Dịch coronavirus giáng đòn mạnh vào kinh tế Việt Nam

© Ảnh : Thành Đạt - TTXVNKhá nhiều người dân ưa chuộng khẩu trang vải vì sự tiện dụng khi ra đường.
Khá nhiều người dân ưa chuộng khẩu trang vải vì sự tiện dụng khi ra đường.  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến, tăng trưởng kinh tế, GDP của Việt Nam năm 2020 có thể sẽ xuống dưới 6% do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do coronavirus (Covid-2019) gây nên. Theo đó, dịch coronavirus ảnh hưởng rất nghiêm trọng, buộc nền kinh tế Việt Nam phải cơ cấu lại.

GDP Việt Nam giảm xuống dưới mốc 6% do coronavirus

Theo báo cáo Đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus corona (Covid-2019) đối với sự phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) nêu ra tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 12.2.2020, GDP Việt Nam giảm xuống dưới mốc 6% do coronavirus.

Theo đó, chiều 12.2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới coronavirus (Covid-2019) gây nên đối với kinh tế- xã hội Việt Nam, cập nhật và đưa ra những dự báo tăng trưởng có thể cho năm 2020 cùng với nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành nhằm hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Corona phát biểu. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam chữa khỏi coronavirus cho bệnh nhân Trung Quốc, Bộ Y tế lên tiếng

Báo cáo với Thủ tướng và Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư cùng nhiều chuyên gia đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm, cũng như tác động từ dịch viêm phổi Vũ Hán do coronavirus sẽ khiến quá trình suy thoái kinh tế thế giới càng diễn ra nhanh và rõ ràng hơn, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh có thể kéo dài, hậu quả sẽ càng nặng nề hơn.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19)  diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động.

Theo Bộ và các chuyên gia kinh tế đã đánh giá, dịch coronavirus đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam, ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Đối với phạm vi toàn cầu, dịch coronavirus ảnh hưởng vô cũng nghiêm trọng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh, suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.

“Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ”, Bộ KH-ĐT đánh giá.

Đối với kim ngạch xuất nhập khẩu, Bộ KH&ĐT đánh giá, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hết quý II năm 2020 thì ước tính kim ngạch quý II chỉ đạt 58,5 tỷ USD xuất khẩu, giảm 8,1%, còn về nhập khẩu đạt 61 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng phân tích những tác động của dịch coronavirus đến chỉ số giá tiêu dùng. Cơ quan này đánh giá, nếu dịch kết thúc ngay trong quý I tới thì CPI bình quân năm 2020 có thể tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước, còn nếu dịch kéo dài đến hết quý II năm 2020 thì CPI có thể lên tới 4,86%.

Do ảnh hưởng của dịch, dự báo số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ giảm ở hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2019 (15/17 ngành), trong đó giảm mạnh lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 23%). Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 11,8%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 14,5%) dẫn tới số lao động đăng ký mới giảm mạnh như nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 50,2%), vận tải kho bãi (giảm 37,9%).

Chuyên gia cho rằng cần tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật liệu từ Trung Quốc.  - Sputnik Việt Nam
Đừng quá lo về coronavirus: Việt Nam vẫn là ngôi sao đang lên
Báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ, việc phải tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn có thể khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng gặp khó khăn cũng như chịu tác động nặng nề trước dịch bệnh do coronavirus gây nên. Cùng với dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, thẻ vàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đi châu Âu hiện vẫn chưa được gỡ, tình hình lại càng nhiều khó khăn và thách thức.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khối ngành công nghiệp điện, điện tử ( máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện) vốn là nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 37,5 tỷ USD ( trong đó xuất khẩu 17,8 tỷ USD và nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD) năm 2019 cũng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề. Vì ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc, việc duy trì các biện pháp kiểm dịch ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, tác động lớn đến nguồn linh kiện, phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.

Bộ KH&ĐT cũng xác định, ngành dệt may Việt Nam do phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Nếu dịch bệnh do coronavirus kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may trong nước gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên vật liệu đầu vào dẫn đến tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận giảm.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng thứ 5 sau Mỹ, EU, Nhật và Hàn Quốc.

Theo Bộ KH&ĐT: dịch viêm phổi do coronavirus gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến nông, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, theo đó, khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ, các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là FDI, ảnh hưởng tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Thậm chí Bộ KH&ĐT còn lo ngại, các dự án đã đầu tư có thể bị trì trệ do tăng vốn đầu tư.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.  - Sputnik Việt Nam
Dịch coronavirus đánh vào nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp không khói như du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Theo báo cáo của Bộ, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm corona.

