Lời khai mâu thuẫn từ các bị cáo trong vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang
Sáng nay ngày 16.10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục phiên tòa xét xử 5 bị cáo có dính líu đến vụ gian lận thi cử, nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra trên địa bàn địa phương.
4 trong số 5 bị cáo từng công tác tại Sở GD&ĐT Hà Giang, bao gồm 2 cựu Phó giám đốc Sở là bà Triệu Thị Chính và ông Phạm Văn Khuông, cựu Trưởng phòng Khảo thí Nguyễn Thanh Hoài và cựu Phó phòng Khảo thí Vũ Trọng Lương.
Trong ngày làm việc thứ 3, HĐXX đã xét hỏi ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, là người đại diện cơ quan này được cử đến tham dự phiên tòa với tư cách đơn vị liên quan.
Khi được yêu cầu đánh giá lời khai của các bị cáo, ông Bình cho rằng nhìn từ góc độ chuyên môn và quy trình làm việc, các bị cáo đã trình bày chính xác, thông nhất.
Về hành vi phạm tội, ông Bình nhận định cả 5 bị cáo có lời khai mâu thuẫn với nhau nên ông không đánh giá được hành vi cụ thể của từng bị cáo.
Nhận xét về vụ bê bối gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho rằng họ nhận thức vụ việc xảy ra là sự cố ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành. Ông cho rằng cảm thấy tiếc cho các bị cáo khi tất cả đều công tác lâu năm và có nhiều cống hiến cho hoạt động chung của nền giáo dục tỉnh nhà.
Trình bày nguyện vọng gửi HĐXX, ông Bình cho biết Sở GD&ĐT Hà Giang hy vọng khi tòa lượng hình, ngoài đảm bảo sự công minh của pháp luật thì cũng tính đến sự đóng góp của bị cáo.
Đại diện cơ quan này kiến nghị HĐXX ra bản án đúng luật nhưng tạo cơ hội cho các bị cáo khắc phục sai lầm, có cơ hội làm lại cuộc đời.
Lời khai của nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang
Một nửa thời gian xét hỏi ngày hôm nay đã được HĐXX dành để thẩm vấn ông Vũ Văn Sử, nguyên giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
Trước đó, ngày 18/6, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Sử.
Đến tòa với tư cách người làm chứng, ông Sử thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc Sở).
Trong đó, một nữ thí sinh có bố vừa mất trước hôm thi đầu tiên nên ông Sử đã nhắn gửi bà Chính để ý xem xét, “nếu đỗ thì tốt, nếu không thì ta nên đưa vào danh sách xét đặc cách”.
Với hai thí sinh còn lại, ông Sử khai đã nhận thông tin rồi chuyển cho bà Chính với lời nhắn “xem hộ nhé”, ngoài ra không còn gì thêm.
“Vậy ông phát hiện sai phạm gì trong kỳ thi năm 2018 và đã xử lý ra sao?”, Zing trích lời chủ tọa đặt câu hỏi.
Trả lời truy vấn của thẩm phán, nguyên Giám đốc Sở trình bày sau khi phát hiện một trong 2 ổ khóa phòng nơi chứa bài thi đã bị mở, ông lập tức nhờ người đi tìm Nguyễn Thanh Hoài nhưng không được.
Sau đó, xem lại camera an ninh, ông Sử phát hiện Vũ Trọng Lương đã giật tờ niêm phong và mở ổ khóa, bê cây máy tính ra ngoài.
“Tôi thấy sự việc nghiêm trọng nên không ăn nổi cơm, tôi đi tìm Lương nhưng cũng không thấy”, ông Sử nói và cho biết, đêm hôm đó, ông đã dùng cả thuốc an thần nhưng vẫn không ngủ được.
Hôm sau, tại cuộc hợp ở Sở GD&ĐT, bị cáo Vũ Trọng Lương ban đầu không thừa nhận vi phạm. Tuy nhiên, sau khi được đích thân ông Sử đưa quy chế thi, Lương mới thừa nhận đã vận chuyển các tài liệu thi ra khỏi phòng bảo mật mà chưa được sự cho phép của Hội đồng thi.
HĐXX sau đó đề nghị ông Vũ Văn Sử tự đăt mình trên cương vị người giữ vai trò cao nhất ngành giáo dục Hà Giang vào thời điểm xảy ra vụ án và tự xem xét trách nhiệm bản thân.
“Dư luận rất quan tâm việc chống tiêu cực nhưng trong kỳ thi lại có biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ. Ông nghĩ gì”, chủ tọa hỏi.
Ông Vũ Văn Sử phát biểu nêu yếu tố khó nhất chính là con người. Trên cương vị người từng đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Hà Giang nhấn mạnh ông không bao giờ có thể ngờ đến ở địa phương mình lại xảy ra vụ việc chấn động nâng điểm thi như vậy.
Vụ án ở Hà Giang lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử thi cử nước nhà, vị cựu lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này nói nếu dùng từ “choáng” hay “sốc” đều không đủ để phản ánh hết.
“Ông đã nói với cấp dưới “quan tâm đến một số con em cán bộ lãnh đạo Hà Giang? Là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, liệu đây có phải là mở lối cho tội phạm tiêu cực?”, chủ tọa đặt câu hỏi.
Ông Vũ Văn Sử cho biết bản thân nghĩ không phải như vậy. Nhân chứng phản biện rằng đó chỉ là những câu nói trong câu chuyện hàng ngày khi ông ngồi uống nước với cấp dưới. “Nói xong tôi cũng quên câu chuyện đó ngay. Câu chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp có ít người thôi”, vị giám đốc về hưu trần tình.
