Chúng có thể được sử dụng không chỉ trên biển mà còn trên đất liền (nếu điều kiện địa hình cho phép), thực hiện nhiều chức năng khác nhau: từ vận chuyển hành khách, hàng hóa đến trinh sát biển hoặc trang bị vũ khí chống hạm. Theo tin đưa trên kênh truyền hình quân đội Nga Zvezda.
Phương tiện bị lãng quên
"Người Nga đã tạo ra con quái vật!"
Vào một ngày không may mắn trong năm 1967 cho chính họ, tình báo Mỹ đã ghi nhận: Liên Xô có một thứ chưa từng thấy trước đó! Trong các bức ảnh chụp trên biển Caspi được báo cáo trước lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ và NATO, có thể thấy một cỗ máy kỳ lạ kích thước khổng lồ đang lướt trên mặt nước. Ước tính khối lượng khoảng 600 tấn, người Mỹ lo ngại đặt cho nó cái tên "Quái vật biển Caspi". Nhưng đó chỉ là phiên bản thử nghiệm.
Sự phát triển tiếp theo của «Quái vật biển Caspi» là «Lun» - phương tiện tấn công với khối lượng cất cánh lên tới 388 tấn. Được trang bị 8 động cơ phản lực với tổng lực đẩy 104 tấn, "Lun” có thể bay sát mặt nước với tốc độ 500 km/h ở độ cao vài mét. Trên tàu mang theo 6 bệ phóng tên lửa chống hạm. Tàu ekranoplan của Nga không thua kém tàu tuần dương tên lửa về hỏa lực (có thể đưa một nhóm tấn công tàu sân bay xuống đáy biển bằng một loạt phóng đạn), nhưng di chuyển nhanh hơn 10 lần, và vô hình trước radar. Các tên lửa "Moskit" trên boong có tầm bắn lên tới 120 km, tốc độ của chúng gần với siêu âm, quỹ đạo bay thay đổi liên tục và độ cao không vượt quá 12 mét. Khi trúng mục tiêu, tên lửa sẽ xuyên thủng boong tàu hoặc kiến trúc thượng tầng và đầu đạn phát nổ từ bên trong. Hệ thống phòng không của "đối thủ tiềm năng" bất lực trong việc đánh chặn "Moskit".
"Orlonok" đa năng
Song song với "Lun" và thậm chí có phần sớm hơn, cỗ máy đa năng "Orlonok" đã được chế tạo, có thể bay trong chế độ «hiệu ứng bề mặt”, hay như một chiếc máy bay hoàn chỉnh (khi hoạt động với lực đẩy động cơ tối đa), vận chuyển tới 200 lính thủy đánh bộ trang bị đầy đủ hoặc hai xe bọc thép tới khoảng cách 1500 km với tốc độ 400 km/h. Năm 1979, "Orlonok" được Hải quân Liên Xô tiếp nhận vào trang bị. 5 chiếc đã phiên chế vào một đơn vị độc lập, trực thuộc bộ chỉ huy không quân của hải quân. Phiên bản dân sự "Orlonok" cũng được thiết kế - thiết bị cứu hộ và vận tải.
Thời gian sau đó, chủ đề ekranoplan đã phải đặt sang một bên. Lý do cho điều này không chỉ là sự sụp đổ của Liên Xô, mà cả những khó khăn gặp phải trong việc chế tạo mới và bảo trì các thiết bị hiện có. Ekranoplan của Liên Xô - «không phải tàu thủy, cũng không phải máy bay» - đã trở thành nạn nhân của sự mâu thuẫn liên ngành, không bộ nào muốn nhận vào trang bị, đơn giản là không có ai huấn luyện phi hành đoàn. Chỉ trong những năm 2010, ở Nga, người ta mới nhớ lại về một kỹ thuật độc đáo. Hơn nữa, trong hơn 30 năm qua, công nghệ, vật liệu phát triển mạnh, và Cục Thiết kế mang tên Aleseyev thành công trong việc duy trì tiềm năng kỹ thuật mạnh mẽ. Hiện giờ Cục làm việc trong liên minh với Tập đoàn RADAR-MMS (St. Petersburg).
"Hải Âu" - công nghệ của thế kỷ 21
Bước đầu tiên trong sự hồi sinh ngành chế tạo ekranoplan là cỗ máy "Hải Âu-2". Tên gọi như vậy vì một lý do. Các nhà nghiên cứu về loài chim từ lâu đã phát hiện ra những cư dân lông vũ bờ biển này thường sử dụng "hiệu ứng bề mặt" trong chuyến bay để tiết kiệm năng lượng.
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc chế tạo các cỗ máy đa năng tỏ ra có lợi nhất. Và những lợi thế của ekranoplan đã rõ ràng. Đầu tiên, trong trường hợp khẩn cấp, ekranoplan có thể hạ cánh trên mặt nước và tiếp tục hành trình như tàu thủy thông thường hoặc như một con phà thả trôi. Thứ hai, không một tàu cánh ngầm hay thủy phi cơ nào có thể so sánh với tốc độ với ekranoplan. Thứ ba, giống như thủy phi cơ, phương tiện không có đòi hỏi đặc biệt nào về căn cứ hay bãi đỗ. Thứ tư, nếu cần thiết, ekranoplan có thể bay trên một cánh đồng băng hoặc nói chung là trên mặt đất, có bề mặt tương đối phẳng.