Nhấn mạnh Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng điện toán đám mây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây sẽ là thành phần quan trọng nhất trong hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, không thể để toàn bộ dữ liệu nền kinh tế số của Việt Nam bị đưa ra nước ngoài và lưu giữ ở nước ngoài bởi các đơn vị nước ngoài.
Điện toán đám mây- bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế số Việt Nam
Ngày 22/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. Tham dự sự kiện này có 11 doanh nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam. Đây là chiến dịch kêu gọi toàn xã hội thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn bằng nền tảng điện toán đám mây ở Việt Nam.
Điện toán đám mây sẽ là thành phần quan trọng nhất trong hạ tầng số, hạ tầng số phải được đầu tư trước để thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế xã hội. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để đi qua những khó khăn.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam đều đã chuyển dịch theo xu hướng này và nhu cầu khai thác điện toán đám mây cũng đang tăng mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mạng xã hội Việt Nam thời gian qua đã đưa thông tin phòng chống dịch đầy đủ, trực tiếp đến khoảng 75 triệu người dân. Làm chủ hạ hầng, nền tảng công nghệ cũng cho phép Việt Nam phát triển các ứng dụng, phần mềm phòng chống dịch bệnh.
“Việt Nam là một trong các nước có nhiều phần mềm hỗ trợ chống dịch nhất và phát huy rất hiệu quả”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam.
Khẳng định việc thị trường Việt Nam đủ lớn 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về điện toán đám mây, không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài.
“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong lúc đại dịch này phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, sắp tới, mỗi tuần Bộ sẽ tổ chức ra mắt các hạ tầng, nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay cần phải đẩy nhanh phát triển và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng điện toán đám mây được phát triển bởi các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên mã nguồn mở của 4 công ty. Các doanh nghiệp này đã đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông về điện toán đám mây.
“Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng điện toán đám mây. Chúng ta hy vọng rồi sau đây sẽ có thêm những doanh nghiệp Việt Nam khác phát triển hạ tầng ĐTĐM. ĐTĐM sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số”, đồng chí Bộ trưởng bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Sự ra mắt của hạ tầng điện toán đám mây ngày hôm nay là bước chuẩn bị để đón nhận Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký trong những ngày tới.
Đồng thời, hôm nay (22/5), cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện nghi thức phát động Chiến dịch cùng 4 doanh nghiệp điện toán đám mây nòng cốt, đang dẫn đầu về làm chủ công nghệ, sẵn sàng hạ tầng và cung cấp dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam với mã nguồn mở. Theo đó, 4 doanh nghiệp này chính là những cái tên hết sức quen thuộc như VNG, VCCorp, Viettel và CMC, đã được ra mắt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, những doanh nghiệp này đã đáp ứng các chỉ tiêu và tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông về điện toán đám mây.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hằng năm trên 30% nhưng các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm 20% thị phần, 80% vẫn là dùng điện toán đám mây nước ngoài, một con số vẫn còn rất khiếm tốn.
“Các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã làm chủ được hạ tầng viễn thông, chúng ta cần phải cố gắng để làm điều tương tự với hạ tầng số. Hạ tầng số chính là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng điện toán đám mây, bởi vậy, làm chủ nền tảng điện đám mây là rất quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Làm sao để hiện thực hóa chiến lược Make in Vietnam?
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG Cloud - một trong bốn doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá dịch vụ điện toán đám mây của Bộ TT&TT chia sẻ, các doanh nghiệp làm chủ về hạ tầng và công nghệ điện toán đám mây sẽ làm chủ về giá thành dịch vụ, không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài.
“Khi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của đội ngũ kỹ sư Việt Nam, việc đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ... cũng là yếu tố vượt trội của doanh nghiệp đám mây trong nước so với nhà cung cấp nước ngoài. Với những ưu điểm này, hy vọng điện toán đám mây sẽ lan toả rộng khắp, không chỉ ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ”, ông Vũ Minh Trí nêu rõ.
Nhận định về xu thế phát triển, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối trên cả nước. Dịch vụ điện toán đám mây đã sẵn sàng làm chuẩn, các doanh nghiệp có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh. Việc phát triển các công nghệ mới về điện toán đám mây, hội nghị truyền hình dựa trên các chuẩn mở, dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng phù hợp nhất với chúng ta hiện nay.
Cộng đồng mã nguồn mở ở Việt Nam đang lớn mạnh cùng với cộng đồng mã nguồn mở trên thế giới. Dự kiến trong quý III/2020, Bộ TT&TT sẽ lần đầu tiên tổ chức Đại hội mã nguồn mở Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ theo hướng này, vừa phát triển đất nước vừa đóng góp cho thế giới cũng như tận dụng được tinh hoa của thế giới vào Việt Nam.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC thông tin cho hay, ngay từ năm 2016 CMC đã bắt tay vào xây dựng nền tảng điện toán đám mây và đầu năm 2019 đã chính thức công bố ra mắt nền tảng hệ sinh thái mở C.Ope2n mà trong đó hạ tầng nền tảng số chính là C.Cloud, hiện đang tăng trưởng ở mức 250%/năm.
“Tuy vậy, các cá thể đơn lẻ khó có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chỉ khi chúng ta biết liên minh lại với nhau, cộng hưởng và chia sẻ, chúng ta sẽ có sức mạnh vô song. Không những thế, chúng ta còn tập hợp được trí tuệ của toàn nhân loại thông qua việc ứng dụng công nghệ mã nguồn mở để xây dựng và phát triển những nền tảng công nghệ của Việt Nam, hiện thực hóa mong muốn Make in Vietnam”, ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.
Cũng tại Lễ phát động, ông Nguyễn Khắc Linh, Phó Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử. Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam.
Như vậy, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đánh giá và công bố các nền tảng điện toán đám mây Việt Nam đáp ứng bộ tiêu chí để các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sử dụng.
Đáng chú ý, tại sự kiện hôm nay 22/5, 11 doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam cũng đã công bố cam kết tham gia chiến dịch, giảm giá 20% cho tất cả khách hàng đăng ký mới dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam trong thời gian 2 tháng (từ 22/5-22/7) để kích cầu thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động lên môi trường mạng.