Việt Nam có thể thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới?

© Ảnh : Hoàng Hà/ZingSản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 5 triệu m2/năm.
Sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 5 triệu m2/năm. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam không chỉ được WHO, dư luận thế giới khen ngợi vì kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả tính đến thời điểm này, từ một quốc gia nhận viện trợ y tế, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp vật tư y tế và dành tặng khẩu trang, thiết bị bảo hộ cá nhân cho những nước đang gặp khó khăn trong giai đoạn dịch coronavirus bùng phát và lan rộng.

Điển hình, Việt Nam vừa trao tặng 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn Made in Vietnam. Nhà máy Dupont Việt Nam vừa bàn giao 450 ngàn bộ trang phục bảo hộ y tế cho Hoa Kỳ. Tổng Công ty May 10 cũng cho biết, Việt Nam có đơn hàng xuất khẩu 400 triệu khẩu trang y tế trị giá trên 52 triệu USD.

Liệu đây có phải tiền đề để Việt Nam vươn lên thành công xưởng sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế cho thế giới?

Covid-19: Mỹ gửi nguyên liệu sang Việt Nam đẩy nhanh sản xuất đồ bảo hộ y tế

Như đã đưa tin trước đó, ngày 8 tháng 4, Chính phủ Mỹ quyết định nhanh chóng gửi nguyên vật liệu sang Việt Nam đều đặn hàng tuần để đẩy nhanh sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân, đáp ứng nhu cầu cho nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch SARS-CoV-2 tại Hoa Kỳ.

Cụ thể, trong thông báo đăng tải trên Website của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), cơ quan này cho biết đã đạt được thỏa thuận với công ty Dupont để đẩy nhanh quá trình sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) hỗ trợ nhân viên y tế tuyến đầu ở Mỹ ứng phó đại dịch Covid-19.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại trạm xét nghiệm nhanh COVID-19 khu vực ký túc xá Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). - Sputnik Việt Nam
Covid-19: Tổng thống Trump và Campuchia cảm ơn Việt Nam

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết chính phủ nước này sẽ gửi nguyên vật liệu sang Việt Nam hàng tuần để nhà máy của công ty Mỹ tiếp tục sản xuất đồ bảo hộ y tế TYVEK.

Theo đó, Bộ Y tế Hoa Kỳ cho biết, để đảm bảo vật tư được cung ứng trong thời gian nhanh nhất và duy trì nguồn cung ổn định cho nhân viên y tế ở tuyến đầu, chính phủ Mỹ sẽ chuyển nguyên vật liệu sang Việt Nam mỗi tuần để cơ sở chế tạo tiếp tục sản xuất đồ bảo hộ TYVEK.

“Chiến lược quốc tế này tạo điều kiện cho nhà máy của DuPont tại Việt Nam sản xuất đồ bảo hộ TYVEK và vận chuyển đến Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia, cho phép chúng ta triển khai đồ bảo hộ đến nơi nhân viên y tế đang cần nhất”, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar cho biết.

Công ty DuPont, FedEx, Đại sứ quán Mỹ và các ban ngành của Việt Nam vừa phối hợp chuyển hơn 450 ngàn bộ đồ bảo hộ TYVEK sang Texas, Hoa Kỳ. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ dự kiến sẽ nhận khoảng 2,25 triệu bộ quần áo bảo hộ y tế trong vòng 5 tuần tới và đồng thời cũng sẽ tiếp tục mua 4,5 triệu sản phẩm TYVEK.

Đồng thời, cơ quan này cũng thông tin, Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh chuyên trách Chuẩn bị và Ứng phó (ASPR) đã làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM, cùng với chính phủ Việt Nam xúc tiến thỏa thuận này, nhanh chóng sản xuất và cung ứng trang thiết bị bảo hộ cá nhân trong lúc đại dịch Covid-19 lan rộng khiến hơn 435.160 người nhiễm coronavirus và hơn 14.797 ca tử vong ở Mỹ.

© Ảnh : Việt Hùng/ZingSản xuất khẩu trang ở một nhà máy tại Hưng Yên.
Việt Nam có thể thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới? - Sputnik Việt Nam
Sản xuất khẩu trang ở một nhà máy tại Hưng Yên.

Điều đáng nói là, không chỉ với Mỹ, chiều 7.4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng đã trao tượng trưng số hàng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ và nhân dân các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Số hàng trao tặng bao gồm 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, do Việt Nam sản xuất.

“Chính phủ Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình để giúp đỡ Chính phủ các nước có thêm phương tiện để bảo vệ sức khỏe cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, Thứ trưởng Tô Anh Dũng phát biểu, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh do chủng mới virus corona gây ra.

Ngoài Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, các quốc gia như Lào, Campuchia cũng vừa nhận các lô hàng vật tư y tế do Chính phủ và nhân dân Việt Nam trao tặng. Sự chia sẻ của Việt Nam với bạn bè quốc tế trong đại dịch tuy chưa nhiều, nhưng điều này vừa nêu cao tinh thần “tương thân, tương ái”, tình nghĩa, là hợp tác, đoàn kết quốc tế trong phòng chống dịch bệnh, vừa khẳng định năng lực tự sản xuất khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác dịch tễ của Việt Nam.

