Trong quá trình thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã làm nóng coronavirus tới 60 độ trong một giờ, nhận thấy rằng sau khi chịu tác động như vậy một số chủng của nó vẫn còn có khả năng nhân bản. Việc làm nóng đến 60 độ trong một giờ là phương thức tiêu chuẩn để vô hiệu hóa virus được sử dụng trong hầu hết các phòng thí nghiệm, nơi phân tích các mẫu xét nghiệm bệnh phẩm. Trong khi đó chỉ có thể vô hiệu hóa hoàn toàn coronavirus sau khi làm nóng đến 92 độ C trong 15 phút.
Để tiến hành thí nghiệm các nhà khoa học Pháp đã tiêm vào tế bào thận của loài khỉ xanh châu Phi một chủng coronavirus thu được từ một bệnh nhân ở Đức. Các tế bào bị nhiễm bệnh được đặt trong hai ống nghiệm - một ống có môi trường sạch, ống còn lại có protein nguồn gốc động vật, mô phỏng các điều kiện môi trường thực, không được vô trùng.
Sau quy trình làm nóng theo tiêu chuẩn thông thường, các chủng virus trong môi trường sạch đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn, tuy nhiên một số chủng trong môi trường không vô trùng vẫn tồn tại. Các nhà nghiên cứu cho rằng phương pháp khử hoạt tính tiêu chuẩn có thể đủ để vô hiệu hóa các mẫu có hàm lượng virus thấp, nhưng có thể chưa đủ đối với các mẫu có hàm lượng virus cao.
Các tác giả của thí nghiệm lưu ý rằng kết quả nghiên cứu của họ sẽ góp phần vào việc lựa chọn phương thức vô hiệu hóa virus thích hợp nhất để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế làm việc trực tiếp với các mẫu.