Nhưng, vẫn có niềm hy vọng rằng, Bắc Kinh sẽ tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân, ông Richard Weitz, giám đốc Trung tâm phân tích chính trị - quân sự thuộc Viện Hudson (Hoa Kỳ), chuyên gia Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Vào ngày 15 tháng 1 năm 1955, ban lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tạo ra kho vũ khí hạt nhân. Theo ước tính của các chuyên gia quân sự, Trung Quốc hiện có khoảng 290 đầu đạn hạt nhân. Mặc dù số lượng này không thể sánh với Nga và Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện đại hóa và phát triển lực lượng hạt nhân.
Chuyên gia Weitz nói, cuộc diễu hành quân sự ở Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 10 năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho thấy rằng, rất có thể trong những năm tới Trung Quốc sẽ triển khai nhiều loại vũ khí hạt nhân với danh mục tên lửa đa dạng hơn. Chuyên gia lưu ý, ví dụ, có thế nói về các tên lửa đạn đạo liên lục địa Dong Feng (DF) -31AG và DF-41, tên lửa tầm trung và tầm ngắn DF-17 và DF-26, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm Ju Lang-2 (JL-2), máy bay ném bom chiến lược H-6N, cũng như tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-100.
"Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện kho vũ khí hạt nhân cả về số lượng và chất lượng, để đứng ngang hàng với Nga và Mỹ. Theo họ, Bắc Kinh có thể xem xét khả năng tham gia đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược chỉ sau khi xây dựng kho vũ khí hạt nhân sánh được với Nga và Mỹ. Nhưng, ngay cả khi đó, Bắc Kinh vẫn sẽ nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận nào phải được áp dụng cho cả lực lượng hạt nhân và lực lượng thông thường của tất cả các cường quốc quân sự châu Á", - chuyên gia Mỹ nói với Sputnik.
Theo quan điểm của ông, nếu Bắc Kinh không kiềm chế xây dựng lực lượng của mình thông qua kiểm soát vũ khí hoặc các biện pháp khác, thì Mỹ và Nga "sẽ chống lại các hạn chế bắt buộc đối với khả năng tấn công và phòng thủ tên lửa của họ". Ông Weitz tin chắc rằng, về mặt này, ý muốn của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận song phương với Nga và ký kết thỏa thuận ba bên về kiểm soát vũ khí hạt nhân với sự tham gia của Trung Quốc là rất hợp lý.
"Sự ganh đua mới giữa các cường quốc, sự phát triển của các công nghệ quân sự chiến lược mới và các phát triển khác đòi hỏi phải tìm kiếm cách tiếp cận mới. Bắc Kinh đã thay đổi chính sách trong một số vấn đề quân sự quan trọng, ví dụ như mua lại hàng không mẫu hạm hoặc bố trí căn cứ quân sự ở nước ngoài, vì thế khả năng Trung Quốc thay đổi lập trường về cuộc đàm phán vũ khí chiến lược không phải là một hy vọng vô ích. Nếu không có sự ủng hộ lớn hơn của Bắc Kinh, thỏa thuận về kiểm soát vũ khí chiến lược có thể "bị chết", - chuyên gia chắc chắn.