Khẳng định tất cả vì sự phát triển của Đà Nẵng, các bị cáo, nguyên là cán bộ thành phố có đơn kháng cáo xin giảm án và khẳng định, tiền bán các bất động sản được đầu tư vào xây dựng thành phố ngay lập tức chứ không hề bỏ túi riêng. Những cán bộ này xin được hưởng khoan hồng để sớm trở lại là công dân tốt, tiếp tục đóng góp cho thành phố
Ông Văn Hữu Chiến: Chữ ký chỉ là hình thức, tôi không có thực quyền
Sáng nay ngày 6/5, phiên phúc thẩm xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) cùng hai cựu Chỉ tịch UBND TP. Đà Nẵng (Trần Văn Minh và Phan Hữu Chiến) cùng 17 bị cáo trong vụ án thâu tóm đất vàng Đà Nẵng bước vào phần xét hỏi.
Đáng chú ý, trước khi tiến hành xét hỏi các bị cáo chính, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho rằng, bản án sơ thẩm kết tội mình có nhiều điểm không đúng, thiếu khách quan.
Bản thân ông Văn Hữu Chiến, (66 tuổi, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011, Chủ tịch năm 2011-2016) nhiều lần khẳng định chỉ ký theo chỉ đạo chứ không vì tư lợi cá nhân hay lạm dụng quyền hạn với tất cả văn bản bị quy kết sai phạm liên quan bán nhà đất công sản tại vụ án này.
“Tôi thực hiện đúng theo nhiệm vụ, chủ trương của UBND TP Đà Nẵng. Tôi với anh Trần Văn Minh (Cựu Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011) khi ấy là quan hệ cấp trên - cấp dưới. Tôi không nghe theo chỉ đạo của cấp trên tôi thì tôi là người vi phạm”, ông Văn Hữu Chiến khai trước tòa.
Tại thời điểm này, khi ký các văn bản giao đất vàng cho Vũ Nhôm, ông Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, còn ông Văn Hữu Chiến là Phó Chủ tịch UBND thành phố.
“Tôi không có vai trò gì, không có thực quyền, không trực tiếp nhận đơn thư gì liên quan mua nhà, đất công sản này”, ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh rất rõ.
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, ông Chiến bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm lần này, cựu Chủ tịch Đà Nẵng thay đổi kháng cáo, kêu oan cả 2 tội danh bị quy kết. Trình bày trước tòa, bị cáo Chiến cho rằng, cần phải xác định vai trò của ông trong việc bán các nhà, đất công sản và dự án ông bị quy kết làm trái pháp luật.
Theo cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, thời điểm năm 2009 Bộ Công an có công văn đề nghị thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, giảm giá bán nhà cho Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ 4. Đây vốn là công ty bình phong của Bộ Công an.
Về vấn đề này, ông Văn Hữu Chiến và các bị cáo khác đơn thuần cho rằng, việc sang nhượng bất động sản thì vẫn thuộc quản lý của Nhà nước, chỉ chuyển từ UBND thành phố Đà Nẵng sang Bộ Công an quản lý.
Trước tòa, ông Văn Hữu Chiến xin trình bày 17 nội dung, căn cứ cho rằng bản án sơ thẩm đã “nhận định không đúng” về vai trò của mình trong vụ án này. Cựu chủ tịch Đà Nẵng giải thích việc giảm 10% giá bán nhà, đất công sản cho Vũ Nhôm là chủ trương chung của Đà Nẵng và đã được thường trực Thành ủy, HĐND thành phố đồng ý. Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và nhiều cơ quan đều biết.
“Ở thời điểm 15 năm trước, đây là chính sách công khai. Hơn nữa, bản thân chỉ là người thi hành quyết định của chủ tịch thành phố, theo quy định tại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân”, cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến cho biết.
Theo cáo trạng, khi là Phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến đã ký bán giảm giá với mức trên cho 19 căn lô nhà, đất công sản song là thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch, Bí thư thành phố, đúng quy định.
Việc ký thay Chủ tịch là theo quy chế hoạt động UBND thành phố hàng năm. Phó Chủ tịch được chủ tịch phân công phụ trách một số lĩnh vực, ngành, địa phương thay mặt chủ tịch giải quyết việc được phân công trừ việc được chủ tịch trực tiếp xử lý.
“Tôi không có vai trò quyết định bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển giao dự án”, ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh và cho rằng, án sơ thẩm quy kết không đúng tội danh.
Cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến nói đi nói lại rằng, việc bán nhà, giao đất do hai chủ tịch tiền nhiệm là Trần Văn Minh và Hoàng Tuấn Anh trực tiếp giải quyết. Tuy nhiên, ông Chiến nêu rõ, bản thân không tiếp nối hay duy trì những hành vi sai phạm của chủ tịch Minh.
“Bị cáo thấy văn bản không đúng pháp luật có quyền không ký!”, Chủ tọa đặt vấn đề.
Đáp lời, ông Chiến cho biết, “không có cơ hội xem xét”. Cụ thể, Chủ tịch Trần Văn Minh trực tiếp nhận đơn xin mua của doanh nghiệp và đồng ý cho chuyển nhượng, cho giảm 10%, giảm hệ số sinh lợi, chuyển tên, bán không qua đấu giá. Những việc này không thông qua ông mà qua hội đồng thẩm định, qua các sở, ban ngành chuyên môn. Những quyết định, văn bản ông ký liên quan việc giao đất chỉ là một trình tự, quy trình.
“Có những việc ông không thò vào được vì do Chủ tịch trực tiếp giải quyết”, ông Văn Hữu Chiến bày tỏ và nêu rõ, những văn bản này sau đó được chuyển qua cho cơ quan tham mưu, ông không được tiếp cận.
Chủ tọa Ngô Anh Dũng bác lại, các kết luận giám định khẳng định bị cáo ký không đúng pháp luật.
Đáp lời Chủ tọa, ông Văn Hữu Chiến tiếp tục cho rằng, ông chỉ ký theo trình thự thủ tục, cơ quan nào cũng phải làm như vậy.
“Có chi tiết quan trọng, chữ ký của tôi chỉ mang tính hình thức để hoàn thiện hồ sơ. Có nhà đã hoàn tất thủ tục, người mua đã nộp tiền trước”, cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến lý giải.
“Phó chủ tịch không có thẩm quyền gì. Tôi chịu trách nhiệm về chữ ký của mình, còn vì sao ký mong toà xem xét”, ông Chiến trình bày và cho hay với nhiều căn nhà, ông chưa ký văn bản thì người ta đã nộp tiền, các cơ quan chuyên môn đã đồng ý.
Ông Văn Hữu Chiến nói về quan hệ với Vũ Nhôm
Tiếp tục trả lời HĐXX về dự án 29 hécta khu đô thị quốc tế Đa Phước, ông Văn Hữu Chiến cho hay, bản thân không được tham gia từ đầu, không tham gia thảo luận, bàn bạc.
Ông Chiến khẳng định, cả quá trình điều hành chỉ đạo của thường trực HĐND, UBND, 5 năm trời ông không tham gia dự án này. Đến năm 2011, các cơ quan chức năng đề nghị ký quyết định giao đất.
“Tôi ký cái này trên cơ sở văn bản của anh Tuấn (bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) ký trình rồi Chủ tịch UBND TP khẳng định thống nhất giao đất không đấu giá”, bị cáo Văn Hữu Chiến cho biết.
Về vấn đề này, ông Văn Hữu Chiến khai trước tòa, khi ông ký quyết định giao đất, đất này là đất mặt nước, chưa được giải phóng mặt bằng. Theo quy định, đất mặt nước không phải thông qua đấu giá.
Trình bày về vai trò, trách nhiệm của mình, ông Chiến cho rằng, trách nhiệm của ông là Phó Chủ tịch.
