chúng ta có cách thức quản lý hiện đại như các nước thì hoàn toàn có thể chứng minh được. Bởi tất cả giao dịch của họ đều qua tài khoản nên rất dễ trong việc truy vết, còn ở ta cứ xách valy tiền mặt đưa nhau, rất khó để chứng minh. Người ta tham ô, nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng sau đó “gửi” con cái, người thân cầm hộ thì khó mà truy ra được. Trong khi đó, ở các nước có tiền cũng chưa chắc tiêu được”.

Vụ AVG có thể đã áp dụng “tình tiết giảm nhẹ đặc biệt”?

Cùng đồng tình với quan điểm này, một lãnh đạo VKS khu vực phía Nam chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ rằng việc cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt đối với ông Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và một số bị can khác có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Theo đó, cùng là một tình tiết giảm nhẹ, nhưng nó lại đặc biệt hơn các tình tiết khác. Vị này lý giải, có thể chính các tài liệu, thông tin, dữ liệu mà bị can cung cấp giúp cơ quan cảnh sát điều tra nhanh chóng phá án thành công, nhất là đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp như đại án AVG này mà những tài liệu để chứng minh, mở rộng vụ án, xử lý triệt để vụ án... thì luật có quy định là tình tiết giảm nhẹ. Nhưng trong thực tế muốn nhấn mạnh hơn thì gọi là “giảm nhẹ đặc biệt”, chỉ là một thuật ngữ.

“Thông thường khi đã đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt thì sẽ được xem xét giảm nhẹ. Như trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, các bị can khắc phục hậu quả triệt để cũng được áp dụng "nhảy khung", tức là áp dụng khung hình phạt thấp hơn một khung liền kề. Ví dụ, bị can bị truy tố khoản 4 nhưng khi xét xử thì tòa có thể tuyên mức án ở khoản 2. Tuy nhiên, việc tuyên vì tình tiết này phải được ghi rõ trong bản án”, vị lãnh đạo Viện Kiểm sát chia sẻ.

Ông Nguyễn Bắc Son - Sputnik Việt Nam
Vụ AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ 3 triệu USD
Về phía các luật sư, hầu hết đều nhận định, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không hề có thuật ngữ “chính sách hình sự đặc biệt”.

Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định:

“Chính sách hình sự được hiểu là một bộ phận của chính sách pháp luật thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong từng thời kỳ nhất định. Đối với một vụ án cụ thể, một đối tượng phạm tội cụ thể thì căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để hội đồng xét xử quyết định hình phạt. Đó có thể là quyết định hình phạt dưới khung hoặc miễn hình phạt nhưng phải căn cứ theo quy định tại Bộ luật hình sự chứ không thể tùy tiện áp dụng ưu ái cho riêng ai với một “chính sách hình sự đặc biệt”, VnExpress dẫn lời cho biết.

Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo an) cũng bày tỏ, chưa có định nghĩa nào chính thức về khái niệm chính sách hình sự đặc biệt. Đối với lý giải từ phía cơ quan điều tra, ông Vinh cho rằng, có thể hiểu đây là chính sách khoan hồng của nhà nước và “chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo trong một số trường hợp nhất định, không áp dụng mang tính đại trà. Về nguyên tắc, người được áp dụng chính sách này đương nhiên phải thuộc một trong các trường hợp sau: tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.

Luật sư Vinh khẳng định, về bản thân người phạm tội cũng phải khắc phục được phần lớn hậu quả chứ không thể theo kiểu hình thức.

“Nếu việc khắc phục quá nhỏ, không tương xứng với hậu quả, họ chỉ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 và như thế sẽ không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt”, Luật sư Vũ Tiến Vinh khẳng định.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ luật hiện hành không có quy định này. Theo ông, pháp luật Việt Nam thể hiện hai đặc tính cơ bản là nghiêm trị và nhân đạo. Theo đó, việc áp dụng chế định khoan hồng nhân đạo cũng phải xét theo trường hợp cụ thể.

“Đối với trường hợp ông Phạm Nhật Vũ, cơ quan điều tra thấy có căn cứ cho rằng bị can này xứng đáng được hưởng khoan hồng của pháp luật. Do đó, trong kết luận vụ án, cơ quan điều tra có thể đề nghị các cơ quan truy tố, xét xử xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt" khi lượng hình đối với ông Vũ, có thể coi đó là đề nghị xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này, nếu kết quả tranh tụng tại tòa cho thấy ông Phạm Nhật Vũ được đánh giá là người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra thì HĐXX sẽ quyết định có áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hay không”, Zing dẫn lời vị luật sư phân tích.

Ông Trương Minh Tuấn (trái) và ông Nguyễn Bắc Son - Sputnik Việt Nam
AVG là bài học đắt giá: Đã cảnh báo rủi ro, nhưng Bộ Thông tin - Truyền thông vẫn phớt lờ
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khẳng định chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay đối với tội tham nhũng, tham ô là rất nghiêm minh, nghiêm trị thực hiện mục đích thu hồi tài sản, không có chính sách riêng đặc biệt nào.

Cũng nói về việc thu hồi tài sản tham ô, tham nhũng trong vụ AVG, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng), Ủy viên Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định:

 “Trong vụ việc này có hai khoản phải thu hồi: Thiệt hại của khoản tiền bỏ ra mua AVG, cái đó đã khắc phục hết rồi. Còn lại một chút đâu đó là các khoản chi phí thẩm định, làm các thủ tục. Còn với 6 triệu USD kia là “tài sản do phạm tội mà có”. Số tiền đó buộc phải tịch thu, xung công quỹ. Việc thu hồi tài sản này sẽ có nhiều phương án khác nhau. Khi chứng minh được anh phạm tội, lấy chừng đó tiền và tiền đó do phạm tội mà có, Tòa tuyên buộc anh phải hoàn trả, tịch thu xung công quỹ. Nhưng nếu anh nói không có tiền, hoặc số tiền do phạm tội mà có anh để đâu, tẩu tán đi đâu, tôi không biết. Lúc đó, tài sản của anh còn gì, tôi phong tỏa đã. Đó là tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án sau này”.

Ông Sơn nhấn mạnh, trọng tâm trong các vụ án tham nhũng là thu hồi tài sản đã tham ô:

“Cái quan trọng là cơ quan điều tra đã chứng minh được hành vi phạm tội. Đặc biệt đối với tội tham ô, hối lộ khó lòng mà bảo họ chỉ cho số tài sản đó đang nằm ở đâu, mà họ thường tẩu tán hết. Vì khi làm việc đó, họ biết rõ đó là hành vi phạm tội, không bao giờ người ta lại để tài sản ngời ngời ở đó cho anh thấy cả”, vị ĐBQH đồng thời cũng nhắc lại, luật đã quy định rõ, đền bù thiệt hại ở mức độ nào thì sẽ được tuyên tội ở mức độ đó.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng “mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là thu hồi được tiền Nhà nước bị thất thoát. Cùng với đó là lên án, xử lý nghiêm người vi phạm và phải xử lý không có vùng cấm”.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала