Mi-38 - bước tiến mới về công nghệ
Trực thăng Mi-38 là sản phẩm kế thừa từ lớp Mi-8 huyền thoại, nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng có khả năng tải trọng cao hơn. Mi-38 áp dụng giải pháp kỹ thuật mới trong hầu hết các yếu tố kết cấu, hệ động lực, và cấu kiện. Lần đầu tiên trong thực tế ngành công nghiệp chế tạo trực thăng Nga, đã sử dụng cánh quạt 6 lưỡi «bước thay đổi», bản thân các lưỡi cánh làm bằng vật liệu tổng hợp, có hiệu suất khí động học tuyệt vời. Điều này làm giảm tiếng ồn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất. Cánh quạt đuôi hình chữ X, có 4 lưỡi. Mi-38 dân sự thừa hưởng giải pháp này từ trực thăng quân sự Mi-28 «Night Hunter». Thiết bị dẫn đường hiện đại cho phép Mi-38 hoạt động trong mọi thời tiết, phù hợp với các hoạt động cứu hộ và chữa cháy.
Phi công đầu tiên sử dụng Mi-38 - phi công trưởng của công ty «Hệ thống Trực thăng Nga» (RVS), ông Serge Fadeev đã ca ngợi các "phẩm chất sử dụng" của cỗ máy mới.
«Khoang trực thăng rất rộng rãi, có thể chở theo tới 30 hành khách so với 24 của Mi-8. Sức chứa hàng hóa của Mi-38 trong phiên bản vận tải là 6 tấn trên khoang hoặc 5 tấn treo bên ngoài, nhiều hơn 1 tấn so với Mi-8. Nhưng Mi-8 và Mi-38 không phải là đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó, chúng bổ sung cho nhau và mở rộng dòng trực thăng thương hiệu Mi”.
«Buồng lái kỹ thuật số» yêu cầu phải đào tạo lại phi công
Mặc dù Mi-38 có ngoại hình tương tự Mi-8 và kỹ thuật điều khiển tương tự nhau, nhưng không đơn giản khi chuyển từ điều khiển trực thăng của thế kỷ 20 sang cỗ máy thế kỷ 21. Đó là hai thế hệ khác nhau. Việc đào tạo lại phi hành đoàn cho Mi-38 được thực hiện tại trung tâm huấn luyện của Nhà máy Trực thăng Kazan (khu vực Volga) và trong tổ hợp thử nghiệm chuyến bay của Nhà máy Trực thăng Moskva mang tên Mil (tỉnh Moskva).
«Quy trình đào tạo phi công khác biệt đáng kể so với trước đây, ông Fadeev nói. - Ngay trong phiên bản cơ sở, Mi-38 đã được trang bị cabin lái hoàn toàn «trong suốt” - kỹ thuật số. Thiết bị analog không được sử dụng về mặt nguyên tắc. Kỹ thuật số cho phép nhanh chóng giám sát hoạt động của tất cả các hệ thống trên máy bay, gia tăng nhận thức của phi công, và màn hình tinh thể lỏng thuận tiện hơn nhiều so với việc chất đống các thiết bị analog".
Trực thăng Nga với "trái tim" Nga — hoạt động tại mọi vùng khí hậu
Ban đầu, dự án Mi-38 dự định trang bị hệ động lực do nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, phiên bản cuối cùng đã được lắp đặt động cơ Nga TV7-117 hiện đại hóa. Phi công trưởng của công ty RVS coi đây là quyết định đúng đắn.
«Động cơ tua-bin Nga có lực đẩy (sức mạnh) cao hơn so với sản phẩm nước ngoài, được xem xét trước đó. Việc sử dụng động cơ trong nước giúp giảm chi phí bảo dưỡng trực thăng, ít nhất là cho các nhà khai thác ở Nga. Biến thể Mi-38 với động cơ nội địa cũng liên quan đến việc lắp đặt bộ phận động lực phụ trợ (VSU)», chú thích của Serge Fadeev.
Sự hiện diện của VSU làm tăng độ tin cậy của toàn bộ cỗ máy và rất quan trọng khi hoạt động trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tại các căn cứ và điểm hạ cánh xa xôi, nơi có thể không có các thiết bị sân bay cần thiết. Về điều kiện vận hành, cả nhà sản xuất — công ty “Trực thăng Nga» và tổ chức chứng nhận - Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang — đều cho phép Mi-38 được hoạt động ở nhiệt độ không khí từ -45 đến +45 độ C trong mọi điều kiện nơi hạ cánh: khô, ướt, bụi. Điểm chính yếu là cường độ đất tại khu vực tối thiểu phải là 3 kgf / cm2, và kích thước bãi đỗ ít nhất 25 x 25 mét.
Đối thủ xứng tầm với các "bạn cùng lớp" từ phương Tây
Theo phi công trưởng công ty RVS, Mi-38 cạnh tranh tốt với các sản phẩm nước ngoài và sẽ có lợi thế đáng kể trong một số chỉ số.
«Máy bay Airbus H225 là đối thủ cạnh tranh duy nhất của Mi-38 về khả năng tải trọng, - ông Martin Fadeev nói. - Trực thăng H225 có thể mang theo 5,5 tấn trên khoang — chỉ ít hơn một chút. Nhưng thể tích hữu ích 15 mét khối, gần bằng một nửa so với Mi-38. Về tốc độ, đối thủ cạnh tranh duy nhất của dòng 38 trong cùng phân khúc là AgustaWestland AW101 ba động cơ, đạt tốc độ hành trình 278 km/h, tối đa là 290 km/h. Mi-38 hai động cơ có vận tốc hành trình 250 km/h, tối đa 320 km/h. Phạm vi bay (không tải) tối đa của cả ba chiếc là tương đương nhau. AW101 - 1129 km, H225 - 1135 km và Mi-38 - 1200 km. Đối với thiết bị điện tử trên Mi-38, gần như thống nhất với mọi trực thăng hiện đại của Nga, đáp ứng mức độ tiến tiến và các yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng».
Ông Serge Fadeev - phi công thương mại giàu kinh nghiệm, bay nhiều giờ trên các loại trực thăng khác nhau, tin tưởng: Mi-38 có một tương lai tuyệt vời, kể cả trên thị trường thế giới.