Tác giả bài báo - nhà quan sát quân sự Tùng Dương viết về một vật trưng bày được giới thiệu tại cuộc triển lãm "Ứng dụng khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp", đây là tàu lặn tự hành (tàu ngầm mini) Dolphin do Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chế tạo. Sputnik đã yêu cầu ông Igor Kurdin, chuyên gia Nga về hạm đội tàu ngầm, bình luận về điều này.
Hạm đội tàu ngầm mạnh - nhu cầu của thời đại
Theo tác giả của bài viết, dễ dàng nhận thấy thiết kế của tàu lặn Dolphin hoàn toàn đủ khả năng phóng to thành một tàu ngầm mini đủ tải trọng mang theo thủy thủ đoàn cũng như vũ khí, đây có thể xem như tiền đề cho việc xây dựng hạm đội tàu ngầm cỡ nhỏ cho Hải quân Việt Nam trong tương lai.
Hiện nay Hải quân Việt Nam đã có trong biên chế tổng cộng 6 tàu ngầm diesel-điện cỡ lớn lớp Kilo 636 mua từ Nga, tạo thành "nắm đấm thép trong lòng biển", có sức mạnh cũng như khả năng răn đe rất cao.
Theo đánh giá từ một số chuyên gia quân sự, để đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới thì số lượng tàu ngầm như trên vẫn cần bổ sung thêm. Ngoài ra, tác giả nhắc nhở rằng, Việt Nam hiện có tàu ngầm mini lớp Yugo (tàu ngầm chuyên dùng 110 tấn đã được thiết kế vào những năm 1960 ở Nam Tư và, theo một số nguồn tin, đã đến Việt Nam từ CHDCND Triều Tiên vào những năm 1990). Hơn nữa, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã thành thạo việc chế tạo các tàu chiến (đến nay, tàu mặt nước).
Tàu ngầm mini của Việt Nam: dự đoán và thực tế
Lực lượng vũ trang của bất kỳ quốc gia nào cũng nên có các loại vũ khí nội địa, đó là sự thật không thể chối cãi. Về mặt này, mong muốn của Việt Nam phát triển và chế tạo tàu ngầm nội địa là điều dễ hiểu. Các phương tiện truyền thông chuyên ngành trên thế giới đưa ra những giả thuyết về những đặc điểm của chiếc tàu ngầm mini Việt Nam. Ví dụ, tờ IndoPacific News giới thiệu hình ảnh bóng của nó.
Sputnik yêu cầu một chuyên gia khách quan - Chủ tịch Câu lạc bộ thủy thủ tàu ngầm St. Petersburg, thuyền trưởng hạng 1 Igor Kurdin bình luận về bài viết này trên tờ Đất Việt:
“Rõ ràng, lễ giới thiệu chiếc tàu lặn cỡ nhỏ có nghĩa là Việt Nam đã sẵn sàng tự chế tạo tàu ngầm mini. – ông Kurdin nhận xét. – Việt Nam đang tích cực phát triển công nghệ chế tạo tàu ngầm, đây là con đường đúng đắn, vì việc thường xuyên mua vũ khí từ các quốc gia khác có thể ảnh hưởng xấu đến tiềm năng quốc phòng. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, tàu ngầm chiến đấu cỡ lớn và tàu ngầm mini là hai loại tàu hoàn toàn khác nhau. Tàu ngầm mini được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ đặc công. Ví dụ, để đặt những quả thủy lôi cỡ nhỏ trên đường đi dự kiến của tàu địch hoặc tại nơi neo đậu".
Ở độ sâu phải có sự tương tác - không có cách nào khác
Trả lời câu hỏi của Sputnik về khả năng thiết lập sự tương tác hiệu quả giữa tàu ngầm mini và tàu ngầm mang ngư lôi tên lửa (vị dụ, tàu ngầm lớp Kilo), thuyền trưởng hạng 1 Igor Kurdin lưu ý:
“Các tàu ngầm thuộc các lớp khác nhau luôn luôn tương tác, nếu không thì hạm đội tàu ngầm không thể tiến hành các chiến dịch. Khả năng chiến thuật của tàu ngầm mini là rất khiêm tốn, vì nó không có hệ thống dẫn đường mạnh và thiết bị liên lạc vệ tinh. Ai sẽ bảo vệ và cung cấp thông tin tình báo cho tàu mini? Tất nhiên, tàu ngầm cỡ lớn! Nếu không, tàu ngầm mini không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu”.
Do đó, không thể chỉ dựa vào hạm đội tàu ngầm cỡ nhỏ. Cường quốc hàng hải nên đảm bảo an ninh biên giới trên biển, vì thế cần phải có các tàu ngầm hiện đại có lượng giãn nước lớn, được trang bị hệ thống vũ khí mạnh. Theo ông Igor Kurdin, về mặt này, Việt Nam đã thực hiện sự lựa chọn tuyệt vời:
“Bản thân việc Việt Nam mua từ Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka có nghĩa là nước này đang cố gắng xây dựng hạm đội tàu ngầm có khả năng chiến đấu để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và vùng biển của mình. Những tàu ngầm này đã chứng tỏ tính hiệu quả với một số khách hàng nước ngoài. Ngày nay, chỉ có hai quốc gia thực sự cạnh tranh trên thị trường xây dựng và xuất khẩu tàu ngầm: Đức và Nga. Nhưng, không phải tất cả các khách hàng từ các nước thứ ba đều thích mua tàu ngầm của Đức, bởi vì tàu ngầm của Nga không những không thua kém, mà còn tốt hơn về một số đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật”.