Nơi kết nối, giao thương, giới thiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt
Ngày 9/11, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Xuất khẩu (VEXA) thuộc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tập đoàn Safuan Group (Malaysia) và Công ty TNHH Beyond World tổ chức công bố Dự án Chợ Việt Nam (Vietnam Market) đầu tiên tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia).
Chủ sở hữu tòa nhà 24 tầng Safuan Plaza là Safuan Group, một tập đoàn tư nhân lớn của Malaysia. Thông qua sự hợp tác với Công ty Beyond World, Safuan Group dành 6 tầng thương mại trong Safuan Plaza để lập chợ Việt Nam. Với 200 gian hàng, đây sẽ là nơi dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng nông sản, thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, thời trang dệt may, mỹ phẩm, các ngành dịch vụ giới thiệu sản phẩm.
Ông Tansri Matshah Safuan, Chủ tịch tập đoàn Safuan Group cho biết:
“Vietnam Market tại Kuala Lumpur là trung tâm thương mại quy mô lớn đầu tiên cho sự hợp tác Việt Nam – Malaysia, được hình thành trên cơ sở nhu cầu có thực đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tại Malaysia. Đây cũng là cầu nối quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến Singapore, Thái Lan và các thị trường ASEAN khác”.
Theo ông Tansri Matshah Safuan, vị trí Safuan Plaza cách cảng Klang 46 km, cách sân bay quốc tế Kuala Lumpur 61 km, cách TPHCM Hồ Chí Minh 1 giờ 35 phút di chuyển bằng máy bay. Với cơ sở hạ tầng chuyên dụng cho trung tâm thương mại, được hỗ trợ pháp lý từ Tập đoàn Safuan Group, doanh nghiệp Việt Nam có thể thuận lợi vào đầu tư kinh doanh ở chợ Việt Nam tại Kuala Lumpur.
Công ty Beyond World là đơn vị chịu trách nhiệm dự án chợ Việt Nam và trực tiếp cho các doanh nghiệp thuê gian hàng tại đây. Bà Lương Huệ Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Beyond World, khẳng định mong muốn kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các dự án đầu tư quốc tế quy mô lớn và kết nối các nhà đầu tư quốc tế lớn với thị trường Việt Nam. Beyond World đang đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa và dịch vụ đến các nước trong Cộng đồng ASEAN, như một bước để đến với thị trường toàn cầu.
Môi trường kinh doanh ở Malaysia
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho hay Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Thái Lan và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong các nước ASEAN. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Malaysia và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Malaysia trong khối ASEAN, một trong những nước cung cấp gạo lớn nhất cho Malaysia.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 8,47 tỷ USD và nhập khẩu 4,77 tỷ USD. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Malaysia là: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh; gạo. Sáu tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 3,52 tỷ USD, nhập khẩu 1,95 tỷ USD, các sản phẩm xuất khẩu tăng mạnh là: máy móc thiết bị (tăng 66,3%); phương tiện vận tải (tăng 21,6%); thủy, hải sản (tăng 13,2%); giày dép (tăng 17,3%), dệt may (tăng 11,2%).
Nhận định về môi trường kinh doanh ở Malaysia, ông Phạm Quốc Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia cho rằng Malaysia thuận lợi trong kinh doanh do có nền kinh tế mạnh mẽ và ổn định, chính phủ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, chính sách thu hút đầu tư tốt, hạ tầng tốt, hệ thống ngân hàng mạnh và có chất lượng, môi trường thương mại rộng mở, nguồn nhân lực nói tiếng Anh tốt, chất lượng cuộc sống cao, có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt, Malaysia thuộc Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo ông Anh, Malaysia là đất nước Hồi giáo, vì vậy khi xuất khẩu hàng hóa đến Malaysia, doanh nghiệp cần lưu ý các sản phẩm như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, logistics phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal; chấp hành quy định về an toàn thực phẩm), quy định về dán nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cũng như tránh các sản phẩm mà đất nước này cấm nhập khẩu như tranh, ảnh, sách, thẻ, in thạch bản, khắc, phim, băng video, đĩa laser; tất cả các loài của cá Piranha, trứng rùa.
“Thâm nhập thị trường Malaysia, doanh nghiệp nên sử dụng một nhà phân phối hoặc đại lý địa phương là bước đầu tiên tốt nhất hoặc lập văn phòng đại diện, đăng ký kinh doanh, tìm hiểu năng lực các công ty, đối tác địa phương để đảm bảo hiệu quả kinh doanh”, - ông Phạm Quốc Anh cho biết.
Doanh nghiệp có thể liên hệ với Phòng Thương mại Malaysia – Việt Nam (MVCC) và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia (VMBiz), mới được thành lập trong năm 2018 với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, hiện đang phát triển thành viên và có nhiều hoạt động phối hợp với Thương vụ trong các hoạt động kết nối kinh doanh.