Theo các cơ quan ước tính, số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Bộ KH-ĐT thông tin thêm cho biết, theo điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, bình quân 1 khách Trung Quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/khách, do vậy nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD. Đây là tổn hại có thể thấy rõ đối với nền kinh tế.

Sau ngành du lịch đến lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không “chịu trận”. Bộ KH&ĐT cho hay, trước đây, mỗi ngày trung bình có khoảng 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, thời gian bùng phát dịch, các chuyến bay bị hủy hoàn toàn. Gây thiệt hại không nhỏ. Ngoài ra, ngành vận tải đường sắt và đường bộ, xe bus, taxi cũng sụt giảm do lượng khách đi lại giảm, lễ hội tổ chức hạn chế. Bộ đánh giá, những dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không như việc quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không cũng chịu ảnh hưởng.

Liên quan mật thiết đến du lịch và giao thông vận tải, dịch vụ kinh doanh lưu trú cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng hủy tours, hủy đặt chỗ, hoạt động kinh doanh nhà hàng giảm xuống do tâm lý ngại tụ tập nơi đông người của người dân.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời coronavirus

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì tại kỳ họp. - Sputnik Việt Nam
Kinh tế Việt Nam lập kỷ lục mới
Báo cáo với Chính phủ, Bộ KH&ĐT nêu ra hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam.

“Trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%”, Bộ KH&ĐT nêu kịch bản thứ nhất.

Báo cáo đánh giá của Bộ cũng đề cập đến “tình huống xấu hơn” với mức tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống rõ rệt.

“Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm% so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nhận định.

Phát biểu trước Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề.

© Ảnh : Văn Điệp - TTXVNThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Dịch coronavirus giáng đòn mạnh vào kinh tế Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

 

“Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia. Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân”, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh đồng thời yêu cầu phải làm sao tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí và những chính sách nào thúc đẩy phát triển.

Coronavirus buộc Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế?

Nhận định về tác động của dịch coronavirus đến nền kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, dịch bệnh lần này có tác động tiêu cực, rất mạnh và rất nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam.

Nhiều người đã có ý thức đeo khẩu trang y tế ở những chỗ đông người (ảnh chụp tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội sáng 30/1/2020) - Sputnik Việt Nam
Dịch viêm phổi do virus Corona sẽ đánh vào kinh tế Việt Nam như thế nào?

Theo vị chuyên gia kinh tế, dịch coronavirus ảnh hưởng đến Việt Nam một cách toàn diện.

“Đầu tiên là ảnh hưởng tới ngành du lịch, vì du lịch Việt Nam bị lệ thuộc lớn vào thị trường khách Trung Quốc. Khi du lịch bị ảnh hưởng sẽ kéo theo hàng không cũng bị ảnh hưởng. Tiếp theo là tác động tới xuất nhập khẩu và cái nhìn thấy đầu tiên là ảnh hưởng tới xuất khẩu, trước mắt là một số mặt hàng nông sản. Cùng với đó là ảnh hưởng tới cả nhập khẩu. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt thì ngay cả đầu tư cũng bị tác động”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng như đánh giá và khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó, chúng ta lo chống dịch, nhưng tuyệt đối không để hoang mang, bị động, PGS. TS Trần Đình Thiên đánh giá cần phải bình tĩnh, tích cực hơn trong các tiếp cận, bởi ông luôn tin rằng “trong nguy cũng có cơ”, trong thách thức có cơ hội.

Nhà kinh tế đánh giá, tình hình này sẽ buộc Việt Nam phải thay đổi, định hướng lại cách phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.

Về đối pháp, ông phân tích, đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, trong tình hình dịch như hiện nay, nhiều khả năng tốc độ rút khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp sẽ nhanh hơn nữa.

“Việt Nam đang là điểm hấp dẫn đầu tư và tiếp tục là nơi được lựa chọn trong xu hướng rút khỏi Trung Quốc. Vì thế, chúng ta cần phải tính toán xem lựa chọn điểm đến tiếp theo của những DN này sẽ như thế nào để tìm cho ra giải pháp trở thành lựa chọn ưu tiên của họ. Còn nếu không nắm bắt được cơ hội này Việt Nam có thể lỡ mất một dòng đầu tư lớn”, VOV dẫn phân tích của PGS. TS. Trần Đình Thiên khẳng định.

