Những uẩn khúc sau cái chết của bị cáo Lương Hữu Phước

© Ảnh : Đậu Tất Thành – TTXVNHiện trường vụ nhảy lầu tự tử của ông Phước.
Hiện trường vụ nhảy lầu tự tử của ông Phước. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cái chết của bị cáo Lương Hữu Phước (sinh năm 1964, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, nhảy lầu từ tầng 2 TAND tỉnh Bình Phước tự tử sau khi bị kết án ba năm tù), theo nhiều chuyên gia pháp lý, vẫn còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ, nhất là trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Trong cuộc họp báo do Ban tuyên giáo tỉnh ủy Bình Phước tổ chức, HĐXX phúc thẩm vụ án đã cung cấp một số thông tin và khẳng định xét xử khách quan, công tâm, tuy nhiên vẫn cò nhiều điều mâu thuẫn chưa rõ ràng.

Dư luận cũng đặt câu hỏi, vì sao Tòa Bình Phước nói xử công tâm nhưng bị cáo lại phải nhảy lầu tự tử vì cho rằng mình bị oan và mong trả lại sự trong sạch của bản thân, thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước?

Cũng có người lật lại vấn đề, vì sao nguyên Bí thư huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng lái xe ô-tô tông chết ba người hồi năm 2015 thì được hưởng án treo còn ông Lương Hữu Phước bị xe khác tông trúng lại phải nhận án ba năm tù?

Vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu: Chuyển hồ sơ lên VKSND Cấp cao

Ngày 1/6, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP.HCM đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án bị cáo Lương Hữu Phước (52 tuổi, ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài) nhảy từ lầu 2 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tự tử sau khi tòa tuyên án 3 năm tù cho VKSND Cấp cao xem xét.

ĐBQH Lê Minh Trí phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri - Sputnik Việt Nam
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí lên tiếng về vụ án Hồ Duy Hải

Theo đó, tối ngày 1/6, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM (Viện Cấp cao 3) Nguyễn Văn Tùng khẳng định, đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước báo cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ kiểm sát vụ việc của ông Lương Hữu Phước cho VKSND Cấp cao nghiên cứu.

Sự việc ông Phước đến tòa nhảy lầu tự tử gây chấn động dư luận. Đồng thời, xuất hiện thông tin về dòng status cuối cùng của bị cáo này trước khi đưa ra quyết định tự tử. Theo đó, ông Lương Hữu Phước viết trên Facebook cá nhân:

“Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ”.

Ngay sau khi nắm được thông tin sự việc, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã liên lạc với VKSND tỉnh để nắm bắt tình hình. Hiện VKSND tỉnh Bình Phước đang làm báo cáo gửi VKSND Tối cao về vụ án liên quan đến tai nạn giao thông mà ông Phước là bị cáo và bị kết án.

Trụ sở mới VKSND Tp. Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam
VKSND TP.HCM tìm cụ ông 93 tuổi để giải quyết án oan

Đồng thời, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước Lê Văn Uy cũng khẳng định, các ngành chức năng của tỉnh đang làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh về việc ông Lương Hữu Phước nhảy từ lầu 2 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tự tử sau khi tòa tuyên án 3 năm tù.

“Khi có kết quả, tỉnh sẽ thông tin cho báo chí rõ về vụ việc”, ông Lê Văn Uy nêu rõ.

Trước đó, sáng 30/5, tại buổi họp báo do Ban tuyên giáo tỉnh ủy Bình Phước tổ chức, TAND tỉnh khẳng định tòa này xử phúc thẩm kết tội ông Phước là hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan. Trong khi phía gia đình ông Phước thì cho biết sẽ tiếp tục kêu oan vì cho rằng ông bị kết án oan, phẫn uất đến mức phải lựa chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình và “thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước”.

Bị cáo Lương Hữu Phước muốn dùng cái chết để thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước?

Theo hồ sơ vụ án, sáng 15/1/2017, ông Lương Hữu Phước uống rượu tại nhà Phạm Văn Tuấn ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài rồi đi về nhà. Đến trưa, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu đến nhà Tuấn đổi dép và rủ đi hát karaoke. Trên đường đi, thấy Quý không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở về lấy.

Người thân khóc ngất bên thi thể vợ chồng ông Nguyền - Sputnik Việt Nam
Đề nghị VKSND Tối cao điều tra cái chết uẩn khúc của người phụ nữ khi làm việc với công an

Khoảng 13h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu, ông Lương Hữu Phước lái xe chở ông Trần Hữu Quý về nhà. Khi về đến gần nhà ông Quý trên đường Nguyễn Huệ, do ông Quý không muốn đi bộ qua đường nên ông Phước đã bật xi nhan xin rẽ trái.

