Sáng 8/6, Quốc hội Việt Nam với tỷ lệ 100% đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Ngay sau khi kết quả được công bố, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhanh Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Hòa, một chuyên gia về các vấn đề kinh tế thế giới và Việt Nam về ý nghĩa của sự kiện trên.
Sự kiện mong chờ từ lâu
Sputnik: Thưa Tiến sĩ Lê Xuân Hòa, cuối cùng thì Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Đánh giá của ông về sự kiện sáng nay, 8/6?
Tiến sĩ Lê Xuân Hòa: Sáng nay, 8/6, với 100% phiếu tán thành Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Đây là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong chờ từ lâu, nhưng do đại dịch COVID-19 nên hôm nay 2 hiệp định này mới được phê chuẩn.
Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều đến tính chất đặc biệt của EVFTA. Đó là một hiệp định thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên EU (gồm 28 nước). Đây là một trong hai hiệp định có phạm vi toàn diện, chất lượng cao, mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay (cùng với CPTPP). Hiệp định thương mại tự do EVFTA không chỉ liên quan đến các vấn đề về thương mại, mà cả các vấn đề đầu tư, quản trị quốc gia, bảo vệ quyền con người, lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ.
Sputnik: EVFTA được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu. Ông có thể nói rõ hơn về những ưu thế mà EVFTA và EVIPA mang lại cho Việt Nam?
Những ưu thế lớn nhất EVFTA mang lại cho Việt Nam
Tiến sĩ Lê Xuân Hòa: Ưu thế lớn nhất mà EVFTA mang lại, đó là sẽ làm tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường đầy tiềm năng này và kéo theo là tổng sản lượng GDP của nước ta. Thứ hai là người dân Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng hàng hóa xuất xứ châu Âu chất lượng cao với giá cả rẻ hơn trước đây.
Những thách thức cho sản xuất trong nước
Sputnik: Những thách thức, nguy cơ cho sản xuất trong nước? Việt Nam nên làm gì để tận dụng EVFTA một cách hiệu quả?
Tiến sĩ Lê Xuân Hòa: Song song với những lợi thế, hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo nhiều áp lực cho các nhà sản xuất của Việt Nam. Đó là áp lực cạnh tranh. Hàng hóa của Việt Nam muốn xuất sang châu Âu phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn cao của khu vực này. Kể cả hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng phải có chất lượng cao và giá thành hợp lý thì mới cạnh tranh được với hàng hóa sản xuất ở châu Âu nhập về. Tức là các nhà sản xuất của Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao tính tranh tranh cho hàng hóa của mình.
Còn chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sputnik: Theo đánh giá của ông thì sự tác động của Hiệp định nói trên có thể cảm nhận được ngay từ bây giờ, ngay trong năm nay hay không?
Tiến sĩ Lê Xuân Hòa: Nếu không có gì thay đổi thì các hiệp định trên sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng Tám tới đây. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu còn diễn biến phức tạp, nên tác động của các hiệp định trên có thể sẽ cảm nhận được quý cuối năm nay, khi mà tình hình dịch ở châu Âu được kiểm soát tốt và hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ trở lại guồng quay bình thường.
Sputnik: Cảm ơn Tiến sĩ Lê Xuân Hòa đã dành thời gian cho Sputnik.