Đặc biệt thú vị là thông báo từ những chứng nhân, chuyện kể của cư dân ở các nước, trong đó có cả những người Nga đã quen coi Ý hay Hoa Kỳ là quê hương thứ hai.
Vậy còn những người Nga định cư ở Việt Nam nhận thức thế nào về tình hình ở đất nước Đông Nam Á này? Mời các bạn theo dõi câu chuyện của một chuyên gia Việt Nam học, phiên dịch viên Natalya Nikokosheva, người đã sống ở TP Hồ Chí Minh 16 năm qua.
"Thoạt đầu, khi tất cả mọi người chỉ nói về khẩu trang và rửa tay, thì những thay đổi trong thành phố hầu như không nhận thấy. Khẩu trang ấy à? Thì cả trước đây ai cũng đeo khẩu trang khi ra đường rồi mà. Các vị khách du lịch đến đây lần đầu hẳn thấy chóang: tất cả những người đi xe máy, đặc biệt là phụ nữ, đều luôn bịt kín mít không để hở đến một mẩu da – nào kính, nào khẩu trang, nào găng tay và mũ trùm đầu. Nhưng khi bạn cuốc bộ với làn da cháy xém (33 độ trong bóng râm, còn ngoài trời dưới nắng thường là 40 độ) gần như mỗi ngày, hoặc phải thở trong luồng khí thải từ chiếc xe tải ngay trước mặt, lập tức bạn sẽ hiểu rõ tại sao lại cần đeo khẩu trang. Còn bây giờ toàn dân đeo khẩu trang, cả trên taxi, cả trong các cửa hiệu, văn phòng và trên đường phố. Chính phủ và chính quyền địa phương đã thực hiện hàng loạt biện pháp để phân tán dân chúng – huỷ bỏ các sự kiện tập trung đông người, tất cả các tổ chức và công ty đều cho làm việc tại nhà hoặc gửi nhân viên đi nghỉ phép (tốt nhất là về quê, về thôn làng, như nhiều bạn bè của tôi đã rời đi), học sinh và sinh viên không đến trường từ lâu nay rồi, các em các cháu nghỉ ở nhà và có dự kiến sẽ đi học lại vào mùa hè, khi virus thoái lui. Khẩu trang có bán và được phát miễn phí, riêng tôi đã được tặng đến cả hàng chục chiếc. Thuốc xịt và dung dịch rửa tay khô (gel) được bán khắp nơi, chất khử trùng bày trong tất cả các cửa hiệu và cơ quan, cả trong thang máy. Bước vào đó, đừng quên xoa chất khử trùng vào tay. Tất cả những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên đều là do virus mang từ nước ngoài vào địa bàn. Thủ tục kiểm tra thân nhiệt được áp dụng với toàn bộ khách nhập cảnh và hiện đã chuyển sang cách ly bắt buộc 14 ngày. Huỷ bỏ cấp visa mới cho người châu Âu và những nước trong vùng dịch, chỉ trừ visa ngoại giao và kinh doanh, và dù vậy thì bất kỳ ai vào lãnh thổ Việt Nam cũng đều giống nhau là cần cách ly (chí ít là tại nhà)".
"Ở đây đang làm đúng – phát hiện các trường hợp bệnh và những ai cần cách ly, phân chia theo nhóm nhỏ hoặc riêng rẽ. Không giữ hàng trăm người cùng nhau như trên con tàu ở ngoài khơi Nhật Bản, và không chờ đợi chỉ dẫn từ cấp trên như ở châu Âu. Việt Nam hành động nhanh chóng, phong toả nhanh chóng. Tôi mừng khi xem những bức ảnh các du khách bị cô lập trong khách sạn ven biển. Tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được mô tả chi tiết trên các phương tiện truyền thông, báo chí liên tục đăng tải tin tức từ Bộ Y tế và chính quyền địa phương, ai cũng có thể cập nhật theo dõi nắm được mọi chuyện. Vì vậy, không ngẫu nhiên mà WHO nêu ví dụ Việt Nam như tấm gương điển hình cho thấy cần hành động như thế nào trong đại dịch. Ở nước này con số người bệnh là hàng chục, chứ không phải hàng chục ngàn. Người nước ngoài đến thăm Việt Nam luôn bị sốc bởi dòng xe hơi và xe máy dày đặc, bây giờ họ sẽ ngạc nhiên vì những đường phố vắng tanh. Mặt khác thì vào dịp Tết mọi người đều về quê hương đón Năm Mới âm lịch, đoàn tụ với người thân trong gia đình, thành phố thường vắng vẻ trong khoảng chục ngày... Vì vậy, mọi chuyện đều bình thường. Chẳng có bi kịch nào cả".
Từ Hạ Long, một cô giáo là người phụ nữ Nga sống ở đó cho biết rằng địa phương xác nhận có bốn trường hợp nhiễm bệnh, nhưng các biện pháp phòng chống đã được thực hiện từ đầu tháng 2. Bây giờ các trường học đóng cửa, phòng tập thể hình, khách sạn và nhà hàng không làm việc, đường xá vắng người.
Nhưng, như cô giáo ở đô thị ven biển miền Bắc hay cũng như nhà doanh nghiệp Maxim từ TP Hồ Chí Minh nhận xét, trong ngành du lịch và gắn với nó là kinh doanh khách sạn-nhà hàng ở Việt Nam đã bắt đầu phát sinh vấn đề, nhiều nhân viên phải nghỉ việc, cũng như tình trạng đóng cửa các công ty gây phức tạp cho doanh nhân và chuyên gia người nước ngoài, còn các trường nghỉ học gây khó cho nhiều giáo viên.
Anh Maxim còn thấy có vẻ các biện pháp hạn chế lưu thông giữa các nước tác động cả đến các «gia đình quốc tế» dường như là quá khắc nghiệt. Nhưng BBT Sputnik Vietnam hiểu rằng, thà chịu đựng khoảng thời gian xa cách còn hơn là bị nhiễm bệnh hoặc tổn thất người thân.
Còn nhìn chung thì những người Nga đang sống ở Việt Nam đánh giá tình hình với cái nhìn lạc quan.
"Chúng tôi và bạn bè rất hy vọng rằng tất cả sẽ sớm kết thúc và người Việt Nam sẽ lại vui mừng đón gặp hàng nghìn du khách trên các đường phố và những danh lam thắng cảnh của đất nước", - anh Maxim viết.
"Cần động não và không làm điều gì ngu ngốc, không hoảng loạn, mà phải tiến hành biện pháp hợp lý. Tôi đứng về phía những người lạc quan", - chị Natalya Nikokosheva kết luận.