Phía Mỹ đưa ra tuyên bố mới này về việc hối thúc Trung Quốc tham gia đàm phán hạt nhân 3 bên sau một loạt lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng tới Trung Quốc về việc cần phải tham gia cuộc đối thoại về tên lửa tầm trung cũng như về số phận của vũ khí chiến lược nói chung, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận xét trong bài bình luận cho Sputnik.
Tuyên bố của ông Wood thu hút sự chú ý bởi vì ông đánh giá tốc độ tăng trưởng kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc. Phía Mỹ cho rằng, đến năm 2030, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh sẽ tăng gấp đôi, tức là có thể đạt tới mức 500-600 đầu đạn.
Có tính đến việc Trung Quốc tạo ra và bắt đầu sản xuất hàng loạt các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới với nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (ví dụ, DF-5B, DF-5C, DF-41, DF-31AG), cũng như tạo ra các loại tàu ngầm tên lửa hạt nhân mới, kịch bản như vậy rất khả thi. Mà trên thực tế, khối lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể lớn hơn nữa.
Đồng thời, ý tưởng hối thúc Trung Quốc tham gia đàm phán về kiểm soát vũ khí tạo ra một số vấn đề khó giải quyết. Thật không thể tưởng tượng nổi rằng, Trung Quốc đồng ý ký kết một hiệp ước bất bình đẳng quy định sự khác biệt về quy mô kho vũ khí hạt nhân, để số lượng đầu đạn được phép của Bắc Kinh là nhỏ hơn so với Hoa Kỳ. Do đó, để tiến lên phía trước, Hoa Kỳ (và Nga) sẽ phải đồng ý rằng, các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ phát triển đến mức siêu cường, hoặc là Hoa Kỳ và Nga sẽ phải đồng ý giảm lực lượng hạt nhân xuống cấp Trung Quốc. Cả hai kịch bản vô cùng khó xảy ra. Chắc là, trong điều kiện hiện nay Hoa Kỳ sẽ không đồng ý với việc mất ưu thế hạt nhân so với Trung Quốc.
Về nguyên tắc, Nga có thể tham gia cuộc đối thoại về chủ đề này – nhưng, trong trường hợp này, rất có thể Matxcơva sẽ yêu cầu thu hút Pháp và Anh vào đó, chuyên gia Vasily Kashin nói. Pháp và Anh có tổng cộng 500 đầu đạn hạt nhân, đây là hai đồng minh chính thức của quân đội Mỹ và có thỏa thuận với Washington về sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu có thỏa thuận về việc giảm thêm các kho vũ khí hạt nhân, sức mạnh của họ sẽ là một yếu tố quan trọng.
Trong khi đó, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ không có ý định thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh. Và ở đây xuất hiện một vấn đề khó giải quyết. Vấn đề này trở thành phức tạp hơn do thái độ thù địch của Hoa Kỳ đối với Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, Hoa Kỳ, nước trước đây đã cáo buộc vô căn cứ về việc Nga vi phạm thỏa thuận về tên lửa tầm trung và tầm ngắn, giờ đây đã trở nên rõ ràng, chính Mỹ đã vi phạm thỏa thuận này bằng cách triển khai các công việc phát triển tổ hợp tên lửa hành trình tầm trung và tên lửa đạn đạo trong suốt thời gian hiệp ước có hiệu lực. Có những vấn đề nghiêm trọng với việc Mỹ tuân thủ hiệp ước START-3 vẫn còn hiệu lực. Hoa Kỳ không thể chứng minh việc phá dỡ một số bệ phóng tên lửa mà họ tuyên bố là cơ sở huấn luyện hoặc ngừng hoạt động, v.v.
Do đó, đề xuất của Hoa Kỳ mời Trung Quốc tham gia cuộc đàm phán phải bao hàm việc ký kết thỏa thuận toàn diện trong tương lai, không chỉ riêng ba bên, đòi hỏi phải chú ý đến những tiến bộ đạt được trong quá trình phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí phi hạt nhân có độ chính xác cao. Tuy nhiên, như tôi đã lưu ý ở trên, hầu như không thể đạt được thỏa thuận như vậy.
Hoa Kỳ chạy theo mục đích gì khi đưa ra cnhững sáng kiến như vậy? Có vẻ là những đề xuất đó mang tính khiêu khích. Người Mỹ biết rõ rằng, Bắc Kinh sẽ từ chối, và sau đó họ sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc về vòng mới của cuộc chạy đua vũ trang.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang tuyên bố: “Trung Quốc không có ý định tham gia vào cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên. Washington đã nhiều lần cố gắng hối thúc Trung Quốc tham gia vào hoạt động này, bằng cách này Mỹ cố gắng tránh trách nhiệm về giải trừ hạt nhân và quy trách nhiệm cho Trung Quốc”.
Lập trường của Nga cũng khá rõ ràng và đã được trình bày nhiều lần trong phát biểu của các quan chức Nga. Nếu cuộc đàm phán về một hệ thống kiểm soát vũ khí mới bắt đầu, nếu Bắc Kinh quyết định rằng cuộc àm phán này là hữu ích, thì Nga cũng sẽ tham gia. Matxcơva tôn trọng lập trường của Bắc Kinh. Trung Quốc giải thích rằng, họ không tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy bởi vì cấu trúc của lực lượng hạt nhân Trung Quốc khác hoàn toàn so với lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ và Liên bang Nga, và Bắc Kinh không có ý định khăng khăng đòi để Trung Quốc tham gia đàm phán.