Ông Son bị mắng, không biết gì vẫn làm Bộ trưởng.
Vụ Mobifone mua AVG: Nguyễn Bắc Son khai không nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ
Sáng 17.12, Tòa án Nhân dân Hà Nội (TAND) tiến tiếp phiên xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án liên quan thương vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Đối với 14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, có 13 người bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 220, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Riêng 4 bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 -Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã hối lộ cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD sau khi thương vụ thành công. Chính bản thân ông Nguyễn Bắc Son khai nhận sau khi hoàn thành sự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của ông Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để đưa cho ông 3 triệu USD, khoảng 66,5 tỷ.
Trớ trêu thay, dù nhiều lần viết đơn xin nộp lại, tuy nhiên, ông Son không hề nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình trong việc khắc phục toàn bộ số tiền đã gây thiệt hại. Cụ thể, ông Son đã khai với cơ quan điều tra kỹ về việc chuyển toàn bộ 3 triệu USD cho con gái ông là bà Nguyễn Thị Thu Huyền, tuy nhiên, người này kiên quyết phủ nhận không hề nhận tiền từ cha đẻ. Ông Nguyễn Bắc Son chỉ khắc phục được số tiền 591 triệu, 902 nghìn, 772 đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt.
Tuy nhiên, một diễn biến bất ngờ tại phiên xử sơ thẩm vụ Mobifone mua AVG sáng nay, bị cáo Nguyễn Bắc Son thay đổi lời khai và khẳng định không nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ và hàng trăm nghìn USD từ Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Mobifone) và Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc Mobifone). Cụ thể, ông Son khai tại cơ quan điều tra rằng bản thân đã nhận của Cao Duy Hải số tiền 200 triệu đồng dịp 30.4.2015 và số tiền 200.000 USD của Lê Nam Trà dịp Tết âm lịch năm 2016.
“Sau khi thực hiện xong hợp đồng, bị cáo nhận được bao nhiêu tiền?”, HĐXX hỏi.
“Tôi không nhận được gì?”, bị cáo Nguyễn Bắc Son đáp.
Lý do thay đổi lời khai so với khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son nói rằng, khi đó sức khoẻ rất yếu, tinh thần hoảng loạn nên khai số tiền như vậy nhưng thực ra không nhận gì cả.
Chủ tọa nhắc lại việc bị cáo Nguyễn Bắc Son khai đã nhận 3 triệu USD từ cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết:
“Tại cơ quan điều tra, lúc đó do sức khoẻ tôi rất yếu. Tôi đã ngất hai lần tại bàn làm việc của cơ quan điều tra. Lần thứ nhất tôi ngất đi ba ngày, lần thứ hai tôi ngất, và tỉnh dậy sau hai ngày. Tình trạng sức khỏe của tôi yếu mà lúc đó cơ quan điều tra yêu cầu làm việc liên tục trong suốt thời điểm bắt cho đến ngày tôi khai nhận”.
HĐXX nói rõ: “Bị cáo đã khai như vậy với cơ quan điều tra, số tiền cụ thể, bị cáo còn vẽ cả sơ đồ về việc ông Phạm Nhật Vũ đưa tiền, có xe của Vũ đậu, tự vẽ cả chiếc vali, mục đích sử dụng số tiền này là vào đâu, còn có đơn xin khắc phục hậu quả”.
Bị cáo Son nhanh chóng lý giải: “Lúc đó bị cáo sức khoẻ rất yếu. Các anh ở cơ quan điều tra nói rằng anh phải khai đi, lính của anh đã khai rồi. Vì vậy nên để giữ tính mạng của mình, tôi đã khai. Lúc đầu tôi khai số tiền khác chứ không phải là 3 triệu. Tôi không nhận tiền của Lê Nam Trà và Cao Duy Hải”.
HĐXX hỏi đi hỏi lại bị cáo Nguyễn Bắc Son về việc “không đủ sức khỏe” nhưng vẫn khai đủ sức khỏe làm việc với cơ quan điều tra và liệu cựu Bộ trưởng có vấn đề gì về tâm thần hay không vì đã khai rất chi tiết tại bản tự khai, lời khai, đơn đề nghị, khắc phục hậu quả, vẽ sơ đồ vali mà ông Son để tiền sau khi đã nhận quà biếu triệu đô từ Phạm Nhật Vũ.
“Bị cáo nói là hoảng loạn, tại sao lúc đó lại nghĩ ra số tiền 3 triệu USD?”, HĐXX hỏi. Bị cáo Son đáp: “Lúc đầu tôi khai nhận số tiền Việt, sau đó các anh ấy lại bảo phải khai số tiền lớn hơn, nhưng sau các anh lại không đồng ý tiền Việt và bảo là phải tiền USD”.
Bên cạnh đó, Chủ tọa phiên tòa dẫn chứng lời khai, trích thư gửi vợ và con gái của bị cáo với nội dung đề nghị khắc phục hậu quả cũng như việc vẽ vị trí nhận tiền tại nhà, vali chứa tiền của Phạm Nhật Vũ do chính ông Son thực hiện.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn khăng khăng, mình thực hiện những hành vi trên trong lúc sức khỏe không tốt.
