Yêu cầu Panorama Mã Pí Lèng tạm dừng hoạt động
Ngày 14.10, đại diện Văn phòng UBND huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) thông tin cho biết, các ban ngành địa phương đã yêu cầu bà Vũ Thị Ánh, chủ đầu tư công trình sai phạm nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh tại cơ sở này.
Theo Chánh văn phòng UBND huyện Mèo Vạc, bà Vũ Thị Ánh có thái độ hợp tác và nghiêm túc thực hiện yêu cầu. Tấm biển thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh đã được nhà hàng treo lên với dòng chữ “Panorama Mã Pí Lèng tạm dừng hoạt động”.
Nhân viên của nhà hàng chia sẻ với báo giới cho biết:
“Cái này do có lệnh của cô chủ thì mình làm thôi”.
Tuy nhiên, được biết, khách du lịch vẫn có thể ghé vào Panorama Mã Pí Lèng dừng chân, ngắm cảnh và chụp ảnh hẻm Tu Sản.
Ông Trần Thạch Hằng cho hay, đây mới chỉ là yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh chứ không phải là đình chỉ hoạt động, bởi công trình này chưa được huyện và chính quyền cấp phép kinh doanh.
Về vấn đề vì sao huyện Mèo Vạc lại đưa ra yêu cầu tạm dừng hoạt động với nhà hàng, nhà nghỉ vào thời điểm này, ông Thạch Hằng phát biểu với Tuổi trẻ cho biết: “UBND huyện Mèo Vạc đã có buổi kiểm tra sáng nay và nhận thấy rằng tốt nhất là tạm dừng hoạt động công trình này trong khi chờ chỉ đạo xử lý của cấp trên”.
Chánh Văn phòng UBND huyện Mèo Vạc khẳng định, hiện UBND tỉnh Hà Giang vẫn chưa có chỉ đạo xử lý mới nào liên quan công trình sai phạm này.
Tuy nhiên, về phương án xử lý với công trình Mã Pí Lèng Panorama mà Sở Xây dựng Hà Giang mới đề xuất UBND tỉnh Hà Giang là phá dỡ 6 tầng giật cấp theo sườn đèo xuống phía sông Nho Quế, cải tạo phần còn lại làm điểm dừng chân ngắm cảnh, ông Hằng “xin phép không có ý kiến bình luận”.
Chủ đầu tư Mã Pì Lèng Panorama nói gì khi bị đề xuất đập bỏ 6 tầng?
Ngày 11.10, dù đã có đề xuất đập bỏ 6 tầng giật cấp bám sát sườn đèo của Sở Xây dựng Hà Giang, chủ công trình Mã Pí Lèng Panorama đã cho thợ phủ sơn màu xanh lá lên các bức tường.
Cụ thể, sau cuộc họp của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 8.10 vừa qua giữa các sở, ngành của Hà Giang gồm: Sở Xây dựng, Sở Văn Hóa- Thể Thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường và lãnh đạo huyện Mèo Vạc, đoàn xác định, công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama ở danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng, được xây dựng ngoài mốc danh thắng, có kết cấu bê-tông, cốt thép kết hợp các sàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.
Qua kiểm tra, làm việc, các cơ quan liên ngành của tỉnh Hà Giang đề xuất kiến nghị với UBND tỉnh Hà Giang nên cải tạo, chỉnh trang hai đơn nguyên (tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) của nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama để phục vụ việc dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh của du khách tại đây.
Cơ quan chức năng đề xuất tháo dỡ các đơn nguyên còn lại, sau đó cải tạo đất và trồng cây xanh. Việc tháo dỡ yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành trước ngày 15.11 tới.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Ánh, chủ đầu tư công trình khẳng định, bà không đồng tình với đề xuất của Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang về việc phá dỡ một phần công trình.
Chia sẻ với báo giới bà Ánh nhấn mạnh: “Công trình được thiết kế liền một khối và liên kết chặt chẽ với nhau, vì vậy nếu phá dỡ thì sẽ ảnh hưởng đến phần kết cấu còn lại”.
