Trở lại thành phố Vladivostok lần thứ hai trong vòng mới hơn một tháng để tham dự Diễn đàn Kinh tế Đông lần thứ 5 (EEF-2019), tôi càng thêm yêu mến thành phố rất đẹp ven biển này và phần nào cảm nhận được sự mênh mông của nước Nga rộng lớn khi mà Thủ đô Matxcơva chênh với nơi đây đến 7 múi giờ và thời gian bay từ Matxcơva đến Vladivostok xem ra còn lâu hơn từ Matxcơva đến Hà Nội! Mặc cho khoảng cách xa xôi về địa lý, EEF lần thứ 5 này ngày càng khẳng định là một “Davos Nga” ở vùng Viễn Đông, có sức hấp dẫn riêng của nó. Được khởi xướng từ quyết định của Tổng thống Putin – thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông với chính sách quốc gia ưu tiên phát triển Viễn Đông, EEF 2019 lần này thực sự rất thành công, được tổ chức chuyên nghiệp với sự tham gia của hơn 8.500 đại biểu từ 65 quốc gia. Mặc cho bao vây, cấm vận, khách quốc tế tham dự EEF 2019 hóa ra đông nhất lại từ Mỹ, Nhật Bản. Đặc biệt, EEF lần này quy tụ được nhiều nguyên thủ như Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Thủ tướng Shinzo Abe – lần thứ tư liên tục tham dự diễn đàn, rồi Thủ tướng Malaysia, 94 tuổi, lần đầu tiên đến đây, và cả Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga.
Cùng với các đại biểu quốc tế, đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, cùng cả Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Ngô Đức Mạnh tham dự trong tất cả các hoạt động của Đoàn, cho thấy một sự nâng cấp đáng kể so với những lần trước và lãnh đạo hàng loạt Bộ ngành quan trọng: Ngoại giao, Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Xây Dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế khác đã có hàng loạt cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Maxim Akimov – đồng Chủ tịch Phân ban Nga trong Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật Việt Nam - Nga, Phó Thủ tướng Yuri Trutnev - Đặc phái viên của Tổng thống Nga về vùng Viễn Đông, Thống đốc tỉnh Primorie Oleg Kozhemiako,… với các doanh nghiệp Nga để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Điều thật ấn tượng là cả hai bên đều trao đổi một cách cụ thể, thực chất, thẳng thắn để cùng nhau tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Vùng Viễn Đông với thủ phủ được chuyển từ Khabarovsk đến Vladivostok vào tháng 12 năm 2018 là một khu vực địa lý rộng lớn, gồm gần 7 triệu km2, gồm 11 chủ thể liên bang rất giàu tài nguyên, tiếp giáp với Mông Cổ, Trung Quốc và Triều Tiên trên đất liền và với Nhật Bản và Hoa Kỳ qua biển, chính là cửa ngõ của LB Nga ra khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng đây là vùng đất có vị trí địa chiến lược rất quan trọng trong chính sách hướng Đông của Nga để tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt hơn nữa giữa Nga với các nước Châu Á-Thái Bình Dương, khi mà Nga vẫn được xem là quốc gia Á-Âu.
Vladivostok gần với Việt Nam hơn cả so với các địa phương khác của Nga xét về mặt địa lý, chỉ mất khoảng 6 bay. Chính vì vậy, hãng hàng không VietJetAir, sau một thời gian tích cực chuẩn bị đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác với Sân bay Vladivostok (VVO) trong sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Maxim Akimov, theo đó VietJetAir sẽ mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Vladivostok và đồng thời kết nối các điểm đến khác trong khu vực thông qua điểm dừng trung gian tại Seoul – Hàn Quốc, nhằm khai thác tốt và phát huy lợi thế của các đường bay, tăng thêm khách đến và đi Vladivostok. Một khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Vladivostok; không những tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại của người dân hai nước, mà từ đó, kéo theo du lịch, trao đổi hàng hóa, - như lời ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT VietJetAir chia sẻ.
Vladivostok cũng là địa chỉ quen thuộc gợi nhớ đến những chiếc tàu từ đây vận chuyển hàng hóa, thuốc men, đạn dược của Liên Xô trước đây đến cảng Hải Phòng để giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Hơn thế nữa, thành phố Vladivostok cũng chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần dừng chân vào các năm 1924, 1927 và 1934 khi Người thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ngày nay, tại nhà ga xe lửa của thành phố có tấm biển bằng đá granit đỏ được khánh thành vào ngày 19 tháng 5 năm 2009 ghi lại các sự kiện này. Chính vì vậy, với tấm lòng yêu mến Việt Nam và vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh mà chính quyền và người dân thành phố Vladivostok đã tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để triển khai công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố Borixenco vào ngày 5 tháng 7 năm 2019 này. Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự đông đảo của ban lãnh đạo chính quyền thành phố, các thành viên của Hội hữu nghị Nga – Việt, bà con người Việt. Ông Oleg Gomenyuk – Thị trưởng thành phố Vladivostok khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một phần văn hóa, lịch sử Việt Nam và tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vladivostok sẽ là một điểm du lịch nổi tiếng, quảng trường này sẽ trở thành nơi giao thoa của tình hữu nghị Nga và Việt Nam. Cũng như lần đầu tiên đến Vladivostok, lần này tôi cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam đến đặt những bông hoa cẩm chướng tươi thắm ở tượng đài Hồ Chí Minh để bày tỏ sự kính trọng đối với Người.
