Bộ Y tế cũng thông tin về các ca mắc nCoV tiên lượng nặng như phi công người Anh (ca bệnh số 91, đang nguy kịch), kỳ tích của bác ruột bệnh nhân số 17 (nữ bệnh nhân số 20 đã 3 lần ngưng tuần hoàn nhưng đã được cứu sống, bệnh nhân số 161, 88 tuổi).
Thị trưởng thành phố Leipzig, Đức đặc biệt gửi lời cảm ơn Bệnh viện Quân y 175, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng như các đối tác khác đã tạo điều kiện để số hàng vật tư y tế gồm 10 ngàn khẩu trang và 1000 bộ đồ bảo hộ cùng kính mắt bảo vệ, găng tay cho Bệnh viện St. Georg do Bệnh viện Quân y 175 của Việt Nam đã trao tặng.
Sau khi Bộ Y tế công bố trường hợp mắc Covid-19 mới số 262 là công nhân tại bộ phận Kiểm tra chất lượng của Công ty Samsung Bắc Ninh, UBND tỉnh đã lập tức họp, tổ chức cách ly bắt buộc 40 người thuộc dạng F1 cùng toàn bộ phân xưởng nơi ca bệnh 262 làm việc.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, chợ hoa Mê Linh, ổ dịch Hạ Lôi đang có nhiều nguy cơ lây lan dịch tại cộng đồng. Đồng thời yêu cầu có sự thống nhất về việc công bố các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 với Bộ Y tế để nhanh chóng có biện pháp khoanh vùng, dập dịch, theo đúng quy định.
2 ca mắc mới ở Hạ Lôi, có công nhân Công ty Samsung Bắc Ninh
Bản tin sáng nay ngày 13/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm hai ca mắc chủng mới virus corona, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 lên thành 262 trường hợp. Trong số hai người mắc nCoV mới này có một công nhân của Công ty Samsung Bắc Ninh và cả hai ca bệnh đều đến từ ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh.
Xu hướng lây lan trong cộng đồng của Việt Nam đã tăng lên. Trong số 262 ca bệnh nhiễm coronavirus, có 159 người từ nước ngoài, chiếm 60,7%, trong đó số người lây nhiễm thứ phát đã tăng lên chiếm 39,3% với 103 trường hợp.
Cụ thể Bộ Y tế cho biết, ca mắc SARS-CoV-2 số 261 là một người phụ nữ 60 tuổi, trú ở xóm Hạ Lôi, Mê Linh. Nữ bệnh nhân bán tạp hoá tại chợ Hạ trong xóm Hội. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4 và xét nghiệm ngày 12/4 cho kết quả dương tính với coronavirus. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Trường hợp bệnh nhân mắc nCoV số 262 là nam, 26 tuổi, cũng trú tại xóm Chợ, Hạ Lôi, Mê Linh. Anh là công nhân Công ty Samsung Bắc Ninh và là cháu của bệnh nhân số 254.
Ngày 27/3, bệnh nhân số 262 tiếp xúc gần với ca bệnh 254. Ngày 31/3, bệnh nhân có xuất hiện ho khan, sốt. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4 và xét nghiệm ngày 12/4 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Việt Nam hiện đang cách ly theo dõi sức khỏe của 75.291 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch.
Hiện 118 ca bệnh đang được điều trị tại 14 cơ sở y tế trên cả nước trong đó đã có 38 trường hợp cho kết quả âm tính với coronavirus, với 22 người đã âm tính lần đầu tiên và 16 trường hợp đã âm tính từ 2 lần trở lên với SARS-CoV-2.
Ca bệnh Covid-19 nặng: Cứu bác ruột bệnh nhân số 17, phi công người Anh nguy kịch
Theo thông tin từ Tiểu Ban Điều trị, ngày 13/4, 106 bệnh nhân có sức khỏe ổn định, có 8 bệnh nhân nặng, trong đó 1 trường hợp chạy ECMO, 2 trường hợp thở máy, 5 trường hợp thở ô xy. Bộ Y tế đồng thời cũng thông tin chi tiết về tình trạng các ca bệnh nặng của Việt Nam.
Về ca bệnh số số 161 (88 tuổi) từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Tiểu Ban Điều trị cho biết, bệnh nhân có tiền sử bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái. Bệnh nhân này hiện đang thở máy. Tại buổi hội chẩn chuyên môn về điều trị bệnh nhân nặng, Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị các bác sỹ điều trị trực tiếp xem xét thời điểm để mở nội khí quản cho người bệnh.
Bệnh nhân số 20, 64 tuổi (là bác của bệnh nhân số 17), thở máy, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân này hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bộ Y tế đã thành lập tổ trợ giúp chuyên môn do GS-TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, làm tổ trưởng. Trong vòng 21 ngày, 30 chuyên gia đã có 14 buổi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, theo dõi các chỉ số của các bệnh nhân nặng trong mỗi giờ để có chiến lược điều trị kịp thời.
Thông tin về ca bệnh này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, cho biết bệnh nhân này vừa thiếu cân, vừa bị rối loạn tiền đình. Chỉ vài ngày sau khi vào viện, bệnh tiến triển rất nhanh, ngày 15/3 bệnh nhân bắt đầu phải thở máy, ngày 19/3 các chuyên gia phải cho bệnh nhân vừa thở máy vừa sử dụng ECMO.
Sau rất nhiều cố gắng của cả bác sĩ và bệnh nhân, bệnh nhân này đã được cai ECMO hôm 4/4. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân đã có tới 3 lần ngừng tuần hoàn.
“Chúng tôi khó có thể tưởng tượng 3 lần ngừng tuần hoàn mà vẫn quay lại được với cuộc sống, vì bình thường có khi ngưng 2 lần gia đình đã xin về. Lần này bác sĩ nỗ lực, gia đình cũng nỗ lực, đến nay bệnh nhân đã bắt đầu có tri giác trở lại, đã làm theo được những gì bác sĩ và điều dưỡng yêu cầu. Đó là sự hồi phục vượt cả tưởng tượng của chúng tôi”, GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ.
Về trường hợp bệnh nhân số 91 (phi công, quốc tịch Anh, 43 tuổi), ngày 13/4, theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm PCR ngày 12/4 dương tính trở lại sau 1 ngày đã âm tính. Tình trạng nguy kịch.
Hiện tại, bệnh nhân nằm yên, có dùng thuốc an thần, đồng tử hai bên đều. Bệnh nhân phản xạ ánh sáng tốt, sinh hiệu ổn, không sốt và dùng thuốc vận mạch liều thấp. Theo các chuyên gia y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, vấn đề hiện tại của bệnh nhân 91 chính là tình trạng rối loạn đông máu nặng, tổn thương phổi còn tiến triển xấu, bạch cầu tăng. Bệnh nhân vẫn được tiếp tục can thiệp điều trị, ECMO (tim phổi nhân tạo) và chỉnh liều thuốc theo diễn tiến, lọc máu hấp phụ kháng thể, kháng nấm.
Theo TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện tượng tồn tại virus kéo dài có thể góp phần làm bệnh nặng trên bệnh nhân này, vì khi còn sự hiện diện của virus thì còn tạo ra phản ứng viêm/miễn dịch trong cơ thể người bệnh.
“Kết quả xét nghiệm dương tính nhẹ trở lại sau 1-2 lần âm tính, sau đó xét nghiệm dương tính nhẹ kéo dài nhiều ngày trước khi âm tính là hiện tượng phổ biến trong các bệnh nhân Covid-19 đã được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ”, BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.
Hiện nay, theo ý kiến hội chẩn của Hội đồng chuyên môn cấp quốc gia, ngoài các can thiệp hồi sức hô hấp tuần hoàn chuyên sâu như trên, công tác điều trị tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân số 91 đang tập trung điều trị theo hướng hội chứng HIT (Heparin-induced thrombocytopenia).
Samsung Bắc Ninh: Cách ly 40 người, phong tỏa phân xưởng nơi bệnh nhân 262 làm việc
Sau khi Bộ Y tế công bố trường hợp mắc Covid-19 mới số 262 là công nhân tại bộ phận Kiểm tra chất lượng của Công ty Samsung Bắc Ninh, Chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã lập tức vào cuộc.
Ngay trong đêm 12/4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao đổi với đại diện phía doanh nghiệp Samsung. Cơ quan hữu quan cùng với công ty đã tiến hành cách ly toàn bộ phân xưởng nơi nhân viên trên làm việc, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch do coronavirus gây ra.
Đồng thời, sáng nay, 40 người thuộc diện F1, tiếp xúc gần với bệnh nhân 262, đã được UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu cách ly bắt buộc. Ngoài ra, hàng trăm công nhân tại phân xưởng, những người đi cùng xe đưa đón công nhân với bệnh nhân 262 cách ly tại chỗ, tuyệt đối không di chuyển đến các địa phương khác, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Được biết, từ ngày 7/4, bệnh nhân số 262 đã không đi làm và thực hiện cách ly tại nhà. Hiện có khoảng hơn 20 ngàn nhân viên đang làm việc tại Công ty Samsung Bắc Ninh. Kể từ khi Hạ Lôi có ca mắc Covid-19 đến nay, doanh nghiệp này đã ngừng việc và tạm dừng các chuyến xe đưa đón công nhân đến công ty.
Với 10 ca mắc Covid-19 tính đến thời điểm này (gồm các bệnh nhân số 243, 250, 253, 254, 257, 258, 259, 260, 261, 262), ổ dịch Hạ Lôi thực sự đang gây nhiều lo ngại cho chính quyền Hà Nội về nguy cơ dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Trong khi đó, sáng 13/4, tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội ông Nguyễn Nhật Cảm thông tin, thực tế ca mắc coronavirus thứ 262 rất phức tạp về phòng chống dịch.
Bệnh nhân này là công nhân làm việc ở Công ty Samsung tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, được phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Ngay tối hôm qua chúng tôi đã báo cáo ngay với Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh đã lập tức điều tra, đã xác định được 101 trường hợp tiếp xúc gần (F1) là người ở nhiều tỉnh phía Bắc”, Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, điều đáng lo ngại là quãng thời gian từ khi bệnh nhân 262 có triệu chứng đến khi phát hiện bệnh rất dài, trong thời gian này anh vẫn đi làm. Bệnh nhân có triệu chứng mắc nCoV từ ngày 31/3 khi bị sốt, có ho khan nhưng đến ngày 6/4 mới nghỉ làm.
Đồng thời, xác minh nhanh về quá trình di chuyển của bệnh nhân 262 cho thấy hằng ngày anh vẫn đi làm chung trên xe đưa đón công nhân.
“Trên chuyến xe đưa đón công nhân từ xã Mê Linh đến Công ty Samsung ở Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, điều tra bước đầu cho thấy trên mỗi chuyến xe có khoảng 20 công nhân, tức là một ngày bệnh nhân này tiếp xúc với khoảng 40 (lượt) người, trong suốt một tuần”, Giám đốc CDC Hà Nội nhận định rằng nguy cơ lây lan cộng đồng từ ca bệnh 262 này là rất lớn.
Ổ dịch Hạ Lôi phức tạp, sẽ có thêm nhiều ca mắc Covid-19 tại cộng đồng
Sáng 13/4, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ trì phiên họp trực tuyến với các điểm cầu – quận huyện, xã phường tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội này, hầu hết đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng, tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi rất phức tạp, nhiều trường hợp liên quan, vì vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.
“Dự báo trong thời gian tới có thể có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng”, ông Nguyễn Khắc Hiến, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định.
Liên quan đến ổ dịch Hạ Lôi, Các cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng, thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi trong 28 ngày kể từ ngày 8/4. Tính đến nay, cơ quan y tế cũng đã lấy mẫu xét nghiệm 466 trường hợp F1, xét nghiệm sàng lọc cho 10.013 người dân. Để tăng cường xử lý cho ổ dịch thôn Hạ Lôi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng một đội phản ứng nhanh đã tăng cường hỗ trợ huyện Mê Linh trong suốt thời gian khoanh vùng.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, chợ hoa Mê Linh đang có nhiều nguy cơ lây lan dịch tại cộng đồng, vì là nơi giao dịch hoa lớn cho các tỉnh, đáng chú ý là hoạt động đến và đi từ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tỉnh Lào Cai và các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Chợ hoa liên quan đến 6 xóm của thôn Hạ Lôi với 100 ha trồng hoa. Chợ hoa Mê Linh cũng là nguồn cấp hoa cho nhiều nơi trên địa bàn, như các nhà tang lễ, các chợ hoa lẻ.
“Chợ hoa Mê Linh tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng vì việc buôn bán hoa diễn ra trên diện rộng. Vì thế, các đơn vị cần phải có đánh giá cụ thể hơn những nguy cơ từ chợ hoa này. Các địa phương cần rà soát và có báo cáo cụ thể số lượng người buôn bán tại chợ hoa này”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Từ đó, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện, đặc biệt là các huyện có chợ hoa như Mê Linh, Đông Anh, quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và các quận có nhà tang lễ (nhận hoa từ các vùng hoa) là Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy cần rà soát, theo dõi kỹ những người thuộc nhóm nguy cơ trên.
Bình luận về một số quan điểm trái ngược của các chuyên gia y tế về nguồn gốc lây nhiễm ca bệnh ở Hạ Lôi, Chủ tịch UBND TP nêu rõ nhờ rà soát những người từng đến Bạch Mai nên mới ra ca bệnh số 243 và sau đó là thêm 9 trường hợp nhiễm mới từ ổ dịch Hạ Lôi.
“Chúng tôi rà soát những người có liên quan đến Bạch Mai thì mới ra bệnh nhân 243 và từ bệnh nhân này mới ra các bệnh nhân khác ở Hạ Lôi. Chúng ta phải khẳng định điều này. Chúng ta đã thống nhất quan điểm rất rõ ràng là những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai là có nguy cơ cao”, ông Chung thẳng thắn.
“Hà Nội vừa trải qua 14 ngày sóng gió. Từ ca đầu tiên phát hiện ngày 6/3, đến nay đã 1 tháng 6 ngày và Hà Nội vẫn là một địa bàn nóng, có số ca nhiễm và số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất”, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận huyện phải đúc kết những bài học về quá trình xác minh, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, lấy mẫu sàng lọc.
“Việc tiến hành cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi đã, đang góp phần giảm nhiều nguy cơ lây lan. Công tác xét nghiệm mở rộng cho 100% người dân tại ổ dịch này thể hiện sự quyết liệt khoanh vùng, dập dịch ngay từ khi còn là đốm lửa nhỏ, đồng thời cho thấy sự quan tâm chu đáo cuộc sống người dân của chính quyền thành phố”, PGS.TS Trần Như Dương cho biết.
Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, người dân tại thôn Hạ Lôi thực hiện nghiêm quy định cách ly y tế, tự giác nhà nào ở yên nhà đó. Người dân cũng không phải lo thiếu thực phẩm, đời sống được đảm bảo, giá cả hàng hóa ổn định. Mỗi ngày 66 tổ phản ứng nhanh đi từng nhà tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm việc cách ly cũng như cung cấp thông tin dịch tễ.
“Càng trong gian khó, càng thấy rõ hơn tinh thần đoàn kết của nhân dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cũng như huyện Mê Linh. Duy trì được điều này, việc dập dịch tại thôn Hạ Lôi chắc chắc sẽ thành công”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm, đến nay, khoảng 10.013 người dân thôn Hạ Lôi đã được lấy mẫu để xét nghiệm. Về cơ bản, thành phố vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh do coronavirus ở Hạ Lôi và trên toàn địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội đã có 117 ca mắc Covid-19: Có sự bất nhất với Bộ Y tế?
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, tới đây, cần thay đổi cách làm, bởi nếu không không đồng bộ, không nhất quán về thông tin, sẽ làm người dân phân tâm.
Ông Chung cũng nêu rõ, không hề có chuyện Hà Nội tranh việc để thông tin ca bệnh mắc coronavirus.
Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên của dịch nCoV, Bộ Y tế cho phép CDC Hà Nội xét nghiệm loại trừ, giai đoạn 2 cho phép xét nghiệm khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội đã đề xuất là khi đã xét nghiệm khẳng định thì cập nhật và công bố luôn bởi độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch, do đó, việc cập nhật thông tin là rất quan trọng.
