Đặc biệt, nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khuyến cáo người dân không nên ăn thịt chó, mèo, cấm buôn bán các loại động vật hoang dã.
Việt Nam đã có 9 người nhiễm coronavirus
Tính đến ngày 4.2, tại Việt Nam đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm coronavirus. Trên toàn quốc đã có 304 trường hợp nghi ngờ được cách ly, theo dõi, 214 bệnh nhân được xét nghiệm loại trừ, còn lại 90 ca bệnh nghi ngờ đang được điều trị cách ly chờ xét nghiệm, đề phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế. Các cơ quan chức năng cũng thông tin, số lượng người tiếp xúc gần các ca nhiễm bệnh đang được theo dõi là 270 trường hợp.
Ngày 4.2, theo thông báo của Bộ Y tế, trường hợp thứ 9 nhiễm coronavirus là bệnh nhân nam T.C.P, 30 tuổi, làm công nhân, có địa chỉ cư trú tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cơ quan y tế Việt Nam cho biết thông tin về tiền sử dịch tễ của bệnh nhân. Theo đó, anh T.C.P đã đi cùng 7 người Việt Nam trong đoàn do Công ty TNHH Nihon Plast Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Trong đó 4/8 người trong đoàn này tính đến ngày 3.2.2020 đã cho kết quả dương tính với coronavirus chủng mới. Tất cả đều cùng trở về Việt Nam ngày 17.01.2020 trên chuyến bay CZ8315 của Southern China bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài. Họ được công ty đón bằng xe của công ty và di chuyển về trụ sở công ty. Tại công ty, nhóm có tổ chức họp (bao gồm cả bệnh nhân và 7 người Việt Nam cùng đoàn) trước khi di chuyển về nhà riêng.
Bộ Y tế cho biết, ngày 30.01.2020, ngay sau khi nhận được kết quả ca bệnh đầu tiên dương tính với coronavirus chủng mới của tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ và kịp thời các biện pháp xử lý dịch theo quy định của Bộ Y tế trong đó bao gồm việc rà soát, xác định những người có liên quan dịch tễ với ca bệnh.
Theo đó, Sở Y tế Vĩnh Phúc phát hiện ông T.C.P là một trong 8 người trở về từ Vũ Hán trên cùng một chuyến bay, trong đó có 4 người đã xác định bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới coronavirus đã được xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Sở xác định, đây là trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh có nguy cơ cao.
Bộ Y tế nhấn mạnh, cơ quan y tế địa phương đã chủ động giám sát và phòng chống dịch, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã hướng dẫn và thuyết phục anh T.C.P hợp tác thực hiện các biện pháp điều trị, bệnh nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được cách ly cũng như lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm.
Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, dù cho kết quả dương tính với nCoV, tuy nhiên, sức khỏe của anh T.C.P đang trong tình trạng ổn định. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với coronavirus chủng mới (2019-nCoV) bằng kỹ thuật Realtime RT - PCR. Nơi xét nghiệm là khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, các bệnh nhân đã nhiễm virus corona chủng mới của Việt Nam vẫn có dấu hiệu tăng lên, tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ.
Các bệnh nhân nhiễm coronavirus chủng mới ở Việt Nam cập nhật đến 11h ngày 4.2 bao gồm: Hai trường hợp đầu tiên là ông Li Ding, sinh năm 1954, đến từ Vũ Xương, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ngày 22.1. Điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Âm tính lần 1, đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2. Người con của ông Li Ding- Li Zichao, sinh năm 1992, đến từ Vũ Xương, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ngày 22.1 và tuân thủ phác đồ điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, Li Zichao được xác nhận đã khỏi bệnh.
L.T.T.H., 25 tuổi, thường trú tại xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, là lễ tân tại khách sạn tại Nha Trang. Kết quả dương tính với nCoV ngày 31.1. Điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Đây là bệnh nhân đã tiếp xúc với hai cha con người Vũ Hán Li Ding và Li Zhao.
N.T.T.T. 25 tuổi, ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, nữ công nhân Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán. Kết quả dương tính với nCoV ngày 31.1. Điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Đã khỏi bệnh và xuất viện ngày 3.2. Bệnh nhân đã qua 5 ngày không bị sốt lại, không ho, không tức ngực, các chỉ số xét nghiệm hóa sinh trong giới hạn bình thường, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn. Nữ bệnh nhân được miễn toàn bộ chi phí điều trị. Trường hợp đầu tiên của Việt Nam cho kết quả âm tính với coronavirus được điều trị ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh.
P.V.C., 29 tuổi, ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, khởi phát bệnh ngày 21.1, được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu ngày 26.1. Kết quả nhiễm virus corona dương tính ngày 30.1, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
N.T.D., nữ, 23 tuổi, địa chỉ huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 25.1, người này khởi phát bệnh tại nhà, được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu ngày 27.1. Kết quả nhiễm virus corona dương tính ngày 30.1.
T.H.K., sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ. Ngày 14.1, bệnh nhân bay từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay ký hiệu 660 của hãng hàng không China Southern. Phát bệnh ngày 26.1, vào viện ngày 31.1. Điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
T.C.P, 30 tuổi, có địa chỉ cư trú tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nam công nhân Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản được cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán. Trở về Việt Nam ngày 17.01.2020 trên chuyến bay CZ8315 của Southern China bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài. Kết quả dương tính với nCoV ngày 4.2. Hiện đang điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Việt Nam đủ năng lực ngăn chặn dịch coronavirus
Trước diễn biến khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do coronavirus gây ra, chiều 3.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV-2019) gây ra đã tiến hành cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cho biết những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam. Đại diện Bộ Y tế cho hay, bệnh viêm đường hô hấp cấp do coronavirus chủng mới (nCoV-2019) gây ra có tốc độ lây lan nhanh hơn nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều lần so với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV năm 2002-2003.
“Cụ thể, chỉ trong chưa đầy 1 tháng (tức từ ngày 8.12.2019 đến ngày 3.2.2020) virus corona đã làm 17.386 người mắc bệnh, 362 người tử vong. Trong khi đó từ tháng 11.2002 đến tháng 7.2003 (9 tháng) SARS-CoV chỉ làm 8096 người mắc bệnh, nhưng có tới 774 người tử vong, tỷ lệ người tử vong lên tới 9,6%”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Đối với tình hình dịch bệnh do coronavirus gây ra tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, tính đến thời điểm chiều 3.2, Việt Nam mới chỉ có 8 ca nhiễm bệnh (cho đến sáng 4.2 ghi nhận thêm trường hợp thứ 9) cho kết quả dương tính với nCoV-2019.
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, đặc tính của dịch bệnh do virus corona là lây lan rất nhanh. Ban đầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tỷ lệ tử vong có thể lên tới 3%, nhưng thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, ở Trung Quốc, tỷ lệ này mới ở mức 2%.
“Còn ở nước ta, đến thời điểm hiện tại mới có 8 người mắc bệnh và chưa có cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh. Đáng chú ý, trong số những người mắc bệnh, chúng ta đã chữa khỏi cho 2 người (1 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, 1 bệnh nhân ở Thanh Hóa), 4 người còn lại tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển tích cực”, Thứ trưởng Sơn thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đạt được những kết quả trên là nhờ từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt với các phương án toàn diện, hiệu quả để sẵn sàng phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch.
Sau khi nghe báo cáo về diễn biến dịch bệnh ở trong nước và nước ngoài, ý kiến của các chuyên gia về đặc điểm, cơ chế lây nhiễm và kiến nghị xử lý, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi và thống nhất nhận định rằng dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và có thể lan nhanh ra nhiều nước.
“Cùng với sự phát triển của các thiết bị xét nghiệm mới giúp phát hiện người mắc bệnh nhanh hơn, ở trong nước có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus nCoV, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này”, đại diện Bộ Y tế Việt Nam khẳng định.
Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, đối với mỗi người dân Việt Nam, biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng chống dịch bệnh lúc này là mỗi người cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân, tránh tụ tập, tiếp xúc những nơi đông người để tự bảo vệ mình.
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do coronavirus gây ra, các chuyên gia và lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam đều thống nhất rằng, hiện tại, Việt Nam đã có đủ phương án phòng, chống dịch, ngành y tế cũng cam kết triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các địa phương về kỹ thuật, thuốc men, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, vấn đề quan trọng nhất lúc này là tổ chức thực hiện như thế nào, nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm công tác phòng chống nCoV.
Việt Nam bước đầu điều trị thành công người nhiễm coronavirus
Ngày 4.2, bệnh nhân Li Zichao, người con 28 tuổi, đến Việt Nam cùng với người cha Li Ding từ Vũ Xương, Vũ Hán, Hồ Bắc Trung Quốc, một trong hai bệnh nhân đầu tiên được phát hiện dương tính với coronavirus ở Việt Nam chính thức được xuất viện sau 13 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Phát biểu về trường hợp bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn này, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 13 ngày điều trị, bệnh nhân Li Zichao đã hội tụ đầy đủ các yếu tố đảm bảo được xuất viện khi 4 lần xét nghiệm âm tính với virus corona và các biểu hiện lâm sàng ổn định. Dù được xuất viện nhưng bệnh nhân Li Zichao xin phép được tiếp tục ở lại bệnh viện để chăm sóc người cha Li Ding.
Đối với trường hợp bệnh nhân Li Ding (66 tuổi) dù vẫn còn dương tính với nCoV nhưng đang có tiến triển tốt. Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn phải tiếp tục theo dõi do bệnh nhân này mắc nhiều bệnh nền kèm theo như: đái tháo đường, huyết áp, bệnh lý mạch vành, u phổi.
“Trước đây, bệnh nhân Li Ding không thể tự sinh hoạt được, phải dựa hoàn toàn vào nhân viên y tế nhưng 5 ngày nay đã tự ăn, uống, vệ sinh cá nhân được. Dù vẫn còn dương tính với virus Corona nhưng đây là tín hiệu phục hồi tốt”, bác sĩ Lê Quốc Hùng thông tin cho hay.
Phát biểu về trường hợp người cha Li Ding, đại diện Bộ Y tế cho biết, đây là bệnh nhân nặng với nhiều bệnh nền, ở Trung Quốc, những trường hợp bệnh nền như thế này có tỷ lệ tử vong rất cao.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, ở bệnh nhân Li Ding, dù vẫn chưa thể điều trị khỏi do có nhiều bệnh nền nhưng người cha có những dấu hiệu hồi phục tốt là minh chứng cho những nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
“Ở Trung Quốc, tỷ lệ trường hợp tử vong do virus Corona phần lớn là các bệnh nhân có bệnh nền nặng tương tự trường hợp của bệnh nhân Li Ding. Do đó, đây là nỗ lực và cũng là bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế. Chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam đã bước đầu điều trị thành công cho người bệnh nhiễm nCoV”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.
Trao đổi với lãnh đạo bệnh viện cùng các phóng viên báo chí, anh Li Zichao vui mừng và tỏ ra rất xúc động:
“Tôi rất cảm ơn Bộ Y tế, Chính phủ Việt Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy quan tâm. Ngày hôm nay, tôi được xuất viện, tôi rất cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã quan tâm chăm sóc cho tôi, không những về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần”.
Phát biểu tại buổi tiến hành thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Li Zichao, ông Hoàng Hy Bình, đại diện Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM bày tỏ, ông rất phấn khởi khi được tham gia hoạt động đón công dân Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam được điều trị khỏi bệnh và ra viện khỏe mạnh. Người dân Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn khó khăn vật lộn với dịch bệnh do coronavirus với tỷ lệ lây lan nhanh.
“Chúng tôi rất biết ơn Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là các y bác sĩ BV Chợ Rẫy đã chăm sóc, điều trị khỏi bệnh cho công dân Trung Quốc. Hiện vẫn còn 1 công dân Trung Quốc của chúng tôi vẫn chưa khỏi bệnh, mong các bác sĩ tiếp tục chăm sóc tận tình, điều trị để công dân chúng tôi sớm hồi phục và trở về nhà”, ông Hoàng Hy Bình nhấn mạnh.
Hà Nội chống dịch coronavirus: bố trí 5 bệnh viện, dân không nên ăn thịt chó
Những ngày qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi do chủng virus mới corona (nCoV) gây ra tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới với tốc độ lây lan chóng mặt, chính quyền thủ đô Hà Nội cũng đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống.
Trong đó nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu chính là việc giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh Cảng hàng không Sân bay Quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu.
Đồng thời, chính quyền Hà Nội, các cơ quan, ban, ngành đồng loạt tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn giám sát và điều trị cho các cán bộ tham gia phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo thông báo của UBND thành phố và Sở Y tế Hà Nội cho biết, 584 trạm y tế tại các phường, xã cũng sẽ được khử khuẩn và bố trí phòng cách ly. Các bệnh viện tuyến huyện sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp bị nhiễm bệnh dịch.
“Hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn buôn bán, ăn cầy hương, cả thịt chó, mèo. Tôi đề nghị phải tuyên truyền các hộ kinh doanh, quản lý thị trường, công an phải cấm buôn bán động vật hoang dã. Khuyến cáo không nên ăn thịt chó và thịt mèo”, ông Chung khẳng định.
“Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền quyết liệt đến từng người dân về mức độ nguy hiểm của dịch này. Thứ hai là phải giúp người dân hiểu được tường tận cách phòng chống. Thứ nữa là hiểu được tường tận nhận biết khi có những dấu hiệu ban đầu của dịch để gọi đến đường dây nóng”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Theo đó, chính quyền Hà Nội công bố các số điện thoại đường dây nóng là 0969082115; 0949396115; 0916865570 để tiếp nhận thông tin về phòng, chống dịch bệnh do virus corona, đồng thời bố trí 5 bệnh viện tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu Công an thành phố cùng với chính quyền các quận huyện, phường, xã, hệ thống các trường đại học, phải nắm được số người du lịch trong dịp Tết vừa qua đi từ các vùng dịch về. Từ đó, có thông tin khai báo và cách ly. Chưa hết, ông Nguyễn Đức Chung còn chỉ đạo dừng mọi hoạt động lễ hội trong đó có đề xuất của Quận Hoàn Kiếm là sẽ không tổ chức các hoạt động tại không gian phố đi bộ.