Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, WHO vẫn luôn đánh giá Việt Nam có năng lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 tốt hơn nhiều nước đang phát triển, nhưng bước vào giai đoạn mới, còn nhiều thách thức, cần tập trung để đưa ra những giải pháp phù hợp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, qua đại dịch Covid-19 mới thấy hết tình đoàn kết quân - dân, trách nhiệm phòng chống chống dịch của cả hệ thống chính trị.
Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định, Hoa Kỳ đánh giá rất cao các nỗ lực phòng chống dịch quyết liệt, minh bạch và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Ngoài việc tung gói hỗ trợ 37 triệu USD giúp Việt Nam và các nước tăng cường công tác chống dịch, Mỹ còn xem xét khả năng nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế từ Việt Nam để phục vụ cho phòng chống dịch coronavirus ở nước này.
Việt Nam ghi nhận 116 ca mắc Covid-19: Có bác sĩ điều trị bị nhiễm coronavirus
Tính đến 11h sáng 23.3, Việt Nam ghi nhận 116 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 17 người đã được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng ở Trung Quốc, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện 3 trường hợp nhân viên y tế nhiễm nCoV.
Sáng 23.3, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 3 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó, có cả bác sĩ tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc nCoV tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội). Nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của Việt Nam lên thành 116 trường hợp tính đến 10h40 sáng 23.3.2020.
Cụ thể, Bộ Y tế thông tin chi tiết về 3 trường hợp nhiễm Covid-19 mới nhất. Bệnh nhân số 114 là nam, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh Việt Nam tại Hà Lan về nước ngày 15.03.2020 trên chuyến bay SQ176 (quá cảnh tại Singapore).
Điều đáng nói là nam sinh viên này có kết quả sàng lọc lúc nhập cảnh ngày 15.03.2020 cho kết quả âm tính, sau đó được cách ly tập trung tại Sơn Tây. Đến ngày 19.03.2020 bệnh nhân có biểu hiện sốt 38 độ, đau họng, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh để tiếp tục cách ly.
Kết quả xét nghiệm sàng lọc ngày 21.03.2020 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh cho kết quả dương tính, mẫu bệnh phẩm được gửi sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 115 của Việt Nam là nữ, 44 tuổi, quốc tịch Việt Nam, sống tại Cộng Hòa Séc. Bệnh nhân là con gái của bệnh nhân nhiễm nCoV thứ 94 và là 1 trong 5 người trong cùng một gia đình từ Cộng Hòa Séc về Việt Nam trên chuyến bay SU290 của hãng Hàng không Aeroflot, Nga. Bệnh nhân về nước nhập cảnh qua sân bay Nội Bài ngày 18.03.2020 trên cùng chuyến bay (SU290, ghế 28C) với mẹ là bệnh nhân thứ 94 (SU290, ghế 28A) và bệnh nhân thứ 93 (SU290, ghế 27B).
Kết quả xét nghiệm sàng lọc của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ghi nhận bệnh nhân thứ 115 âm tính ngày 18.03.2020 và bệnh nhân chuyển về khu cách ly tập trung tỉnh Bắc Giang cùng mẹ.
Ngày 20.03.2020, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính, mẫu bệnh phẩm được gửi sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Ca bệnh thứ 116 thu hút sự chú ý của dư luận hơn cả, bởi đây là trường hợp một bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh. Theo đó, nam bác sĩ này 29 tuổi, tham gia chống dịch Covid-19 từ 31.1.2020 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi Covid-19 đến Bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng. Trong quá trình làm việc bệnh nhân được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc vị bác sĩ nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Đến ngày 19.03.2020, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau rát họng, ngày 20.03.2020 bệnh nhân xuất hiện thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngày 21.03.2020, bệnh nhân tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Các nhân viên y tế cùng làm việc với vị bác sĩ này đã được đưa vào diện giám sát.
Kết quả xét nghiệm lần đầu ngày 21.3 tất cả các nhân viên này âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân số 116 đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh Covid-19
Sáng 23.3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có báo cáo tổng quát về diễn biến và tình hình chống dịch SARS-CoV-2 ở Việt Nam trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khuôn khổ phiên họp thứ 43.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, WHO Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tính đến nay, cả nước đã có 116 ca nhiễm Covid-19, trong đó 17 ca được chữa khỏi, 10 ca âm tính trong 1-2 lần xét nghiệm sau điều trị, tuy nhiên cũng có 4 ca bệnh nặng.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong 39 ca được phát hiện gần đây đều được cách ly ngay từ khi nhập cảnh vào Việt Nam, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Báo cáo với Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng nêu rõ tinh thần, dự báo tới đây Việt Nam có thể sẽ phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới, mỗi ngày có thể vài chục ca, nhưng nếu những ca đó phát hiện ở khu cách ly tập trung thì không đáng lo. Lo nhất chính là các trường hợp nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
“Tình huống xấu nhất, chúng tôi dự tính tới 30.000 trường hợp bị nhiễm. Chúng ta vào cuộc sớm, chủ động và đưa ra giải pháp sớm hơn, cao hơn so với khuyến nghị của WHO và các nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Cụ thể, ngay từ đầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rât cao do có đường biên giới và giao lưu, giao thương rất nhộn nhịp với với Trung Quốc. Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ hợp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quôc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao.
Ngoài ra, ngay từ giữa tháng 12/2019, khi chưa có thông tin rõ rệt về dịch bệnh Covid-19 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, trong đó giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị dịch bệnh, bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán và nguy cơ lây lan của căn bệnh này, ngày 16.01.2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế (phối hợp với WHO) khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác cách ly, xét nghiệm, khám, điều trị.
Ngày 23.01.2020 (29 Tết), Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, Tp. Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện và Chỉ thị trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch được thành lập.
Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có công văn trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc.
“Xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khấn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam thông tin, Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ, với tinh thần là phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi, phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.
“Nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng nhấn mạnh, dù WHO đánh giá Việt Nam có năng lực phòng chống dịch bệnh tốt hơn nhiều nước đang phát triển, nhưng Tổ chức này cũng có chung nhận định với Bộ Y tế rằng Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nữa.
Theo đó, bước sang giai đoạn 2 (khi dịch bắt đầu lan sang châu Âu với tâm điểm là vùng Lombardy của Italy), các chuyên gia đưa ra dự báo dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, vẫn sẽ có hàng nghìn người mắc bệnh (dự báo thấp nhất đưa ra mức 600 đến 4.000 người nhiễm, 40 đến 160 ca tử vong).
Cụ thể, việc ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài rất khó khăn do xung đột với yêu cầu giao thương, giao lưu đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược.
Dù kể từ 20.3, Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ thị thực, quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát bệnh thâm nhập từ bên ngoài bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó gần 100.000 từ Mỹ và châu Âu.
“Việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không)”, Phó Thủ tướng cho biết.
Ngoài ra, trong thời đại thông tin trên Internet, nhất là mạng xã hội phát triển mạnh, người dân dễ bị tác động bởi thông tin xấu độc gây hoang mang, thậm chí kích động phân biệt, chia rẽ.
“Thách thức khác là nếu dịch lây lan rộng trên thế giới sẽ dẫn tới khan hiếm máy móc, trang thiết bị vật tư y tế trong khi Việt Nam chưa sản xuất được nhiều. Năng lực đội ngũ y bác sĩ (cả về số lượng và chất lượng), cơ sở vật chất trang thiết bị còn khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển, khó đáp ứng được yêu cầu điều trị khi có nhiều ca bệnh diễn ra cấp tập trong một thời gian ngắn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Giải pháp chống dịch Covid-19 của Việt Nam giai đoạn 2 có gì đặc biệt?
“Chúng ta cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong chống dịch, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng. Việt Nam cũng tranh thủ được sự chia sẻ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, ASEAN, các quốc gia trong phòng chống dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Theo Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, bài học kinh nghiệm mà chúng ta cần phát huy chính là kiên trì nguyên tắc chống dịch:
“Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện) và nguyên tắc 4 tại chỗ, điều trị phân tán”, đồng chí Vũ Đức Đam nêu rõ.
Đặc biệt, cũng như đề cập trước đó, Phó Thủ tướng khẳng định, thực tế vừa qua cũng chỉ ra những vấn đề cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm như công tác truyền thông có thời điểm, có nơi còn chưa thật tốt, gây hoang mang trong xã hội (như thời điểm xuất hiện ca bệnh thứ 17 N.H.N).
“Việc quản lý, mua sắm, sản xuất vật tư, thiết bị (ví dụ khẩu trang y tế) còn không ít vướng mắc, chậm trễ do quá cứng nhắc trong áp dụng các quy định; có nơi chưa quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Việc điều chỉnh chương trình, thời gian, phương thức học (qua mạng) của học sinh còn chưa thật chủ động, thống nhất. Cơ chế phối hợp liên ngành trong một số khâu, địa điểm (ví dụ tại sân bay) còn chưa nhuần nhuyễn”, đồng chí Vũ Đức Đam cho biết.
Ngoài ra, theo Trưởng Ban Chỉ đạo, việc tăng cường năng lực xét nghiệm là rất cấp bách. Hiện ở Việt Nam đã chủ động được kit thử nhưng số lượng phòng xét nghiệm, máy móc, chuyên gia xét nghiệm còn rất ít so với các nước phát triển và so với yêu cầu.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, các cấp chính quyền, y tế cơ sở cũng phải tăng cường trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, phân nhóm người dân thực hiện các biện pháp tự phòng dịch và chăm sóc sức khỏe.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặc biệt chú ý nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật để có sự hỗ trợ y tế cần thiết tại chỗ.
“Bảo đảm cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị cho tình huống nhiều người phải cách ly (tập trung, tại gia đình), nhiều người mắc bệnh để thực hiện cách ly, điều trị hiệu quả, giảm hết mức tỉ lệ tử vong do nhiễm bệnh, đồng thời vẫn phải bảo đảm điều trị đối với các bệnh nhân khác”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng lưu ý việc tăng cường tuyên truyền để khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng với đất nước; đấu tranh chống lại các tin độc, tin xấu, các thế lực lợi dụng chống phá.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng, hạn chế thấp nhất số người tử vong”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Cuối bài phát biểu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có báo cáo riêng gửi Quốc hội về tình hình dịch bệnh, nhưng phải lường trước rằng kinh tế cả thế giới sẽ rất khó khăn. Việt Nam cũng đặt ra các cân đối lớn, sau đó phải có các gói kích cầu, có biện pháp giải ngân đầu tư cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến các lĩnh vực của kinh tế- xã hội đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nói về tình đoàn kết trong dịch bệnh Covid-19
Sau khi lắng nghe báo cáo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao sự chỉ đạo, điều hành và quyết tâm của Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trước diễn biến phức tạp, Chính phủ vừa tập trung chỉ đạo khống chế dịch bệnh nhưng cũng tập trung đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ cảm ơn những người nơi tuyến đầu chống dịch và dẫn nhiều số liệu ấn tượng của nước ta trong công tác chống dịch.
Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai các biện pháp tốt nhất để chống dịch.
“Qua đây mới thấy hết tình đoàn kết quân - dân, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng, tất cả cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, trong đó không để tình trạng ỷ lại trong thực hiện các nhiệm vụ, lấy ly do dịch bệnh để thoái thác trách nhiệm.
“Tinh thần là ở nhà cũng làm việc chứ không phải nghỉ ngơi”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay.
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi toàn dân Việt Nam nêu cao tinh thần tương thân tương ái, chung tay cùng phòng chống dịch với tinh thần nhà nhà chống dịch, người người chống dịch.
Hoa Kỳ sẽ nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế từ Việt Nam để chống Covid-19?
Trả lời báo chí về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ - Hà Kim Ngọc- khẳng định, Mỹ đánh giá rất cao nỗ lực phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2 của Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác y tế Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung và trong ứng phó với dịch Covid-19 hiện nay đang đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, ngay từ giai đoạn đầu khởi phát dịch bệnh, tức cuối tháng 1/2020, các cơ quan và chuyên gia y tế hai nước đã có nhiều hình thức trao đổi thông tin, số liệu để cùng ứng phó với dịch bệnh. Đại sứ quán Việt Nam cũng đã thiết lập kênh trao đổi thường xuyên với Bộ Y tế và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch (CDC) Hoa Kỳ.
Theo lời Đại sứ Hà Kim Ngọc, Hoa Kỳ đánh giá rất cao các nỗ lực phòng chống dịch quyết liệt, minh bạch và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.
Như đã thông tin trước đó, ngày 14.3, Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo, Quỹ dự trữ khẩn cấp phòng chống các bệnh lây nhiễm của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ trích khoản hỗ trợ trị giá 37 triệu USD để giúp Việt Nam và các nước trong khu vực ứng phó với dịch bệnh.
Ở phương diện hợp tác đa phương, Mỹ đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang trao đổi với Việt Nam và các thành viên ASEAN khác nhằm đẩy mạnh hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ về y tế và trong phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc hiện tại, phía Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc khả năng nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế từ Việt Nam để phục vụ cho phòng chống dịch tại Hoa Kỳ. Theo đó, đây là những sản phẩm mà Việt Nam có đủ năng lực sản xuất để phục vụ công tác y tế trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch.
“Tôi hy vọng điều này sẽ tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, Đại sứ Hà Kim Ngọc nêu rõ.