Bình luận với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đanh giá tầm quan trọng của việc phát triển động cơ mới trong chương trình tên lửa Trung Quốc.
Động cơ Trung Quốc có thể chạy thử nghiệm trong 600 giây, vượt xa con số của Mỹ. Truyền thông Trung Quốc so sánh với thời gian làm việc đạt được trên máy bay siêu âm thử nghiệm Mỹ X-51 - 210 giây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã sẵn sàng vượt lên trước cả Mỹ và Nga trong việc tạo ra tên lửa hành trình siêu thanh, là một bước đột phá lớn?
Trung Quốc bắt đầu thử tên lửa hành trình bằng động cơ scramjet muộn hơn Nga và Hoa Kỳ - từ khoảng năm 2015. Nga đang thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon, và người ta cho rằng có thể được đưa vào sử dụng trong những năm tới. Một tên lửa tương tự của Mỹ, cũng đang thử nghiệm, có thể đi vào phục vụ, theo các chuyên gia, muộn hơn nhiều so với tên lửa Nga. Cần lưu ý Nga và Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và một dự án như vậy đối với Trung Quốc là sự mới mẻ.
Đáng chú ý trong quá trình phát triển scramjet là độ phức tạp cực kỳ cao. Tên lửa hành trình với động cơ như vậy là loại vũ khí siêu thanh phức tạp và hoàn hảo nhất. Hiện giờ Nga được trang bị hai loại vũ khí siêu âm. Một là tổ hợp Avangard - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với đầu đạn siêu âm. Thứ hai là tên lửa hành trình phóng từ trên không Kinzal, được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31K. Trung Quốc có tên lửa DF-17 với đầu đạn siêu âm.
Tất cả các hệ thống này đều có đầu đạn siêu âm không có động cơ riêng, tăng tốc đến tốc độ mong muốn nhờ động cơ của phương tiện phóng (Kinzal còn nhờ ở máy bay). Do đó, chúng đơn giản hơn nhiều so với tên lửa hành trình scramjet, khi động cơ hoạt động trong suốt chuyến bay bằng cách sử dụng oxy trong khí quyển, tăng đáng kể khả năng cơ động và tầm bắn.
Một đặc điểm của động cơ scramjet là sự phức tạp cực độ trong việc tái tạo các điều kiện vận hành trên mặt đất. Giai đoạn thử nghiệm mặt đất là cần thiết, nhưng rất khó khăn khi thử nghiệm tiếp theo, trong đó các nhà phát triển cố gắng đạt được thời gian hoạt động lâu nhất có thể của động cơ. Để thử nghiệm, các chuyên gia sử dụng máy bay thử nghiệm đặc biệt. Ví dụ như Liên Xô chế tạo trên cơ sở tên lửa phòng không S-200, động cơ siêu âm được gắn vào vị trí của đầu đạn. Bản thân việc thực hiện các bài kiểm tra cũng là vấn đề phức tạp.
Do đó, việc so sánh thời gian hoạt động của động cơ trên mặt đất và trên không trung là chưa chính xác. Để đánh giá đúng thành công, chúng ta cần biết động cơ Trung Quốc sẽ hoạt động được trong bao lâu trong một chuyến bay thực sự. Nhưng họ chưa công bố dữ liệu như vậy.
Không có lý do để nghi ngờ Trung Quốc sẽ chế tạo ra tên lửa hành trình của riêng mình dùng scramjet. Họ đã có những bước tiến vượt trội trong việc chế tạo vũ khí siêu âm. Nhưng sự phức tạp của vấn đề kỹ thuật này cho thấy sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt được giải pháp.