Việt Nam cử tàu Pohang số 18 dự tập trận hàng hải Mỹ- ASEAN
Đại diện 10 nước Đông Nam Á cùng Hoa Kỳ ngày 2/9 đã chính thức khởi động cuộc tập trận chung kéo dài năm ngày, bắt đầu tại căn cứ hải quân Sattahip ở Thái Lan và kết thúc ở Singapore.
8 tàu chiến, 4 máy bay và hơn 1000 quân nhân từ Mỹ và tất cả 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã tham gia vào đợt diễn tập đầu tiên trong lịch sử mang tên Tập trận hàng hải ASEAN-Mỹ (AUMX).
Hải quân Việt Nam đã cử tàu chiến số 18 và đoàn công tác tham dự đợt diễn tập hàng hải ASEAN- Mỹ. Theo đó, chiều 1/9/2019, chiến hạm mang số hiệu 18 thuộc lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghi lễ chào cảng và chính thức rời Quân cảng, tạm biệt Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân, lên đường tham gia diễn tập hải quân vô cùng quy mô lần này.
Việc Quân chủng Hải quân quyết định cử Tàu 18 tham gia AUMX thay vì các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard như các sự kiện trước đây khẳng định, Hải quân Việt Nam đã làm chủ các phương tiện, trang thiết bị chiến đấu của tàu hộ vệ săn ngầm Pohang và tất cả đã ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.
Thêm vào đó, việc quyết tâm gửi tàu Pohang số 18 sở hữu hệ thống tác chiến trên hạm theo đúng chuẩn NATO để tham gia diễn tập hàng hải chung với Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á có hệ thống tác chiến tương tự đối với Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ là một lợi thế trong việc phối hợp tác chiến với đại diện các tàu nước bạn cùng tham gia các nhiệm vụ huấn luyện quân sự trên biển.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đối với chiến hạm số 18 và lực lượng đại diện Hải quân nhân dân Việt Nam tham dự đợt tập trận lần này thực sự là một thử thách quan trọng để kiểm chứng năng lực tác chiến của tàu sau khi được giao về Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân.
Đặc biệt là sau khi tàu 18 đã trải qua quá trình đại tu, nâng cấp, sửa chửa, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu huấn luyện, chiến đấu của Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, các tàu hộ vệ săn ngầm Pohang là lớp tàu chiến duy nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam sử dụng hệ thống vũ khí cũng như khả năng tác chiến ngay trên hạm theo chuẩn NATO, qua đó đặt ra thử thách phải làm sao đồng bộ được các tàu Pohang với các tàu chiến có sẵn trong biên chế để đạt hiệu quả trong sử dụng huấn luyện và chiến đấu ở mức cao nhất.
Trải qua hàng loạt đợt kiểm tra gắt gao, kỹ lưỡng, Hải quân Việt Nam mới đưa Pohang 18 vào trực chiến. Điều này khẳng định rằng, Quân chủng Hải quân đã có những bước chuẩn bị vững chắc để đưa vào vận hành các tàu hộ vệ săn ngầm nhằm khai thác tối đa năng lực tác chiến của lớp tàu này trong nhiệm vụ chống ngầm cũng như tuần tra bảo vệ bờ biển, khu vực ngoài khơi, các đảo của Việt Nam.
Tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang sở hữu hỏa lực đáng gờm?
Như đã biết, tàu số hiệu 18 (PCC-761 Gimcheon) và Tàu 20 ( PCC-765 Yeasu) đang có trong biên chế của lực lượng Hải quân sở hữu cấu hình vũ khí khá khác nhau.
Phía Hàn Quốc cho biết, vũ khí trang bị các tàu Pohang thuộc lớp Flight III bao gồm 2 khẩu pháo OTO Melara Compact cỡ nòng 76,2mm với nòng dài gấp 62 lần đường kính bố trí trước (76mm/62). Các tàu còn có hai bệ pháo bắn nhanh Nobong 40mm/70 nòng đôi. Ngoài tác dụng hỗ trợ cho khẩu 76mm trong việc tiêu diejet các mục tiêu nhỏ thì nó còn đảm trách cả vai trò phòng không, chống máy bay tầm thấp cũng như ten lửa hành trình chống hạm.
Trong khi Flight II sở hữu hệ thống hỏa lực khá mạnh thì thế hệ Flight III lại không được trang bị tên lửa chống hạm. Phải đến thế hệ Flight IV thì phía Hàn Quốc mới bổ sung 4 tên lửa RGM-84 Harpoon.
Trong khi đó, tàu hộ vệ săn ngầm số 20 được trang bị đầy đủ hệ thống vũ khí như khi còn hoạt động trong biên chế Hải quân Hàn Quốc. Cụ thể, 2 hải pháo chính OTO Melara cỡ nòng 76,2mm, 2 pháo Nobong 40mm. Đặc biệt phải kể đến cả cụm ống phóng ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ Mk32 cỡ nóng 324mm cũng như một số vũ khí hỗ trợ khác chưa thống kê.
Với cấu hình vũ khí như vậy, tàu Pohang mang số hiệu 20 chính là tàu hộ vệ được trang bị nhiều hải pháo nhất của Hải quân Việt Nam.
Về hệ thống điện tử, nếu phía Hàn Quốc không gỡ bỏ bất cứ vũ khí gì, thì tàu được trang bị radar trinh sát bề mặt Marconi ST-1810, hệ thống điều khiển hỏa lực ST-1802, thiết bị ngắm bắn quang học Radamec 2400 cùng với thiết bị định vị thủy âm (sonar) gắn liền loại Signal PHS-32.
Riêng đối với khả năng chống ngầm của tàu 18, phía Việt Nam hoàn toàn có thể tự bổ sung hệ thống vũ khí chống ngầm trong nước hoặc sử dụng hệ thống vũ khí chống ngầm tương tự tàu 20 với sự hỗ trợ của nước ngoài.
Nhiều chuyên gia quân sự bày tỏ sự tin tưởng vào sức mạnh của nhóm tàu chiến Việt Nam đồng thời hy vọng trong tương lai, Quân chủng Hải quân sẽ tiếp nhận thêm nhiều chiến hạm có sức chiến đấu mạnh mẽ và trang bị hỏa lực đáng gờm để củng cố đội hình biên đội tàu chiến săn ngầm hiện có.