Trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, trên khu vực tác chiến của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương (bao gồm cả đảo Guam - căn cứ không quân chiến lược của Không lực Hoa Kỳ), ở Biển Đông và vịnh Bắc Bộ, đã diễn ra các hoạt động trinh sát của biên đội tàu chiến thuộc Lữ đoàn tàu trinh sát số 38 của Hạm đội Thái Bình Dương (Hải quân Liên Xô). Nhiệm vụ của Lữ đoàn này là giải quyết các nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo quân sự, giúp hệ thống phòng không của miền Bắc Việt Nam chủ động phòng ngự và phản công chống lại các cuộc tấn công của máy bay Mỹ.
Nhân tuần kỷ niệm ngày ra đời của Hạm đội Thái Bình Dương (1731-2020), Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia về các vấn đề quân sự của Việt Nam, đại tá Nguyễn Minh Tâm. Câu chuyện về hoạt động giúp đỡ của Hạm đội Thái Bình Dương cho Hải quân Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ.
Thu thập thông tin tình báo – sứ mệnh chính của Lữ đoàn đặc nhiệm 38
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, hoạt động của Lữ đoàn đặc nhiệm 38, Hạm đội Thái Bình Dương đã bắt đầu ở Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ như thế nào?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, сhuyên gia về các vấn đề quân sự: Trong thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lữ đoàn đăc nhiệm 38 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương có nhiệm vụ cơ bản là thu thập và cung cấp thông tin tình báo quân sự giúp hệ thống phòng không của miền Bắc Việt Nam chủ động phòng ngự và phản công chống lại các cuộc tấn công của máy bay Mỹ.
Từ tháng 4-1964 đến ngày 31-12-1974, Lữ đoàn số 38 đã lập những cơ sở thường trú trên khu vực Biển Đông, Vịnh Bắc Bộ và theo dõi những biến động của căn cứ Guam. Họ không được phép thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu mà tập trung vào việc thu thập các thông tin tình báo để đảm bảo các hoạt động chiến đấu cho các tổ hợp tên lửa phòng không của Liên Xô tại Việt Nam, cung cấp sự hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam về an toàn hàng hải và cảnh báo xâm nhập đường không vào miền Bắc Việt Nam.
Sputnik: Những nhiệm vụ chính của Lữ đoàn đăc nhiệm 38 là gì?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Lữ đoàn đặc nhiệm 38 được giao thực hiện 5 nhiệm vụ cơ bản, vừa phục vụ cho công tác phòng thủ chiến lược của Liên Xô, vừa trợ giúp Việt Nam chống lại các cuộc tập kích đường không của các tàu sân bay thuộc hải quân Mỹ.
Cụ thể là:
- Giám sát trực tiếp của các nhóm tác chiến tàu nổi, tàu chống tàu ngầm và tàu sân bay, xác định các khu vực mà chúng có khả năng sẽ cơ động đến.
- Cảnh báo cho Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương biết về sự chuẩn bị cho máy bay trên tàu sân bay của Mỹ cất cánh, xác định lộ trình bay của của chúng trong các cuộc tấn công vào Việt Nam. Hạm đội Thái Bình Dương sẽ báo cáo cho cơ quan tình báo đối ngoại của quân đội Liên Xô để thông báo cho các đồng nghiệp ở Việt Nam.
- Xác định các phương pháp chiến thuật sử dụng máy bay trên tàu sân bay và các hoạt động của tàu chiến Mỹ đang phong tỏa bờ biển của Việt Nam.
- Thường xuyên có mặt ngoài 3 hải lý tính từ căn cứ hải quân của Mỹ tại Vịnh Apra trên đảo Guam, nơi có Sở chỉ huy Lữ đoàn tàu ngầm số 15 của Mỹ (SUBRON 15), giám sát hệ thống tên lửa đạn đạo UGM-27 Polaris và UGM-73 Poseidon trên các tàu nổi và tàu ngầm của hải quân Mỹ, phát hiện các hoạt động khai hỏa của tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
- Tổ chức các biên đội theo dõi việc cất cánh của các máy bay ném bom chiến lược B-52 tại căn cứ không quân Andersen và theo dõi các chuyến bay của chúng đến các mục tiêu tại Việt Nam. Căn cứ tốc độ bay của các B-52, hệ thống phòng không của Việt Nam đã được cảnh báo và kích hoạt thông qua kết nối cực nhanh với Bộ Tổng tham mưu Liên Xô, cho phép các đơn vị phòng không của Việt Nam có nhiều thời gian hơn để chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu.
Vạch trần bản chất thật của “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”
Sputnik: Thực sự những nhiệm vụ trên rất quan trọng. Việc thực hiện chúng đã giúp vạch trần hoạt động lừa bẫy của Hải quân Mỹ với tên gọi “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” như thế nào, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Hoạt động trinh sát đầu tiên của biên đội tàu khảo sát khí tượng hải văn RZK “Kerbi” diễn ra vào ngày 2-8-1964 đã giúp vạch trần một hoạt động lừa bẫy của hải quân Mỹ được biết đến với tên gọi “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Theo Chuẩn đô đốc Vladimir Anisimovich Karev, việc này đã được Hải quân Mỹ lên kế hoạch từ trước với mục đích khiêu khích nhằm đánh lừa dư luận thế giới, tạo cớ tiến công xâm lược Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để biện minh cho cuộc xâm lược đó, các hãng truyền thông Mỹ và phương Tây đồng loạt tung tin rằng, tàu khu trục USS Maddox của Hải quân Mỹ đã bị các tàu phóng ngư lôi của Việt Nam tấn công trên vùng biển quốc tế, ngoài lãnh hải 12 hải lý của Việt Nam (khi đó, Việt Nam mới chỉ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý, theo Công ước Luật biển quốc tế năm 1956). Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết bác bỏ điều này.
Nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin do Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ đưa ra, chiếc tàu radar trinh sát ngụy trang dưới dạng tàu khảo sát khí tượng RZK đã gửi báo cáo và bản đồ trinh sát về Bộ Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, chỉ rõ rằng tàu khu trục Maddox số hiệu 731 của Hải quân Mỹ trong một hoạt động do thám đã thật sự xâm nhập vào vùng lãnh hải miền Bắc Việt Nam. Dựa trên các thông tin do Bộ Tổng tham mưu Liên Xô cung cấp, Hà Nội xác định rõ rằng, tàu chiến Mỹ đã đi vào lãnh hải Việt Nam để tiến hành các hoạt động phi pháp và tuyên bố phía Việt Nam có quyền tự vệ chính đáng.
Tuy nhiên, khi đó, bộ máy truyền thông Mỹ đã chiếm ưu thế và đánh lừa được Quốc hội Mỹ và công chúng Mỹ. Dựa trên cái cớ được dựng lên bằng cách tung tin giả lừa bịp dư luận về việc chiếc tàu khu trục Tener Joy cũng bị tấn công đêm 4-8-1964, mà thật ra đó là cuộc tấn công tưởng tượng, ngày 5-8-1964, Không quân Mỹ đã ném bom miền Bắc Việt Nam gọi là để trả đũa bằng chiến dịch “Mũi tên xuyên” (Operation Pierce Arrow). Ngày 10-8-1964, Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”, giao cho Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson toàn quyền sử dụng lực lượng quân sự Mỹ ở Đông Nam Á. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ xuống miền Bắc Việt Nam bắt đầu.
Dựa trên những thông tin tình báo đáng tin cậy, Chính phủ Liên Xô thông báo cho Hà Nội biết Mỹ sẽ còn có những hành động gây hấn leo thang chiến tranh phá hoại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian sau đó.
Những nguy hiểm đã gặp phải
Sputnik: Trong quá trình thực hiện sứ mệnh của mình tại Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, Hạm đội Thái Bình Dương đã phải chịu những thiệt hại như thế nào để giúp Việt Nam, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Về nguyên tắc, hải quân Mỹ không được phép tấn công các tàu nghiên cứu hải dương học, tàu khảo sát khí tượng hải và các tàu dân sự khác của Liên Xô trên vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, các chỉ huy và lính thủy Mỹ có vẻ không thích thú gì việc các tàu nghiên cứu khoa học của Liên Xô cứ đeo bám các tàu sân bay và tàu chiến của Mỹ ở Trakm Yankee (mật danh nơi neo đậu các tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ quanh khu vực Hoàng Sa). Hải quân Mỹ ban đầu chỉ dùng hệ thống loa phóng thanh để cảnh báo các tàu nghiêu cứu khoa học của Liên Xô không nên tiếp cận tàu chiến Mỹ. Nhưng khi cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất (mật danh “Chiến dịch Sấm Rền”) leo lên những nấc thang cao nhất thì hải quân Mỹ đã bắt đầu “nóng mặt” và có những hành động khiêu khích trắng trợn hơn đối với các tàu của Liên Xô.