“Như ca bệnh Bộ Y tế công bố chiều 12/4 thì Hà Nội đã thông báo từ chiều 11/4. Đáng lẽ, trong sáng 12/4, Bộ Y tế cần công bố luôn nhưng lại để đến buổi chiều. Nhân dân không thấy thông tin, rồi báo chí đưa tin sáng không có ca bệnh... Như vậy sẽ dẫn đến chủ quan, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Với những trường hợp đã xảy ra với Mê Linh và nhiều nơi khác, ông Nguyễn Đức Chung để nghị tổ công tác Bộ Y tế nghiên cứu đánh giá để có cảnh báo về các đối tượng, độ tuổi dễ lây nhiễm.
“CDC Hà Nội, Sở Y tế cần cùng với các chuyên gia nghiên cứu kỹ vấn đề này. Phân tích phải logic với nhau và chọn cái xác suất nhiều hơn để đưa ra nhận định thống nhất, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định.
C
Bệnh viện Bạch Mai đã được dỡ bỏ lệnh cách ly từ 0h ngày 12/4. Đồng thời, trong quá trình phong tỏa, các đơn vị đã rà soát được 26.947 trường hợp tại cộng đồng có liên quan đến ổ dịch này.
Toàn thành phố, hiện có 1036 người đang được cách ly tập trung, hơn 15 ngàn người cách ly theo dõi tại cộng đồng. Đáng chú ý, trong tuần qua, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đã phát hiện thêm 655 trường hợp F1, hiện 736 trường hợp F1 vẫn đang còn phải cách ly .
Thị trưởng Leipzig, Đức cảm ơn Việt Nam
Bệnh viện Quân y 175 của Việt Nam đã trao tặng số hàng y tế gồm 10 ngàn khẩu trang và 1000 bộ đồ bảo hộ cùng kính mắt bảo vệ, găng tay cho Bệnh viện St. Georg, thành phố Leipzig, Đức.
Ngay sau khi nhận được số hàng viện trợ y tế mà Việt Nam chuyển, Thị trưởng thành phố Leipzig, ông Burkhard Jung đã lên tiếng bày tỏ lòng cảm ơn các đối tác Việt Nam.
TTXVN dẫn lời, số hàng gồm 10 ngàn khẩu trang và 1000 bộ đồ bảo hộ và các trang bị liên quan đã được hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí tới Frankfurt/Main với sự kết nối trung gian của Tiến sĩ Kambiz Ghawami - Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới CHLB Đức (WUS), trong khuôn khổ chuyến bay hồi hương người Đức ở Việt Nam.
Đặc biệt, vị Thị trưởng còn nhấn mạnh trong khủng hoảng mới thấy hết tầm quan trọng của hợp tác quốc tế lâu năm.
“Trong những lúc khủng hoảng mới thấy được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế lâu năm của thành phố Leipzig với các đối tác trên khắp thế giới”, ông Burkhard Jung khẳng định.
Thị trưởng thành phố Leipzig, Đức đặc biệt gửi lời cảm ơn Bệnh viện Quân y 175, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng như các đối tác khác đã tạo điều kiện để số hàng vật tư y tế này đến được Leipzig. Đồng thời, ông Burkhard Jung cũng cho biết, nếu không có sự phối hợp của các bên, trong đó có sự hỗ trợ về chính sách của Việt Nam cũng như phía Đức, số hàng trao tặng sẽ không thể được chuyển đi do những quy định về xuất khẩu đồ y tế ở Việt Nam.
Sau khi nhận được hàng viện trợ, Giám đốc Bệnh viện St. Georg, Iris Minde, cũng bày tỏ hết sức vui mừng với số hàng trao tặng từ Việt Nam, đồng thời cho biết sự hợp tác giữa hai bệnh viện trong nhiều năm qua rất thành công và hai bên cũng đã thiết lập một trung tâm y tế Đức - Việt để tiện cho việc trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn.
Nếu thành phố Leipzig đã kết nghĩa với TP.HCM thì bệnh viện St. Georg và Bệnh viện Quân y 175 là đối tác trong nhiều năm qua và đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình đào tạo, trao đổi tại Việt Nam và Đức.
Việc trao tặng khẩu trang, đồ bảo hộ, trang bị y tế của phía Việt Nam đối với bệnh viện St. Georg và thành phố Leipzig, Đức là hoạt động hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus gây ra đang hoành hành và gây hậu quả nặng nề tại Đức và các quốc gia châu Âu.