Gian lận điểm thi ở Sơn La: 1 tỉ để cảm ơn vì giúp nâng điểm
Trong phiên tòa xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La cũng trong sáng nay 16.10, một số bị cáo khai, việc sửa, nâng điểm bài thi là vi phạm, song một phần do nể nang vì mối quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp và người thân. Có bị cáo thừa nhận, thời điểm sau công bố điểm thi, các gia đình thí sinh cảm ơn bằng tiền là ngoài sự mong đợi.
Đặc biệt, bị cáo Lò Văn Huynh, cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, khai nhận tối ngày 30-6-2018, bị cáo cùng Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, tỉnh Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, đã sửa bài thi tại nhà. Ông Huynh nhận được điện thoại của Nguyễn Minh Khoa, cựu Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) nhờ nâng điểm cho thí sinh.
“Lúc đầu anh Khoa gọi điện nhờ và sau đó anh Khoa còn nhắn tin. Chiếc điện thoại này sau đó đã bị công an thu giữ”, - ông Huynh khai.
Bị cáo cho biết đã quen biết và chơi vơi sông Khoa từ lâu. Do đó khi được ông Khoa đề nghị, bị cáo đã nhận lời giúp đỡ.
Cáo trạng nêu rõ, tại cơ quan điều tra, bị cáo Lò Văn Huynh đã nhận của Nguyễn Minh Khoa 1 tỷ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho 2 thí sinh. Lò Văn Huynh và người nhà đã tự nguyện giao nộp số tiền này cho cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La. Bên cạnh đó, Huynh cũng khai nhận của bà Lò Thị Trường 300 triệu đồng để giúp sửa nâng điểm cho thí sinh và Huynh đã trả lại số tiền này.
Tuy nhiên, cả ông Nguyễn Minh Khoa và bà Lò Thị Trường đều không thừa nhận được thỏa thuận và đưa tiền cho Huynh. Ngoài lời khai của Huynh, số tiền đã nộp Cơ quan điều tra, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Huynh về Tội nhận hối lộ; và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội: Tội đưa hối lộ và Tội môi giới hôi lộ. Số tiền Huynh cùng các bị cáo nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có.
Trong phiên tòa, Huynh khai sau khi có kết quả điểm thi, ông Khoa đã đến nhà bị cáo và khi ra về số tiền đã nằm ở đó. Khi đó, bị cáo nghĩ số tiền này là ông Khoa cảm ơn vì đã giúp nâng điểm cho 2 thí sinh.
“Đây có phải số tiền Khoa đưa cho bị cáo không?”, HĐXX truy.
“Bị cáo nghĩ như vậy bởi ông Khoa đến nhà và về thì số tiền đã ở đó”, bị cáo Lò Văn Huynh đáp lời.
“Sau khi bị công an khởi tố, bị cáo đã nhờ một người em cậu tên Sơn trả lại cho ông Khoa. Tuy nhiên không được bởi Sơn không biết ông Khoa từ trước”- bị cáo Huynh nói.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, người này khai được cấp trên là Trần Xuân Yến, khi đó là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nâng điểm vì trong kỳ thi có nhiều con em cán bộ trong Sở tham dự và người quen của sếp (ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).
Bị cáo Nga khai mình là người chuẩn bị in đáp án các môn thi, chuẩn bị tẩy, bút chì sau đó cùng nhóm gồm Sọn, Huynh, Thủy rút bài thi theo danh sách các thí sinh được nhờ sửa. Việc nâng điểm được các bị cáo thực hiện như sau: Đối chiếu đáp án để sửa từng câu và tẩy toàn bộ ô tròn phần trả lời rồi tô lại phần trả lời theo đáp án đúng. Sửa đáp án xong, các bị cáo mới niêm phong nhưng ghi lùi ngày lại để hợp thức hóa.
Tại tòa, bị cáo Nga khai, trong vụ án này, bản thân nhận hơn 1 tỷ đồng cảm ơn khi nâng điểm cho 4 thí sinh, cụ thể 230 triệu đồng/1 trường hợp cần nâng lên 24 điểm và 350 triệu đồng với 1 trường hợp được nâng lên 27 điểm.
Nguyễn Thị Hồng Nga thừa nhận, việc sửa điểm là sai xong cũng nghĩ đến do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên làm.
Bị cáo Đặng Hữu Thủy khai trong bản cáo trạng rằng, bản thân đã nhận của bà Nguyễn Thị Kim, 150 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Mai Hà 150 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Xuyên 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho các thí sinh: Đinh Văn Quang, Phạm Sơn Toàn, Võ Hoàng Long, Lê Trung Hiếu.
Ông Trần Xuân Yến là bị cáo được xét hỏi cuối cùng trong buổi sáng nay, vẫn quanh co chối tội trước câu hỏi của chủ tọa về việc chuyển danh sách của 13 thí sinh để nhờ Nga xem điểm lại thành nâng điểm. Các thí sinh này là những trường hợp của ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở và một số cán bộ trong Sở đưa và một trường hợp là cháu ông Yến. Tuy nhiên chỉ là nhờ xem điểm cho những thí sinh này, không nói với Nga trong danh sách này là của người này, người kia đưa.
Trước câu hỏi của tòa về việc, vì sao trong thông tin của thí sinh, ngoài thông tin về họ tên, số báo danh, điểm thi còn ghi dòng điểm do thí sinh tự chấm và các thông tin này tại sao lại chuyển trước ngày 11.7- là thời điểm Bộ Giáo dục công bố điểm thi, ông Yến khai chỉ nhằm mục đích để thí sinh đó so sánh điểm tự chấm với điểm đạt được.