Họ còn có dịp góp phần mình vào hoạt động chiến sự hướng tới chiến thắng ở Việt Nam. Trong số 11.000 chuyên gia quân sự Xô-viết phục vụ hỗ trợ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vì tự do, độc lập và thống nhất đất nước, có hàng trăm sĩ quan và tướng lĩnh từng trải qua chiến tranh chống phát-xít.
Khẩu súng lục quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho vị tướng Liên Xô
CCB chống phát-xít Đức, ông Grigory Belov đã phục vụ ở Việt Nam hai năm. Trong thời gian cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, từ tháng 6 năm 1941 ông chỉ huy trung đội, đại đội rồi tiểu đoàn. Thời điểm kết thúc chiến tranh ngày 9 tháng 5 năm 1945, ông đang là phó chỉ huy trung đoàn với cấp bậc trung tá. Hai chục năm sau, ông được phái sang Hà Nội làm trưởng nhóm chuyên gia quân sự Xô-viết cấp cao với cấp bậc thiếu tướng. Ông đã tham gia thành lập 8 trung đoàn tên lửa phòng không và 2 trung đoàn không quân của QĐND Việt Nam. Mùa xuân năm 66, tướng Belov đã giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mô hình tổ hợp «Katyusha» thu nhỏ và trình bày hiệu quả của giàn tên lửa nổi tiếng này, từng khiến bọn phát-xít Đức hoảng sợ hồn bay phách lạc trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Những giàn tên lửa đó sau này được cung cấp cho các đơn vị thuộc lực lượng phòng không của QĐND Việt Nam.
Tướng Grigory Belov có vinh dự gặp và trò chuyện với Hồ Chủ tịch 7 lần, và một lần ông được Chủ tịch Việt Nam mời đến nhà dùng bữa tối. Khi vị tướng Xô-viết rời Việt Nam về Matxcơva vào năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng ông Huân chương Lao động hạng Nhất và món quà đặc biệt là khẩu súng lục ổ quay «Smith&Wesson» có khắc họ tên. Khẩu súng lục này là hiện vật quý, được trưng bày tại Viện Bảo tàng Trung ương của Lực lượng Vũ trang Nga ở Matxcơva.
Đẩy lùi chiến tranh đường không của Mỹ ở Việt Nam là trách nhiệm lương tâm của các CCB Xô-viết
Ngày 24 tháng 6 năm 1965, mốc lễ hội của Lực lượng Tên lửa Phòng không Việt Nam cũng đã là dấu ấn kỷ niệm không bao giờ phai nhạt với các CCB của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ chống phát-xit, hai thiếu tá Boris Mozhaev và Fedor Ilinyi. Chính sư đoàn của họ vào ngày hôm đó, ở cách Hà Nội 50 km về phía đông-bắc, đã tiến hành trận đánh bằng tên lửa đầu tiên trong quá trình đẩy lùi cuộc xâm lược bằng đường không của đế quốc Mỹ chống nước Việt Nam DCCH, lập công đầu bắn rơi 3 chiến đấu cơ ném bom của Không lực Hoa Kỳ.
Suốt bốn năm khốc liệt của cuộc chiến chống Đức quốc xã, ông Vladimir Voronov phục vụ trong quân đội Liên Xô. Ông tham gia bảo vệ Matxcơva và Crưm, ông có mặt trong đội ngũ giải phóng Smolensk, Riga, Warszawa. Ba lần ông bị thương nặng và hai lần bị sức ép do bom đạn. Ông kết thúc cuộc chiến ở Berlin với cấp bậc thiếu tá. Được cử sang Việt Nam từ tháng 6 năm 1967 đến tháng 4 năm 1969, ông là chỉ huy trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô với cấp bậc đại tá, được nhận phần thưởng cao quý do Nhà nước và Quân đội Việt Nam trao tặng là huân chương «Quân công». Trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Matxcơva (tiền thân của Sputnik ngày nay), ông đặc biệt nhấn mạnh rằng lính tên lửa Xô-viết từng không mấy dễ dàng khi phục vụ ở Việt Nam. Dưới nắng chói của mùa hè nhiệt đới, nhiệt độ trong khoang cabin chật hẹp điều khiển hệ thống tên lửa tăng đến 70°C, và các chuyên gia phải ở trong những hộp kim loại khép kín nung nóng rực đó hàng mấy giờ liền. Trang phục của sĩ quan tên lửa trong cabin là chiếc mũ sắt trên đầu và… quần lót. Sàn cabin láng ướt những vũng mồ hôi. Và đây là kết quả: trong chiến tranh Triều Tiên, thiệt hại của không quân Mỹ là 1 máy bay với 750 chuyến xuất kích. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ này là 1/60. Tổng cộng, 1.293 máy bay kể cả 54 «pháo đài bay» B-52 của Không lực Hoa Kỳ đã bị bắn hạ bởi những hệ thống tên lửa phòng không mà Matxcơva chuyển giao cho Hà Nội.
Pháo thủ Anatoly Moiseev tham gia các trận chiến chống quân đội phát-xít Đức từ tháng 10 năm 1943, khi mới là chàng trai 17 tuổi. Đến Việt Nam từ tháng 9 năm 1967, ông trở thành người phụ trách nhóm kỹ thuật cho các tổ hợp tên lửa phòng không Xô-viết. Việc chỉnh sửa trở nên cấp thiết sau khi người Mỹ vận hành tên lửa «Shrike» có khả năng bắn trúng trận địa dưới mặt đất do chặn bắt chùm tia phát ra khi tên lửa ta phóng lên. Việc cải tiến cần được thực hiện trong thời hạn ngắn ngủi khẩn cấp nhưng đã rất thành công, - đại tá Moiseev cho biết.
«Nếu không có chiến thắng «Điện Biên Phủ trên không» của lực lượng tên lửa phòng không giáng trả B-52 ở Hà Nội, thì đàm phán ở Paris hẳn sẽ kéo dài và không ký được hiệp định. Vì vậy, thành quả của lực lượng tên lửa phòng không đã lập công lớn không chỉ là thắng lợi quân sự, mà còn là thắng lợi chính trị», - ông Vorobyev nhắc lại lời đánh giá khen ngợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuộc chiến tranh chống phát-xít, ông Ivan Lonin là sĩ quan quân báo mặt trận. Kinh nghiệm của công việc này đã tỏ ra rất hữu ích với ông khi được cử sang Việt Nam. Ông đã dành hai năm với những chuyến đi liên tục khắp đất nước, giúp các đồng nghiệp Việt Nam phân tích những tài liệu tình báo thu nhận được.
«Chính ở đó tôi đã học và sử dụng thành thạo tiếng Việt. Tôi nhớ các đồng chí Việt Nam đã bảo vệ chúng tôi chu đáo như thế nào, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các chuyên gia Liên Xô. Và khi tôi phải vào Bệnh viện Quân y Hà Nội, nữ bác sĩ Liên đã điều trị và chăm sóc rất ân cần, tôi không bao giờ quên chị ấy», - vị CCB đại tá tình báo Nga hồi tưởng trước mốc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90.
CCB Liên Xô giúp Việt Nam trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc
Còn có thêm một nhóm CCB Xô-viết từng chiến đấu chống phát-xít Đức và sau đó tham gia phục vụ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Nhưng khi đó, đế quốc Mỹ xâm lược đã thua trận, và các CCB Nga này giúp Việt Nam trong cuộc chiến mới ở biên giới, chống quân bành trướng Trung Quốc hồi tháng 2 -1979. Khi Bắc Kinh gây hấn triển khai hoạt động quân sự chống CHXHCN Việt Nam, đáp lại đề nghị của ban lãnh đạo Hà Nội, Chính phủ Liên Xô đã quyết định cử các cố vấn giàu kinh nghiệm, chuyên gia đại diện các loại hình quân cơ bản đến nước Cộng hòa vùng Đông Nam Á. .
Thiếu tướng Evstafiy Melnichenko cũng thuộc nhóm của đại tướng Obaturov. Trong chiến tranh chống phát-xít Đức, ông tham gia chiến đấu từ năm 41 khi 18 tuổi. Sau Chiến thắng, ông tốt nghiệp chuyên ngành Tăng-Thiết giáp và sau đó là Học viện Ngoại giao Quân sự. Ông làm việc trong hệ thống của Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu các Lực lượng Vũ trang Liên Xô, và từ tháng 2 năm 79, trong vòng ba năm, ông đảm trách cương vị cố vấn của Tổng cục Tình báo QĐND Việt Nam. Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương «Quân công» hạng Nhì.
«Sau thắng lợi trong cuộc chiến biên giới, bộ máy các cố vấn quân sự Liên Xô còn ở Việt Nam thêm một vài năm nữa. Chúng tôi được giao nhiệm vụ hoạch định các khuyến nghị tham mưu và dành hỗ trợ thiết thực cho ban lãnh đạo Việt Nam trong công tác đào tạo cán bộ quân sự, kiện toàn tổ chức QĐND và nâng cao hiệu quả sử dụng các vũ khí và thiết bị quân sự do Liên Xô cung cấp. Toàn bộ các cố vấn chúng tôi đều được trao tặng những phần thưởng sáng giá của Liên Xô và Việt Nam», - CCB thiếu tướng Evstafiy Melnichenko kể lại trong cuộc phỏng vấn của Đài phát thanh Matxcơva.