Ngày nay, những người Nga trẻ tuổi biết rằng Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á, với những bãi biển xinh đẹp và khách sạn tiện nghi cho mọi sở thích và mọi túi tiền, với những món ăn ngon và mua sắmnhà văn Việt Nam rẻ, nơi mà họ có thể đến để nghỉ ngơi và du lịch.
Tuy nhiên, người Nga hiện đại khó có thể tìm hiểu về cuộc sống của người dân Việt Nam. Có thể làm điều này một cách tốt nhất qua việc đọc các tác phẩm văn học. Nhưng, nếu như thời Liên Xô có hàng trăm tiểu thuyết và truyện vừa, truyện ngắn và thơ của các nhà văn Việt Nam được dịch sang tiếng Nga, thì sau khi Liên Xô sụp đổ, trong khoảng 20 năm, văn học Việt Nam đã không hề được dịch sang tiếng Nga. Cho đến năm 2012, cuốn sách tiếng Việt đầu tiên bằng tiếng Nga mới xuất hiện sau một thời gian dài gián đoạn, đó là tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng. Sau đó, xuất hiện lẻ tẻ các tác phẩm được dịch ra tiếng Nga như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tập thơ “Đôi cánh” của Mai Văn Phấn, tập truyện ngắn “Ngải đắng mọc trên núi” của nhiều tác giả.
Năm ngoái, lần đầu tiên sau 30 năm, truyện ngắn “Ông cá hô” của Lê Văn Thảo” và “Xóm sở Mỹ” của Nguyễn Thu Trân được đăng trên tạp chí “Văn học nước ngoài” của Nga.
Và đây, trong năm 2019 này, một cuốn sách Việt Nam khác được xuất bản bằng tiếng Nga - tập truyện ngắn «Колокольный звон над рекой» (Tiếng chuông trôi trên sông) của hai mươi nhà văn đương đại Việt Nam.
Cuốn sách được Nhà xuất bản “Hội Nhà văn Việt Nam” in tại Hà Nội, bìa rất đẹp, mỗi tác phẩm được bắt đầu bằng chân dung và lời giới thiệu trang trọng và ngắn gọn về tên tuổi sự nghiệp của tác giả. Tất cả các truyện ngắn được dịch bởi Igor Britov - nhà báo kiêm cán bộ giảng dạy đại học Nga. Cuốn sách gồm những câu chuyện được viết vào những năm 90 của thế kỷ trước và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Trong tập có tác phẩm của những người thuộc thế hệ tiền bối như Tô Hoài, Lê Văn Thảo, Đỗ Chu - những người được gọi là “nhà văn kinh điển", và các tác giả trẻ hơn.
“Đây là cuốn sách về cuộc sống và con người. Những câu chuyện được chọn dịch vẽ nên bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của xã hội Việt Nam đương đại. Tôi đặc biệt muốn làm nổi bật ba chủ đề được phản ánh rõ ràng trong các tác phẩm được giới thiệu. Thứ nhất, đó là chủ đề về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống những kẻ xâm lược Mỹ. Những câu chuyện cho độc giả biết được ngày nay người Việt Nam nhìn nhận khoảng thời gian khắc nghiệt và bi thảm như thế nào, dư âm cuộc chiến đó vang vọng trong cuộc sống hiện nay của người Việt Nam ra sao.
Nếu trong những năm chiến tranh, nhiệm vụ chính của các nhà văn Việt Nam là nâng cao tinh thần của cả dân tộc, thì ngày nay họ cố gắng tìm hiểu cuộc chiến ảnh hưởng đến đời sống mỗi cá nhân như làm thế nào. Chủ đề thứ hai là thế hệ cũ Việt Nam. Cuộc sống của họ ngày hôm nay dễ dàng hay khó khăn? Điều gì khiến họ hài lòng hoặc ưu phiền? Có vấn đề “cha và con” như ở Nga hay không? Giải đáp cho những câu hỏi này có thể được tìm thấy trong tập truyện, cho dù câu trả lời không phải lúc nào cũng trực tiếp, chính xác và dễ hiểu. Và chủ đề cuối cùng là cuộc sống của người Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là ở Nga.” - người dịch viết trong lời nói đầu.
Nhưng, nhìn chung, mỗi truyện ngắn trong cuốn sách đều là câu chuyện về tình yêu. Phần lớn, trung tâm chú ý là hình ảnh của người phụ nữ, mạnh mẽ và dịu dàng, khôn ngoan và kiên nhẫn, sẵn sàng cho đi tất cả vì hạnh phúc của những người thân yêu. Có thể thấy các nhà văn biết rõ người phụ nữ Việt Nam suy nghĩ những gì và cảm nhận cuộc sống như thế nào - gần một nửa tác giả cuốn sách là nhà văn nữ.
Chúng tôi rất vui mừng vì dịch giả Igor Britov và chủ biên-cố vấn biên tập cuốn sách Nguyễn Thị Kim Hiền là đồng nghiệp của chúng tôi. Igor Britov từng làm việc hơn 30 năm tại đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” (đã đổi tên thành đài Sputnik của Hãng truyền thông quốc tế “Nước Nga ngày nay”). Hiện nay, chị Nguyễn Thị Kim Hiền vẫn đang làm việc với chúng tôi. Còn anh Igor Britov hiện dạy tiếng Việt tại các trường đại học ở Moskva, đã viết cuốn sách về lý thuyết dịch tiếng Việt và là người tích cực quảng bá văn học Việt Nam tại Nga. Vấn đề này vấp phải rất nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu người dịch tiếng Việt sang tiếng Nga và thiếu điều kiện vật chất để xuất bản sách. Do đó, dịch giả Igor Britov cho rằng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Việt Nam:
“Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ các cơ hội kinh tế của mình, điều này đưa ra lý do để tin tưởng rằng việc thúc đẩy quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới sẽ được mở rộng. Đây là sự đầu tư không bao giờ phải sợ lỗ”.
Năm chéo văn hóa Nga Việt mang đến cho tất cả những ai quan tâm đến đất nước Đông Nam Á xinh đẹp này món quà tuyệt vời – tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam đương đại «Колокольный звон над рекой» (Tiếng chuông trôi trên sông). Chúng tôi hy vọng rằng thư viện văn học Việt Nam bằng tiếng Nga sẽ tiếp tục được bổ sung thêm các tác phẩm mới thú vị.