Việt Nam có đơn hàng 400 triệu khẩu trang trị giá 52 triệu USD

Trước đó, trong cuộc họp với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Tổng Công ty May 10 đã cho biết, hiện có đối tác lớn đang đặt mua tới 400 triệu khẩu trang y tế với trị giá 52 triệu USD, mức này tương đương với khoảng 30% doanh thu năm 2020. Đồng thời, đơn hàng này được coi như hướng đi mới của doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến cơ sở sản xuất bị giảm đơn hàng trầm trọng.

Mặt nạ phòng độc. - Sputnik Việt Nam
Bác sĩ giải thích lợi thế của khẩu trang y tế so với khẩu trang có van thở

Cũng theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, ngoài đơn hàng 52 triệu USD, còn có đối tác Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải giao trong vòng 6 tuần và một đối tác Đức cũng đặt mua 2 triệu chiếc khẩu trang vải và 6 triệu khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp còn băn khoăn việc Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu đối với 25% sản lượng khẩu trang y tế với các đơn hàng có chỉ định, hợp đồng, còn 75% phải tiêu thụ trong nước, nên sẽ hạn chế những doanh nghiệp như May 10 trong sản xuất, kinh doanh khẩu trang.

Ông Thân Đức Việt cũng thông tin, ngoài mặt hàng khẩu trang, May 10 cũng có đơn hàng 2 triệu bộ đồ bảo hộ chống dịch, tuy nhiên vì hiện vẫn chưa có hướng dẫn xuất khẩu của Chính phủ, Việt Nam cũng chưa có phòng thí kiệm kiểm tra tiêu chuẩn CE (bắt buộc đối với hàng hoá (theo quy định) và được coi như hộ chiếu thương mại vào thị trường EU) nên còn khó khăn trong khâu sản xuất.

Đánh giá về vấn đề này, Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trên toàn thế giới, tác động mạnh đến nhiều ngành hàng, lĩnh vực như dệt may, da giày, hàng không, dịch vụ thì việc May 10 chuyển sang sản xuất khẩu trang rất nhanh và tận dụng được các đơn hàng tốt là điều rất đáng khích lệ.

“Đúng là trong nguy có cơ. Giờ phải tận dụng các cơ hội có thể để vượt lên khó khăn tự cứu mình trước trong khi chờ nhà nước hỗ trợ”, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trên thực tế, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam bắt tay sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ, máy thở. Một số nước Châu Âu, Mỹ có đơn đặt hàng, nếu các sản phẩm xuất khẩu đầu tiên thuyết phục được thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu, thì cánh cửa sẽ mở ra cho những ngày sắp tới đối với các sản phẩm “Made in Vietnam”, do chính doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận, sản xuất và phân phối.

Việt Nam đủ khả năng cung ứng khẩu trang cho thế giới

Trên thực tế, ngay từ thời điểm giữa tháng ba (17/3), trong cuộc họp của Bộ Công thương, các doanh nghiệp đã báo nhiều tin tích cực, những hướng đi mang tính đột phá và lợi ích thiết thực trong mũi sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu giữa đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Cô gái trong mặt nạ y tế với một lá cờ quốc gia. - Sputnik Việt Nam
Đại dịch coronavirus cho thấy cần phải đeo khẩu trang

Vụ Thị trường trong nước báo cáo cho hay, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu với 40 triệu chiếc khẩu trang/ngày. Con số này tương ứng với khoảng 1,2 tỷ chiếc/tháng. Thậm chí, nếu cần có thể huy động tối đa ngành may mặc, sản xuất được 100 triệu khẩu trang/ngày, tương đương 3 tỷ khẩu trang/tháng.

Đơn cử như Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VinaTex) Cao Hữu Hiếu khẳng định, Vinatex cam kết luôn đi đầu trong công tác sản xuất khẩu trang, phục vụ công tác phòng chống dịch, có thể đáp ứng nhu cầu 40 triệu chiếc khẩu trang/tháng theo nhu cầu của thị trường.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.200 m2 vải dệt từ sợi nhân tạo. Tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/năm. Nếu tính trung bình 1 m2 sản xuất được 20 khẩu trang, thì một ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu tính giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).

Về nguồn nguyên liệu sản xuất, Việt Nam cũng đã tự chủ động được bên cạnh nguồn vải nhập từ Trung Quốc sau khi nước này bắt đầu dỡ bỏ lệnh kiểm soát, phong tỏa.

“Hoàn toàn có thể tự tin khẳng định, với năng lực sẵn có, chúng ta có thể sản xuất đủ khẩu trang theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của người dân trong phòng chống dịch bệnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đồng thời, trong thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã kết nối các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Vincommerce (chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+), Big C, MM Mega Market, AEON, BRG Retail với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối nghiên cứu chủ động tăng đặt hàng khẩu trang vải trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang tăng ở Việt Nam và tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm đáp ứng đủ nhu cẩu khẩu trang của người dân cho phòng chống dịch bệnh.

