Thành phố này đã bị ném bom lần đầu tiên vào ngày 24 tháng 6 năm 1941. Bốn ngày sau đó, do đợt không kích mạnh thứ hai của phát xít Đức, trung tâm của thành phố Smolensk đã bị phá hủy hoàn toàn.
Sự phá sản của chiến lược "chiến tranh chớp nhoáng"
Bộ chỉ huy Hitler đã lập kế hoạch xâm chiếm Smolensk ngay vào cuối tháng 7 năm 1941 để kiểm soát khu vực dọc theo sông Dnepr và sông Tây Dvina mà từ đó có đường đi ngắn nhất tới Matxcơva.
Vào ngày 10 tháng 7 năm 1941 đã bắt đầu trận chiến Smolensk nổi tiếng kéo dài đến ngày 10 tháng 9, kết quả là kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” đã bị phá vỡ. Phương diện quân Tây của Hồng quân đã bảo vệ thành phố. Quân địch đã có ưu thế về binh lực, pháo binh và máy bay (gấp 2 lần), cũng như về số lượng xe tăng (gấp 4 lần).
Trận đánh trong khu vực của mỏm đá Yelnya đã có tầm quan trọng lớn nhất trong trận chiến Smolensk. Quân đội Liên Xô đã đánh bại năm sư đoàn phát xít và giải phóng thành phố Yelnya vào ngày 6 tháng 9 năm 1941, nhờ đó đã ngăn chặn bước tiến của quân Đức Quốc xã theo hướng Matxcơva. Các đơn vị chiến đấu dũng cảm trong trận đánh Yelnya đã được tặng danh hiệu cận vệ.
Thành phố đã chiến đấu và chiến thắng
Tại thành phố anh hùng Smolensk ba tiểu đoàn tiêm kích và một tiểu đoàn cảnh sát được thành lập. Cư dân thành phố đã giúp đỡ rất nhiều, đào giao thông hào, xây dựng bãi cất cánh, dựng chướng ngại vật và chăm sóc những người bị thương.
Hồng quân Liên Xô đã chiến đấu với tất cả sự kiên trì, nỗ lực và quả cảm, nhưng, vào ngày 29 tháng 7, quân Đức quốc xã đã tiến vào thành phố Smolensk. Cuộc chiếm đóng đã kéo dài đến ngày 25 tháng 9 năm 1943. Tuy nhiên, ngay cả trong những năm tháng khó khăn, người dân Smolensk vẫn tiếp tục chiến đấu, thành lập các đội du kích và tiến hành các cuộc phục kích, phá hoại.
Trong chiến dịch Smolensk vào ngày 25 tháng 9 năm 1943, Phương diện quân Tây của Hồng quân đã giải phóng Smolensk khỏi quân Đức quốc xã. Kể từ đó, hàng năm vào ngày này người dân tổ chức Ngày hội chính thức của thành phố.
260 người dân của khu vực Smolensk đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng ở hậu phương địch và trong đội ngũ Quân đội Liên Xô. 10 nghìn chiến sĩ du kích đã được trao tặng các huân huy chương. Ngày 6 tháng 5 năm 1985, Smolensk được Xô Viết tối cao Liên Xô ra quyết định phong danh hiệu "Thành phố anh hùng".