Thành viên tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng đánh giá, ngành du lịch, lâu nay Việt Nam có phần dựa vào vào thị trường Trung Quốc khi một số công ty lữ hành coi trọng số lượng hơn chất lượng. Do đó, ông Thiên cho rằng, cần phải định hướng lại, hướng tới phát triển du lịch một cách căn bản và chuyên nghiệp hơn.

“Thị trường khách du lịch đại chúng, thu nhập thấp rất nhiều rủi ro, nhất là với khách Trung Quốc. Dịch bệnh lần này có thể là “giọt nước tràn ly”, góp thêm một yếu tố để Việt Nam xem lại định hướng phát triển ngành du lịch thời gian tới”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng có quan điểm rằng dịch coronavirus tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể giảm tới 1 điểm %.

© Ảnh : Ngọc Hà - TTXVNHồ Gươm vẫn là địa chỉ thu hút du khách tới vãn cảnh.
Dịch coronavirus giáng đòn mạnh vào kinh tế Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Hồ Gươm vẫn là địa chỉ thu hút du khách tới vãn cảnh.

Nhiều người cho rằng dùng giải pháp mở rộng, nới lỏng tiền tệ, tuy nhiên, theo vị chuyên gia, việc bơm tiền cho nền kinh tế là không phù hợp, không khả thi do sự khác biệt trong cấu trúc tăng trưởng.

“Ảnh hưởng chủ yếu từ phía Trung Quốc. Chúng ta bơm tiền không giúp khách Trung Quốc sang Việt Nam đông hơn, không giúp xuất nhiều nông sản hơn và càng không giúp các doanh nghiệp sản xuất có đủ nguyên phụ liệu đầu vào”, TS Phạm Thế Anh trao đổi với VnExpress chỉ rõ.

Ông cũng nêu vấn đề, Việt Nam những năm gần đây đã tăng trưởng phụ thuộc một phần vào việc cung tiền, dư địa cho chính sách không còn dồi dào như các nước khác.

“Tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã đến ngưỡng 150%, cung tiền trên GDP khoảng 170%, cao hơn rất nhiều so với những nước trong khu vực. Điều này hạn chế phần nào dư địa cho chính sách”, vị chuyên gia phân tích đồng thời cho rằng, việc mở rộng tiền tệ còn tạo áp lực lên lạm phát, vốn đã tăng nhanh từ cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi.

Kinh tế trưởng VEPR- TS. Phạm Thế Anh đánh giá, thay vì sử dụng chính sách tiền tệ, Việt Nam nên tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, tạo nên cấu trúc tăng trưởng bền vững hơn, dù không dễ trong ngắn hạn.

Dây chuyền sản xuất và đóng gói tự động tại Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bình Dương (Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam). - Sputnik Việt Nam
Chờ đợi gì ở nền kinh tế Việt Nam 2020?

Nói về những giải pháp để giảm thiểu thiệt hại của dịch coronavirus đối với kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, mục tiêu và nhiệm vụ trước tiên vẫn phải ưu tiên chống dịch bệnh lây lan dù tốn kém nhưng sẽ đảm bảo cho niềm tin lâu dài vào nền kinh tế.

“Phải bình tĩnh, còn chuyện điều chỉnh các chỉ tiêu thì đặt ra bây giờ cũng hơi sớm nhưng cũng không nên quá muộn. Bởi các chỉ tiêu này ảnh hưởng tới các cân đối lớn của nền kinh tế, đến huy động và sử dụng nguồn lực. Dĩ nhiên cũng không nên “làm quá” gây ra tâm lý bi quan”, PGS. TS. Trần Đình Thiên đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, ưu tiên số một bây giờ vẫn phải là phòng chống dịch. Theo vị chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, phải bình tĩnh, chủ động tìm các giải pháp để các doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ cũng có thể bắt đầu phải tính toán ngay từ bây giờ các biện pháp hỗ trợ một số ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động mạnh của dịch bệnh để các DN và nền kinh tế vượt qua giai đoạn này, như hỗ trợ giảm khó khăn với xuất khẩu, nông nghiệp, du lịch. Cần trợ lực để doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất kinh doanh để hoạt động kinh tế không bị gián đoạn”, GS. TS. Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала