Trong khi đó, một trong số ba ca mắc coronavirus nặng tại Việt Nam bác gái của bệnh nhân số 17 sốt trở lại, phổi bệnh nhân còn tổn thương, tình trạng rối loạn đông máu cao hơn bình thường.
Việt Nam làm chủ hai phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính coronavirus là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh). Đồng thời, Việt Nam còn là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể nCoV.
Không có thêm ca mắc Covid-19 mới
Theo thông tin thống kê từ Bộ Y tế, tính đến 18h chiều ngày 27/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Hiện tổng số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam vẫn là 270 ca.
Bộ Y tế ghi nhận, từ 6h sáng ngày 16/4 đến 18h ngày 27/4, Việt Nam đã có chuỗi 11 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng tính đến 18h ngày 27/4, Việt Nam đã cách ly xử lý ngay từ khi nhập cảnh 130 ca nhiễm.
Hiện tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam đến thời điểm này là 270 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.428 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 323 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.311 trường hợp và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 40.794 trường hợp.
Về tình hình điều trị: PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến nay Việt Nam đã ghi nhận 270 trường hợp người nhiễm SARS- CoV-2.
Trong số đó, ngành y đã điều trị khỏi bệnh, cho ra viện 222 người. 48 người còn lại đang được điều trị, cách ly tại 8 cơ sở khám chữa bệnh. Trong ngày hôm nay 27/4 không có ca bệnh được cho ra viện.
Trong số 48 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 8 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên là 6 ca.
Ngoài ra, tin vui là tình hình sức khoẻ của các bệnh nhân Covid-19 nặng hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có nhiều dấu hiệu tiến triển tốt.
Trong đó, bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân số 91) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh dù nặng nhưng đã có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính liên tiếp với virus SARS-CoV-2. Hai bệnh nhân nặng còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, đang tập cai máy thở.
Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo, Việt Nam đã ghi nhận thêm 3 ca nghi ngờ dương tính trở lại sau khi công bố khỏi bệnh:
Bệnh nhân số 74, 23 tuổi ở Xóm Tân Trung, Thị trấn Lâm Thao, Lâm Thao, Phú Thọ. Ngày 18/03/2020, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, không khó thở, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị. Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân hết sốt, không khó thở, không suy hô hấp. Đến ngày 10/04/2020, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần liên tiếp, đủ tiêu chuẩn được công bố khỏi bệnh, được cho xuất viện, về nhà cách ly tại Phú Thọ.
Trong quá trình cách ly, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở. Ngày 25/4/2020, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy nghi ngờ dương tính lại với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 theo dõi. Bệnh nhân tuân thủ quy định cách ly tại nhà, tuy nhiên có tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. Hiện các đối tượng F1 đã được cách ly theo dõi tại Phú Thọ.
Hai ca bệnh còn lại bao gồm bệnh nhân số 207 (nam, 49 tuổi, quốc tịch Brazil) ra viện ngày 18/4, và bệnh nhân số 224 (39 tuổi, quốc tịch Brazil) được cho ra viện ngày 20/4, về cách ly tại nhà. Đến ngày 26/4, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính lại với SARS-CoV-2. Cả hai trường hợp đã được đưa trở lại Bệnh viện dã chiến Củ Chi để tiếp tục theo dõi.
Sức khỏe bác gái bệnh nhân 17
Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đêm 26/4, một trong số 3 bệnh nhân Covid-19 nặng là ca bệnh số 20 (64 tuổi, ngụ Hà Nội, là bác gái bệnh nhân số 17) có sốt nhẹ 37,8 độ C sau nhiều ngày cắt sốt. Hiện phổi bệnh nhân còn tổn thương, tình trạng rối loạn đông máu cao hơn bình thường.
Bệnh nhân đang được cho thở máy qua ống mở khí quản, dù có tổn thương phổi nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim bệnh nhân còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ đã nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều.
Bệnh nhân được ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết. Tuy nhiên, chỉ điểm rối loạn đông máu của bệnh nhân 64 tuổi, có bệnh lý nền này còn cao hơn mức bình thường, điểm nhiễm trùng tăng nhẹ trên mức bình thường nhưng có giảm hơn so với trước đó. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang cai máy thở, tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Tính đến nay, bệnh nhân số 19 đã qua hơn 7 tuần điều trị Covid-19 và hiện là bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam. Quá trình điều trị cho bệnh nhân có nhiều điều đặc biệt, trong đó sau khoảng 10 ngày nhập viện, tình hình bệnh nhân bỗng nhiên trở nặng, được cho thở máy. Vài ngày sau, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân tăng nặng, buộc phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Đến ngày 4/4, bệnh nhân được cai ECMO, chuyển sang máy thở. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau, bệnh nhân đột ngột có 3 lần ngừng tuần hoàn trong đêm. Tập thể các y bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, điều trị để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân này đã có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, bệnh nhân số 91 là nam phi công người Anh tiếp tục dương tính trở lại với SARS-CoV-2, tiên lượng còn nặng. Bệnh nhân đang được cho thở máy, can thiệp ECMO. Lãnh đạo Bộ Y tế trước đó thông tin cho biết, đây là bệnh nhân rất nặng với cơ địa có nhiều yếu tố kỳ lạ, về mặt y học thì khả năng sống sót rất thấp nhưng được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.
Theo các bác sĩ, yếu tố béo phì của bệnh nhân là điều kiện thuận lợi cho virus tấn công mạnh mẽ. Không những thế, bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu rất trầm trọng, kháng các thuốc đông máu đang dùng ở Việt Nam, mặc dù thuốc rất tốt. Ngành Y tế Việt Nam thậm chí đã phải đặt thuốc từ nước ngoài về để điều trị cho ca bệnh đặc biệt này.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với Covid-19 của Việt Nam cao hàng đầu thế giới
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 27/4, Ban Chỉ đạo đã bàn về công tác xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 để phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Hội nghị, các đại biểu cho biết, hiện nay, trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính coronavirus là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).
Cụ thể, phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu, mất vài tiếng đồng hồ.
Đối với phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể, thời gian ngắn hơn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót các ca thực sự nhiễm Covid-19.
Do đó, Ban Chỉ đạo xác định, phương pháp PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.
Hiện nay, tại Việt Nam, áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm phát hiện gen (PCR) và xét nghiệm tìm kháng thể (xét nghiệm nhanh) sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ về phương pháp xét nghiệm PCR cho biết thời gian đầu ở Việt Nam sử dụng nguồn sinh phẩm từ nước ngoài (từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CDC Hoa Kỳ, Đức).
Sau đó, Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm PCR rất tốt thay thế nguồn nước ngoài (sinh phẩm do Học viện Quân y phối hợp với công ty Việt Á phát triển). Sinh phẩm này đã và đang được sử dụng chủ đạo tại Việt Nam để xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.
“Tới nay, chúng ta đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc Covid-19, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới”, Thứ trưởng GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.
Trên toàn Việt Nam hiêjn có 112 phòng xét nghiệm Realtime - PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27.000 mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày).
Đồng thời, Bộ Y tế cũng cho rà soát lại toàn bộ hệ thống máy móc xét nghiệm bằng phương pháp PCR sẵn có huy động và không cần mua sắm thêm, tốn kém.
Đặc biệt, Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO, Vương Quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.
Chưa hết, Việt Nam còn là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể, Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh “made in Vietnam” có nhiều ưu điểm như dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có, độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu), đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%. Bên cạnh đó, qua đánh giá ban đầu giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm). Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt.
Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cũng xem xét vấn đề đưa công dân về nước, đưa lao động có tay nghề vào Việt Nam, cấp phép các chuyến bay, quản lý biên giới, thực hiện cách ly, bảo đảm thuốc men, sản xuất trang thiết bị vật tư y tế và các loại máy thở, phương án xuất khẩu khẩu trang; chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Ban Chỉ đạo đánh giá cao các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất máy thở hiện đại như Metran, Vingroup, đồng thời khuyến khích các trường đại học phát triển những sản phẩm máy thở không xâm nhập đơn giản, vận hành hoàn toàn bằng hệ thống cơ khí có thể trang bị đến tận y tế tuyến xã, ở vùng sâu, vùng xa phục vụ nhu cầu tại địa phương.
Ban Chỉ đạo cũng nhấn định, đến thời điểm hiện tại có thể nói trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam đã bảo đảm được các loại thuốc có thể dùng cho những phác đồ điều trị SARS-CoV-2, chủ động sản xuất được khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, máy thở, tự sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm và làm chủ các phương pháp xét nghiệm, sàng lọc và phát hiện người nhiễm coronavirus.
Về vấn đề xuất khẩu khẩu trang, Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phải hết sức trách nhiệm vì cộng đồng, vì đất nước.
Trước tiên là cam kết ưu tiên cho nhu cầu trong nước rồi mới tính việc xuất khẩu, bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn nước đến. Các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm, mang tính răn đe, nâng cao nhận thức của người dân.