Bà Ánh cho biết sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để phủ toàn bộ màu xanh lên toàn bộ tổ hợp để biến nó thành “công trình hoang sơ”.
“Thay vì phải tháo dỡ, sắp tới tôi sẽ có kiến nghị phủ xanh toàn bộ, biến nó thành công trình hoang sơ”, chủ đầu tư khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, việc xây dựng công trình Panorama là không đúng vì đất đai chưa chuyển đổi mục đích, các thủ tục còn thiếu. Đoàn liên ngành đề xuất UBND tỉnh giữ lại phần nhà nằm sát mặt đường, cải tạo để bảo đảm thân thiện với môi trường, còn toàn bộ phần công trình phía sau sẽ bỏ hết. Phần giữ lại sẽ đúng tính chất là điểm dừng chân như khuyến nghị của chuyên gia UNESCO.
Vụ công trình bê-tông mọc trên đèo Mã Pì Lèng: Ai phải chịu trách nhiệm?
Việc để công trình cả 7 tầng bê-tông, cốt thép không giấy phép mọc lên ôm lấy đèo Mã Pí Lèng, chia sẻ với Zing, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn nhận xét, việc công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ cho thấy Luật Di sản văn hóa có “kẽ hở”.
“Nơi này dứt khoát phải nằm trong vùng bảo vệ. Đây là địa điểm đẹp nhìn ra di sản và từ di sản cũng nhìn thấy. Việc công trình này nằm ngoài vùng bảo vệ, nếu dựa theo luật thì luật có khiếm khuyết lớn, nếu không đúng theo luật là sai lầm của người đánh giá vùng II”, KTS Sơn cho biết.
Vị kiến trúc sư còn phân tích về 4 tầng trách nhiệm khi để một công trình khủng như thế được xây dựng không phép suốt thời gian qua, ông cho rằng trách nhiệm của chủ đầu tư là xây dựng không phép. Huyện Mèo Vạc có trách nhiệm là không dừng công trình đúng thời điểm. sVới tỉnh Hà Giang, KTS Nam Sơn đặt câu hỏi liệu tỉnh này đã có quy hoạch chi tiết khu vực để bảo tồn hiệu quả hay chưa. Ông cho rằng Hà Giang có thể đang đặt ra đề bài mâu thuẫn là vừa bảo tồn khu vực đèo Mã Pí Lèng vừa khuyến khích đầu tư.
“Trách nhiệm lớn hơn là của tỉnh. Khu vực di sản phải có quy hoạch. Khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách, bảo tồn chỗ nào, đầu tư chỗ nào phải có quy hoạch. Nhu cầu xây khách sạn, nhà hàng là có. Người dân không biết thông tin quy hoạch nên làm bậy”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét.
Trách nhiệm cuối cùng theo ông Sơn chính là ở “cấp Bộ” khi để Luật Di sản văn hóa có kẽ hở. Theo vị chuyên gia, công trình 7 tầng ở Mã Pí Lèng được giới chuyên gia đồng thuận đều xâm phạm danh thắng nhưng không chịu sự điều chỉnh của pháp luật bảo vệ di sản mà chỉ vi phạm pháp luật xây dựng.
“Trường hợp phá hoại di sản không chỉ ở đây, còn ở Đà Lạt, Nha Trang. Bản thân luật phải bảo vệ được di sản. Luật Di sản cần được gấp rút điều chỉnh”, KTS Nam Sơn khẳng định.
KTS Nam Sơn cũng khuyến nghị, các bộ, ngành cần quan tâm giải quyết câu chuyện này vì đây là vấn đề quan trọng của quốc gia. Theo ông, Bộ VHTTDL có thể phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ khác hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ di sản.
“Chuyện này cũng là cái may, mới manh nha, nếu dừng được sẽ cứu được di sản này. Điều quan trọng hơn là nhấn mạnh yếu kém của Luật Di sản để điều chỉnh, cứu hàng nghìn di sản trên toàn quốc”, KTS Nam Sơn nhấn mạnh.
Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Mã Pí Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, cùng với Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.