Tôi có thể nêu một vài ví dụ cụ thể như sau:
- Ngày 1-9-1967, tàu chiến Mỹ USS Bonner đã cố ý cản ngang đường đi của tàu khảo sát khí tượng hải văn RZK “Kerbi” của Liên Xô. Tuy không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng bãi đỗ trực thăng hình tấm khiên trên mũi tàu “Kerbi” đã bị cong vênh.
- Đầu năm 1968, tàu chiến Mỹ USS Bonner đã cố tình thực hiện nhiều vụ đâm va nhằm mục đích xua đuổi tàu đo đạc RZK “Izmeritel” ra khỏi khu vực khảo sát hải dương học ở khu vực Bắc Biển Đông.
- Ngày 3-10-1969, tàu khảo sát khí tượng RZK “Gidrophon” đang làm nhiệm vụ đo đạc tại ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam đã bị máy bay Mỹ bắn pháo sáng trúng thân tàu. Một đám cháy đã xảy ra. Tuy không thiệt hại về người, nhưng một số thiết bị quan trắc đã bị hư hại. Toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu đã được nhà nước Liên Xô tặng Huy chương “Vì sự dũng cảm trong chiến đấu”.
- Tháng 12-1969, tàu khảo sát khí tượng hải văn RZK “Izmeritel” đã bị tàu tuần tra của hải quân Việt Nam Cộng hòa pháo kích khi đang làm nhiệm vụ trong lãnh hải Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ. Con tàu đã bị trúng 16 phát đạn khi đang khởi hành trên luồng hướng ra biển để thực hiện nhiệm vụ. Thủy thủ Aleksanr Lebedev đã bị thương ở chân.
Các vụ tấn công khiêu khích này đã bị Phái đoàn ngoại giao của Liên Xô ở Washington cực lực lên án và đòi Mỹ phải chấm dứt ngay việc cản trở hoạt động nghiên cứu hải dương của các tàu Liên Xô. Người Mỹ ghi nhận và chỉ tỏ ý lấy làm tiếc. Còn các vụ khiêu khích thì vẫn cứ diễn ra.
Ngày 31-21-1974, tàu “Kursograf”, con tàu cuối cùng của Lữ đoàn đặc nhiệm 38 đã rời khu vực từng được gọi là “Trạm Yăng ky” (Yankee Station) trở về căn cứ. Trong thời gian từ 1964 đến hết năm 1974 đã có 17 con tàu trinh sát Liên Xô thay phiên hoạt động trên vùng biển này với 94 nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ kéo dài từ 3 đến 4 tháng.
Sputnik: Ngoài ra, Hạm đội Thái Bình Dương còn thực hiện những nhiệm vụ đột xuất gì nữa?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Năm 1972 được coi là năm có tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Ngày 31-3-1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng đội hình binh chủng hợp thành cấp sư đoàn, đồng loạt mở 3 cuộc tấn công lớn ở ba hướng chiến lượng: Trị Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Quân đội ngụy Sài Gòn bị đánh thiệt hại nặng và đứng trên bờ vực sụp đổ. Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến ở Việt Nam và phát động các cuộc tập kích đường không lớn bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 ra miền Bắc Việt Nam; đồng thời, các máy bay Mỹ đã thả thủy lôi dày đặc phong tỏa các cửa sống và cảng biển của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để trợ giúp Việt Nam, từ tháng 4-1972, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh hải quân Liên Xô và Bộ Chỉ huy tiền phương Hạm đội Thái Bình Dương ở Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ, nhằm giải phóng các bãi thủy lôi ở ngoài khơi Hải Phòng, một cụm tác chiến lâm thời của Hạm đội Thái Bình Dương đã được hình thành dưới sự chỉ huy của Hạm đội trưởng bậc nhất Dmitriy Tretiakovich. Nòng cốt của một cụm tác chiến này là Lữ đoàn tàu trinh sát đặc nhiêm số 38 với các tàu quan trắc đo đạc “Aneroist”, “Protraktor”, “Kyrsograf” và các tàu khác.
Cụm tác chiến này đã thực hiện các hoạt động rà quét thủy lôi hỗn hợp mà các máy bay của hải quân Mỹ đã thả xuống biển, đánh giá tác dụng của việc kéo lưới quét mìn và thông báo kịp thời cho các các tàu biển của Liên Xô về mối đe dọa của thủy lôi Mỹ.
