Trong ngày làm việc thứ hai phiên xét xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải (người bị tuyên án tử hình vì tội giết người trong vụ án xảy ra Bưu điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) đã xem xét những nội dung nêu ra trong kháng nghị của VKSND Tối cao để các bên đánh giá.
Đồng thời, ngày 7/5 Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn gửi Chánh án TAND tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, kiến nghị xem xét yêu cầu được tham gia đầy đủ phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa miễn phí cho Hồ Duy Hải). Yêu cầu được chấp thuận.
VKSND Tối cao: Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan
Tiếp tục phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải chiều qua, ngày 7/5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao nhấn mạnh kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Tuy nhiên, dù bản chất vụ án không thay đổi, nhưng kháng nghị này nêu lên những sai lầm nghiêm trọng về mặt điều tra, tố tụng, từ đó đề nghị hủy bản án để điều tra lại.
Cụ thể, trong nội dung kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Tại phiên giám đốc thẩm, thành viên Hội đồng Thẩm phán, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hỏi điều tra viên, kiểm sát viên, cơ quan tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm trong quá trình khám nghiệm hiện trường đã thu giữ những gì liên quan đến vụ án và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi, như vật chứng rất quan trọng là “chiếc thớt,” “con dao” và “chiếc ghế nhựa” tại sao không thu giữ được? Tại sao không giám định thời gian chết của nạn nhân? Việc thu thập dấu máu chậm dẫn đến không kết luận được máu đó của ai vv…
Trong quá trình giải đáp, đại diện điều tra viên cũng đã thừa nhận, do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế trong xác định rõ dấu vết, hung khí...
Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng sơ thẩm và phúc thẩm, những vấn đề này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.
Phiên giám đốc thẩm chiều 7/5 tập trung vào làm rõ những chứng cứ, tài liệu, bút lục, lời khai... Trong đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng kháng nghị không chỉ nêu ra những vi phạm trong thủ tục tố tụng, mà còn muốn làm rõ phần hậu quả của vi phạm đó. Đại diện Viện Kiểm sát lấy dẫn chứng việc không thu thập đầy đủ các vật chứng, việc thu thập dấu máu chậm dẫn đến không kết luận được máu đó của ai.
“Chúng ta lưu ý rằng máu này không chỉ của nạn nhân, mà có thể là từ thương tích của hung thủ hoặc người tình nghi. Vì không giám định được kịp thời nên không kết luận được việc đó”, vị đại diện Viện Kiểm sát hỏi.
Ngoài ra là vi phạm về thủ tục, hồ sơ nhận dạng, theo quy định thì nhận dạng phải bắt buộc có người chứng kiến, nếu không có người chứng kiến thì những bút lục đó không có giá trị chứng minh.
“Viện Kiểm sát cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy nếu giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không”, một thành viên của Hội đồng Thẩm phán nêu câu hỏi.
“Trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, đây là những vi phạm nghiêm trọng. Nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay rồi, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của cơ quan điều tra”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thẳng thắn.
“Theo hồ sơ, vật chứng đã bị tiêu hủy, mẫu máu không còn nữa thì những nội dung đó điều tra lại, chúng ta biết rõ là không thể khắc phục được”, đại diện thành viên của Hội đồng Thẩm phán đối đáp lại.
Tiếp đến, một đại diện khác của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu quan điểm, rằng về khắc phục, ‘chúng tôi khẳng định là có những cái đến bây giờ có thể khắc phục được, có những cái không khắc phục được.’
“Tuy nhiên, đặt trong tổng thể của vụ án truy xét mà chúng ta lấy trục chính từ những lời khai nhận của Hồ Duy Hải và chứng minh tính xác thực của nó bằng những tài liệu, nhân chứng khác, chúng tôi thấy phải làm thêm một số việc. Mà việc đấy vẫn có thể làm được dựa trên những vi phạm đã nêu”, vị này cho hay.
Công bố biên bản làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao với Hồ Duy Hải
Chiều 7/5, Hội đồng Thẩm phán cho công bố công khai biên bản làm việc của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lấy lời khai Hồ Duy Hải vào lúc 8 giờ ngày 27/9/2011, tại trại tạm giam Công an tỉnh Long An. Biên bản kết thúc vào hồi 10 giờ cùng ngày, Hồ Duy Hải đã ký tên xác nhận.
Trích dẫn biên bản này cho biết: “Hỏi: Giết ai trước? Đáp (Hồ Duy Hải): Giết Hồng trước, sau sợ Vân về biết nên giết luôn Vân để bịt đầu mối”.
“Hỏi: Giết Hồng và Vân thế nào? Đáp: với Hồng thì đập bằng thớt, sau đó có dùng dao cắt cổ. Đối với Vân thì dùng ghế đập đánh, sau đó dùng dao cắt cổ. Tấm thớt lấy ở bếp, sau khi cắt cổ có rửa tay”…
“Hỏi: Quá trình điều tra, cơ quan Công an có đánh đập, ép cung gì không? Đáp: Hoàn toàn không bị đánh đập, ép cung mà tự khai nhận hành vi phạm tội do con gây lại. Con chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt”.
Như vậy, theo nội dung biên bản, bị cáo Hồ Duy Hải thừa nhận dùng hung khí là thớt và dao để giết nạn nhân Hồng trước, rồi dùng ghế, dao giết Vân sau để bịt đầu mối. Sau khi gây án thì Hải đi rửa tay. Đồng thời, trong biên bản này, Hải khai quá trình điều tra không bị ép cung, nhục hình. Biên bản này có chữ ký xác nhận của Hồ Duy Hải.
Bộ Công an: Bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội
Cũng trong chiều 7/5, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết sau khi có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giao cơ quan điều tra của Bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Tổ công tác này đã trình bày báo cáo trước Hội đồng Thẩm phán.
Đặc biệt, báo cáo của Bộ Công an xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Sáng 8/5, phiên xét xử giám đốc thẩm sẽ tiến hành nội dung trình bày quan điểm về vụ án. Chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết.
Vị đại diện Viện Kiểm sát này lấy ví dụ: Chúng ta cần xác định về mặt khoa học khoảng thời gian chết của nạn nhân, để hỗ trợ thêm những chứng cứ bị mất.
Đồng thời, vị đại diện Viển Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh: “Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng”.
Theo cáo trạng hiên đang được xem xét giám đốc thẩm, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và người em họ tên Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) làm việc để chơi.
Do nảy sinh ý định quan hệ tình dụng với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên Hồ Duy Hải quyết định giết cả Hồng và Vân. Cụ thể, khi chị Vân đã ra ngoài, Hải kéo người chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt. Tức giận vì bị cô gái đạp ngã vào tường, Hải đã dùng dao và thớt gỗ để gần đó sát hại nữ nhân viên. Vì sợ bị bại lộ, Hải phục sẵn rồi giết luôn chị khi cô này đi mua trái cây trở về.
Sau khi gây án, Hải lấy đi 1 triệu đồng, khoảng 40 - 50 sim điện thoại, 1 điện thoại Nokia và nữ trang của hai nạn nhân. Sau đó, Hải đem nữ trang đi TP.HCM bán lấy tiền được 3,7 triệu đồng.
Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình. TAND Tối cao tại TP.HCM mấy tháng sau đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Hải y án sơ thẩm.
Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, đồng thời yêu cầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước. Cùng ngày, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An có quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Vật chứng vụ quan trọng trong vụ án Hồ Duy Hải được mua ngoài chợ
Cũng trong ngày làm việc chiều 7/5, diện Viện Kiểm sát tiếp tục đặt câu hỏi về cách thức Hồ Duy Hải gây án và tấn công hai cô gái.
“Căn cứ vào đâu mà kết luận Hải dùng thớt đập vào đầu nạn nhân chứ không phải đập đầu vào lavabo?. Có dấu vết ở nắp lavabo hay không?”, đại diện VKSND Tối cao hỏi.
Theo điều tra viên, trong bản cung ngày 7/7/2008, Hải khẳng định dùng thớt đập đầu nạn nhân ở chân cầu thang chứ không phải dùng tay đập đầu vào nắp lavabo. Như vậy, có thể nói lời khai này phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường.
Cùng với đó, kết quả khám nghiệm tử thi cũng thể hiện vùng đầu nạn nhân H. có nhiều vết tụ máu, vết rách... Điều này chứng tỏ vùng đầu, mặt của nạn nhân đã bị va đập, có tác động của vật cứng.
“Do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt. Đây là thiếu sót của cơ quan điều tra, xin nhận khuyết điểm này”, điều tra viên trả lời câu hỏi tại sao khám nghiệm hiện trường không thu được vật chứng là cái thớt.
Điều tra viên cho biết, căn cứ để kết luận điều tra dựa vào biên bản khám nghiệm hiện trường phản ánh có thớt ở vị trí vết máu, phù hợp với lời khai của bị can Hồ Duy Hải, phù hợp kết quả giải phẫu tử thi nạn nhân.
Về vấn đề này, theo kháng nghị của VKSND Tối cao, cáo trạng xác định khoảng 20h30 ngày 13/1/2008, Hải dùng thớt đánh vào mặt, dùng dao và ghế giết các nạn nhân. Đây là những vật chứng quan trọng, mang dấu vết của tội phạm. Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh những vật chứng này nhưng không được thu giữ. Cơ quan điều tra sau đó cho người mua những vật chứng này để bổ sung, đưa vào hồ sơ vụ án.
“Có tài liệu nào khẳng định thớt, dao mua ở chợ là công cụ phạm tội không? Luật có cho phép không?”, thành viên Hội đồng Thẩm phán hỏi.
Trả lời vấn đề này, Điều tra viên vụ án cho biết, yêu cầu nhân chứng mua dao, thớt không phải xác định công cụ gây án mà mua để làm công cụ nhận dạng. Cơ quan điều tra không coi đây là công cụ gây án.
“Vì sao cơ quan điều tra lại không thu được dao thớt?”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đặt vấn đề. Ông cho rằng, đây là vật chứng quan trọng.
Điều tra viên giải thích, khám nghiệm cũng nhận định thớt và ghế là hung khí gây án, không xác định thớt và dao. Vì thế khi khám nghiệm hiện trường chỉ ghi nhận, không thu giữ. Tổ khám nghiệm cũng đi tìm dao nhưng không thấy. Sau khi Hải khai “gây án xong đem dao đi rửa sạch, nhét vào ngách tường”, các nhân chứng dọn dẹp hiện trường đã tìm được, nhưng dao đã sạch sẽ, không có dấu vết nên cơ quan điều tra không thu giữ. Con dao này về sau bị đem đi tiêu huỷ.
Đại diện cơ quan điều tra nói rằng, lời khai của nhân chứng chứng minh Hải trực tiếp có mặt tại hiện trường. Và Hải nếu không phải người gây án không thể biết được chi tiết này. Đây là nguồn chứng cứ quan trọng kết luận Hải phạm tội.
“Khi khám nghiệm hiện trường chưa biết hung khí, khi Hải khai mới biết thớt, dao. Vậy sao không yêu cầu Hải vẽ mô phỏng?”, đại diện Hội đồng Thẩm phán hỏi.
Đại diện cơ quan điều tra khẳng định, khi phát hiện con dao, nhân chứng nghĩ dao không liên quan vụ án thì đốt bỏ. Khi Hải khai thì thớt, dao đã bị đốt bỏ.
“Đây là sơ suất của cơ quan điều tra”, đại diện Công an tỉnh Long An thừa nhận.
Giải thích về việc lời khai con dao lúc ngắn lúc dài, thớt lúc mỏng lúc dày, điều tra viên cho rằng điều này là do diễn biến tâm lý bị can lúc khai thế này, lúc thế khác nên cơ quan điều tra mới đưa ra nhận dạng khác nhau.
Còn về vật chứng là đống tro thu giữ được sau khi Hải đốt quần áo mặc khi gây án, kết luận điều tra xác định, sau khi Hải khai ra việc này, cảnh sát đi thu giữ (một tuần sau khi án mạng xảy ra).
Tuy nhiên trong hồ sơ thể hiện, 18h30 ngày 21/3/2008 khi cơ quan điều tra đến khám xét nhà Hải có thu giữ đống tro này. Còn lời khai đầu tiên của Hải lại được lấy vào 19h30 ngày 21/3/2008 - tức sau khi thu nhận đống tro, chứ không phải do Hải khai cơ quan điều tra mới thu giữ được. Do đó, đại diện VKS cho rằng, đống tro thu giữ không có giá trị chứng minh.
Chủ tọa hỏi đại diện VKSND Tối cao: “Vậy Hải đốt có giá trị chứng minh tội phạm không? Có bằng chứng nào chứng minh Hải không đốt?”.
Theo VKSND Tối cao, tro này tìm thấy ở khu vực liên thông giữa nhà Hải và nhà dì.
“Tàn tro là có thật nhưng chúng ta chưa xác định liên quan, nên giá trị chứng minh không có. Kết luận nêu rõ, cáo trạng viện dẫn chỉ một chiều không đủ yếu tố kết luận thành phần này nằm trong quần áo mà Hải mặc khi gây án”, đại diện VKSND Tối cao nói đồng thời và cho biết, có tình tiết người nhà Hải khai anh ta có thói quen đốt quần áo cũ. Nếu Hải đốt cũng phải chứng minh tình tiết liên quan.
“Về khoa học, bị can giết người xong, khi về sợ ám ảnh nên đem đốt đi. Nếu anh nói không có giá trị chứng minh thì tôi cũng hơi bất ngờ. Bản thân ông khám nghiệm, ông chỉ mô tả hiện trường thôi chứ không làm được cái gì khác”, Chủ tọa đặt vấn đề.
“Chúng tôi thừa nhận có việc Hải khai đốt quần áo, thu được đống tro. Nhưng ở đây đánh giá tính liên quan giữa đống tro và lời khai Hải để nói nên tính liên quan với vụ án. Tôi chỉ nói có vấn đề ở mẫu tàn tro”, đại diện VKSND Tối cao đáp.
Đại diện Công an tỉnh Long An phản bác quan điểm của Viện Kiểm sát. Người này cho biết, sau khi Hải khai về việc đốt quần áo đã phân công tổ công tác xuống hiện trường. Khám xét mở rộng, cơ quan điều tra phát hiện hai đống tàn tro, có vật dụng còn cháy dở.
“Kết quả giám định trong tàn tro có thành phần vải và nhựa, nên có giá trị chứng minh phần nào chứ nói 'không có giá trị chứng minh' thì tôi không đồng tình", điều tra viên nói và cho biết, Hải đã xác nhận đoạn cháy dở là dây thắt lưng anh ta đeo.
Còn phần vải cháy dở màu đen là của chiếc quần vải, một mảnh khác là vải áo thun mặc gây án màu xanh đậm và mảnh màu sáng là phần áo ở ngực.