“Trong thư gửi cho vợ và con gái viết cái gì? Có phải nói cố gắng sắp xếp khắc phục hậu quả không? Bị cáo có tự nguyện lấy hơn gần 600 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng nộp lại nhà nước không”, HĐXX dò hỏi. Ông Son khẳng định là có nội dung như vậy, bản thân ông chỉ viết vậy thôi chứ không có nhận tiền.
Tòa trích rõ thư ông Son có nêu “anh đã nhận của Vũ 3 triệu USD”. HĐXX tin rằng ông Son đủ tỉnh táo để viết những lời trên và nhận thức rõ ràng như vậy thì không thể nói bị tâm thần hay bị hoảng loạn được.
“Lời thư này có phải của một người tinh thần hoảng loạn không?”, HĐXX hỏi. Bị cáo Nguyễn Bắc Son im lặng không trả lời được gì.
Ông Nguyễn Bắc Son không chỉ đạo Lê Nam Trà mua AVG?
Theo cáo trạng truy tố, khi dự án còn chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo ông Phạm Đình Trọng đề xuất và giao cho ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt. Đồng thời, khi phê duyệt dự án, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Phạm Đình Trọng cũng không yêu cầu MobiFone loại trừ 2 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, bao gồm đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P.
Đặc biệt, ông Nguyễn Bắc Son còn chỉ đạo quyết liệt cho MobiFone phải mua cổ phần của AVG, yêu cầu thực hiện dự án trong năm 2015, cũng như chỉ đạo cho ông Trà ký hợp đồng mua bán cổ phần với AVG trong tháng 12-2015, trước khi cựu bộ trưởng này nghỉ hưu.
Trong phiên xét xử ngày 17.12, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo những ai trong Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia dự án? Ông Son khai chỉ phân công ông Trương Minh Tuấn, sau này là có ông Phạm Hồng Hải cũng là thứ trưởng. Bị cáo Phạm Đình Trọng là Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp thì đã tham gia ngay từ đầu.
HĐXX hỏi ông Son lúc đó thứ trưởng Trương Minh Tuấn có chịu trách nhiệm mảng đầu tư, tài chính, quản lý doanh nghiệp không, ông Son đáp thứ trưởng Tuấn lúc đó được phân công phụ trách báo chí, trong đó có truyền hình, thì dự án này có liên quan đến truyền hình.
Ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã giới thiệu cho MobiFone mua AVG, nhưng khăng khăng rằng “là bộ trưởng tôi chỉ chỉ đạo chung, khi MobiFone trình lên thì tôi giao cho Vụ Quản lý doanh nghiệp tham mưu, đề xuất”.
Ông Son cũng khai thêm rằng các công việc khác liên quan đến quá trình thực hiện thương vụ là “công việc nội bộ của MobiFone”.
Khai trước Tòa về việc đề nghị Bộ Công an đưa thương vụ này vào danh mục “mật”, ông Nguyễn Bắc Son cho biết, bản thân ông đồng ý với bị cáo Phạm Đình Trọng là đề xuất Bộ Công an chứ không phải ngay từ đầu là đưa vào mật ngay.
Một điểm quan trọng trong phiên xử hôm nay, ông Son cũng thừa nhận chính mình ký thành lập Tổ thẩm định, chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký Quyết định 236, phê duyệt cho MobiFone mua AVG.
“Tại sao bị cáo duyệt văn bản, không ký mà lại giao cho Trương Minh Tuấn ký?”, HĐXX chất vấn. “Anh Tuấn là người phụ trách Tổ thẩm định, phụ trách lĩnh vực thông tin, truyền thông”, bị cáo Son trả lời.
HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Bắc Son có thay đổi lời khai với cơ quan điều tra hay không, bị cáo trả lời không nhớ hết các lời khai. HĐXX nhắc lại lời khai của ông Son là chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Lúc đầu, bị cáo Son nói rằng đó chỉ là lời khai của ông Cao Duy Hải, nhưng khi tòa giải thích rằng đó là lời khai của chính ông Son với cơ quan điều tra, thì ông này một mực phủ nhận:
“Tôi không chỉ đạo anh Lê Nam Trà ký. Tôi chỉ nói đây là công việc nội bộ của MobiFone, anh Trà và anh Hải là người đại diện theo pháp luật thì bàn bạc với nhau mà ký”, ông Son khẳng định.
Ông Nguyễn Bắc Son bị mắng không biết gì vẫn làm Bộ trưởng
“Đó là công văn báo cáo đánh giá về quá trình MobiFone triển khai dự án, trong đó đánh giá những thuận lợi về kinh tế, an ninh, đề nghị Thủ tướng cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. Vì là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, nên Bộ cũng đề nghị Thủ tướng giao cho các cơ quan có liên quan xem xét, đánh giá, giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng là đồng ý chủ trương đầu tư”, ông Son khai trước tòa.
Phía HĐXX giải thích rằng văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng không phải căn cứ pháp luật, vì Thủ tướng chưa quyết chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, nhấn mạnh trước Tòa, ông Son cho rằng văn bản trên là văn bản có tính pháp luật.
Thẩm phán Trương Việt Toàn gay gắt lên tiếng: “Bị cáo là Bộ trưởng, không thể nhầm lẫn cơ bản, coi thông báo là quyết định để yêu cầu Trương Minh Tuấn ký quyết định 236. Ở đây, ai cũng nói thời điểm đó tôi chả hiểu gì cả nhưng vẫn trên ghế Bộ trưởng, trên ghế chủ tịch. Không hiểu gì làm Bộ trưởng làm gì?”.
Bị cáo Trương Minh Tuấn: 200 ngàn USD là để cảm ơn
Tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm chiều nay, Tòa đến phần xét hỏi bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Ngoài tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 220, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015, ông Trương Minh Tuấn bị Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 -Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo nguyên tắc, dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG phải tuân theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ. Mọi trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp phải tuân thủ theo hai luật trên và theo chủ trương đầu tư, quyết định của Thủ tướng.
Tuy nhiên,, theo cáo trạng truy tố, với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ TT-TT, ông Trương Minh Tuấn mặc dù biết quy định nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son (khi đó là Bộ trưởng), ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone (số 236) khi chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án; dẫn đến việc Mobifone tổ chức thực hiện dự án, ký các Thỏa thuận, Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.
Trong phiên xét xử chiều 17.12, ông Tuấn khai nhận không phụ trách Mobifone cũng như lĩnh vực doanh nghiệp, tài chính. Ban đầu toàn bộ nội dung chủ trương thực hiện đầu tư dịch vụ truyền hình bị cáo Trương Minh Tuấn khai không được biết, sau khi làm Bộ trưởng mới nắm rõ.
Ngoài ra, ông Trương Minh Tuấn thừa nhận trực tiếp ký 5 văn bản trong tổng số 53 văn bản liên quan đến dự án, trong đó có Quyết định 236 khi Bộ trưởng là ông Nguyễn Bắc Son có bút phê yêu cầu ông Tuấn ký.
“Nội dung công văn 236 mà bị cáo ký có phải chỉ đạo Mobifone thực hiện dự án không? Khi ký bị cáo có đọc không?” - HĐXX hỏi, bị cáo Trương Minh Tuấn trả lời rằng bản thân ông có biết.
“Tôi có gặp Bộ trưởng và nói rằng, không phải chức năng nên không ký nhưng chấp hành chỉ đạo của Bộ trưởng giao và theo quy chế làm việc nên bị cáo ký”, ông Tuấn khai.
“Công văn có nội dung rất cụ thể là có dự án, có chủ đầu tư, có vốn, thời gian, người nào phải thực hiện. Vậy đó có phải là chỉ đạo bằng hình thức phê duyệt không?”- Chủ toạ hỏi.
“Tôi thực hiện theo chỉ đạo bằng bút phê của Bộ trưởng. Tôi cho là sự đồng ý chỉ đạo”, ông Tuấn nêu.
HĐXX tiếp tục truy hỏi: “Việc ký quyết định 236 đúng hay sai”.
“Bị cáo nhận thức là sai vì chưa có sự phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”- ông Trương Minh Tuấn thừa nhận.
Ông Trương Minh Tuấn một lần nữa nhấn mạnh, ông không được hứa hẹn sẽ được cất nhắc lên làm Bộ trưởng để thực hiện theo sự ép buộc hay chỉ đạo liên quan.
“Quá trình làm việc với cơ quan điều tra có thể có sự hiểu nhầm nào đó, hoàn toàn không có việc đó”, ông Tuấn khẳng định.
Trả lời trước tòa về việc Phạm Nhật Vũ có hối lộ cho ông Tuấn 200 ngàn USD sau thương vụ mua AVG, ông Tuấn nói, trước, trong và sau khi thực hiện dự án, Phạm Nhật Vũ không hứa hẹn gì.
Tuy nhiên, Tết âm lịch năm 2016, Phạm Nhật Vũ có đến phòng làm việc của ông Tuấn tặng hoa và quà chúc mừng, mở ra, ông Tuấn mới thấy 200 ngàn USD.
“Khi nhận 200.000 USD thì bị cáo nhận thức là tiền gì?”- HĐXX chất vấn cựu Bộ trưởng, bị cáo Trương Minh Tuấn khai, lúc đó nhiều người đến chúc mừng, ban đầu chỉ nghĩ là quà tặng nhưng sau này bị cáo nhận thức rằng nếu không ký công văn 236 liên quan đến dự án thì chưa chắc đã được tặng số tiền này, nên đây là tiền để “cảm ơn”.
“Do đó, bị cáo đã khai báo và cùng gia đình nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính”- ông Trương Minh Tuấn thừa nhận.