Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh và quyết liệt với dịch COVID-19. Đặc biệt, các chính sách khôi phục kinh tế sau đại dịch của Việt Nam khá phù hợp với tình hình. Sputnik có cuộc trao đổi với Tiến sĩ kinh tế Lê Minh về bức tranh khôi phục nền kinh tế của Việt Nam thời hậu COVID-19.
Những khó khăn cơ bản của thời kỳ hậu COVID-19
Sputnik: Dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường. Các gói hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ đang được triển khai. Chúng ta thấy, tuy nền kinh tế đã có dấu hiệu đi lên, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo ông, những khó khăn cơ bản nhất là gì?
Tiến sĩ Lê Minh: Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khát vốn để cầm cự. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng hiện nay họ không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng vì họ không đáp ứng được các điều kiện quy định. Điều này dẫn đến việc rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản hoặc phải tạm dừng hoạt động, do không còn đủ sức để cầm cự. Và tất nhiên cái này sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Khó khăn lớn thứ hai là ngành hàng không quốc tế và du lịch chưa thể phục hồi ngay, do tình hình COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Sức cầu của các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Đông Âu… giảm mạnh do người dân ở các thị trường này cũng thắt chặt chi tiêu. Các thị trường lớn mới mở như EU, Bắc Mỹ cũng đang trong giai đoạn đầu hồi phục do dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm, chưa thể tiếp nhận số lượng nhập khẩu lớn từ Việt Nam. Thậm chí, như chúng ta biết rõ, có nước còn đứng trước nguy cơ làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai.
Những gói hỗ trợ của Chính phủ - hiệu quả chưa đủ mạnh
Sputnik: Ông có thể nói gì về hiệu quả của những gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam?
Tiến sĩ Lê Minh: Tại thời điểm này gói “đầu tư công” quan trọng nhất trong các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ một số nước dùng gói đầu tư “nâng đỡ” để duy trì sản xuất của các doanh nghiệp, tránh cho doanh nghiệp khỏi phá sản hoặc mắc nợ khó đòi cũng như trợ cấp cho người lao động để họ duy trì việc làm và đời sống. Khác với các nước, Chính phủ Việt Nam chọn hướng đi “đầu tư công”. Trên cơ sở nguồn vốn đã tích lũy được trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam tự mình bỏ vốn đầu tư vào một số dự án trọng điểm quốc gia quan trọng và đặc biệt quan trọng. Điều này đem lại ba lợi ích cơ bản và đều là lợi ích kép: Một là vừa tạo được công ăn việc làm lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp và người lao động, vừa chống được tình trạng “đóng băng” của doanh nghiệp do quan hệ với thị trường nước ngoài tạm thời gặp khó khăn. Hai là vừa vực dậy nền sản xuất nội địa, vừa giảm được nợ công do giảm bớt các khoản vay ODA và các khoản vay tín dụng khác. Ba là sau khi hoàn thành các dự án, Chính phủ có thể tiếp quản và người dân có thể sử dụng ngay thành quả của các dự án mà không phải qua giai đoạn trung gian do nhà thầu kiểm soát. Nhưng theo quan điểm của tôi thì nên kết hợp với cả gói đầu tư “nâng đỡ”, hiệu quả sẽ cao hơn. Như tôi đã đề cập ở trên, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không cầm cự nổi. Và điều này sẽ tạo ra những hậu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tôi đánh giá những gói hỗ trợ của chính phủ chưa mang lại hiệu quả thiết thực lắm.
Những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Việt Nam
Sputnik: Chúng ta có thể thấy những dấu hiệu phục hồi gì của nền kinh tế Việt Nam?
Tiến sĩ Lê Minh: Người dân tích cực tham gia các chương trình kích cầu nội địa, trong đó phải kể đến chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Rồi việc các hãng hàng không mở lại và mở thêm các tuyến bay nội địa. Sản lượng một loạt các mặt hàng nông sản, thủy hải sản đều tăng mạnh so với trước khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam. Một số các dự án đầu tư công đã được khởi công hoặc tái khởi động. Thị trường Trung Quốc mặc dù chưa hồi phục hoàn toàn nhưng đã góp một phần quan trọng vào việc tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là nông sản, và cũng là nguồn nhập khẩu một số nguyên phụ liệu quan trọng trong một số ngành công nghiệp của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 tăng khoảng 11,2% so với tháng trước. Đây là một tín hiệu rất khả quan. Tiếp theo, lĩnh vực thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng đã 26,9% so với tháng trước. Còn kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Đó là một số tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi.
3 lĩnh vực quan trọng của kinh tế hậu COVID-19
Sputnik: Để phát triển kinh tế hậu COVID-19, Việt Nam nên tập trung vào những lĩnh vực nào?
Tiến sĩ Lê Minh: Theo tôi cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính sau: Tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu. Nên có những chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa như các chương trình giảm giá, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khuyến khích người dân mua hàng Việt…
Về du lịch, đầu tiên phải tăng cường kích cầu thị trường nội địa bằng các chương trình giảm giá các dịch vụ như giá tour, giá khách sạn và đặc biệt là giá vé máy bay nội địa. Tiếp theo cần chuẩn bị các chương trình hấp dẫn để thu hút khách quốc tế sau khi các nước nối lại đường bay quốc tế.
Lĩnh vực quan trọng nhất đó là xuất khẩu. Ngay từ bây giờ cần chuẩn bị cho phục hồi hoạt động xuất khẩu sau khi tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới ổn định lại, đặc biệt sau khi hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Sputnik: Cảm ơn Tiến sĩ Lê Minh đã dành thời gian cho Sputnik.