Ở Vladivostok, tôi đã gặp rất nhiều bà con người Việt làm ăn, sinh sống ở khu vực này. Mỗi người một việc, có người đã sinh sống và làm việc ở đây hơn 20-30 năm, nhưng cũng có nhiều người mới đến, nhưng tất cả họ đều yêu mến nước Nga, coi là quê hương thứ hai và đồng thời luôn hướng về Tổ quốc. Ông Đỗ Quốc Việt, Chủ tịch hội người Việt tại thành phố Vladivostok, chủ một doanh nghiệp có nhiều người Nga làm việc hơn người Việt hào hứng nhớ lại những hoạt động hướng về quê hương đất nước. Ai cũng vui mừng mỗi khi có đoàn trong nước sang. Chẳng thế mà dịp đón tàu tên lửa hộ vệ Quang Trung 016, lần đầu tiên thăm Nga, mà nhiều bà con, từ Khabarovsk xa hàng ngàn cây số đi tàu cả đêm, để kịp sáng sớm, ra tận cầu cảng đón các thủy thủ của tàu Quang Trung. Hiện nay, ở thành phố Vladivostok có khoảng 1000 và cả vùng Viễn Đông có khoảng 2000 người Việt sinh sống, học tập. Rõ ràng họ đã và đang góp phần quan trọng là nhịp cầu kết nối vùng đất này với các địa phương của Việt Nam.
Hợp tác giáo dục đào tạo cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng cần được khai thác mạnh hơn trong thời gian tới. Hiện tại, có gần 80 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) và trường Đại học Hàng hải. Trong lần đầu tiên, tôi đã đến thăm FEFU trò chuyện với bà Viktoria Panova – Phó Hiệu trưởng FEFU, thăm các giảng đường, các phòng họp và rất ấn tượng về kiến trúc hiện đại, bề thế với khuôn viên rất rộng đến 80 ha và theo kế hoạch sẽ phát triển gấp 3 lần diện tích hiện nay. Ngôi trường này với cơ sở vật chất hiện đại được xây dựng để tổ chức APEC vào năm 2012 và sau này, từ năm 2015 là nơi tổ chức EEF. FEFU cũng là một trong những sơ sở đào tạo tiếng Việt và Việt Nam học lớn nhất, uy tín lớn của Nga.
Vladivostok cũng là nơi lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước có tàu hải quân Việt Nam chiến hạm Quang Trung 016 ghé thăm nhân kỷ niệm 323 năm ngày Hải quân Nga. Điều này cũng nhắc chúng ta về sự hợp tác rất hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước, là một trong những trụ cột hàng đầu của sự hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga. Rõ ràng, trong chính sách đối ngoại của Nga, Việt Nam có vị trí đặc biệt, là đối tác chiến lược duy nhất của Nga ở Đông Nam Á, có bề dày quan hệ được thử thách qua thời gian. Theo chiều ngược lại, Việt Nam mong muốn phát huy vai trò, ảnh hưởng của Nga ở khu vực, tăng cường hợp tác kinh tế, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương. Cũng tại EEF-2019 lần này, Nga và Ấn Độ đã nhất trí phát triển con đường trên biển qua Biển Đông kết nối Vladivostok với Chennai và với khu vực Đông Bắc Á. Điều này càng củng cố vị trí chiến lược quan trọng của vùng Viễn Đông Nga trở thành điểm mấu chốt trong kết nối với các khu vực địa lý cả trên lục địa và biển. Để tăng cường giao lưu thương mại, chúng ta cần nỗ lực để bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, nhất là ở khu vực Biển Đông - là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới - và mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Ở Vladivostok trong một thời gian ngắn chưa thể biết được hết mọi chuyện, nhưng suy ngẫm về những điều đã qua và trực tiếp chứng kiến những gì đang xảy ra, tôi có niềm tin sâu sắc rằng, trong tổng thể quan hệ Việt Nam – LB Nga, ở khu vực Viễn Đông, thành phố Vladivostok có đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai đất nước. Từ Vladivostok, cảm nhận về các yếu tố này lại càng rõ ràng hơn, thôi thúc chúng ta nắm bắt các cơ hội, khai thác tốt những tiềm năng to lớn của vùng đất này vì tương lai tươi sáng của nhân dân hai nước Việt Nam – LB Nga.
TS Ngô Đức Mạnh,
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại LB Nga