Theo đó, Viện KSND tối cao khẳng định đã làm đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, có căn cứ và cần thiết khi kháng nghị giám đốc thẩm vụ án giết người ở Bưu điện Cầu Voi, xảy ra ngày 13 tháng 1 năm 2008 ở Long An. Đồng thời, Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý vụ án Hồ Duy Hải theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao hôm 8/5, HĐTP đã bác toàn bộ kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, với lý do đưa ra là kháng nghị này không đúng luật và trái thẩm quyền.
Vụ án Hồ Duy Hải: VKSND Tối cao báo cáo gì với Chủ tịch nước?
Trước hết, báo cáo gửi đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội một lần nữa khẳng định, kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về vụ án là hoàn toàn đúng luật, đúng thẩm quyền và cần thiết.
Theo phân tích của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, vụ án Hồ Duy Hải là vụ giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Tại các phiên xét xử trước đó, bị cáo Hồ Duy Hải bị tuyên hình phạt cao nhất là tử hình. Mặc dù vậy, chứng cứ buộc tội trong vụ án chủ yếu chỉ là lời khai của bị cáo chứ không có bằng chứng vật chất trực tiếp (chưa kể nhiều vật chứng trong vụ án còn do cơ quan cảnh sát cho người ra chợ mua về, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc điều tra, tố tụng hình sự).
Báo cáo của VKSND Tối cao gửi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra những vấn đề cần phải làm sáng tỏ thêm. Cụ thể: Thứ nhất, đó là mâu thuẫn về thời gian. Mẫu thuẫn này cho thấy Hải không thể có mặt ở bưu điện trước thời điểm Thường (nhân chứng vụ án) đến gọi điện thoại. Đây là chi tiết rất quan trọng, cần hủy án để tái thực nghiệm điều tra.
Thứ hai, chưa xác định rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để có thể cáo buộc Hồ Duy Hải là hung thủ. Do vậy, cần hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm (thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi). Tiếp đến, nội dung thứ ba là về cơ chế gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân. Vấn đề đặt ra là con dao mà bị cáo mô tả có thể gây ra vết thương như vậy hay không;
VKSND Tối cao nêu nội dung thứ tư là về động cơ gây án của hung thủ. Bản án phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm kết luận về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án;
Cuối cùng, cơ quan điều tra đã bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay. Do vậy, cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.
“Trên đây là những vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ. Những điều này đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, làm ảnh hưởng đến giá trị buộc tội của chứng cứ, cần tiến hành điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ, cũng như khắc phục thiếu sót, vi phạm để giải quyết vụ án đúng pháp luật”, Viện KSND Tối cao nhận định.
Những nguyên tắc cơ bản đó bao gồm: nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nguyên tắc “xác định sự thật trong vụ án”, nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra”, nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.
Quyết định giảm án cho Hồ Duy Hải của Chủ tịch nước là nhân đạo
Liên quan đến những tranh luận xung quanh quyết định của Chủ tịch nước – bác đơn kêu oan và xin ân xá của Hồ Duy Hải, quan điểm của Viện KSND tối cao cũng rất rõ ràng.
“Quyết định ân giảm mang tính chất nhân đạo bởi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất kết thúc cuộc đời họ”, VKSND Tối cao nêu rõ.
Viện KSND tối cao cho rằng, đây là quyền của tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật.
“Việc xin hay không xin ân giảm là quyền của người bị án. Còn tính sai đúng của bản án không bị ảnh hưởng bởi quyết định bác hay chấp nhận ân giảm của Chủ tịch nước”, cơ quan này khẳng định.
Trường hợp Chủ tịch nước chấp nhận ân giảm không có nghĩa là bản án tử hình sai, đây chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương. Đồng thời, cũng không có quy định nào cho biết, nếu Chủ tịch nước bác đơn thì phải chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này.
Kháng nghị của Viện KSND tối cao ngày 22/1/2019 được ban hành theo khoản 2 điều 371, điều 173 của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Cụ thể, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, thậm chí cả khi người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Cho nên, kể cả khi quyết định của Chủ tịch nước bác đơn ân xá cho Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải vẫn có thể được thực hiện bất cứ lúc nào.
Xin Chủ tịch nước tạm dừng tử hình Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị
Trước đó, HĐTP cho rằng công văn của Chủ tịch nước yêu cầu hoãn thi hành án tử hình của Hồ Duy Hải, đưa ra sau khi đã bác đơn ân xá, thì công văn này chỉ là công văn hành chính.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định, trước khi kháng nghị, viện trưởng Viện KSND Tối cao xin ý kiến Chủ tịch nước, đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị.
Đồng thời, Viện KSND Tối cao cũng đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết “Quyết định bác đơn ân giảm của Hồ Duy Hải”, nhằm bảo đảm hiệu lực pháp luật khi viện trưởng Viện KSND Tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm.
Văn phòng Chủ tịch nước sau đó đã ra công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước: “Đề nghị viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải”.
Do đó, Viện trưởng VKSND Tối cao đã làm đúng thẩm quyền theo luật định khi ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, cho thấy trách nhiệm của viện trưởng Viện KSND tối cao theo chỉ đạo của Chủ tịch nước là xem xét, làm rõ trường hợp của Hồ Duy Hải có bị kết án oan sai không, nhằm bảo đảm thận trọng, chắc chắn trước khi kết tội và áp dụng tử hình với bị cáo.
Với những lý do trên, theo Tuổi Trẻ, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị, đồng thời sẽ kiến nghị HĐTP TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm ngày 8/5, theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí lên tiếng về vụ án Hồ Duy Hải
Trả lời các câu hỏi của cử tri liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giám đốc thẩm và bản án, ngày 18/5, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, các nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là đúng thẩm quyền và không sai luật.
“Trong vụ án Hồ Duy Hải, báo chí đăng rất nhiều rồi, với tư cách Viện trưởng VKSND Tối cao tôi cũng không nói nhiều về việc này nữa. Chỉ xin ngắn gọn thế này, cho tới giờ Viện trưởng vẫn tin đang làm đúng trách nhiệm của mình và chắc chắn kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải không sai”, ông Lê Minh Trí cho biết.
“Viện kiểm sát kháng nghị không nói Hồ Duy Hải có tội hay không tội, nhưng thấy vụ án có nhiều sai sót về thủ tục tố tụng và chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, còn mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa hiện trường, lời khai nên yêu cầu kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại nhằm khẳng định có tội hay không một cách thận trọng, khách quan, và đảm bảo bảo vệ được tính mạng con người khi chưa có một chứng cứ trực tiếp khẳng định có việc giết người hay không”, ông Lê Minh Trí nêu rõ.
Ngoài ra, viện trưởng Lê Minh Trí tái khẳng định, VKSND Tối cao kháng nghị có căn cứ và đúng thẩm quyền. Bản thân ông làm theo trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm thực thi pháp luật.
“Chắc chắn viện trưởng kháng nghị không sai luật và đúng thẩm quyền. Viện trưởng cũng có báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xem xét và đúng pháp luật. Đến nay, Viện trưởng đã ký văn bản báo cáo cấp thẩm quyền để xem xét và xử lý nên sẽ không có ý kiến gì hơn”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh với cử tri.
“Chỉ khẳng định Viện trưởng kháng nghị là thực thi trách nhiệm với nhân dân, thực thi pháp luật và hiến pháp. Viện trưởng tin rằng đang làm đúng với trách nhiệm của mình”, Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định.
Cơ quan của Quốc hội Việt Nam đang nghiên cứu hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải
Một thông tin quan trọng khác liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Đó chính là trong cuộc họp báo chiều 18/5, phóng viên đã đề nghị Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc gần đây một số đại biểu gửi văn bản về vụ án Hồ Duy Hải, trong đó có ý kiến đề xuất giám sát tối cao vụ án này.
Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài nhiều năm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá trước đã thành lập đoàn giám sát tối cao do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, để giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Đoàn giám sát đã báo cáo với Quốc hội chi tiết vụ án trên. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khi đó cũng có báo cáo chi tiết về vụ án Hồ Duy Hải. Sau đó, các cơ quan đã có sự xem xét, tuy nhiên dư luận vẫn có ý kiến.
Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng có kiến nghị liên quan. Lúc này, gia đình bị cáo liên tục kêu oan, dư luận trong nước và nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng.
“Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Việc trong phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao kết luận Hồ Duy Hải bị kết án tử hình vì hai tội Giết người và Cướp tài sản “là không oan” hiện vẫn đang gây nhiều tranh luận trái chiều giữa VKSND Tối cao, TAND Tối cao, các ĐBQH và quần chúng nhân dân.
Có nhiều cử tri bức xúc, kiến nghị lên Quốc hội, cho rằng, nếu Viện KSND tối cao khẳng định kháng nghị là phù hợp, là đúng pháp luật, mà 17 vị thẩm phán nhận định kháng nghị là sai pháp luật thì Quốc hội phải giám sát, lên tiếng để cho dân chúng được biết kháng nghị của Viện KSND tối cao đúng, hay phán quyết của HĐTP TAND tối cao đúng. Điển hình như phát biểu của cử tri Nguyễn Lâm Sanh (quận 5, TP.HCM trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 18/5 vừa qua).
“Nhưng tại sao 17 thẩm phán lại bác và cho rằng kháng nghị sai luật pháp? Tôi thấy dư luận đang không thoả đáng với kết luận của phiên toà giám đốc thẩm vừa qua. Trình độ người dân giờ khác rồi, không phải cán bộ muốn làm gì làm. Tôi nghĩ Quốc hội phải có vai trò giám sát và nên đưa vấn đề Viện kháng nghị đúng hay tòa án bác kháng nghị đúng cho rõ ràng”, cử tri Nguyễn Lâm Sanh đặt vấn đề.
Ông Sanh cũng nói lên việc sau khi có ĐBQH lên tiếng góp ý về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và bản án thì lại có vị thẩm phán (Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ) có phát ngôn không chuẩn về những ĐBQH đã nói lên nguyện vọng, ý kiến của người dân này.
“Vì đây là vụ án có nhiều tình tiết sai nhưng Hội đồng thẩm phán lại kết luận rằng sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất và nội dung vụ án. Đó là điều khó hiểu”, cử tri Sanh nêu quan điểm.
Vụ án Hồ Duy Hải ở bưu điện Cầu Voi
Theo cáo trạng hiên đang được xem xét giám đốc thẩm, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và người em họ tên Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) làm việc để chơi.
Do nảy sinh ý định quan hệ tình dụng với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên Hồ Duy Hải quyết định giết cả Hồng và Vân. Cụ thể, khi chị Vân đã ra ngoài, Hải kéo người chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt. Tức giận vì bị cô gái đạp ngã vào tường, Hải đã dùng dao và thớt gỗ để gần đó sát hại nữ nhân viên. Vì sợ bị bại lộ, Hải phục sẵn rồi giết luôn chị khi cô này đi mua trái cây trở về.
Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình. TAND Tối cao tại TP.HCM mấy tháng sau đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Hải y án sơ thẩm.
Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, đồng thời yêu cầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước. Cùng ngày, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An có quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Ngày 8/5/2020, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao bác kháng nghị này, đồng thời xác định kháng nghị đề nghị hủy án của VKSND Tối cao là “không phù hợp với pháp luật” bởi luật không cho phép Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao kháng nghị xem xét lại vụ án khi quyết định bác ân giảm của Chủ tịch nước đang có hiệu lực pháp luật.