Ngoài ra, theo Tổng cục Du lịch, nhiều doanh nghiệp lên tiếng đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 thành 5 ngày, từ thứ 4 đến hết tuần nhằm mục đích kích cầu du lịch nội địa.
Thoát bẫy Covid-19: Việt Nam là hình mẫu về khôi phục hoạt động du lịch
Theo bài phân tích của tác giả Clara Ferreira Marques đăng trên Bloomberg, Việt Nam đang vượt lên trong cuộc đua mở cửa đón dòng khách du lịch trở lại Đông Nam Á đặc biệt là nhóm đối tượng đam mê du lịch phượt và hưởng thụ sự sảng khoái từ ánh nắng mặt trời của quốc gia xứ nhiệt đới.
Lượng khách quốc tế giảm 98% trong tháng 5 so với con số kỷ lục của cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc Việt Nam đã khởi động lại du lịch trong nước.
Bloomberg so sánh tình hình khôi phục ngành du lịch của Việt Nam và Thái Lan. Trong khi xứ sở Chùa Vàng vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, đồng thời các nước láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á chỉ đang dần nới lỏng những lệnh hạn chế giãn cách xã hội.
“Việc mở cửa ổn định sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng hồi phục nền kinh tế và tìm được những biện pháp, quyết sách kích cầu du lịch, giải trí”, Bloomberg đánh giá.
Đối với một đất nước gần 100 triệu dân, nằm sát ngay biên giới với Trung Quốc, Việt Nam được thế giới biết đến là một trường hợp đặc biệt trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch do coronavirus.
Theo số liệu chính thức, đến nay Việt Nam mới chỉ có 332 trường hợp nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong nào. Đó là kết quả của quyết định đóng cửa biên giới nhanh chóng, cách ly hàng chục nghìn người, truy vết quá trình tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm coronavirus và tăng tốc độ xét nghiệm ấn tượng.
“Các biện pháp chỉ đạo rõ ràng, những bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ sản xuất trong nước phát huy hiệu quả lớn. Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội một tháng và kể từ tháng 4, mọi ca nhiễm mới đều là người đi từ nước ngoài về”, Bloomberg đánh giá khách quan.
Hãy nhìn xem điều gì đang diễn ra ở các nước láng giềng Đông Nam Á. Thái Lan có khoảng 3.100 trường hợp nhiễm Covid-19, Philippines hơn 20.000 ca và Singapore hơn 37.000 ca, chủ yếu đều là lao động nhập cư sống tại các ký túc xá. “Kết quả là Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại ngành du lịch trong nước”, tác giả bài viết khẳng định.
Dù thực tế, du lịch chỉ chiếm khoảng 9% trong nền kinh tế 260 tỷ USD của Việt Nam, tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với Thái Lan. Ngành du lịch Thái Lan chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội nước này. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn tạo ra 5 triệu việc làm. Chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được phát động ngay khi ngành hàng không nối lại lịch bay bình thường.
Năm 2019, Việt Nam có 85 triệu lượt du khách trong nước, chiếm hơn 80% tổng lượng khách du lịch. Đây là một con số khổng lồ, dù khách trong nước chi tiêu ít hơn khách quốc tế.
Bloomberg cho rằng những gì diễn ra ở Việt Nam phần nào cho thấy tương lai của ngành du lịch toàn cầu thời hậu dịch Covid-19. Đó là một phiên bản thận trọng hơn so với một số khu vực phụ thuộc vào du lịch ở châu Âu.
Có đến 8 triệu lượt du khách nước ngoài có thể đến Việt Nam nếu Chính phủ mở cửa lại biên giới trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam hiện dựa vào khách nội địa để khôi phục ngành công nghiệp du lịch là điều khôn ngoan và thực tế.
Theo đó, du khách nội địa sẽ là phép thử cho diện mạo du lịch vào thời điểm khách du lịch quốc tế có thể quay trở lại. Khi đó, giao dịch số hóa, công tác kiểm tra thân nhiệt và đảm bảo vệ sinh dịch tễ có thể trở nên phổ biến trong lúc các khách sạn cũng có thể được thiết kế lại để phù hợp với thời thời hậu Covid-19.
Nghiên cứu và khảo sát được công bố gần đây của Tập đoàn Thiên Minh du khách hiện thích những kỳ nghỉ ngắn gần nhà, trên bãi biển hoặc hòa mình vào thiên nhiên. Khuyến mại và cam kết bảo đảm an toàn sẽ là những yếu tố chủ chốt thúc đẩy người dân đi du lịch trở lại
Với câu hỏi khi nào du khách nước ngoài sẽ trở lại Việt Nam, theo Bloomberg, có được sau vài tháng nữa ngay cả khi các hãng hàng không đã bắt đầu chuẩn bị cho các chuyến bay quốc tế.
