Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2 ở giai đoạn mới, hạn chế tối đa nguy cơ lây chéo và tăng cường biện pháp bảo hộ đối với nhân viên y tế khi tiếp đón và chăm sóc bệnh nhân mắc nCoV. Các chuyên gia y tế hàng đầu của Việt Nam đang dùng những phương tiện hiện đại nhất để cứu chữa các ca bệnh nặng.
Cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam: Bộ Y tế ghi nhận 123 ca mắc SARS-CoV-2, 17 người đã được chữa khỏi, có 106 bệnh nhân đang điều trị virus corona và được chăm sóc sức khỏe tại 15 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Trong đó, có 3 bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng. Việt Nam có thêm nhiều ca cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trong đó nữ bệnh nhân số 17 N.H.N đã 3 lần âm tính với nCoV và bệnh nhân số 21 cũng đã lần đầu không còn thấy coronavirus trong mẫu bệnh phẩm.
Bệnh nhân số 17 mắc Covid-19 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, 3 ca bệnh rất nặng
Tính đến sáng ngày 24.3, Việt Nam ghi nhận 123 trường hợp nhiễm chủng mới virus corona, trong đó 17 trường hợp đã được điều trị khỏi. 106 người khác đang được điều trị tích cực và cách ly theo dõi tại 15 cơ sở y tế trên khắp Việt Nam.
Trong số 17 trường hợp đã khỏi bệnh có 16 người đã ra viện, trường hợp bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh, đã được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện Đa khoa Thái Bình để theo dõi sức khỏe.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện tại, 106 bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 đang điều trị tại 15 cơ sở y tế, trong đó có cả bệnh nhân đang điều trị ở Trung tâm y tế tuyến huyện – đó chính là bệnh nhân số 73, người Anh, hiện được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và bệnh nhân số 123 đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Tổng hợp về tình hình chung của các bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, đa số tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho hoặc ho ít, không khó thở, X-Quang phổi bình thường, có một vài bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi (dấu hiệu trên phim X-Quang) và viêm phổi tiến triển đã được điều trị theo phác đồ điều trị viêm phổi.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 14 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần và có 3 người đang trong tình trạng rất nặng, phải lọc máu, chạy ECMO (chạy tim phổi ngoài cơ thể/ kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể). Bên cạnh đó cũng có hai bệnh nhân đang được hỗ trợ thở máy.
Cụ thể, theo Bộ Y tế, hiện ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều ca bệnh nhất với 46 trường hợp (trong đó 34 bệnh nhân là người Việt, 12 bệnh nhân người nước ngoài).
Trong số 46 bệnh nhân này hiện đã có 2 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 hai lần liên tiếp, đó là bệnh nhân số 24 và bệnh nhân số 27. Đặc biệt, bệnh nhân thứ 17 đã 3 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp với Covid-19.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 khác đang điều trị tại đây cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu tiên với SARS-CoV-2. Đó là các bệnh nhân thứ 25, bệnh nhân 59, bệnh nhân 72. Đáng chú ý, ca bệnh số 21 cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV ngày 22.3 vừa qua.
Tại các cơ sở y tế khác trên cả nước cũng ghi nhận nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu với SARS-CoV-2 như trường hợp hai bệnh nhân người ngoại quốc đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, một bệnh nhân người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh nhân số 32 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Việt Nam dùng những phương pháp điều trị hiện đại nhất cho bệnh nhân nặng
Đối với 3 trường hợp bệnh nặng, Bộ Y tế đã liên tục tổ chức hội chẩn chuyên môn với sự hội tụ của các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, hô hấp, tim mạch nhằm hạn chế nguy cơ tử vong đối với những ca bệnh này.
Cụ thể, trường hợp bác gái của bệnh nhân số 17 N.H.N, nhập viện ngày 7.3, lây nhiễm SARS-CoV-2 từ cháu. Bệnh nhân này 64 tuổi, có bệnh lý nền là rối loạn tiền tình. Ngày 15.3, bà bị khó thở tăng dần, đến khuya thì suy hô hấp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt ống khi quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch, chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức tích cực, lọc máu và theo dõi điều trị. Đến ngày 16.3, bệnh nhân vẫn suy hô hấp, phổi tổn thương nặng, được lọc máu và tình trạng bệnh diễn biến nặng. Hai ngày sau, các bác sĩ quyết định can thiệp bằng hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (ECMO).
Bệnh nhân nặng tiếp theo là du khách người Anh 69 tuổi, bệnh lý nền là đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp. Người đàn ông ngoại quốc đã phải thở máy từ ngày 15.3 và lọc máu. Ông bay cùng chuyến bay với N.H.N từ London sang Hà Nội ngày 2.3. Chuyến bay này của Vietnam Airlines sau đó được xác định có ít nhất 14 ca nhiễm Covid-19. Hai bệnh nhân khác cũng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và đang được hỗ trợ thở oxy.
PGS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đánh giá khi dịch bước sang giai đoạn hai với nhiều ca mắc hơn, có bệnh nhân cao tuổi, bệnh lý nền kèm theo thì công tác điều trị sẽ gặp khó khăn hơn. Những bệnh nhân có xu hướng trở nặng, nặng hơn là do diễn biến của virus trong cơ thể.
Bộ Y tế đồng thời cũng thành lập tổ Hội chẩn chuyên môn gồm 30 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam để sẵn sàng hội chẩn, hỗ trợ đối với những ca bệnh nhiễm Covid-19 nặng trên cả nước.
Ngoài ra, theo thứ trưởng Bộ Y tế, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Việt Nam đã làm chủ các chuyến bay, tổ chức tốt công tác cách ly cho người nhập cảnh và tiến hành xét nghiệm sàng lọc ngay tại nơi cách ly. Sau khi nhập cảnh, cơ quan y tế sẽ dựa vào các công tác kiểm dịch để phân loại và phát hiện sớm người bệnh.
“Hy vọng với những biện pháp quyết liệt, việc các bệnh nhân dương tính mang mầm bệnh lan ra ngoài cộng đồng sẽ giảm bớt trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.
Đồng thời, theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế Việt Nam cũng chuẩn bị các phương án, kịch bản theo đúng 5 giai đoạn với kịch bản xấu nhất là tình hình dịch lan rộng hơn, có nhiều người bệnh hơn, có ca bệnh nặng.
“Chúng tôi đã có những chỉ định điều trị quyết liệt, mạnh mẽ và sử dụng những phương pháp hiện đại nhất cho những bệnh nhân này. Chúng tôi xác định đây là bệnh nhân nguy kịch và nguy cơ tử vong hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng với sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ngành y tế đang tập trung nguồn nhân lực tốt nhất, bác sĩ giỏi nhất, hệ thống tiên tiến nhất phục vụ điều trị người bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Y tế, thông báo từ Tiểu ban điều trị cho biết, tình hình các bệnh nhân này hiện vẫn ổn định, tuy nhiên chưa thể cải thiện, vẫn phải thở máy. Đáng lo ngại hơn, có một số bệnh nhân khác đang diễn biến nặng hơn.
“Chúng tôi yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức theo dõi bệnh nhân kỹ hơn đặc biệt trong thời điểm ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 - là thời điểm bắt đầu diễn biến suy hô hấp. Các cơ sở y tế phải sẵn sàng chủ động khi có những diễn biến xấu với bệnh nhân khác xảy ra”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Làm gì để nhân viên y tế không lây nhiễm Covid-19?
Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu chống dịch nhiễm Covid-19 là điều đã được dự tính từ trước, bởi đây là những người trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh, theo dõi, điều trị ở tuyến đầu.
Trước đó, việc có 1 ca lây chéo trong quá trình trực tiếp điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và hai điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai nhiễm Covid-19 khiến dư luận lo ngại.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, ngay khi xác định có nhân viên y tế mắc Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở Y tế chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có người nhiễm SARS-CoV-2.
“Chúng tôi khuyến cáo tất cả đồng nghiệp khi làm các thao tác thủ thuật gần với đường thở của người bệnh rất dễ lây nhiễm, nên phải chủ động hơn trong việc ngăn chặn nguồn lây bằng việc sử dụng đồ bảo hộ. Chúng tôi luôn cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân”, thứ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo các nhân viên y tế làm việc ở các khoa khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19 phải có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi về nhà, các nhân viên y tế cần cố gắng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tránh ra cộng đồng.
