Hay những khi có đoàn nghệ sĩ từ CHXHCN Việt Nam sang Nga trình diễn theo lời mời của cộng đồng người Việt, rồi các buổi hội diễn văn nghệ của sinh viên Việt Nam đang học tập ở nhiều thành phố khắp LB Nga… Thế nhưng loại nhạc như khán thính giả được thưởng thức trong Trung tâm văn hóa của Cục phục vụ Ngoại giao đoàn Matxcơva hôm 24 tháng 10 thì phải nói là chưa từng được nghe bao giờ.
Trên sân khấu bài trí đơn giản, nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng của Việt Nam Trần Mạnh Tuấn biểu diễn trong sự phụ hoạ của guitar bass và bộ gõ, còn đối tác của anh là một trong những nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất của Nga, người sở hữu ngón chơi guitar điện tử rất riêng, là nhà soạn nhạc jazz kiêm MC dẫn chương trình radio Dmitry Maloletov.
Nổi danh như một nhạc sĩ, bậc thầy hoà âm và là nhà sản xuất âm nhạc, Trần Mạnh Tuấn là một trong những nhạc công chơi saxophone đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được đề cử 5 lần tại giải Cống hiến. Trần Mạnh Tuấn xứng đáng được coi là một nhạc sĩ đẳng cấp thế giới. Tiểu sử cho biết rằng anh lớn lên trong chiếc nôi âm nhạc từ những ngày đầu đời, bởi xuất thân trong gia đình có truyền thống âm nhạc với cha, mẹ và chị gái đều là nghệ sĩ hát cải lương. Nhưng anh đã chọn cho mình một con đường khác và 40 năm qua, Trần Mạnh Tuấn không rời cây kèn saxophone.
Dường như thứ nhạc cụ nhỏ nhắn màu sáng lấp lánh này là sự tiếp nối giúp thăng hoa tiếng nói của tâm hồn anh. Là sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp ngành âm nhạc đương đại uy tín nhất thế giới tại Berklee College of Music ở Boston (Hoa Kỳ) tất nhiên Trần Mạnh Tuấn đã chơi kèn và hát tuyệt hay khúc nhạc jazz cổ điển mà anh từng trình diễn, tặng cho cho khán giả ở Nga những bản hit nổi tiếng như «Summer time». Nhưng đó chưa hẳn là điểm nổi bật nhất của dạ tiệc âm nhạc trong một chiều thu Matxcơva.
Mà ấn tượng nhất, nổi bật nhất là trước mắt khán giả đã hiện sinh một phép màu đối thoại-hội nhập âm nhạc, khi các đại diện của hai thế giới khác nhau – Á châu và Slavơ - cùng trình tấu nhạc phẩm Việt và Nga trong hoà âm jazz.
Thật kinh ngạc khi nhạc sĩ Nga Dmitry Maloletov cảm nhận và truyền tải được những luyến láy tinh tế trong giai điệu bài dân ca Việt Nam nổi tiếng «Qua cầu gió bay», còn nhạc sĩ Việt Nam Trần Mạnh Tuấn đã tan chảy và nóng bỏng theo đúng nghĩa đen trong khúc ca Nga-Gypsy say đắm «Mắt huyền». Các nghệ sĩ phấn khích hứng khởi tạo ra thứ âm nhạc này, còn khán giả đơn giản là tắm mình trong suối giai điệu với những đoạn tuyệt vời của guitar, lời độc thoại da diết và say mê của saxophone, sự hợp nhất âm thanh của hai nhạc cụ này trong chung cuộc bão táp của nhạc phẩm. Những tràng pháo tay và tiếng hô «Bravo!» không ngớt vang là phần thưởng cho mỗi tiết mục.
«Chúng tôi rất thích chơi nhạc cùng với người như Trần Mạnh Tuấn, - anh Dmitry Maloletov nói với Sputnik. - Ý tưởng đề án này là của vị lãnh đạo Trung tâm ASEAN thuộc MGIMO, ông Viktor Sumsky, người kết thân với tôi suốt thời gian dài, nhờ đó tôi có thể giới thiệu các sáng tác của mình ở Malaysia và Indonesia. Năm 2012, ông Viktor Sumsky đã nghe Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, đem lòng cảm mến âm nhạc của anh ấy và có ước ao cháy bỏng là mời anh ấy sang Nga. Và thế là năm nay, trong năm giao lưu chéo «Năm Nga ở Việt Nam» và «Năm Việt Nam ở Nga», sau sáu tháng kết nối tích cực của các nhà ngoại giao hai nước, ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Tôi đã từng nghe nhạc của Tuấn trên đĩa và trên Internet, thậm chí tôi đã viết một vở nhạc kịch dưới ảnh hưởng sáng tạo của anh ấy, nhưng tôi chỉ trực tiếp gặp được Tuấn khi anh bay đến Nga và chúng tôi có vẻn vẹn chỉ một buổi tập độc nhất trước khi lên sàn diễn. Nhưng, tôi cảm thấy rằng chúng tôi thấu hiểu nhau khi chơi nhạc và khán giả cũng nhận thấy điều đó».
Đúng vậy, các khán giả mà trong số đó có nhiều người trẻ tuổi, đã rất hoan hỉ. «Thật thú vị lạ thường khi dõi theo bản nhạc có vẻ ngẫu hứng này, thấy được những giai điệu dân tộc rất riêng hoà quyện trong một tổng thể jazz hiện đại. Thứ nhạc này tràn ngập tâm hồn tôi, sôi chảy trong tôi, khiến tôi muốn khiêu vũ, muốn cười lên và hát lên», - một khán giả trẻ là cô Elizaveta, nhạc sĩ và nhà báo tương lai hào hứng chia sẻ cảm xúc.
Nữ giảng viên môn Tiếng Việt của MGIMO, chị Svetlana Glazunova, người đã đưa các sinh viên năm I đến dự buổi hòa nhạc này thì lưu ý:
«Rất tuyệt vời là các bạn trẻ của tôi ở ngay đoạn đầu con đường nghề nghiệp đã được nghe nhạc của đất nước Việt Nam mới – hôm nay các sinh viên của tôi đã được thấy một thế giới âm nhạc của tâm hồn Việt Nam cởi mở, chân thành, tràn đầy năng lượng tươi tắn và tài năng kiệt xuất».
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng hài lòng với cuộc trình tấu.
«Tôi rất hạnh phúc khi được biểu diễn ở Nga, xứ sở này luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi, - nghệ sĩ nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. - Dmitry Maloletov là nhạc sĩ rất tài năng, và chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều từ nhau. Tôi rất muốn tham gia các lễ hội ở Nga và các dự án cùng với các bạn nhạc sĩ Nga. Hy vọng sẽ có dịp như vậy».
Rất hy vọng sẽ có cơ duyên được nghe lần nữa tiếng saxophone vàng của Trần Mạnh Tuấn trên đất Nga. Còn sắp tới, từ ngày 8 đến 12 tháng 11, những buổi biểu diễn chung của anh và Dmitry Maloletov trong khuôn khổ đề án văn hóa «Nga-ASEAN» sẽ phục vụ những người yêu thích âm nhạc đương đại tại TP Hồ Chí Minh.
Và nói thật là chúng tôi ghen tị với họ đấy!