Nhìn vào Việt Nam, có thể đánh giá được bao lâu nữa ngành công nghiệp du lịch toàn cầu 9.000 tỷ USD mới hoạt động trở lại, khi các nước đang tìm cách thúc đẩy các thỏa thuận du lịch song phương, khởi đầu là ưu tiên doanh nhân quốc tế.
Các quốc gia kiểm soát dịch tốt như Hàn Quốc và New Zealand có khả năng sẽ là những nước đầu tiên khôi phục du lịch. Vấn đề tiếp theo là các nước nơi du khách khởi hành. Du khách Trung Quốc, đối tượng chủ chốt của thị trường Đông Nam Á, sẽ bắt đầu kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” vào đầu tháng 10. Nguy cơ tiềm tàng còn rất nhiều. Ai đến trước, và khi nào?
Ông Ken Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, nêu quan điểm rằng, cần đưa ra những yêu cầu khách quan liên quan đến việc thành lập hành lang du lịch an toàn, như một tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng. Việt Nam có thể xem xét nối lại hoạt động du lịch quốc tế với các quốc gia kiểm soát dịch tốt, như New Zealand, Hàn Quốc…
“Có khả năng một vài địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như đảo Phú Quốc sẽ là nơi mở cửa đầu tiên cho khách quốc tế”, ông Steven Schipani, người nghiên cứu du lịch ở khu vực sông Mê Kông thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, dù khách du lịch không muốn bị cách ly dài nhưng việc xét nghiệm là chắc chắn cần thiết, cả lúc đến và đi.
Đối với Việt Nam cũng như đối với tất cả các nước Đông Nam Á, việc mở cửa cho du lịch trở lại cần đặt trên nền tảng ý thức về sức khoẻ, quan tâm tới hệ sinh thái, tập trung vào những khách du lịch độc lập có biên lợi nhuận cao, giúp tạo nên một tương lai du lịch bền vững hơn.
Việt Nam: Đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp 2/9 để kích cầu du lịch nội địa
Tại buổi làm việc với Sở Du lịch TP.HCM ngày 8/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết đã có nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ nghiên cứu xem xét khả năng kéo dài các kỳ nghỉ lễ trong năm 2020 nhằm kích cầu du lịch hậu Covid-19.
Trước đó, trong phiên làm việc hôm 3/6 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng với lãnh đạo các bộ, ngành và khoảng 30 doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh đã thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo về những giải pháp cụ thể nhằm phục hồi hậu Covid-19.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch chỉ đón 3,7 triệu lượt du khách quốc tế, đa phân đều trong quý I. Tháng 4, 5 hầu như không có khách, giảm 50% so với cùng kỳ. Có 16 triệu lượt khách nội địa, giảm hơn 60%. Tổng thu toàn ngành giảm 47,4%.
“Ví dụ ngày 2/9 tới, rơi vào thứ 4, các doanh nghiệp và địa phương cũng đề nghị đó là thời điểm hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa bằng cách từ thứ 4 đến chủ nhật có thể xem xét cho một kỳ nghỉ dài nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh. Trên cơ sở đó xem xét từ nay đến cuối năm còn kỳ nghỉ lễ nào tương tự không”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Theo đó, chỉ trong tháng 1, khách du lịch quốc tế đã đạt con số kỷ lục trên 2 triệu lượt, cho thấy sự tăng trưởng của ngành du lịch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến du lịch quốc tế đóng băng từ tháng 3. Trong khi đó, mãi đến cuối tháng 4 du lịch nội địa mới hoạt động trở lại.
“Sau khi cho phép mở cửa lại thì đã tăng tốt. Nhưng tình hình chung du lịch cả nước cũng thê thảm”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thông tin.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hoạt động kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trong thời gian vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các hãng hàng không, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành. Số liệu đánh giá tình hình du lịch kể từ khi Việt Nam bước sang trạng thái bình thường mới cho thấy các hoạt động du lịch trong nước cơ bản đã phục hồi, đặc biệt là du lịch biển.
Có lúc dịch vụ lưu trú hoạt động 80-90% công suất, thậm chí vào ngày cuối tuần, nhiều địa phương có biển rơi vào cảnh cháy phòng. Không chỉ du lịch biển mà những khu vực núi cao, công suất sử dụng buồng, phòng cũng dần hồi phục.
Tuy nhiên, một số khách sạn ở khu phố cổ Hà Nội vẫn chưa thể mở lại do Việt Nam chưa đón khách quốc tế.
Từ thời điểm này đến cuối năm, ngành du lịch mong đợi số du khách nội địa có thể đạt 60-65 triệu lượt, đạt 2/3 so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm. Với khách quốc tế, nếu có thể đón khách từ đầu quý III năm 2020 (tức từ tháng 7), số khách có thể đạt 6-8 triệu lượt. Trong khi đó, nếu đón du khách quốc tế từ quý 4, ngành có thể tiếp nhận 4,5-5 triệu lượt khách.
Ngày 12/6 tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để thảo luận những đề xuất cụ thể nhằm khôi phục thị trường du lịch quốc tế.