Theo đó, VKSND Tối cao sẽ được quyền giám định hình sự âm thành, hình ảnh, đảm bảo tính minh bạch trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Chiều 10/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với 449 đại biểu tán thành, tương đương 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội. Cụ thể, luật có những sửa đổi bổ sung đáng chú ý, “thêm quyền” giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Theo đó, 92,96% ĐBQH Việt Nam thể hiện sự đồng thuận, tán thành rất cao đối với nội dung quan trọng là việc bổ sung quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND Tối cao). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 điều trong dự án Luật gồm: Điều 12, 25, 26A với tỷ lệ tán thành cao. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung 26 điều, chỉnh lý kỹ thuật 3 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” tại Điều 12 dự thảo luật (phương án 1) và một số ý kiến đề nghị giữ quy định Điều 12 như Luật hiện hành (phương án 2).
Kết quả, có 359 ĐBQH cho ý kiến, trong đó, 218 ý kiến tán thành bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (chiếm 69,08% trên số ĐBQH cho ý kiến và 51,35% tổng số ĐBQH). Có 110 ý kiến tán thành phương án 2 (chiếm 30,64% trên số ĐBQH cho ý kiến và 22,77% tổng số ĐBQH).
Với cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo bà Lê Thị Nga, vấn đề này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các nội dung liên quan tại khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 10, khoản 7 Điều 12 và khoản 6 Điều 44 của dự thảo Luật.
Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25), có ý kiến tán thành với quy định tại khoản 4 Điều 25 về giao trách nhiệm cho một cơ quan, tổ chức chuyên môn về giám định tư pháp chủ trì việc thực hiện giám định, có ý kiến đề nghị chỉnh lý giao trách nhiệm này cho người trưng cầu giám định tư pháp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn, khoa học, do đó, quá trình tiến hành giám định phải do chính cơ quan, tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực giám định tư pháp thực hiện.
“Nếu giao cho cơ quan trưng cầu giám định (cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng) chủ trì, phối hợp việc thực hiện giám định tư pháp sẽ không bảo đảm tính độc lập, khách quan và không phù hợp với tính chất của hoạt động này”, cơ quan thẩm tra đánh giá.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về giao trách nhiệm cho một trong các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định tư pháp làm đầu mối tổ chức việc giám định như dự thảo Luật.
Về thời hạn giám định (Điều 26a), có ý kiến cho rằng, thời hạn giám định quy định tại khoản 3 (thời hạn tối đa 3 tháng, trường hợp đặc biệt là 4 tháng) chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể để bảo đảm sự thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với trường hợp giám định theo vụ việc thì ở từng lĩnh vực giám định như: đầu tư, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, khoa học và công nghệ do quy chuẩn chuyên môn và quy trình thực hiện hoàn toàn khác nhau nên thời hạn giám định cũng không thể giống nhau.
Để bảo đảm tính khả thi, Luật Giám định tư pháp chỉ quy định thời hạn tối đa, còn thời hạn ở từng lĩnh vực chuyên môn được giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định thời hạn giám định tư pháp như dự thảo Luật.
Tranh luận gay gắt về dự thảo Luật Giám định Tư pháp sửa đổi
Trước đó, ngày 21/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến một số nội dung còn gây tranh cãi của dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp.
Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật sửa đổi 25 điều, tập trung vào những quy định nhằm xử lý vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc, phục vụ hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Việt Nam.
Đáng chú ý, vấn đề bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 12) là nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp.
Điểm gây tranh luận nhiều nhất chính trong dự thảo Luật do Chính phủ trình chính là việc bổ sung chức năng giám định tư pháp và quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự.
Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ bổ sung chức năng giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì VKSND Tối cao đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, giờ chỉ giao nhiệm vụ. Việc này cũng giúp có thêm tiếng nói để bảo đảm minh bạch, khách quan.
Phát biểu quan điểm ủng hộ quy định như trong dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Văn Khánh, đoàn Đồng Nai, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng, việc tăng cường nhiệm vụ sẽ giúp quá trình điều tra, truy tố, xét xử tốt hơn.
Theo quan điểm của hai vị ĐBQH này, phân tích theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thẩm quyền điều tra 38 tội danh, trong đó những năm vừa qua, có khoảng 70% số vụ cần tiến hành giám định về âm thanh, hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số.
“Trong khi đó, thời gian qua, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi cần thiết phải giám định thì trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quốc gia. Điều này dẫn đến việc bị động và phụ thuộc vào tổ chức giám định tư pháp khác”, ĐBQH nhấn mạnh.
Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra, nhất là hiện nay hoạt động tội phạm có liên quan nhiều tới dữ liệu điện tử cần giám định.
Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” trong dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phòng Kỹ thuật hình sự cơ quan điều tra tổ chức và hoạt động đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn ĐBQH, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk), Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, các cơ quan giám định hiện có đã đáp ứng nhu cầu giám định, đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng.
“Tổng kết luật Giám định không thấy nêu khó khăn của VKSND trong việc trưng cầu giám định âm thanh, hình ảnh. Việc bổ sung, yêu cầu thực tế chưa phải cấp thiết”, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Theo tướng Xuân, luật Tổ chức VKSND không quy định chức năng nhiệm vụ về giám định tư pháp của VKSND, do đó, nếu bổ sung quy định này thì sẽ tạo nên sự xung đột.
“Hơn nữa, VKSND vừa thực hiện quyền công tố vừa thực hiện giám định thì có đảm bảo tính khách quan, công minh hay không?”, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân đặt câu hỏi và nêu vấn đề việc bổ sung quy định này cũng sẽ làm tăng biên chế, cơ cấu tổ chức nếu các VKSND ở địa phương cũng thành lập các phòng chuyên môn tương ứng.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương), ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cũng có quan điểm rằng việc bổ sung thêm nhiệm vụ giám định tư pháp cho VKSND là không phù hợp.
“Nếu lý do là cơ quan giám định hiện tại quá tải thì tại sao không thành lập thêm các phòng giám định tại cơ quan công an cấp tỉnh mà phải bổ sung chức năng này cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao?”, vị Thiếu tướng Công an đặt vấn đề.
Nền tư pháp ngày càng phát triển thì oan sai ngày càng giảm đi?
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ ý kiến rằng nếu nói là chống oan sai thì phải thành lập cơ quan giám định thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao, vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp, quyết định của toà mới buộc được người đó có tội hay hay không có tội.
“Nếu chúng ta nói rằng do chống oan sai để thành lập một cơ quan này cho độc lập với cơ quan của công an, quân đội, tôi cho rằng không thuyết phục. Từ trước nay, không có việc VKSND có yêu cầu giám định mà cơ quan giám định không thực hiện yêu cầu”, tướng Cầu nêu rõ.
“Theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mà tôi có trong tay, từ năm 2012 đến giờ, chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói, trung bình một năm chỉ có 8 việc thôi. Anh em ngoài đó ngồi chơi, không có việc làm đâu”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An bày tỏ.
“Nếu nói việc thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can thì VKSND sẽ liên tục phải giám định âm thanh, hình ảnh là không có cơ sở thực tiễn. Nền tư pháp ngày càng phát triển thì oan sai ngày càng giảm đi. Chứ không phải giám định ghi âm, ghi hình là phát hiện nhiều oan sai đâu”, Thiếu tướng Cầu khẳng định.
“Các đồng chí nói như vậy thì VKSND có nên thành lập các trại tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra của VKSND không?”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tranh luận.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tranh luận với tướng Nguyễn Thị Xuân và tướng Nguyễn Thanh Hồng. Theo ông Bộ, vấn đề ở đây không phải là quá tải, mà chưa bao giờ yêu cầu để tránh oan sai trong hoạt động điều tra, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay. Việc bổ sung chức năng giám định cho VKSND Tối cao là xuất phát từ yêu cầu này.
“Tôi đặt giả sử trong giám định âm thanh, kỹ thuật, hình ảnh bây giờ chúng ta định giao cho Viện kiểm sát tối cao mà đã được chính cơ quan giám định của Bộ Công an giám định, bây giờ người ta phát hiện ra khả năng có vấn đề, nếu như bây giờ giao lại cho giám định của công an thì họ sẽ kết luận thế nào?”, tướng Bộ nói.
“Tôi cho rằng để chúng ta thực hiện hiện yêu cầu cao nhất của tố tụng và có căn cứ, bây giờ không nói quá tải hay không quá tải mà chúng ta phải xuất phát từ bản chất vấn đề”, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.