“Bởi đây có thể là nguồn bệnh chúng ta chưa phát hiện ra”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết về công tác thu dung điều trị ngành y tế đã lên phương án mua dự trữ trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết như hệ thống máy thở theo dõi người bệnh, khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, kính che mặt.
Hiện nay, Tiểu ban hậu cần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã có kế hoạch mua sắm đầy đủ với khoảng gần 4.000 máy thở. Ngoài ra, ngành y tế đã có kế hoạch và ký mua sắm dự trù 30 triệu khẩu trang, hiện mới mua được khoảng 5 triệu chiếc.
“Hiện nay, nguồn tài chính là thách thức rất lớn vì thị trường tăng giá. Chúng tôi hy vọng với cam kết, sự chung tay của doanh nghiệp trong thời điểm đất nước chúng ta khó khăn sẽ có tính toán, chính sách giá cả phù hợp giúp ngành y tế. Với sự đóng góp của cộng đồng qua Ủy ban mặt trận Tổ quốc là nguồn lực giúp ngành y tế có thể mua đầy đủ số lượng dự trữ”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Hiện nay, Bộ Công thương đã có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị sản xuất khẩu trang vải 3 lớp kháng khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh nên người dân có thể yên tâm sử dụng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn.
“Trong thời điểm khó khăn bà con nên nhường khẩu trang y tế cho nhân viên y tế. Điều đó góp phần tạo an toàn cho những người đang tham gia công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế. Chính sự an toàn của nhân viên y tế giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chống Covid-19: Bộ Công an rà soát từng nhà, lập danh sách người về nước
Ngày 24.3, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Công điện số 1, chỉ đạo Thủ trưởng Công an các đơn vị địa phương, quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng tránh dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát không để người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 từ nước ngoài về nước lan rộng ra cộng đồng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo Công an phường, thị trấn, Công an xã tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương kể từ ngày 07.3.2020 đến ngày 24.3.2020 (thay bằng số liệu thống kê từ ngày 10.3.2020 đến ngày 23.3.2020 theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23.3.2020 của Bộ) và báo cáo về Bộ trước 18 giờ ngày 25.3.2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Kết quả thống kê, Thủ trưởng Công an các cấp báo cáo ngay đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp ở địa phương để chỉ đạo xử lý”, Bộ Công an cho biết.
Đại tướng Tô Lâm đề nghị công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp để rà soát những nơi tập trung đông người, qua đó tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao ý thức, tự giải tán, không tụ tập đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Đặc biệt, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu các chiến sĩ, cán bộ công an không chỉ đảm bảo hỗ trợ công tác phòng chống dịch mà còn hạn chế tối đa, tuyệt đối không để bị lây nhiễm coronavirus.
“Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung. Có kế hoạch phân công cán bộ, chiến sĩ thay ca kíp thường trực tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung; trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong khi thi hành nhiệm vụ” Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo.
Công điện yêu cầu: Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình; lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gương mẫu và quán triệt cán bộ, chiến sĩ hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp đông người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng.
Các đơn vị có phương án bố trí 3 kíp làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để triển khai công tác, không để cả đơn vị phải cách ly.
“Các đơn vị tổ chức thành lập bộ phận thường trực (gồm cán bộ y tế, hậu cần, điều lệnh) để tổ chức y tế ban đầu (đo thân nhiệt, mở sổ theo dõi hoạt động ra vào trên cơ sở yếu tố dịch tễ; yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh) đối với tất cả người dân và cán bộ, chiến sĩ đến đơn vị làm việc, liên hệ công tác nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc, nghi mắc Covid-19 để có phương án ứng phó”, Bộ Công an cho biết.
“Các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Công an các tỉnh biên giới chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý biên giới, kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lan dịch Covid-19”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định trong Công điện số 01.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công an, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, diễn biến tội phạm có thể sẽ có những tác động, diễn biến phức tạp, lực lượng Công an cần tập trung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng chống đối đăng tin tuyên truyền xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, đối tượng chống đối không thực thi các quy định của pháp luật, quy định phòng, chống dịch bệnh, tội phạm hình sự khác như trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả, nhất là hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Công an các đơn vị, địa phương và vô cùng quan trọng, hết sức cấp bách cần thực hiện ngay và rất quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Do vậy, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh công tác”, Bộ Công an nêu rõ.