Bài viết sau đây của Sputnik nói về những tình nguyện viên Nga đi giao đồ ăn cho người hưu trí và không để họ buồn chán trong giai đoạn tự cách lý nghiêm ngặt nhằm chống lây lan COVID-19.
Những người hưu trí ở Nga thường không biết về các phương pháp mua thực phẩm và thuốc qua mạng và không biết cách sử dụng các thiết bị để đặt hàng đến tận nhà. Sau khi phải cách ly ở nhà, nhiều người Nga cao tuổi gần như mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Các dự án từ thiện và tình nguyện giúp đỡ họ gần như đã xuất hiện ngay lập tức sau khi áp dụng chế độ tự cách ly ở Nga.
Hiện giờ có hàng tá dự án như vậy. Trong số đó, hoạt động lớn nhất là phong trào hỗ trợ lẫn nhau của Nga #Chúngtacùngnhau. Tại thời điểm viết bài này, hơn 76 000 người đã tham gia dự án ở tất cả các khu vực hành chính của LB Nga.
Посмотреть эту публикацию в Instagram
Doanh nhân Nga Sergey Shnyrov ở thành phố Nizhny Novgorod được biết về hành động này từ mạng xã hội. Theo Sergey, trước đây anh đã tham gia các dự án tình nguyện. Do đó, không ngần ngại, anh đã tham gia giúp đỡ những người lớn tuổi trong thành phố của mình. Khoảng 200 người tham gia chat trong dự án ở Nizhny Novgorod. Những người hưu trí đặt hàng qua điện thoại, sau đó tình nguyện viên nhận các đề nghị đó và đi mua ở các cửa hàng. Phần lớn người về hưu nhờ mua thực phẩm và thuốc men. Khi giao hàng, tình nguyện viên phải mang khẩu trang, găng tay và đứng cách người hưu trí khoảng 3 mét.
Ở Moskva có nhiều chương trình tình nguyện giúp đỡ người phải cách ly. Theo diễn viên Konstantin Beloshapka, người thường xuyên tham gia các dự án tình nguyện khác nhau, đôi khi số lượng đơn xin trợ giúp thậm chí còn ít hơn so với số tình nguyện viên.
“Hiện tại, nhóm chúng tôi có hơn 100 người, và mỗi ngày có khoảng 25 người gọi điện nhờ giúp đỡ. Các đơn hàng được giải quyết rất nhanh”, – anh Konstantin, thành viên dự án từ thiện Good People cho biết.
Chàng thanh niên cũng lưu ý rằng tất cả những người tham gia phong trào đều được huấn luyện quy tắc an toàn cụ thể, phải đeo khẩu trang và găng tay.
Quỹ từ thiện “Người hảo tâm” không chấp nhận đơn đặt hàng, mà phân chia các gói hàng được mua bằng tiền của những người ủy thác cho quỹ. Do đó, đơn đặt hàng đến từ những người hảo tâm biết về chương trình này. Còn những người tham gia dự án tình nguyện "Sipur" BF Joint thì tự gọi điện cho những người già để thăm hỏi sức khỏe và tìm hiểu nguyện vọng của họ để giúp đỡ.
“Trước khi phải cách ly, các tình nguyện viên của chúng tôi đã thường xuyên đến thăm người già từ cộng đồng Do Thái, chủ yếu nói chuyện, giúp họ sử dụng các thiết bị số, chúc mừng họ trong các ngày lễ của người Do Thái, cùng họ đi dạo (kể cả người ngồi xe lăn), ghi lại câu chuyện gia đình, giúp làm việc vặt. Trong giai đoạn cách ly, chúng tôi không vào nhà. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là gọi điện thoại, tìm hiểu xem tình họ như thế nào, sức khỏe ra sao, liệu họ có còn các loại thuốc và thực phẩm cần thiết hay không. Nếu thiếu thứ gì đó, các tình nguyện viên của chúng tôi sẽ mua và mang đến nhà”, – bà Natalia Chertok, điều phối viên dự án nói với Sputnik.
Theo bà, những người hưu trí ở Moskva sợ hãi trước những điều chưa biết trong hoàn cảnh xảy ra. Điều quan trọng với nhiều người là cần có cơ hội nói chuyện với ai đó và thảo luận về tình hình hiện tại, một số người phàn nàn thiếu không khí do không thể đi dạo ở bên ngoài. Sau khi chính phủ tuyên bố tháng Tư nghỉ ở nhà giữ nguyên lương, nhiều nhân viên bảo trợ và nhân viên xã hội đã ngừng cung cấp dịch vụ, vì vậy về cơ bản, tất cả hy vọng giúp đỡ chủ yếu dựa vào các tình nguyện viên.