Cúng ông Công, ông Táo thế nào cho đúng?

© Ảnh : TTXVNNgười dân làng Thuỷ Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ thu hoạch cá chép đỏ để bán vào dịp 23 tháng Chạp.
Người dân làng Thuỷ Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ thu hoạch cá chép đỏ để bán vào dịp 23 tháng Chạp. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công, ông Táo, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cỗ cúng và tục thả cá chép tiễn ông Táo về Trời. Những lưu ý của các chuyên gia nghiên cứu văn hóa sẽ giúp gia chủ có được lễ cúng ông Công, công Táo phù hợp nhất.

Tục cúng ông Công ông Táo của người Việt và những điểm cần lưu ý.

Sự tích ông Công ông Táo

Trong tâm thức người Việt, Táo Quân là vị thần bảo vệ cho gia đạo bình an, mang trọng trách báo cáo mọi việc thiện-ác của gia chủ với Ngọc Hoàng.

Trong cuốn “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” của giáo sư Trần Ngọc Thêm, do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999, Thổ Công là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho gia đình. Người dân ta vẫn thường có câu “Đất có Thổ Công sông có Hà Bá”.

Thông thường, nhân dân hình tượng hóa Thổ Công thành bộ ba gồm hai ông, một bà (hay còn gọi là “ba ông đầu rau”). Câu chuyện về ba vị thần này có nhiều dị bản khác nhau về một số chị tiết, đại khái như sau.

Truyện kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ, vợ là Thị Nhi, chồng là Trọng Cao. Dù cả hai ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, họ mãi vẫn không có con. Dần dà Trọng Cao bắt đầu kiếm chuyện xô xát, dằn vặt vợ. Một hôm, vì một mâu thuẫn nhỏ, Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đuổi đánh vợ ra khỏi nhà.

Táo quân 2019: Ngọc Hoàng Quốc Khánh, Xuân Bắc và Công Lý - Sputnik Việt Nam
"Táo quân hạ nhục ông Đặng Lê Nguyên Vũ là độc ác"

Thị Nhi bỏ nhà, phiêu bạt đến xứ khác. Tại đó, nàng đã gặp Phạm Lang, cả hai phải lòng nhau rồi kết thành vợ chồng. Về phần Trọng Cao, đến khi nguôi giận, hối hận thì đã muộn, người vợ tào khang đã đi rồi. Nhớ nhung quay quắt, chàng lên đường tìm vợ.

Đi mãi, đi mãi, rồi tiền, gạo cũng hết, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Một hôm, Trọng Cao tình cờ tìm đến xin ăn đúng nhà của Thị Nhi, vừa lúc Phạm Lang đi vắng. Nhận ra kẻ hành khất trước mặt là người chồng cũ đã từng bao năm chung sống, nàng mời chàng vào nhà, nấu cơm cho ăn uống. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Sợ chồng nghi oan, Nhi giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may, đêm ấy, tình cờ Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Nhìn vợ nhảy vào đống lửa, Phạm Lang cũng nhảy theo. Rốt cuộc, cả ba đều chết trong đám lửa oan nghiệt.

Thượng Đế thương tình thấy ba người sống có nghĩa có tình nên phong cho họ làm Định phúc Táo Quân, hay còn gọi là vua Bếp, giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Ngoài sự tích trên, trong “Đất lề quê thói”, tác giả Nhất Thanh cũng dẫn thuyết nói rằng, trong Đạo giáo, ông Công là một vị thần trông coi việc thiện ác của từng gia đình để cuối năm lên bẩm báo với Ngọc Hoàng Đại Đế.

Tác giả Nhất Thanh cho rằng, người dân không quá chú trọng đến sự khác biệt giữ các truyền thuyết, sự tích. Chỉ đơn giản là họ hết sức thành kính phụng thờ, tin tường vào uy lực thần quyền. Khi trong gia đình có sự việc không được suôn sẻ, họ thường nghĩ đến Táo quân.

Vì sao tục tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp quan trọng với người Việt?

Trong cuốn Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên, tác giả Minh Đường cho biết, trong các vị thần, người Việt xưa quan niệm thần Bếp là vị thần theo sát cuộc sống của người dân.

Cứ mỗi dịp 23 tháng Chạp hàng năm, thần Bếp lại trở về Trời bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm qua của mỗi gia đình. Từ đó, Thượng Đế sẽ có sự thưởng phạt công minh cho từng người, từng nhà.

Người dân thủ đô thủ đô thả cá chép tại khu vực hồ Giám. - Sputnik Việt Nam
Vì sao có những cái chết đau lòng ngày tiễn ông Táo về trời?

Chính từ quan niệm này, tục cúng tiễn ông Công ông Táo mỗi năm rất được người dân coi trọng.

Ngoài ra, tác giả Minh Đường cũng cho biết, người Việt xưa rất mực coi trọng Thổ Địa (Thổ Công) bởi đất đai là đầu mối của nông nghiệp, là chỗ dựa cơ bản nhất cho sự tồn tại của con người. Đất đai là nguồn cung cấp miếng cơm tấm áo, là nơi cư trú, chỗ đi lại…

Tương tự, giáo sư Trần Ngọc Thiêm viết trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam: “Cũng như nhiều hiện tượng khác của văn hóa Việt Nam, truyền thuyết Thổ Công là một câu chuyện chứa đầy ý nghĩa triết lý. Sở dĩ Thổ Công là thần đất mà cũng là thần bếp vì đối với người Việt Nam nông nghiệp sống định cư, đất – nhà – bếp và người phụ nữ đồng nhất với nhau, đều tối quan trọng như nhau. Bộ ba hai ông một bà cùng chết trong lửa, hóa thành thần Bếp, được thờ bên trái, tạo nên một bộ tam tài đặc biệt”.

Cũng theo giáo sư Thêm, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.

Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo

Về thời điểm cúng: Theo Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng, các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, đặc biệt nên tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng chạp. Tốt nhất là nên cúng từ ngày 20 đến 23 tháng Chạp. Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, nên tiến hành cúng tiễn ông Táo trước giờ này.

Người dân thủ đô thủ đô thả cá chép tại khu vực hồ Ngọc Khánh. - Sputnik Việt Nam
Đi thả cá đưa ông Táo cùng con, mẹ trượt chân chết đuối
Về nơi cúng: Nhiều người quan niệm, ông Công là thần Thổ Công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên sẽ cúng ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo truyền thống, tất cả các vị này thông thường đều \ được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Ngoài ra, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi cúng tế. Vì vậy, nên dành nơi sạch sẽ, trang nghiêm để thực hiện cũng lễ ngày 23 tháng Chạp. 

Về đồ cúng: Trong lễ cúng ông Công ông Táo, một số gia đình thường làm mâm cỗ mặn, với những món như: đĩa gạo, đĩa muối, thịt lợn luộc, canh mọc, xào thập cẩm, giò chả, xôi gấc, trái cây, hoa tươi. Lễ vật thường gồm 3 bộ quần áo, mũ, giày với một con ngựa bằng giấy hoặc 3 con cá chép và tiền vàng. Tất nhiên, mâm cỗ và những thức trên đều tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình và không nhất thiết phải cầu kỳ.

Về việc đốt vàng mã: Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt quá nhiều tiền âm phủ. Trong dịp này, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ quan niệm, dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này chẳng những không mai lại lợi ích, mà còn gây tốn kém tiền của, ảnh hưởng đến môi trường. Thậm chí, từng xảy ra không ít vụ hỏa hoạn do việc đốt vàng mã gây ra.

© Ảnh : Thành Đạt - TTXVNCác mẫu vàng mã và vật phẩm truyền thống cúng tiễn ông Công ông Táo phong phú, đa dạng về mẫu mã chủng loại.
Cúng ông Công, ông Táo thế nào cho đúng? - Sputnik Việt Nam
Các mẫu vàng mã và vật phẩm truyền thống cúng tiễn ông Công ông Táo phong phú, đa dạng về mẫu mã chủng loại.

Việc khấn xin tài lộc: Lễ cúng 23 tháng Chạp trước hết mang ý nghĩa tiễn đưa ông Công ông Táo về trời để báo cáo mọi việc trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế việc khấn xin phú quý, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo quân bẩm báo những việc làm tốt đẹp trong năm.

Tục phóng sinh cá chép: Theo quan niệm dân gian, cá chép được xem là vật cưỡi, là phương tiện đi lại của ông Táo khi lên chầu Ngọc Hoàng. Các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

© Ảnh : TTXVNNgười dân làng Thuỷ Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ thu hoạch cá chép đỏ để bán vào dịp 23 tháng Chạp.
Cúng ông Công, ông Táo thế nào cho đúng? - Sputnik Việt Nam
Người dân làng Thuỷ Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ thu hoạch cá chép đỏ để bán vào dịp 23 tháng Chạp.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn là biểu tượng sự thăng hoa, của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, gần đây phong tục này bắt đầu phát sinh những biến tướng không hay. Một số gia đình đứng ở trên cầu cao thả cá xuống sông, thậm chí là vứt cả túi nylon đựng cá, làm chết cá, mất đi ý nghĩa “phóng sinh”. Bên cạnh đó, việc mua quá nhiều vàng mã sau đó hóa vàng rồi đổ ra sông, hồ cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường. Đây là những hành động cần tuyệt đối tránh để ngày cũng Táo quân không mất đi ý nghĩa quý báu vốn có của mình.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo và thời điểm lau dọn bàn thờ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian GS. Trần Lâm Biền, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần thiết phải quá sang trọng, “mâm cao cỗ đầy” hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền, quan trọng là sự thành tâm của gia chủ.

Theo vị chuyên gia, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau một chút. Người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Người dân thủ đô thủ đô thả cá chép tại khu vực hồ Thủ Lệ. - Sputnik Việt Nam
Thả cá tiễn ông Táo về trời, người đàn ông cũng "về chầu Trời"

Trước khi làm cỗ cúng, các gia đình nên dọn dẹp nhà cửa, ban thờ cho gọn gàng, sạch sẽ. Nhiều người có quan niệm rằng phải chờ sau ngày 23 tháng Chạp, tức là khi ông Công ông Táo đã về chầu trời thì mới được dọn dẹp bàn thờ, nếu không sẽ gây kinh động đến thần linh. Theo các chuyên gia văn hóa thì hiện nay không có một tài liệu nào ghi chép về điều này. Trong năm, người dân có thể chọn một ngày lành bất kỳ để dọn dẹp bàn thờ. Thời gian được nhiều người chọn nhất là vào dịp cuối năm, kết hợp dọn ban thờ vào dịp cúng ông Công ông Táo.

Chia sẻ về tục lau dọn bàn thờ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam, theo dân gian, việc dọn bàn thờ thường tiến hành vào sáng 23 tháng Chạp hằng năm. Trước khi tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương, đọc văn khấn để xin phép. Tất cả chân hương cả một năm nên được rút bớt, sau đó hóa cùng với tiền vàng. Giáo sư Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh, bát hương không nên để từ năm này qua năm khác.

Khi lau dọn bát hương chỉ nên để lại 3 chân hương. Với những bát hương của người đã mất nhưng chưa qua 3 năm, nếu là đàn ông thì để lại 7, còn đàn bà để lại 9 chân hương. Bát hương quan thần linh tỉa hết, chỉ giữ lại 5 chân nhang.

“Ngoài ra, người dân cũng cần phải phân biệt hai khái niệm là thay bát hương và tỉa chân hương. Để chuẩn bị cho lễ ông Táo về trời, ta chỉ tiến hành tỉa bớt chân hương mà không làm xê dịch hay xoay chuyển vị trí của bát hương. Việc tỉa chân hương vào thời điểm này nên tiến hành cả ở bàn thờ tổ tiên lẫn bàn thờ ông Công ông Táo”, GS Nguyễn Chí Bền cho biết.

Nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam cũng lưu ý, trong quá trình lau dọn bàn thờ, cũng có một số ý kiến cho rằng bài vị và bát hương gia tiên không được xê dịch vì sợ “động” sẽ ảnh hưởng đến con cháu. Do vậy chỉ nên lấy tay giữ và dùng khăn sạch nhúng vào rượu pha với gừng giã nhỏ lau cho sạch.

Bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Dưới đây là bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin.

“Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ (chúng) con là: … Ngụ tại: …
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!”.

Đối với năm Kỷ hợi 2019, đầu năm mới 2020, chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi, ngày 23 tháng Chạp cho biết, gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào khung giờ: 5h-7h hoặc 9-11h.

“5-7h sáng ngày 23 là giờ Mão - giờ Đại An. Cúng Táo quân vào giờ này ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang tới sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí gia chủ. 9-11h ngày 23 là giờ Tỵ. Đây là giờ Tốc Hỷ. Tiễn Táo quân lên chầu trời vào khung giờ này, Táo quân sẽ mau chóng đem về những chuyện may mắn vui vẻ, hứa hẹn trong năm mới cả gia đình có nhiều niềm vui và sự hóa giải kịp thời cho những xui xẻo có thể gặp phải”, vị chuyên gia phong thủy lý giải.

Vì là văn hóa dân gian và phong tục truyền thống, nên hầu như không có một chuẩn riêng nào cho lễ cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên, dù là lễ lạt gì, chuẩn bị mâm cúng, lễ cúng, đọc văn khấn hay khi thả cả chép về trời, điều quan trọng nhất mà là chúng ta luôn phải nhớ đó là làm mọi việc với sự thành tâm và lòng hướng thiện, nghiêm túc và thành kính.

© Ảnh : Thành Đạt - TTXVNChợ cá Yên Sở, Hà Nội đầu mối cung cấp "Cá chép đỏ" dịp 23 tháng Chạp.
Cúng ông Công, ông Táo thế nào cho đúng? - Sputnik Việt Nam
Chợ cá Yên Sở, Hà Nội đầu mối cung cấp "Cá chép đỏ" dịp 23 tháng Chạp.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала