Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kể từ thời điểm năm 2016, một số lượng lớn các quan chức cấp cao của Việt Nam bị truy tố, điều tra, xét xử trong chiến dịch phòng, chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng, cũng như tinh thần tích cực chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Việt Nam đã làm sáng tỏ và đưa ra xét xử hàng loạt “quan lớn” trong đó có cả cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Phó Thủ tướng lẫn cựu Bộ trưởng. Điển hình như trường hợp của cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hay hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an- Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành…
Ngoài hàng loạt cựu thành viên chính phủ còn có lãnh đạo nhiều ngân hàng (ông Trần Bắc Hà của BIDV, ông Trần Phương Bình của Ngân hàng Đông Á, cựu Phó thống đốc ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình , các tập đoàn nhà nước …).
Chiến dịch “đốt lò”, tuyên chiến với tệ nạn tham nhũng năm 2018 của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng và chống tham nhũng, chiến dịch “đả hổ” của Việt Nam năm 2019 đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, không có vùng cấm, không để “hạ cánh an toàn, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã liệt kê danh sách cán bộ, lãnh đạo, tổ chức Đảng bị kỷ luật.
Theo đó, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ (ông Vũ Văn Ninh), 5 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng (đặc biệt là hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son-Trương Minh Tuấn), 2 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh (trong đó, đáng chú ý là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Đảng Ủy Quân sự Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo và Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình), một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Trọng tâm trong “lò thiêu tham nhũng” năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đó chính là đại án Mobifone mua AVG.
Ngày 16.12, Tòa án Nhân dân (TAND) Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án liên quan thương vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Vụ Mobifone mua AVG là một “đại án kinh tế”, là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử công khai. Trong phần luận tội trước khi đưa ra mức án đề nghị đối với các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đã nhấn mạnh, việc đưa vụ án Mobifone mua AVG ra xét xử tiếp tục là minh chứng khẳng định quan điểm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không ngoại lệ, dù đối tượng đó là ai, dù là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, cựu Bộ trưởng, tướng lĩnh quân đội, lực lượng vũ trang hay cán bộ, công chức quản lý các cấp đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc thu hồi xử lý tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Đặc biệt, việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức viên chức vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa thực tế, chưa đúng với mong muốn và nguyện vọng của nhân dân.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nêu quan điểm, một số vụ án tham nhũng gần đây đã được các cơ quan điều tra, tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, chứng minh được hành vi “đưa và nhận hối lộ” để xử lý nghiêm minh như vụ của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp, các bị can trong một vụ án thừa nhận hành vi hối lộ với số tiền lên tới hàng triệu USD.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nữ ĐBQH, trên thực tế còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi đưa, nhận hối lộ nên phải xử lý về tội kinh tế. Việc chứng minh chắc chắn là quá trình vô cùng phức tạp và gian nan vì các đối tượng luôn tìm mọi cách che giấu hành vi, không để bắt được quả tang hay tìm được bằng chứng.
Theo bà Mai Thị Phương Hoa, cần phải rút ra kinh nghiệm về quản lý kinh tế, rà soát cơ chế, chính sách quy định của pháp luật, khắc phục những sơ hở có thể bị lợi dụng để phạm pháp, chấn chỉnh những sai phạm ngay khi còn ở giai đoạn “nguy cơ”, không để khi “sự đã rồi”, xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng uy tín của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Nạn tham nhũng: Nhiều cán bộ giàu nhanh chóng, bất thường
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đánh giá cao những thành quả của công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua với nguyên tắc “sai đâu, xử đó”, tuy nhiên, ông cũng cho rằng, chủ yếu mới xử lý được những vụ việc “đã rồi” mà chưa chú trọng phòng chống từ xa, chấn chỉnh sai phạm từ khi mới ở giai đoạn khởi phát, nguy cơ.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là thu hồi được tiền Nhà nước bị thất thoát, cùng với đó là lên án, xử lý nghiêm người vi phạm.
“Đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải cứ bỏ tù là xong, còn tài sản hư hao, mất mát thì người dân và Nhà nước phải gánh chịu. Cho nên mục tiêu là phải thu hồi bằng được tài sản tham nhũng mà có, trả lại cho Nhà nước, cho nhân dân để đầu tư công ích, phúc lợi xã hội”, VOV dẫn phát biểu của Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết.
Về biện pháp cần thực hiện để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả là phải kê khai, công khai tài sản để kiểm tra giám sát biến động tài sản của cán bộ, công chức, nhưng cách làm này hiện nay còn mang nặng tính hình thức.
Việc kê khai còn phụ thuộc quá nhiều vào ý chí chủ quan, tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai chứ cơ quan chức năng chưa có biện pháp hiệu quả quản lý và kiểm tra trên thực tế.
ĐB Hòa nhấn mạnh, hàng năm đều công khai số liệu cán bộ công chức kê khai tài sản nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít hơn. Bên cạnh đó, những đối tượng bị phát hiện kê khai không đúng lại chưa bị xử lý về tài sản mà chỉ mới xử lý về mặt Đảng, mặt hành chính, do đó, hiệu quả kinh tế không cao.
Thực tế thời gian qua cho thấy, có nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách bất thường (đi buôn chổi đót xây biệt phủ chẳng hạn), sở hữu khối tài sản kếch xù, biệt thự, siêu xe, nhà đất, giá trị tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng gây bức xúc trong nhân dân, nhưng không được giải trình thỏa đáng, minh bạch.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, những thông tin thiếu trung thực, không khách quan, rõ ràng làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng tới nhiều cán bộ trong sạch, liêm khiết.
“Dư luận xã hội đặt câu hỏi: người dân còn khó khăn nhưng sao cuộc sống của nhiều cán bộ xa hoa thế, có người giàu lên một cách nhanh chóng, có biệt phủ, nhiều bất động sản, đủ thứ phương tiện, nhà cửa, đất đai, xe cộ... Những tài sản vật chất này hàng ngày đập vào mắt người dân khiến họ không khỏi nghi ngờ khối tài sản đó có bất minh? Khi có đơn phản ánh, tố cáo của người dân hay có phản ánh của báo chí về anh A, anh B có hành vi tham nhũng, bất chính về tài sản thì cơ quan thanh tra cũng cần tiếp thu, xác minh cho rõ để có câu trả lời rõ ràng trước công luận”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu vấn đề.
Đồng thời, ông Hòa cũng khẳng định, nếu kết quả xác minh không đúng thực tế thì cần xử lý nghiêm minh để răn đe. Ngoài cán bộ thuộc diện phải kê khai, cũng cần quy định thêm người thân như vợ, chồng, con cái, phải được giám sát, kiểm tra biến động tài sản.
“Sung sướng gì khi nghe tin cán bộ trước đó còn là đảng viên, thậm chí từng giữ vị trí lãnh đạo nhưng sau đó đã bị lãnh án tử hình. Nếu những cán bộ này được kịp thời kiểm tra giám sát, nhắc nhở, xử lý để răn đe thì có thể hậu quả đã không như vậy”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định.
Theo ông Hùng, để hạn chế tệ nạn tham nhũng, yếu tố tiên quyết là tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ở cấp ủy, tổ chức Đảng, để kịp thời phát hiện tiêu cực, vi phạm, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu và nếu đã sai phạm thì phải xử thật nghiêm để tăng tính răn đe, giáo dục.
Điều này là hoàn toàn đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.
“Quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hóa”, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng khẳng định.
Có thể nói, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thực hiện quyết liệt, được nhân dân hết sức ủng hộ, đạt những kết quả tích cực thời gian gần đây là minh chứng bác bỏ các luận điệu xuyên tạc đó. Những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt không làm suy giảm quyết tâm phòng, chống tham nhũng của của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cộng đồng quốc tế và những người khách quan đều đánh giá tích cực về nỗ lực này của Việt Nam.