Trung Quốc gặp dịch Covid-19: Nhiều doanh nghiệp Việt phải tạm ngưng sản xuất
Chiều ngày 26.2, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp về tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona (Covid-19) lên ngành công nghiệp và sản xuất của Việt Nam.
Vốn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất các loại hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp của nhiều nước trên thế giới và cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn của nhiều ngành hàng đa quốc gia.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với những tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất trong khi chuỗi sản xuất bị đứt gãy tại Trung Quốc, thiếu hụt trầm trọng nhiều loại linh kiện để cấu thành sản phẩm.
Trong khi đó, thực tế, các ngành công nghiệp, chế biến, sản xuất, chế tạo của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là điều đáng báo động, chứng minh phần nào sự phụ thuộc của Việt Nam vào việc nhập nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc khi các chuỗi sản xuất bị đứt đoạn.
Thông tin đáng chú ý tại cuộc họp này được lãnh đạo Cục Công nghiệp Bộ Công thương báo cáo cho biết, hiện tại, một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử lớn đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona đồng thời xác định chính các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam.
Đồng thời, báo cáo của Cục Công nghiệp cũng nêu vấn đề đáng lo ngại đó chính là không chỉ ngành hàng ô tô, dệt may và da giày, ngành điện tử cũng đang chịu tác động vô cùng lớn trước thực trạng thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia bùng phát dịch.
Samsung, LG gặp khó vì lệnh kiểm soát dịch Covid-19 ở biên giới
Theo đó, nhóm các sản phẩm của ngành công nghiệp- điện tử gồm cả điện thoại và tivi là những mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam thông tin cho biết, những doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng muộ hơn nhưng mức độ ảnh hưởng là tương đương bởi nguồn linh kiện cũng được nhập từ Trung Quốc.
Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng dự báo, trong cuối quý I năm nay, nếu dịch bệnh còn kéo dài, tình trạng suy giảm sản lượng điện thoại và tivi trong nước là chắc chắn.
Báo cáo của Cục Công nghiệp cho hay, hãng LG Việt Nam nhấn mạnh đang phải đối mặt với nguy cơ không có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng từ các lệnh kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số mẫu chiến lược đời mới của hãng do một số loại linh phụ kiện sản xuất được nhập từ Trung Quốc và chủ yếu thông qua cửa khẩu Lạng Sơn.
Cũng theo báo cáo, dù hiện nay, các lô hàng nhập khẩu linh kiện tại Lạng Sơn đang được tạo điều kiện thông quan sớm theo đề nghị từ chính Samsung, tuy nhiên trong thời gian tới đây, dự kiến nhiều nguồn hàng nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi phía Trung Quốc cũng dự kiến đóng cửa khẩu, do đó, doanh nghiệp không thể nhập khẩu qua đường bộ.
“Trong trường hợp không giải quyết sớm vấn đề nguyên liệu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Công ty vì dây chuyền sản xuất của Công ty được thiết kế để vận hành liên tục nhằm giảm chi phí, nếu buộc phải tạm ngừng sản xuất sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc vận hành trở lại”, báo cáo của Cục Công nghiệp nêu rõ.
Đối với việc tiêu thụ hàng hóa, Cục Công nghiệp nhận định, Trung Quốc hay một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác là Hàn Quốc và Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại di động và linh kiện.
Chắc chắn, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của những ngành hàng này.
Số liệu từ Cục Công nghiệp Bộ Công thương khẳng định, hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3.2020.
Đặc biệt, ngành dệt may, da giáy và túi xách của Việt Nam năm 2019 nhập từ Trung Quốc tổng giá trị 1,3 tỷ USD xơ xợi phục vụ sản xuất, tương đương 57,39%. Trong khi đó 7,73 tỷ USD vải (chiếm 60,91%) và khoảng 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (chiếm 43,67%). Nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,02 tỷ USD vải (15,91%) và 0,71 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (12,65%).
Theo Cục Công nghiệp, vấn đề là đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3.2020 hoặc đầu tháng 4.2020. Nhiều khả năng sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên phụ liệu.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cách đây không lâu cũng cho biết, nếu sau tháng 3 vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều đơn vị sẽ phải đóng cửa, người lao động mất việc.
Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nhất là sản xuất ô tô tải đang phụ thuộc tới 70% linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc.
Trong đó, đáng chú ý, nhừng dòng xe du lịch dù có linh kiện được nhập từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên, những nước này cũng đang bùng phát dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản). Do đó, dự kiến đến cuối quý đầu tiên năm 2020, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất, chế tạo và lắp ráp.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương Trương Thanh Hoài nêu thực tế đáng lo ngại, đó chính là hiện nay nguồn cung nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào sản xuất từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang gặp nhiều khó khăn bới việc thực thi các biện pháp kiểm dịch tại biên giới của Việt Nam và Trung Quốc khiến việc thông quan hàng nhập khẩu khó khăn hơn nhiều so với trước đây.
Điều này là chưa kể hiện nay các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam tại Trung Quốc hiện nay cũng đang tạm thời ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.
“Các nguyên phụ liệu cao cấp hoặc các sản phẩm linh kiện, phụ tùng rất khó có thể tìm nguồn thay thế từ Trung Quốc trong ngắn hạn, do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia hoặc có giá thành cao hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc. Kể cả trong trường hợp dịch bệnh kết thúc, phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại nguồn đầu vào cho sản xuất trong nước thì giá thành nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên so với trước đây, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước”, ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tránh phụ thuộc vào Trung Quốc?
Trao đổi về vấn đề nguồn cung nguyên liệu, linh kiện đầu vào cho quá trình sản xuất trong nước, ông Trương Thanh Hoài cũng đề xuất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan tiến hành làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc, thậm chí là cấp Trung ương của Trung Quốc nhằm xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Công nghiệp cần phải có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da-giày (các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa của Việt Nam.
“Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang phối hợp với Cục Công nghiệp tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong nước còn thấp, việc kết nối cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Hoài nhận xét.
Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp ngày 26.2 về tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, không làm bi đát, trầm trọng hóa tình hình hiện tại nhưng phải đánh giá đúng và kỹ lưỡng, tính toán diễn biến, đồng thời dự báo trước kịch bản có thể xảy ra để lên kế hoạch ứng phó.
“Giả sử khống chế dịch bệnh thành công trong nửa đầu năm nay thì tác động thế nào, khả năng để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển và tham gia tiếp, khả năng hồi phục của doanh nghiệp trong tương lai như thế nào chúng ta phải dự báo được. Những con số đưa ra phải ở mức tương đối chính xác mới xác định được mức độ, quy mô tác động của dịch để chúng ta tham mưu lên Chính phủ cho phù hợp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Ngoài ra, thẳng thắn, Việt Nam cần có chiến lược và giải pháp dài hạn nhằm phát triển ngành công nghiệp trong nước – tự thân, tránh bị lệ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Nhất là chú trọng đến các ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép, vải, vật liệu mới nhằm giảm tối thiệu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ tín dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo và phát triển thị trường cũng như nhiều ưu đãi thuế và đất đai.
“Nếu tín dụng, lãi suất ngân hàng vẫn như cũ thì doanh nghiệp sẽ chịu đựng được bao lâu? Mức giảm cụ thể thế nào và sẽ có tác động gì?”, lãnh đạo ngành công thương đề nghị đưa ra các giải pháp cụ thể chứ không nói chung chung như miễn giảm thuế hay giảm lãi suất cho vay.
“Từ vụ tranh cướp mua khẩu trang, giấy vệ sinh ở các nước cho thấy chúng ta cần tính đến hoạt động sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa trong nước khi dịch bệnh có thể kéo dài. Cung - cầu trong nước cần được tính toán”, ông Trần Tuấn Anh nhận định.
Ngoài ra, ông Trương Thanh Hoài Cục trưởng cục Công nghiệp có đề xuất, chính phủ Việt Nam nên có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chuyên gia quản lý cao cấp người nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sớm trở lại Việt Nam dưới sự giám sát chặt chẽ của y tế địa phương.