“Trong phân công rõ ràng, Phó Chủ tịch được quyền thay mặt Chủ tịch giải quyết trừ những việc Chủ tịch trực tiếp giải quyết, như việc bán nhà Chủ tịch giải quyết. Tôi chỉ ký các văn bản do cấp dưới trình lên, mang tính thủ tục, hoàn toàn không chỉ đạo, không bút phê vào hồ sơ, đơn thư nào để chỉ đạo”, ông Văn Hữu Chiến nói.
Quá trình thẩm vấn, ông Chiến tiếp tục khẳng định mình chỉ là người ký văn bản mang tính thủ tục, hoàn toàn không chỉ đạo, không tiếp nhận hồ sơ, đơn thư.
Về dự án Công an An Đồn, ông Văn Hữu Chiến đã ký văn bản 338 đồng ý giảm 10% hệ số sinh lời song cũng lại tiếp tục nói “chỉ làm theo chủ trương chung của thành phố”.
Những vế trả lời sau, ông Văn Hữu Chiến liên tục bị Chủ tọa Ngô Anh Dũng nhắc nhở đề nghị không liên tục “đổ trách nhiệm” lên lãnh đạo cấp trên nữa.
Nói về quan hệ với Phan Văn Anh Vũ, cựu Chủ tịch văn Hữu Chiến cũng phủ nhận hoàn toàn. Theo đó, ông nêu bản thân từ ngành cầu đường đi lên nên không có quan hệ gì với bị cáo Vũ Nhôm.
“Sau này mới biết Vũ là bên công an. Tôi không có quan hệ riêng gì với Vũ. Trong tất cả dự án, nhà, đất công sản, tôi chưa bao giờ nhận bất kỳ văn bản nào của Vũ. Ông Vũ cũng không gặp tôi để giải quyết vấn đề gì. Tôi chỉ biết Vũ trong cuộc họp tiếp xúc doanh nghiệp, không có quan hệ gì”, Cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến khẳng định.
Nhiều cán bộ Đà Nẵng xin được giảm án, miễn trách nhiệm
HĐXX cũng tiến hành thẩm vấn những bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hoặc xin miễn trách nhiệm hình sự.
Khi được trình bày, hầu hết các bị cáo đưa ra các căn cứ để xin HĐXX xem xét, chấp nhận kháng cáo của mình.
Trong đơn kháng cáo xin được miễn trách nhiệm, ông Đào Tấn Bằng (nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng) khẳng định không tham mưu đề xuất việc giao đất và trong quá trình làm, bản thân thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Ông Đào Tấn Bằng quả quyết, việc soạn thảo phiếu trình, công văn giấy tờ là theo quy trình xử lý hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính theo quy định của Bộ Nội vụ, không phải là tham mưu, đề xuất.
Đối với dự án Công viên An Đồn cũ, ông Bằng cũng cho rằng bản thân mình và các bị cáo khác không tham mưu đề xuất trong phiếu trình. Thậm chí ông còn nói rõ vì có 2 đơn vị xin mua nên phải đấu giá.
Trình bày trước HĐXX, bị cáo Đào Tấn Bằng xem xét miễn trách nhiệm cho mình. Đồng thời, để củng cố luận điểm xin được giảm án, ông Bằng còn dẫn chứng có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ của mình nhưng chưa được cấp sơ thẩm xem xét như “phạm tội lần đầu, phạm tội ít nghiêm trọng, quá tình công tác qua nhiều chức vụ có đóng góp cho địa phương, gia đình có công với cách mạng”…
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, người có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cũng nhấn mạnh, bản thân ông và những bị cáo ở đây không ai tư lợi cá nhân,
“Tất cả vì sự phát triển của Đà Nẵng”, ông Tuấn nêu.
Theo lời ông bị cáo này, tiền bán các bất động sản được đầu tư vào xây dựng thành phố ngay lập tức chứ không hề “bỏ túi riêng”.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn mong tòa vận dụng những tình tiết giảm nhẹ có trong luật cho ông sớm trở lại là công dân tốt, tiếp tục đóng góp cho thành phố.