Điều này được khẳng định một cách thuyết phục thông qua sự phổ biến ngày càng tăng của dịch vụ vận tải hàng hóa Nga-Việt Nam qua hành lang giao thông đường bộ quốc tế (MTK) "Nga-Việt Nam-Nga", được ra mắt vào tháng 1 năm 2018. Đây là dự án do "RZD Logistics", công ty con của Đường sắt Nga đề xuất như một phần của thỏa thuận hợp tác giữa đường sắt hai nước. Dịch vụ này hóa ra là tâm điểm chú ý của các nhà sản xuất và người tiêu dùng, vì đối với họ tiêu chí hết sức quan trọng là thời gian giao hàng và đảm bảo an toàn hàng hóa, ông Dmitry Murev, CEO của công ty cho biết khi trả lời phỏng vấn của Sputnik Việt Nam.
Hành lang giao thông mới giữa Nga và Việt Nam
Thông qua MTK, hàng hóa từ Nga đến Việt Nam được vận chuyển bằng đường sắt từ một nhà ga ở Vùng Kaluga, gần Matxcơva qua Zabaikalsk và lãnh thổ Trung Quốc đến ga Yên Viên ở Hà Nội và từ đó được vận chuyển bằng đường bộ đến các cửa hàng ở thủ đô của Việt Nam và các thành phố khác. Đứng ra tổ chức toàn bộ chuỗi cung ứng là Công ty "RZD Logistics", còn chất lượng hậu cần tại Việt Nam được đảm bảo bởi nhà điều hành Ratraco của Việt Nam, công ty mà trong đó có 35% cổ phần của Tập đoàn Đường sắt Việt Nam. Thời gian vận chuyển trung bình từ ga đầu đến ga cuối chỉ là 24 ngày.
MTK giữa Nga và Việt Nam tạm thời đang hoạt động ở chế độ thử nghiệm. Vào năm 2019, hai mươi hai container 20 feet, tương đương 730 mét khối hàng hóa đã được vận chuyển theo tuyến đường này. Đã thực hiện thử nghiệm việc vận chuyển quần áo, thiết bị lọc nước sinh hoạt và các sản phẩm hóa học polymer. Sản phẩm của công ty mỹ phẩm Nga "Krasnaya linya" đã được vận chuyển qua tuyến đường sắt này để giao cho cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội. Các ô ngăn ba chiều của công ty GEOKORD đã được sử dụng ở Việt Nam trong việc xây dựng đường để gia cố những vùng đất yếu, không ổn định. Cuối năm ngoái, một lô cây thông Giáng sinh nhân tạo đã được chuyển từ Việt Nam đến Nga thông qua MTK.
Chăm sóc trẻ em Việt Nam
Ông Dmitry Murev cho biết:
"Trong những tháng gần đây chúng tôi thấy người Việt Nam đang ngày càng có nhu cầu mua thực phẩm trẻ em được bổ sung vitamin và khoáng chất do Nga sản xuất, giúp trẻ em phát triển toàn diện. Đó là cháo ngũ cốc, cháo trộn hoa quả cắt miếng, quả rừng ăn liền có sữa hoặc không sữa, bột yến mạch, cũng như sữa bột từ lứa tuổi trẻ sơ sinh. Đây là những sản phẩm chất lượng cao được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu công nghệ.
Sản phẩm này được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo sử dụng đối với cả trẻ sinh non, những bé không dung nạp hoặc dị ứng đường sữa, những người cần tăng cường khả năng miễn dịch. Tất cả điều này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Không phải ngẫu nhiên mà năm nay lô hàng sữa bột và thức ăn khô cho trẻ em đến Việt Nam tăng gấp bốn lần. Trước đại dịch, sản phẩm này được vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không, nhưng hiện tại tuyến này đang có vấn đề, ngoài ra còn phải tính đến tính thường xuyên của các chuyến bay và năng lực vận chuyển hàng hóa trên máy bay. Đồng thời, các nhà sản xuất Nga có hợp đồng và họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Do đó, giao hàng bằng đường sắt trở thành lựa chọn tối ưu nhất. Kể từ đầu năm, chúng tôi đã gửi bốn container 40 feet mỗi tháng loại hàng hóa kể trên, với tổng khối lượng 266 mét khối, và tôi nghĩ rằng nhu cầu này sẽ tiếp tục duy trì cho đến cuối năm nay".
Triển vọng cho MTK"
Tất nhiên, phần lớn khối lượng hàng hóa trao đổi giữa các nước chúng ta được thực hiện bằng đường biển. Ở Nga, đó là các cảng của Viễn Đông, cũng như Novorossiysk và St. Petersburg. Vận tải đường sắt MTK không đặt mục tiêu tranh giành khách vận tải biển, đây là một cơ hội khác cho các chủ hàng, họ có thể tự chọn cho mình phương án tối ưu giữa vận tải hàng không, vận tải đường biển và đường sắt. Tuyến đường này cho phép giảm một nửa thời gian vận chuyển hàng hóa so với tuyến đường biển truyền thống, và rẻ hơn so với đường hàng không.
Công ty "RZD Logistics" cho rằng, không loại trừ khả năng nhiều chủ hàng khác của cả Nga và Việt Nam sẽ quan tâm tới MTK. Ví dụ, Việt Nam là một trong mười quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc khai thác và xuất khẩu thủy sản và cá. Các sản phẩm này dễ hỏng, cần phải giao hàng nhanh chóng, và tuyến đường sắt mới có thể đảm bảo được việc này.