Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố trong cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng ngoại giao giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga.
Theo ý kiến của một trong những nhà Đông phương học hàng đầu của Nga, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, giáo sư Vladimir Kolotov, trên thực tế, bài phát biểu của Bộ trưởng Nga là chương trình hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác Nga-ASEAN và Nga-Việt.
Bộ trưởng Nga ghi nhận sự phát triển năng động của các mối liên hệ với Việt Nam. Nước này đóng vai trò rất tích cực và có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế và là một quốc gia đã nỗ lực rất lớn để Nga có thể thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN.
Giáo sư Kolotov lưu ý, Nga đang giữ các vị trí hàng đầu trên thế giới trong việc đảm bảo cả an ninh quân sự và an ninh mạng, cũng như để phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Liên bang Nga có thể cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho các nước ASEAN trong lĩnh vực này. Điều đáng chú ý là, vài năm trước, tại Đối thoại Shangri-La, đại diện của Nga đã cảnh báo là khủng bố từ Trung Đông có thể lan sang Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi đó cảnh báo này đã bị bỏ qua. Và hai năm sau, sự bất ổn từ Trung Đông đã chuyển sang ASEAN. Myanmar đã bị mất ổn định. Tại Philippines, những kẻ khủng bố đã chiếm đóng một thành phố lớn trong sáu tháng. Nga đã hỗ trợ Philippines, cung cấp vũ khí giúp Philippines giải quyết cuộc khủng hoảng. Điều đó cho thấy rằng, Nga có đủ khả năng cung cấp hỗ trợ hiệu quả cho ASEAN. Các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đều biết rằng, Nga không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, không cố gắng thực hiện kịch bản cách mạng màu để lật đổ chính phủ hợp pháp. Vì thế, các quốc gia khác không lo lắng, bất an khi phát triển hợp tác với Nga.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có mối quan hệ lâu dài nhất và bền chặt nhất với Liên bang Nga. Trong suốt lịch sử hiện đại của mình,Việt Nam đã thấy rõ rằng, sự hỗ trợ của Liên Xô và Nga có bản chất chiến lược: cả trong thời gian hai cuộc Kháng chiến, trong cuộc xung đột với Khmer Đỏ, trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc năm 1979, cũng như trong quá trình tái thiết và phát triển hậu chiến tranh.
Hiện nay, khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Matxcơva cần phải tăng cường chính sách hướng Đông, - Giáo sư Kolotov nói. - Về mặt này, ASEAN với tư cách yếu tố độc lập trên trường quốc tế là một đối tác rất quan trọng đối với Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế. Nga và ASEAN không có mâu thuẫn địa chính trị, không có tranh chấp lãnh thổ, không có đối đầu chiến lược. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ: sự hợp tác này chưa đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Trong số tất cả các nước phát triển, Nga có mức thấp nhất trong sự hợp tác kinh tế với Việt Nam và với ASEAN nói chung. Trong khi Bộ Ngoại giao Nga làm tất cả những gì có thể để tạo ra cơ sở ngoại giao, pháp lý vững chắc cho sự phát triển năng động của mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ASEAN, thì cơ sở này chưa có nhiều thành công trong hợp tác kinh tế. Dù có nhiều hình thức hợp tác đa dạng, nhưng, sự hợp tác kinh tế chưa có nhiều nội dung cụ thể. Tuy nhiên, quá trình hội nhập các nền kinh tế, mặc dù không đủ nhanh, nhưng vẫn đang tiến triển. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu và tiếp sau đó một số quốc gia ASEAN khác bắt đầu đàm phán tiến trình này. Điều thú vị là, nếu so sánh với các nước EAEU về chỉ tiêu kinh tế, thì Việt Nam đứng thứ hai sau Nga với tổng sản lượng quốc gia, vượt trước cả Kazakhstan và Belarus, không kể Armenia và Kyrgyzstan.
Ngay trong thời gian cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao Nga và ASEAN, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), nhà sản xuất các sản phẩm sữa Việt Nam lớn nhất, đã được phép xuất khẩu các sản phẩm sữa vào lãnh thổ Nga.
Vì vậy, Việt Nam và ASEAN nói chung là một đối tác kinh tế và chính trị rất quan trọng của Nga. Việt Nam, ASEAN và Nga bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực. Các bên có thể trao đổi hàng hóa có lợi thế so sánh, điều này sẽ giúp củng cố vị thế của họ trên trường quốc tế.
Giáo sư Kolotov nói tiếp, “Tôi đã lưu ý đến câu nói của Bộ trưởng Lavrov rằng, Nga chống lại việc thành lập “những câu lạc bộ có lợi ích riêng” trong ASEAN. Rốt cuộc, những “câu lạc bộ” như vậy sẽ làm suy yếu nguyên tắc đồng thuận của ASEAN trong khu vực và sẽ gây phân rẽ nội bộ Hiệp hội, sẽ xuất hiện những nhóm nước thân Trung Quốc và thân Mỹ, điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số phận của ASEAN. Đây là lập trường có tính nguyên tắc của chúng tôi, lập trường này rất có lợi cho các nước ASEAN khi họ phải đối mặt với sự bất ổn quốc tế”.
Trong cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Nga cũng thông báo với các đồng nghiệp từ các nước ASEAN rằng, đến nay Nga đã thu lượm nhiều kinh nghiệm tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19. Các máy bay quân sự Nga đã chở hàng hóa và y bác sỹ sang giúp Ý và Serbia trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Ở Nga tỷ lệ tử vong tối thiểu trong tổng số người mắc bệnh.
Và Nga đề xuất sáng kiến trao đổi công nghệ với các nước ASEAN để đào tạo nhân sự có trình độ ở mỗi quốc gia của Hiệp hội để chống lại các bệnh lây nhiễm tốt hơn. Các khóa đào tạo đầu tiên như vậy đã được tổ chức ở Vladivostok, ngay trước khi xuất hiện mối đe dọa của coronavirus. Tức là, cũng như trong Đối thoại Shangri-La, Nga cảnh báo sớm về các mối đe dọa.