Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu triển khai mạnh mẽ biện pháp "cách ly tập trung" trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi lời thăm hỏi, chúc mừng đến đội ngũ các y, bác sỹ cả nước nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020). Thủ tướng ghi nhận và biểu dương đội ngũ các y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế - những chiến sĩ tiên phong, những tấm gương kiên cường trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả rất quan trọng với nhiều biện pháp mạnh mẽ, chủ động; đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là ở địa phương. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động, trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Thành tích này có được nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; để lại một ấn tượng mạnh mẽ và được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đánh giá cao tinh thần chỉ đạo chống dịch của Việt Nam.
Thủ tướng nhận xét, Ban Chỉ đạo các cấp đã có những đối sách đúng, biện pháp quyết liệt, kịp thời, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, huy động nhiều lực lượng tham gia, đặc biệt là Quân đội, Công an với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nhờ đó, Việt Nam đã ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, không có ca nhiễm mới, điều trị khỏi cho 16 ca mắc dịch bệnh này.
Ban Chỉ đạo quốc gia và tại các địa phương đã giữ nề nếp, quy củ, hoạt động đều đặn, tích cực trong suốt hơn 1 tháng qua; không để xảy ra bị động, bất ngờ, không để dịch bệnh lan tràn, thể hiện trách nhiệm trước nhân dân. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã dành nhiều công sức, cơ sở vật chất, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Lưu ý không chủ quan trước những kết quả đã đạt được, Thủ tướng đề nghị triển khai mạnh mẽ biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người từ vùng dịch vào Việt Nam. Đi liền với đó là thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Quân đội đối với người được cách ly; tiếp tục tạo điều kiện cho người được cách ly. Các cơ quan liên quan bám sát tinh thần "không đóng cửa biên giới, không đóng cửa sân bay, không cấm đi lại" nhưng "tất cả những người từ vùng dịch về đều phải cách ly" để tránh lây truyền dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm giải thích với thái độ kiên quyết, cách ly các trường hợp người đến Việt Nam từ vùng dịch. Khuyến cáo công dân Việt Nam sinh sống, làm việc ở đâu cần tuân thủ hướng dẫn của nước sở tại để ổn định bởi trên thực tế, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có hệ thống y tế tốt hơn so với Việt Nam.
"Tiếp tục không được chủ quan, không được họp hành đông người", Thủ tướng nói và yêu cầu các lễ hội, hội nghị lớn phải tạm thời dừng lại. Thủ tướng nhắc lại tinh thần "bình tĩnh nhưng cương quyết" trong kiểm soát dịch bệnh, không để tình hình phức tạp.
Về vấn đề đi học của học sinh, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xem xét căn cứ vào Khung thời gian năm học Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố để tự quyết định việc đi học của học sinh đảm bảo hiệu quả nhất, chú ý đến các vấn đề vệ sinh, kiểm soát dịch bệnh.
Về chính sách phát triển thời gian tới, Thủ tướng cho biết, theo nhiều dự báo, mặc dù tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp nhưng có thể sẽ được kiểm soát tốt vào quý II. Trong khoảng vài tháng tới, kinh tế thế giới sẽ có những diễn biến tích cực. Do đó, các bộ, các cấp, các ngành, địa phương cần suy nghĩ, kiên quyết bên cạnh ngăn chặn dịch có hiệu quả cần phải có "tư duy đột phá chính sách hiệu quả và hành động" để hoàn thành đầy đủ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Đảng, Quốc hội đã giao.
Thủ tướng đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Giảm lãi suất, chuyển đổi giãn nợ, giảm thuế, giãn thuế, giảm lệ phí logistic..., tăng chi tiêu an sinh xã hội, nhất là đối với những đối tượng bị tổn thương do dịch bệnh tại các địa phương.
Để đảm bảo kế hoạch phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "Chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời hơn", chuẩn bị mọi điều kiện cho sự tăng trưởng bứt phá vào Quý II.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 9 giờ 00 ngày 27/2, số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc lần đầu tiên lớn hơn số ca nhiễm của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu.
Hiện tại, tất cả các châu lục, trừ châu Nam cực đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19 với 49 quốc gia/vùng lãnh thổ công bố có người mắc. Hàn Quốc hiện là quốc gia có số trường hợp mắc tăng nhanh và cao nhất ngoài Trung Quốc (1.595 ca mắc, 12 người tử vong), tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang. Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất.
Tại Việt Nam, từ ngày 13/2 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Tổng số có 16 trường hợp nhiễm COVID-19 và đã được điều trị khỏi tất cả 16/16 ca. Tổng số có 1.304 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ; 92 trường hợp nghi ngờ, đang theo dõi, cách ly; 5.474 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, Ban Chỉ đạo quốc gia đã yêu cầu Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không thông báo rộng rãi về việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc vào Việt Nam. Đối với người Hàn Quốc và người đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11/02/2020, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cập nhật danh sách và nơi cư trú, lưu trú, gửi Cấp ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, thực hiện giám sát y tế và tổ chức cách ly ngay lập tức các trường hợp được phát hiện đến từ vùng có dịch của Hàn Quốc, hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch. Khuyến cáo đối với người Hàn Quốc đang đi du lịch tại Việt Nam không tiếp tục hành trình và sớm trở về nước.
Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thông báo rộng rãi đối với người Việt tại Hàn Quốc về việc khi về Việt Nam phải khai tờ khai y tế bổ sung, chịu sự giám sát y tế bị cách ly tập trung nếu đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch hoặc không chứng minh được có đi qua vùng có dịch hay không.
Bộ Y tế làm đầu mối phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện ứng dụng khai báo y tế điện tử để áp dụng cho tất cả hành khách đến từ các nước có dịch trước khi lên máy bay, đồng thời vẫn thực hiện khai báo thủ công khi về Việt Nam để cập nhật thông tin.