Các kỹ sư hải quân Liên Xô phối hợp với các đồng nghiệp Việt Nam thiết kế, lắp ráp và đưa vào sử dụng các ca nô chở theo máy phóng từ, rà phá tất cả các thủy lôi có ngòi nổ cảm ứng từ trường do máy bay Mỹ thả xuống trên các luồng lạch ra vào cảng Hải Phòng và Vịnh Hạ Long. Đây là lần đầu tiên, các máy phóng từ đặt trên ca nô được sử dụng trong cuộc chiến. Hoạt động nói trên đã thành công, bất chấp sự đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và phương tiện.
Đóng góp đáng kể vào việc thành lập Binh chủng Đặc công của Quân đội Việt Nam
Sputnik: Ngoài Lữ đoàn tàu trinh sát 38, ông có thể nói tới sứ mệnh của Trung đoàn không quân trinh sát tầm xa Tu-16 của Hải quân Liên Xô và các nhóm trinh sát đặc nhiệm thuộc Hải quân Liên Xô?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Tu-16 vốn là máy bay ném bom chiến lược tầm trung của Liên Xô. Tuy nhiên, một số chiếc đã được hoán cải thành máy bay trinh sát chống ngầm và trinh sát điện tử (các phiên bản Tu-16R, Tu-16RM-1, Tu-16KRS), được trang bị cho Hải quân Liên Xô, trong đó có Hạm đội Thái Bình Dương.
Để trợ giúp Việt Nam, năm 1965, Trung đoàn không quân trinh sát tầm xa Tu-16 của Hải quân Liên Xô mang số hiệu 585 được thành lập và và tham gia vào các hoạt động trinh sát đối với các cụm tác chiến tàu sân bay (CGS) của hải quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Sau 2 đến 3 tháng thực hiện nhiêm vụ trên Biển Đông, Trung đoàn được giao nhiệm vụ xác định việc luân chuyển đối với các tàu sân bay Mỹ đang định kỳ bảo dưỡng tại các căn cứ Midway, Guam và Okinawa, xác định thành phần của các cụm CGS, hướng đi, tốc độ và truyền dữ liệu về Moskva.
Các huấn luyện viên trinh sát đặc nhiệm của Hải quân Liên Xô đã có đóng góp đáng kể vào việc thành lập binh chủng Đặc công của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những chiến sĩ “Vympel Việt Nam” được các đồng nghiệp Liên Xô huấn luyện để sử dụng những thiết bị kỹ thuật đặc biệt do Liên Xô chế tạo như các khí tài lặn, các vũ khí chiến đấu dưới nước và phương tiện liên lạc dưới nước (bao gồm cả hỏa khí dưới nước), cũng như các kỹ năng tác chiến trong môi trường đô thị. Về phần mình, các huấn luyện viên Liên Xô cũng được các đồng nghiệp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tác chiến trong rừng rậm nhiệt đới, áp dụng các biện pháp di chuyển bí mật nơi có nhiều sông rạch, học cách khắc chế và sử dụng những vũ khí của biệt kích Mỹ cũng như chia sẻ những kiến thức và kỹ năng hoạt động ở các vùng đồng lầy.
Những món quà vô giá
Sputnik: Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hạm đội Thái Bình Dương, ông có thể cho biết đánh giá của mình về sứ mệnh giúp Việt Nam của các đơn vị thuộc Hạm đội Thái Bình Dương và Hải quân Liên Xô?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Qua nghiên cứu các tài liệu mới được giải mật của Bộ Quốc phòng Nga và hồi ức của các sĩ quan, thủy thủ Liên Xô thuộc Hạm đội Thái Bình Dương nói chung và Lữ đoàn đặc nhiệm 38 nói riêng, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự trợ giúp của Quân đội Liên Xô và Hải quân Liên Xô đối với Việt Nam là những món quà vô giá. Sự trợ giúp ấy đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng của Quân và Dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ.
Đặc biệt, sự trợ giúp đó đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn của “Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris 1973, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt các hành động quân sự ở Việt Nam và rút hết quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.
Trong các hoạt động của mình tại Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, Lữ đoàn tàu trinh sát 38 đã có những đóng góp rất to lớn vào chiến thắng của quân và dân Việt nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng thời đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của khoa học quân sự của Liên Xô: Vào cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, các hoạt động trinh sát chiến lược của Hạm đội thái Bình Dương tại Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương đã giúp cho Cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Liên Xô nắm trong tay một số lượng thông tin tình báo khổng lồ, chiếm tới 70% tổng số tin tức tình báo có giá trị. Điều thú vị là các thông tin đó được Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô thu thập từ một chiến trường duy nhất: Chiến trường “Kháng chiến chống Mỹ” của Việt Nam.
Sputnik: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Sputnik.