Dự kiến, Việt Nam sẽ mua các máy bay chiến đấu thế hệ 4+ để thay thế Su-22 hiện đang hoạt động. Những phi cơ chiến đấu hiện đại nào là các ứng viên hàng đầu thay thế Su-22?
Máy bay trải qua thử thách trong các cuộc cuộc xung đột cục bộ
Máy bay tiêm kích ném bom Su-22 với một động cơ không chỉ là “phi cơ để giành ưu thế trên không” mà là một tổ hợp tấn công được thiết kế để hỗ trợ lực lượng mặt đất, để tiêu diệt lực lượng mặt đất và mặt nước của đối phương. Phiên bản sản xuất chính - Su-17 đã được đưa vào biên chế Lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Liên Xô vào năm 1970. Nga đã ngừng sử dụng máy bay này vào năm 1998. Nhiều phiên bản xuất khẩu của Su-22 đã được sản xuất từ năm 1977 đến năm 1990, và được xuất khẩu sang gần hai chục quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Máy này đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột cục bộ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh (ngay trước cuộc chiến ở Syria) và cho thấy hiệu quả khá cao như máy bay tiêm kích. Có một lần chiến đấu cơ này đã được sử dụng như máy bay đánh chặn: năm 1992, chiếc Su-22 của Không quân Peru đã bắn hạ máy bay vận tải Mỹ C-130 xâm nhập không phận của nước này.
Bây giờ Su-22 ngày càng trở nên lạc hậu. Máy bay không còn đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Việt Nam có thể chọn máy bay nào để thay thế?
Nếu xem xét những loại máy bay một động cơ, thì Nga thực sự không thể giúp Việt Nam. Tất cả các phương tiện chiến đấu hiện đại của Nga, kể cả phi cơ nhỏ nhất - máy bay chiến đấu và huấn luyện Yak-130, đều có hai động cơ.
Có lẽ, sẽ tốt hơn nếu bỏ qua phương án "một động cơ", bởi vì máy bay với hai động cơ là tốt hơn và đáng tin cậy hơn. Tạp chí Military Watch chỉ ra rằng, trong tương lai gần, “Không quân Việt Nam có kế hoạch cập nhật phi đội máy bay chiến đấu của mình thông qua việc mua sắm tiêm kích thế hệ 4+. Trong số các ứng viên thì F-16V và Su-30SM được xem là có nhiều triển vọng nhất”.
Cần phải thừa nhận rằng, tất cả các phiên bản của F-16 đều là máy bay hạng nhẹ (nặng khoảng 9,5 tấn, khối lượng cất cánh 21,7 tấn), tương đối rẻ tiền và được trang bị vũ khí tới tận răng.
Máy bay chiến đấu loại này đang phục vụ trong quân đội của 25 quốc gia (hai nhà khai thác quan trọng nhất ở Đông Nam Á là Singapore và Thái Lan). F-16 đã nhiều lần tham gia vào chiến sự và cho thấy hiệu quả cao.
Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov trong một bài viết của mình nhận xét:
“Vào mùa thu năm 2015, Tập đoàn Lockheed Martin đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của phiên bản cập nhật máy bay chiến đấu huyền thoại - F-16V. Sự đổi mới chính của F-16V là hệ thống radar kiểm soát hỏa lực APG-83 được trang bị radar tạo chùm nhanh (SABR) quét mảng pha chủ động. Hệ thống này cho phép phát hiện mục tiêu sớm hơn nhiều so với radar của các máy bay thế hệ trước. F-16V được trang bị bảng điều khiển mới với màn hình cảm ứng lớn. Hiệu suất của máy tính trên máy bay đã tăng lên, ngoài ra đã cài đặt hệ thống tác chiến điện tử (EW) có khả năng gây nhiễu, khiến đối phương rất khó phát hiện. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa không ảnh hưởng đến hiệu suất bay của phi cơ, nó vẫn không thay đổi kể từ những năm 1990, mà chỉ cải thiện một chút tính năng chiến đấu khi sử dụng các hệ thống vũ khí tiêu chuẩn cho F-16. Trong khi đó, đối với tất cả các hệ thống tên lửa phòng không của Nga, F-16 là một mục tiêu tiêu chuẩn. Và các tên lửa không đối không mới nhất của Nga có khả năng săn lùng mục tiêu như vậy ngay cả trong điều kiện phức tạp khi phải đối phó nhiễu điện tử”.
Như vậy, nếu Việt Nam mua các máy bay F-16V (giả sử), liệu Không quân nước này sẽ có nhiều ưu thế về kỹ thuật và chiến thuật? Hơn nữa, việc chuyển sang sử dụng các công nghệ phương Tây có thể là quá đắt. Đại tá Makar Aksenenko, Phó tiến sĩ khoa học quân sự Nga thu hút sự chú ý đến khía cạnh này:
“Các phiên bản mới nhất của F16 là phương tiện chiến đấu xứng đáng. Tuy nhiên, để đưa các máy bay này vào sử dụng trước hết cần phải trang bị lại toàn bộ hệ thống cung cấp, thay đổi thiết bị, phụ tùng thay thế, chuyển sang hệ thống vũ khí mới, thay đổi cơ sở hạ tầng và hệ thống điều khiển tại các căn cứ không quân Việt Nam. Ngoài ra, cần phải đào tạo lại các phi công và nhân viên kỹ thuật. Tất cả những công việc này có thể làm cho thành phần không quân ra khỏi hệ thống quản lý lực lượng vũ trang Việt Nam trong một thời gian dài. Mà vũ khí phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để giáng trả xâm lược từ bên ngoài. Bất cứ lúc nào và trong bất kỳ trường hợp nào”.
Nga có thể cung cấp gì cho đối tác cũ của mình để thay thế Su-22?
Phiên bản xuất khẩu của MiG-35 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ 4 ++, trên thực tế đây là tiêm kích ném bom.
Trong buổi ra mắt MiG-35, Tổng giám đốc Tập đoàn MiG của Nga, ông Ilya Tarasenko, cho biết:
“Nói về khách hàng nước ngoài tiềm năng của MiG-35, thì ưu tiên cho các đối tác truyền thống của chúng tôi: Ấn Độ, Trung Đông, Đông Nam Á, Mỹ Latinh”.
Nhận xét về bài viết trên Military Watch trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia quân sự Makar Aksyonenko lưu ý:
“Phía Việt Nam phải đưa ra lựa chọn giữa F-16 (phiên bản sửa đổi mới nhất) và các loại khác ... Nhưng, có lẽ các bạn Việt Nam nên suy nghĩ về MiG-35? Đắt tiền? Song, có cả MiG-29SMT: đơn giản hơn, rẻ tiền hơn, cũ hơn, nhưng, vẫn còn sẵn sàng chiến đấu. Và nếu các bạn suy nghĩ về hai thập kỷ tới, thì chắc chắn phải chọn MiG-35”.
Trong mọi trường hợp, chỉ có chính Việt Nam sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.