Phát biểu về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Trần Thanh Hải cho hay, trên thực tế, thị trường khẩu trang trong nước đã dần bão hòa. Thế nhưng, do dịch bệnh lan rộng ra trên khắp 209 quốc gia với hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh, nhu cầu tiêu thụ khẩu trang trên thế giới ngày càng tăng cao.

Bác sỹ kiểm tra các thông số trong quá trình lọc máu cho bệnh nhân tại Khu cách ly tập trung quận 2. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới nhưng đã mất dấu F0

Theo ông Hải, thế giới không chỉ có nhu cầu về khẩu trang y tế mà còn cả khẩu trang vải. Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nhanh nhạy khi sản xuất được hẩu trang vải thông thường, sử dụng vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí là tránh được tia UV.

Ông Trần Thanh Hải cũng đánh giá, sản xuất mặt hàng khẩu trang được coi là đơn giản nhất trong số các mặt hàng dệt may, không cần quá nhiều đầu tư.

“Việt Nam là một trong những cường quốc dệt may trên thế giới, sản xuất được nhiều mặt hàng dệt may phức tạp, cao cấp, khối lượng lớn, đáp ứng những thị trường khó tính. Trong khi đó, Chính phủ mới chỉ hạn chế xuất khẩu trang y tế ra nước ngoài. Còn khẩu trang vải các loại thì vẫn được khuyến khích”, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho hay và khẳng định việc cung ứng khẩu trang hoàn toàn nằm trong tầm tay của doanh nghiệp Việt Nam.
Liệu Việt Nam có thành công xưởng sản xuất khẩu trang hàng đầu thế giới?

Công suất tối đa Trung tâm có thể thực hiện xét nghiệm khoảng 100 mẫu/ngày. - Sputnik Việt Nam
251 ca mắc Covid-19: Việt Nam tung gói hỗ trợ đặc biệt
Trên thực tế, theo ông Trần Thanh Hải, hiện tại rất khó để có thể khẳng định được việc liệu Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang cho thế giới hay không.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định việc xuất khẩu trang và các đồ bảo hộ y tế sẽ gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu nằm ở đầu ra. Thời điểm này dịch đang căng thẳng, nhu cầu khẩu trang thế giới là rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được hàng lại không biết tìm ai để bán cả.

Hiện tại, Bộ Công thương đã vào cuộc, tích cực đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài. Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tiếp gửi về các thông tin chào hàng của đối tác. Từ đó giúp doanh nghiệp Việt có thể liên hệ, sản xuất và trao đổi hàng hóa.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng cũng cho hay, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên xác định sản xuất khẩu trang là mặt hàng mang tính tạm thời, còn về dài hạn vẫn phải tập trung vào các sản phẩm đệt may truyền thống vốn là thế mạnh của Việt Nam.

“Các doanh nghiệp có thể coi khẩu trang là mặt hàng tình thế, nhưng phải sẵn sàng chuyển đổi về các sản phẩm truyền thống khi hết dịch”, ông Trần Thanh Hải nêu rõ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Thân Đức Việt, lãnh đạo Tổng Công ty May 10 cũng nhận định, sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ của Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu của Trung Quốc. Nếu phía bạn tăng giá nguyên liệu đầu vào hay tệ hơn là ngừng bán sẽ gây khó khăn cho phía Việt Nam.

Đồng thời, chắc chắn, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh rất lớn đến từ Trung Quốc hay các quốc gia khác cũng có thế mạnh về hàng dệt may.

Cán bộ bệnh viện đa khoa huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa túc trực bên khu cách ly tại bệnh viên. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam có 249 ca mắc Covid-19: Bộ Y tế ra thông báo khẩn liên quan bệnh nhân số 243

Đồng quan điểm với Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nêu quan điểm, việc sản xuất khẩu trang chỉ là phương án tạm thời, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19 trong bối cảnh thiếu đơn hàng, sản xuất bị đình trệ. Nhưng sau khi dịch bệnh qua đi, chuỗi cung ứng được khôi phục, nhu cầu đối với mặt hàng này chắc chắn sẽ không còn cao như thời điểm hiện nay, do đó, cần cân nhắc thận trọng và linh hoạt trong chiến lược sản xuất.

“Còn quá sớm để nói đến chuyện Việt Nam có thể trở thành công xưởng hay không”, ông Trương Văn Cẩm thẳng thắn.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận theo hướng lạc quan, các doanh nghiệp Việt Nam đã “biến nguy thành cơ”, chủ động sản xuất khẩu trang vải với đa chủng loại từ khẩu trang vải thông thường, khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn, khẩu trang vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc và gần đây nhất là khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn được kiểm nghiệm chất lượng, tạo được sự tin cậy nơi người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала