Tuy Vladimir Lenin lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười Nga sinh ra tròn 150 năm về trước, nhưng cho đến hôm nay, nhiều sự kiện trong cuộc đời ông vẫn là bí ẩn, và không ít điều chẳng mấy ai biết đến, ngoại trừ những người yêu thích lịch sử.
Sputnik kể với các bạn 5 sự thật đáng chú ý nhưng còn ít biết nhất về nhà cách mạng Nga, tiết lộ hình ảnh «một Lenin khác» với những chi tiết khá bất ngờ:
Cuộc cách mạng vốn không chờ đợi
Cho dù điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn đến chừng nào chăng nữa, nhưng thật ra chính «cha đẻ» của cuộc cách mạng Xô-viết lại đã từng không nhiều hy vọng sẽ nhìn thấy kết quả cách mạng hiển hiện ở nước Nga lúc sinh thời. Đúng một tháng trước khi nổ ra Cách mạng tháng Hai lật đổ chế độ quân chủ Nga, Lenin vẫn còn ủng hộ quan niệm chung cho rằng chỉ các thế hệ tương lai mới có cơ may trở thành chứng nhân của cách mạng XHCN. Thậm chí khả năng cách mạng mà Lenin nhìn thấy cũng chỉ là trong viễn cảnh có «âm mưu tiềm ẩn của các đế chế Anh-Pháp».
Tuy nhiên, thái độ như vậy không đáng ngạc nhiên, bởi những nỗ lực bất thành của Lenin nhằm dấy lên cuộc cách mạng ở nước Nga mươi năm về trước dường như đã phần nào làm mờ nhạt hy vọng về thành tựu cách mạng trong tương lai gần.
Điền chủ không thành công
Khi chỉ mới 19 tuổi, Lenin đã phải cáng đáng công việc sở hữu đất đai sau khi thân phụ mất sớm. Nhưng, rõ ràng, chàng thanh niên này không có khiếu trở thành địa chủ, vì bao cố gắng đều không mang lại kết quả. Sau khi một vài nông phu láu cá gian xảo đánh cắp một con ngựa và hai con bò của chủ đất, Lenin đã buông bỏ nỗ lực nhằm trở thành điền chủ, và cùng với gia đình bán hết cơ ngơi điền sản để di chuyển lên thành phố.
Đính hôn trong nhà thờ dù là người vô thần
Bất chấp thực tế rằng Lenin là người vô thần, chí ít cũng từ khi 18 tuổi và tán thành tư tưởng đối lập chống lại nhà thờ Cơ đốc giáo, nhưng rồi ông đã chính thức kết hôn với một tín đồ. Một trong nhiều tài liệu tham khảo về hoạt động cách mạng năm 1898 cho thấy đã có mối đe dọa chia lìa Lenin với vợ chưa cưới, bởi vì vào thời điểm đó, Nadezhda Krupskaya chỉ có thể đi cùng Lenin nếu như họ chính thức làm lễ đính hôn trong giáo đường.
Vốn đều kiên quyết chống lại khả năng chia ly như vậy, cả Lenin và Krupskaya đành phải từ bỏ kiểu kết hôn đơn giản «như hai người đồng tư tưởng» nhưng không được chấp nhận và chịu «cùng sắm vai trong vở hài kịch», - như chính nhà cách mạng mô tả. Kế hoạch «đóng kịch» của họ suýt nữa thất bại, vì không mời được người làm chứng thích hợp, vắng phù rể phù dâu và thậm chí chẳng có những chiếc nhẫn đính hôn cần thiết để trao nhau trong nghi lễ. Nhưng cuối cùng họ đã nhờ được các nông dân địa phương đóng vai, và một cư dân sở tại nhanh chóng làm ra đôi nhẫn từ những đồng tiền xu.
Có hơn 150 bí danh
Hoạt động cách mạng khiến Lenin trở thành mục tiêu săn đuổi của các cơ quan thực thi pháp luật không chỉ dưới thời Sa hoàng, mà cả trong thời gian lâm thời chuyển giao quyền lực sau Cách mạng tháng Hai. Do đó, Lenin buộc phải sử dụng vô số giấy tờ tuỳ thân giả, nhiều bí danh và bút danh, biệt hiệu để lẩn tránh chính quyền. Tuy nhiên, phải nói rằng không phải lúc nào nhà cách mạng cũng thành công trong việc này.
Theo đánh giá sơ bộ, tổng cộng Lenin có khoảng 150 bí danh, một trong số đó là Lenin còn tên thật của ông là Vladimir Ulyanov. Cho đến nay vẫn chưa được rõ về nguồn gốc của bí danh «Lenin». Tuy nhiên có một giả thuyết cho rằng bí danh này bắt nguồn từ tên gọi của dòng sông ở gần nơi Lenin sinh trưởng – sông Lena. Ngoài ra, theo các dữ liệu hiện có, Lenin còn mang một biệt hiệu khác, mà các đồng chí trong đảng Cộng sản hay dùng là «Starik» - «Ông già».
Ba vụ ám sát ... sau Cách mạng
Khá kỳ quặc là hoạt động cách mạng bí mật không bao giờ là mối đe dọa với tính mạng Lenin, nhưng sau khi chính quyền về tay phái Xô-viết, chỉ trong vòng hai năm, Lenin đã hứng chịu ba vụ mưu sát. Cụ thể, Lenin bị nhằm bắn vào ngày 1 tháng 1 năm 1918, nhưng không hề hấn gì vì đạn bay trượt.
Trong vụ ám sát tiếp theo cùng năm, Lenin không gặp may như vậy. Fanny Kaplan, một thành viên của đảng Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa đã nổ súng bắn ba phát vào Lenin khi ông rời khỏi cuộc mit-tinh ngày 30 tháng 8. Đạn đã bắn trúng nhà lãnh đạo cách mạng vào khuỷu tay và cổ, nhưng mặc dù vết thương thứ hai khá nghiêm trọng, Lenin đã nhanh chóng bình phục và trở lại làm việc sau hai tháng chữa trị.
Còn thêm một lần nữa, vận may đã mỉm cười với Lenin, đó là vào tháng 9 năm 1919, khi một nhóm thành viên vô chính phủ phá hủy tòa nhà của đảng ở Matxcơva, nơi Lenin sẽ đăng đàn phát biểu. May thay, diễn giả này đến muộn. Tiếng nổ vang rền trước khi Lenin bước vào tòa nhà.