Xem xét đầu tư sân bay Long Thành ngay tháng 3.2020
Ngày 3.2, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo Nghị quyết số 07 này, Hội đồng thẩm định nhà nước được Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thành công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 bảo đảm chất lượng, trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét, quyết định đầu tư dự án ngay trong tháng 3.2020.
Trong Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh, điều chỉnh diện tích đất quốc phòng, bổ sung hai tuyến giao thông kết nối, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, công nghệ áp dụng, hiệu quả kinh tế-xã hội, hiệu quả tài chính, vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, thực hiện theo nội dung Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội.
Cụ thể, giai đoạn 1 này, diện tích sân bay Long Thành sẽ được điều chỉnh tăng thêm 645 héc-ta từ 1.165 héc-ta lên khoảng 1.810 héc-ta cho phù hợp với nhu cầu hoạt động khai thác đồng bộ.
Việt Nam chọn hình thức đầu tư nào cho sân bay Long Thành? Nghị Quyết của Chính phủ ban hành ngày 3.2 nêu rõ, về hình thức đầu tư, trên cơ sở phân loại các hạng mục công trình cần đầu tư, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để hoàn thiện đề xuất hình thức đầu tư phù hợp. Theo đó, việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành phải bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và lợi ích của nhà nước, lợi ích của quốc gia, đồng thời, bảo đảm sự quản lý của nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.
Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh, cần có các giải pháp, chính sách đặc thù theo thẩm quyền để thực hiện dự án thuận lợi, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.
Để đảm bảo phục vụ thi công dự án, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bàn giao mặt bằng kịp thời tiến độ thi công dự án. Tất cả phải đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác dự án theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 94 năm 2015 của Quốc hội.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bộ với từng giai đoạn đầu tư theo định hướng trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế.
“Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, cân đối, huy động các nguồn lực giai đoạn 2021-2025 để đầu tư đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1”, Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh.
Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành
Việt Nam dự định sẽ rót khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng) làm tổng mức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án quan trọng cấp quốc gia được Quốc hội Việt Nam thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25.6.2015.
Theo đó, sân bay Long Thành được quy hoạch đạt cấp 4F theo phân cấp của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Chính phủ Việt Nam nhận định đây là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực, với quy mô, công suất sau khi hoàn thành toàn bộ 3 giai đoạn là 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo Bộ GTVT, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác.
Trước đó, ngày 12.11.2019, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã tiến hành giải trình đối với ý kiến của các đại biểu về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
“Ngay khi vừa hoàn thành giai đoạn 1 năm 2025 đã có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách từ 20 – 25 triệu lượt hành khách/năm. Dự kiến đến năm 2030, sẽ tải được toàn bộ khu vực miền Đông Nam bộ là 85 triệu lượt hành khách. Trong khi những sân bay khác như Vân Đồn, Cần Thơ khoảng 10 năm mới được 1 triệu lượt hành khách/năm, với toàn bộ hạ tầng đầu tư được khai thác rất hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
“Đánh giá của tư vấn cũng cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã thuê tư vấn nước ngoài để thẩm tra một cách độc lập”, Bộ trưởng Thể trấn an lo ngại của các đại biểu đối với dự án này.
Đáng chú ý, tại Hội nghị Tổng kết các hoạt động năm 2019 và định hướng năm 2020 của ngành giao thông vận tải, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, mọi khối lượng công việc phục vụ cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được gâp rút hoàn thiện, đảm bảo khởi công xây dựng dự án vào cuối năm 2020.
Theo đánh giá và phân tích của Cục trưởng Cục Hàng không, muốn hoàn thành đúng tiến độ và đưa sân bay Long Thành đi vào hoạt động trong năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội thì “dự án Cảng hàng không Long Thành bắt buộc phải khởi công vào năm 2020”.
Một động thái đáng chú ý nhằm tránh để rơi vào tình trạng bị động trong việc chi trả tiền giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng 2 khu tái định cư cho dự án, Chính phủ đã sớm bố trí vốn cho dự án.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam tiến hành giao 2 đợt vốn cho tỉnh, đợt 1 vào cuối năm 2018 và đợt 2 vào đầu năm 2019. Tổng số vốn đã giao là 15 ngàn tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
“Như vậy, trong tổng số vốn là 23.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng thì đã được bố trí gần 2/3, số còn lại chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng. Do đó, khi làm xong hồ sơ giải phóng mặt bằng sẽ có tiền chi trả ngay cho người dân cũng như các tổ chức bị thu hồi đất”, ông Đinh Việt Thắng chia sẻ với báo chí cho hay.
Tuy nhiên, việc Bộ GTVT muốn chọn ACV đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, đồng thời với luận điểm cho rằng việc giao cho ACV khai thác là hợp lý, ngoài đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia hiện đang vẫn còn nhiều quan điểm lo ngại trong giới chuyên gia.