Không để tái diễn thảm kịch 39 người Việt tử vong ở Anh
Mở đầu phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi kỳ họp Quốc hội là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như hoạt động quản lý chỉ đạo, điều hành và rút ra bài học kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời cũng là dịp nhận rõ hơn những hạn chế, yếu kém; những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết để tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về những khó khăn, thách thức không hề nhỏ trước mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhắc đến lịch sử chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ, Thủ tướng nhắn nhủ phải luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.
“Thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế, mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng bảy tỏ sự quan tâm giám sát, đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ và thành viên Chính phủ đồng thời khẳng định, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước không phải là rừng vàng biển bạc, mà chính là tiềm năng con người với gần 100 triệu dân và cả toàn bộ hệ thống chính trị.
Thủ tướng một lần nữa bày tỏ chia sẻ, tiếc thương về vụ việc 39 công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch xảy ra tại Anh, đồng thời chia buồn với gia quyến nạn nhân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh “không được để thảm kịch đó tái diễn”.
“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị như Bác Hồ kính yêu từng dạy:
“Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, VOV trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nói về các phiên chất vấn vừa qua, Thủ tướng cho rằng, các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Thủ tướng cũng thông báo, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và kết quả có thể sẽ còn cao hơn nữa.
Thủ tướng trả lời những vấn đề quan trọng của Việt Nam
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; Không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng cho biết, tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Việc triển khai Nghị quyết về phát triển đồng bằng bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng.
Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới năng lực quản trị của doanh nghiệp Nhà nước. Đối với các dự án và doanh nghiệp thua lỗ thất thoát lớn, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ; giảm thiểu thiệt hại Nhà nước và xử lý nghiêm các vi phạm.
Bàn vấn đề nước sạch, trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập đến việc điện khí hóa lỏng, Thủ tướng cho biết, sẽ có quy hoạch cụ thể để đảm bảo giữa cung và cầu, kể cả nguồn lưới điện Quy hoạch phát triển điện khí Việt Nam phải đảm bảo cạnh tranh, bảo đảm lợi ích quốc gia, của dân tộc.
Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó ban Thường trực phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng đã quy định.
“Đã giao nhiệm vụ, đôn đốc, nhắc nhở rất nhiều chứ không phải để nước đến chân mới nhảy”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư; tiếp tục bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu về công tác đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh:
“Trong năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Để hoàn thành trọng trách quốc tế lớn này rất cần sự tham gia hợp tác cùng hành động của hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là các vị Đại biểu Quốc hội”, Thủ tướng nói.
Biển Đông: Kiên quyết không nhân nhượng vấn đề chủ quyền
“Chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta”.
“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng lý giải việc tính toán lại GDP và hỗ trợ kinh tế tư nhân
Phát biểu về vấn đề GDP của người Việt Nam đã tăng lên tới 3000 USD/ năm gây tranh luận thời gian vừa qua, trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định tính toán lại GDP là điều cần thiết và đó cũng là thông lệ quốc tế bình thường.
Theo Thủ tướng: “Việc đánh giá lại GDP giúp quan sát những khu vực kinh tế mà trước kia bỏ sót. Điển hình như 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa tính vào GDP, ngoài ra còn lượng lớn hộ kinh doanh cá thể. Trong khi các nước việc mua một con ốc vít, que tăm cũng có hóa đơn. Ở chúng ta, thậm chí mua xe máy, TV cũng không có hóa đơn, chứng từ, nên tính toán bỏ sót và thất thu thuế là rất lớn. Nhiều khu vực kinh tế ngầm chưa được tính toán”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nói.
“Phần lớn khách đến Việt Nam trái múi giờ. Cần thời cơ để phục vụ họ với hiểu biết về văn hoá ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết vấn đề lao động. Tôi mong các trung tâm kinh tế các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm”, Thủ tướng cho hay.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, nên ông đề nghị chú trọng công tác quản lý, tránh tiêu cực xảy ra.
“Hiện nay, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế ban đêm theo hướng tốt hơn, tổ chức đa dạng, phù hợp và quản lý tốt. Tránh những mặt tiêu cực có thể phát sinh”, lãnh đạo chính phủ nói.
Đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân, trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Đoàn Tây Ninh), Thủ tướng tái khẳng định đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Điều này cho thấy các bộ ngành, địa phương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân. Lực lượng này đóng góp 40% GDP của cả nước và có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.
“Họ (doanh nghiệp tư nhân) đã làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ. Nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy. Chúng ta không phân biệt kinh tế tư nhân, Nhà nước mà bình đẳng các nền kinh tế”, Thủ tướng bổ sung thêm.
Đề cập đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết, cần quán triệt và không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
“Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Văn hóa lai căng, biểu hiện suy đồi đạo đức, các vấn đề xã hội bức xúc
Các đại biểu Quốc hội nêu nhiều vấn đề xã hội bức xúc như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hành xử côn đồ; tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:
“Chúng ta đều biết, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế (mặc dù điều này rất quan trọng), mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh. Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và trách nhiệm xã hội của mỗi công dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về văn hóa mà Thủ tướng cho rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi. Như nhiều thách thức trong kinh tế thị trường trong phát triển văn hóa, chưa nền nếp trong hoạt động văn hóa, hay chưa thực hiện các cuộc vận động do cơ quan mặt trận, Đảng, Nhà nước phát động.
“Không được để nền văn hóa Việt Nam lờ nhờ, nghệch ngoạc, không để văn hóa lai căng. Đây là nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hóa cho xứng đáng với truyền thống 4.000 năm lịch sử”, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.