Trong lúc ông Phước đang sang đường thì bị xe của anh Lâm Tươi (23 tuổi) chở anh Trị Tiếp tông phải. Vụ tai nạn khiến ông Phước bị thương, còn ông Quý tử vong sau đó 3 ngày do bị chấn thương sọ não.

Hồ sơ vụ án thể hiện ông Phước có nồng độ cồn 0,69mg/l khí thở, trong khi anh Tươi có nồng độ cồn 0,57mg/l khí thở. Anh Tươi không có bằng lái xe.

Theo hồ sơ vụ án, vụ tai nạn xảy ra trên đường Nguyễn Huệ. Đây là đường hai chiều, chiều rộng mặt đường 7m, được trải nhựa bằng phẳng và không có hạn chế về tầm nhìn. Vụ tai nạn làm vành xe trước của anh Lâm Tươi biến dạng, bugi và thanh tản nhiệt đầu nòng bên phải xe ông Phước gãy, gác chân bên trái xe ông Phước bị bào mòn.

Tại, hiện trường dấu vết vụ việc để lại là 1 vết cà được xác định do xe ông Phước tạo ra, dài 0,8m nằm ở phần đường bên phải theo hướng Trạm Điện đi Sóc Miên. Điểm đầu vết cà cách lề phải đường 2,2m.

Bị cáo Phan Xuân Ít (sinh năm 1954, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng) trả lời các câu hỏi thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân - Sputnik Việt Nam
Bị cáo Phan Xuân Ít khóc nức nở, bàng hoàng vì mức án

Sau khi điều tra, tháng 5/2017, ông Phước bị Công an Đồng Xoài khởi tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Còn Lâm Tươi bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng do không có giấy phép lái xe và lái xe khi có nồng độ cồn. Tháng 3/2018, ông Phước bị Tòa án nhân dân thành phố Đồng Xoài phạt 3 năm tù. Sau đó, ông Phước đã có đơn kháng cáo kêu oan nhưng vô vọng.

Tháng 10/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên hủy toàn bộ bản án trước của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài để điều tra lại do “có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng tố tụng”.

Trong quá trình điều tra bổ sung sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành thực nghiệm hiện trường, lấy lời khai thêm hai nhân chứng mới. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đồng Xoài vẫn cáo buộc hành vi của ông Phước phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tòa án nhân dân thành phố Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần 2, giữ nguyên mức án 3 năm tù.

Bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2, ngày 26/5/2020, HĐXX vẫn kết luận ông Phước vi phạm và giữ nguyên mức án 3 năm tù và không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Chiều 29/5, sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên án, ông Phước mang theo chai thuốc trừ sâu đến trụ sở tòa án uống và nhảy từ trên lầu 2 xuống đất tử vong.

Được biết, trước khi tự tử, ông Phước có lên mạng xã hội Facebook viết dòng tâm trạng cho rằng mình bị oan với nội dung: “Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ”. Từ đó, dư luận đặt câu hỏi, Tòa án Bình Phước khẳng định đã xét xử khách quan, vô tư, nhưng có thật sự công tâm? Tại sao Lâm Tươi không bị khởi tố mà chỉ bị xử phạt hành chính?

Nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ trong vụ án Lương Hữu Phước

Theo một thẩm phán tại TP.HCM, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định điểm va chạm đầu tiên là điểm đầu của vết cà, nằm cách lề chuẩn khoảng 2,2m. Điểm này được xác định như thế nào?

Quang cảnh phiên tòa. - Sputnik Việt Nam
Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh khai bị ép cung

Khi va chạm, xe của anh Tươi bị nổ bánh và gấp niềng, do vậy xe của Tươi gần như không có sự di chuyển. Trong khi đó, xe ông Phước bị đẩy về phía sau tạo ra vết cà 0,8m.

Đầu vết cà nằm cách lề chuẩn là 2,2m, với mặt đường rộng 7m thì mỗi chiều đường rộng 3,5m. Như vậy thời điểm tai nạn, đầu xe ông Phước đã sang làn đường bên kia, còn cách tim đường khoảng 1,3m. Điểm va chạm được xác định là vào phần bugi xe ông Phước.

Theo lời khai của Tươi, anh này phát hiện ông Phước khi còn cách đó khoảng 50m và đánh lái về phía bên phải. Nếu sự việc diễn ra đúng như vậy thì có khả năng anh Tươi đi sai làn đường. Còn nếu anh Tươi đang đi thẳng theo chiều đường của mình thì anh này đang đi rất xa lề phải.

“Phải xem xét rất kỹ lời khai của Tươi để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Bởi nếu Tươi đã phát hiện xe của ông Phước từ cách đó 50m thì phải giảm tốc độ, quan sát mặt đường dù Tươi đang lưu thông trên chiều ưu tiên để xem xét có lỗi hay không của cả hai người. Tuy nhiên các bản án đều không đề cập đến lời khai này của Tươi”, vị này phân tích.
"Bị hại cũng có lỗi"

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 29/5, HĐXX nhận định tòa sơ thẩm đã có thiếu sót khi không xem xét bị hại (là ông Quý) cũng có một phần lỗi để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, do mức phạt tù 3 năm là mức khởi điểm của khung hình phạt nên HĐXX cho rằng cần giữ nguyên mức án.

Quang cảnh phiên tòa. - Sputnik Việt Nam
Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh khai bị ép cung

Về phần mình, nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long nhận định, quá trình điều tra chưa làm rõ được người bị hại có lỗi như thế nào. Ông Phước khai khi xảy ra vụ việc, ông Quý chồm lên ghì tay lái của ông. Trong khi đó, nhân chứng lại khai ông Quý đặt tay lên vai ông Phước.

Đây là những điểm cần làm sáng tỏ để có thể đánh giá được hành động của ông Quý có tác động như thế nào đến việc lái xe của ông Phước. Câu hỏi đặt ra là liệu hành động của ông Quý có cản trở hay làm ảnh hưởng đến việc lái xe của ông Phước hay không?

Nếu có thể xác định sự việc đúng như những gì ông Phước khai (tức ông Quý chồm lên ghì tay lái ông Phước) thì tình huống này là bất ngờ đối với ông Phước. Theo Bộ luật Hình sự, đối với tình huống bất ngờ, các bên được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, nếu ông Quý choàng tay lên ôm vai ông Phước cũng có thể coi là có tác động đến ông Phước. Còn nếu ông Quý chỉ đặt tay lên vai, hoặc ôm eo thông thường thì không thể xem đây là lỗi của ông Quý. Đây là điều mà cơ quan điều tra cần làm rõ.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao dự phiên tòa. - Sputnik Việt Nam
Tình tiết mới vụ án Hồ Duy Hải

Trong buổi họp báo do tỉnh Bình Phước tổ chức, bà Lê Hồng Hạnh - Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm khẳng định, đối với tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì yếu tố quan trọng nhất là yếu tố lỗi và lỗi này trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Qua điều tra, xác định được lỗi là do bị cáo Phước đã qua đường nhưng không quan sát. Đoạn đường xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất nếu bị cáo quan sát kỹ thì không xảy ra va chạm.

Trong vụ án này, Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn. Tuy nhiên, do cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của Lâm Tươi lúc xảy ra tai nạn và Lâm Tươi không lấn đường nên cơ quan điều tra không khởi tố Lâm Tươi.

Bà Hạnh cho biết thêm, đường Nguyễn Huệ từ năm 2007 đến nay UBND thành phố Đồng Xoài không có văn bản quy định tốc độ nên không xác định vận tốc xe của Lâm Tươi.

Vì sao không giám định tốc độ trong vụ tai nạn của ông Lương Hữu Phước?

Ngày 30/5, trong cuộc họp báo, HĐXX phiên tòa phúc thẩm khẳng định từ năm 2017 đến nay UBND TP Đồng Xoài không có văn bản nào quy định tốc độ trên đường Nguyễn Huệ. Tốc độ quy định vẫn theo thông tư 91/2015. Hiện trường vụ việc chỉ phát hiện có vết cà của xe ông Phước, không có vết thắng của xe anh Tươi.

Quang cảnh khai mạc phiên tòa  - Sputnik Việt Nam
Viện KSND Tối cao báo cáo lên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vụ án Hồ Duy Hải

Mặc dù anh Tươi không có giấy phép lái xe, lại lái xe khi có nồng độ cồn nhưng HĐXX vẫn nhận định anh Tươi không có lỗi. Lý do là vì cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của anh Tươi và xe của ông Phước, nên chỉ có thể căn cứ vào việc vết cà xe ông Phước nằm hoàn toàn trên phần đường của xe anh Tươi để khẳng định anh Tươi không có lỗi.

Luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, việc xác định tốc độ xe của anh Tươi rất quan trọng. Xe là nguồn nguy hiểm cao độ, có trọng lượng lớn nên khi di chuyển với tốc độ cao có thể gây bị thương hoặc chết người. Cần xác định tốc độ xe để biết được lái xe có làm chủ tốc độ hay không, có thắng xe hay không. Kết quả vụ án sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định tốc độ xe.

“Theo lời khai của anh Tươi, anh chạy xe với tốc độ 50-60km/h nhưng cơ quan điều tra không làm rõ. Liệu với tình trạng đã uống rượu và lái xe với vận tốc 50-60km/h thì có ảnh hưởng đến việc điều khiển xe hay không?”, Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Đức cho biết.

Theo ông Vũ Phi Long, nếu theo như anh Tươi khai đã nhìn thấy ông Phước từ khoảng cách 50m thì với điều kiện mặt đường rộng, thoáng, anh Tươi phải nhìn thấy việc di chuyển của ông Phước.

Nếu đã nhìn thấy ông Phước có ý định quay đầu xe thì với sự thận trọng của một người đi đường, anh Tươi phải điều khiển xe giảm tốc độ đến mức an toàn. Nếu như anh Tươi khai đến cách 5m mới thấy ông Phước là không thể chấp nhận được.

Nếu vậy, rõ ràng anh Tươi đã không quan sát mặt đường, không nhận thức được tình huống nguy hiểm đang diễn ra là ông Phước đang qua đường. Lý do "đường mình mình đi" nếu đã thấy chướng ngại vật là không thể chấp nhận.

Việc sang đường của ông Phước không phải tình huống bất ngờ mà đã diễn ra trước đó 50m - một khoảng cách khá xa. Ở đây, anh Tươi không có biện pháp bảo đảm an toàn và có một phần lỗi gây ra tai nạn.

Gia đình và luật sư sẽ tiếp tục kêu oan cho ông Lương Hữu Phước

Bà Lê Thị Tư (51 tuổi, vợ ông Lương Hữu Phước) kể, sau khi nghe tòa tuyên án, chồng bà về nhà nhưng không có biểu hiện gì bất thường.

Những thí sinh dò điểm thi - Sputnik Việt Nam
Gian lận thi cử tại Sơn La: Những ai đã nhờ nâng điểm?

Đến khoảng 15 giờ, có ai đó gọi điện thoại, ông Phước ôm hôn cháu nội mới ba tuổi rồi nói rằng “ông nội đi nhận quyết định để đi ở tù”. Đến khoảng 15 giờ 30 thì công an đến nhà báo chồng bà nhảy lầu tự tử, hiện đang cấp cứu.

“Giờ ước nguyện của tôi là làm sao kêu oan cho chồng. Vì lúc còn sống ổng cứ nói phải kêu oan tới cùng nên giờ mình phải cố gắng thực hiện cho được ước nguyện của chồng”, bà Lê Thị Tư nhấn mạnh.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Đoàn LS tỉnh Bình Phước, người bào chữa cho ông Phước khẳng định, ông cùng gia đình sẽ có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để minh oan cho thân chủ, dù người này đã mất.

Cũng chia sẻ thêm, bà Tư cho biết gia đình ông bà cũng có nhiều chuyện buồn. Vợ chồng bà trước từng sống ở Long An, đến năm 2000 vì có nhiều chuyện buồn nên chuyển đến Đồng Xoài, Bình Phước sinh sống.

“Chúng tôi có một đứa con gái, hôm đó trời mưa, nó ở nhà một mình thì bị tên hàng xóm hiếp dâm và giết chết. Tôi nhiều bệnh, cứ nghĩ sẽ chết trước ổng, ai ngờ…”, bà Tư đau lòng kể.

Hai cô gái ôm nhau khóc nức nở giữa sân trường  - Sputnik Việt Nam
Gian lận thi cử ở Sơn La: Giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng
Chắc chắn, vụ án này vẫn chưa thể khép lại. Với những tình tiết còn mâu thuẫn trong bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước kết tội ông Lương Hữu Phước, cùng dòng trạng thái ông để lại trên Facebook dùng cái chết để “thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước” và đặc biệt là việc bị cáo phải tự tử vì cho rằng mình bị xử oan thì vụ án này còn rất nhiều điểm phải làm sáng tỏ.

Ngành tư pháp tỉnh Bình Phước, thậm chí là cả VKSND Cấp cao, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao cần tiếp tục vào cuộc để làm rõ những tình tiết còn mâu thuẫn trong vụ án Lương Hữu Phước, trả lại sự trong sạch nếu như không đủ cơ sở kết tội bị cáo, làm trong sạch nền tư pháp vốn phải thuộc về công lý và lẽ phải.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала