Cổng thông tin Nga topwar.ru dẫn nguồn VietDefense lưu ý rằng trong chuyện này phía Việt Nam đang ở tình thế khá phức tạp: không dễ bề tìm ra phương án thích hợp để thay thế số máy bay MiG-21 đã hết thời hiệu vận hành. Hiện nay Nga không sản xuất loại tiêm kích hạng nhẹ một động cơ, nhưng loại máy bay chiến đấu này vẫn đang được chế tạo tại Hoa Kỳ, Thụy Điển, Ấn Độ và Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, nếu mua thì Việt Nam sẽ có, nhưng trên thực tế, làm vậy có thể trở nên quá đắt giá cả về kinh tế lẫn trên bình diện chính trị vốn đang nổi cộm rất nghiêm trọng.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia giàu kinh nghiệm về hàng không quân sự, Sputnik cố gắng lý giải tình huống trên.
F-16 có khả năng gì?
Năm ngoái, tại Triển lãm quốc phòng DSE-2019 ở Hà Nội, Hoa Kỳ đã giới thiệu một trong những phiên bản máy bay chiến đấu mới nhất «Chim ưng chiến» là tiêm kích F-16 Block 70/72. Quả thực, F-16 là một trong những máy bay chiến đấu được yêu cầu nhiều nhất trên thế giới, với tổng số các phi đội gồm hơn 4.000 chiếc. Máy bay này đang phục vụ trong lực lượng không quân của 26 nước khắp thế giới (kể cả chính Hoa Kỳ).
Bình luận dành cho Sputnik, Đại tá quân dự bị của Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga, TS Khoa học Quân sự Makar Aksyonenko lưu ý:
«F-16 được sử dụng khá tích cực trong các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang cục bộ (cụ thể là để tiến hành những đòn tấn công bất ngờ mà không cần xâm nhập vào khu vực phòng không chủ động hoặc vùng phản công của máy bay đối phương). Nhưng ngay cả trong điều kiện «đảm bảo vô trùng» như vậy, tổn thất của F-16 trong toàn bộ thời gian tham gia các cuộc chiến tranh cục bộ vẫn lên tới con số gần 160 chiếc. Hơn nữa, kể từ thời điểm bắt đầu vận hành, đã ghi nhận 671 vụ tai nạn máy bay «không chiến đấu» thuộc loại này, (trong đó có 286 trường hợp là của Không lực Hoa Kỳ). Trong thiệt hại máy bay đó còn kèm theo tổn thất sinh mạng của hơn 200 phi công và gần 100 người trên mặt đất, hiện diện trong khu vực xảy ra tai nạn máy bay. Như vậy, độ tin cậy chắc chắn và khả năng sống sót của máy bay vẫn là yêu cầu cần được cải thiện».
Đặc tính kỹ thuật của F-16 ra sao?
Theo dữ liệu của các nguồn mở, phiên bản sửa đổi Block 70/72 - hiện thân của khái niệm F-16V - được trang bị radar mới với mảng pha chủ động (AFAR), tổ hợp tác chiến điện tử với hệ thống gây nhiễu và hàng loạt cải tiến khác tạo thiết bị điện tử của máy bay, mà theo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, «hầu như giống hệt» mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 - F-22 và F-35.
Nhờ có đường truyền dữ liệu theo tiêu chuẩn Link 16, máy bay F-16V (Block 70/72) có khả năng trao đổi thông tin chiến thuật trong chế độ thời gian hiện thực với chiến đấu cơ thế hệ 5, với máy bay phát hiện radar tầm xa AWACS và với hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Nhờ các tổ hợp tác chiến điện tử, máy bay có thể nâng cao «khả năng sống sót chiến đấu» trong điều kiện cuộc giao tranh với đối thủ có lực lượng phòng không mạnh.
«Tổ hợp hàng không chiến đấu hiện đại là 2/3 thiết bị điện tử được kết nối chắc chắn đáng tin cậy với các hệ thống vũ khí không quân, mặt đất, hải quân và các sở chỉ huy của đất nước. Vì vậy, nếu Việt Nam mua F-16 Block 70/72 chắc chắn không tránh khỏi kéo theo việc mua các thiết bị cho trung tâm điều phối chỉ huy hướng dẫn hàng không, cùng với hệ thống phòng không tương thích, hoạt động trong một trường thông tin-chỉ huy thống nhất!», - Đại tá Aksyonenko nói tiếp.
Nhưng khi đó mức giá của giao kèo sẽ tăng gấp nhiều lần. Còn nếu chỉ cung cấp máy bay thôi sẽ là vô nghĩa. Toàn bộ những lợi thế từ tổ hợp điện tử hiện đại của máy bay sẽ «về mo» vì nghiễm nhiên vô hiệu hóa.
Tốn phí tài chính lớn đối với quân đội Việt Nam
Phi công quân sự giàu kinh nghiệm cảnh báo rằng việc chuyển sang loại đạn dược mới đối với phương tiện mang hoàn toàn khác, sang một tổ hợp thiết bị mặt đất khác, thì khâu tái cơ cấu các dịch vụ sân bay không thể tránh khỏi sẽ đòi hỏi khoản tốn phí vật chất và tài chính khổng lồ.
«Ngoài ra, trong giai đoạn thích nghi với tổ hợp máy bay mới và chuyển giao hệ thống dịch vụ kèm theo, thành phần chiến đấu cơ của Không quân Việt Nam sẽ thuần tuý là chưa thể sẵn sàng», - chuyên gia Makar Aksyonenko nói.
Có lựa chọn nào khác thay cho F-16?
Một đối trọng thay thế cho «phương án Mỹ» có thể là chiến đấu cơ Ấn Độ HAL Tejas Mk1. Và có vẻ là Ấn Độ cũng đã nêu đề xuất tương ứng để mời chào Việt Nam. Tejas Mk1 trang bị động cơ Mỹ (General Electric F404-GE-IN20), thiết bị điện tử khoang và cabin lái được tạo lập với sự hiệp lực của công ty Israel «Elta».
Đặc điểm kỹ thuật-chiến thuật của HAL Tejas Mk1
Trong thiết kế của mẫu máy bay này sử dụng rộng rãi hợp kim titan và vật liệu composite. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia, về đặc tính chiến thuật-kỹ thuật và tổ hợp vũ khí nói chung thì Tejas Mk1 không có lợi thế gì so với các mẫu tương tự của nước ngoài.
Khách hàng chính mua máy bay này là Không quân Ấn Độ, nhưng song hành các nhà quân sự New Delhi vẫn thường xuyên tổ chức đấu thầu mua máy bay nước ngoài.
Xét theo những thông báo mới nhất, tình hình bùng phát căng thẳng trầm trọng gần đây của cuộc xung đột biên giới với Bắc Kinh đã khiến New Delhi phải khẩn trương mua lô chiến đấu cơ của Nga. Thêm nữa, phần lớn lô hàng đó là mẫu MiG-29 đã được hiện đại hóa.
Các nhà sản xuất máy bay của Trung Quốc cũng có chiến đấu cơ hạng nhẹ một động cơ. Ví dụ, máy bay Thành Đô FC-1 Bạo Long (Chengdu FC-1 Xiaolong, mã hiệu xuất khẩu là JF-17). Nhưng theo ý kiến chung của các chuyên gia, đây là phương án mà Việt Nam không thể chấp nhận, vì những lý do dễ hiểu.
Máy bay Thụy Điển Saab JAS-39 Gripen
Vậy thì phải chăng phương án lựa chọn duy nhất cho Việt Nam là Saab JAS-39 Gripen của Thụy Điển? Mẫu phi cơ này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988 và kể từ đó đã nhiều lần được cải tiến, hiện là tiêm kích chủ lực chiến đấu của Không quân Thụy Điển. JAS-39 Gripen đã được cung cấp cho Hungary, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Thái Lan. Cũng có những nỗ lực xuất khẩu máy bay này sang Bulgaria và Thụy Sĩ, còn Phần Lan đã thể hiện sự quan tâm.
Một trong những biến thể mới nhất là JAS-39E mà Bộ Tư lệnh Không quân Thụy Điển tự hào gọi là «sát thủ của Sukhoi». (Hy vọng rằng đó chỉ là chiêu thức mang ý nghĩa cạnh tranh trên thị trường thế giới !).
Bộ vũ khí của chiếc máy bay Thụy Điển cũng khá ấn tượng:
• đến 6 tên lửa «không-đối-không» tầm ngắn
• đến 4 tên lửa tầm trung và tầm xa hoặc 2 tên lửa «không-đối-bề mặt»
• 2 tên lửa hành trình hoặc 2 tên lửa chống hạm
• nhiều bom hàng không khác nhau (từ 2 đến 8 quả)
• pháo tự động 27 mm (120 quả đạn).
Cần nói thêm rằng tất cả đạn dược là sản phẩm của các đối tác trong NATO hoặc mẫu tương tự của Thụy Điển. Đương nhiên, như trong trường hợp với F-16 Block 70/72, cùng với máy bay sẽ phải mua đạn dược và thiết bị sân bay. Mà giá tiền chiếc máy bay Thụy Điển cũng không rẻ hơn bao nhiêu so với máy bay Mỹ, trong khi thua kém hơn đáng kể về trần thực tế và lực đẩy động cơ.
«Trong toàn bộ tuyến máy bay được trình bày xem xét để tái vũ trang cho Không quân Việt Nam thì mẫu chiến đấu cơ sản xuất tại một đất nước nổi tiếng là hòa bình và không tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại nào khó có thể ở cấp độ cần thiết để giải quyết nhiệm vụ hiện đại về giành và duy trì ưu thế trên không», - Đại tá Aksyonenko nhận xét.
Chẳng lẽ vẫn là một động cơ?
Một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh của Việt Nam tất nhiên vẫn trông cậy vào khả năng của Không quân để tuần tra vùng biển gần. Là phi công tích luỹ nhiều kinh nghiệm bay cả trên đất liền và trên biển, chuyên gia của Sputnik cho rằng trong điều kiện hiện đại, thực hiện công tác tuần tra khu vực biển trên máy bay một động cơ là vô lý và độ rủi ro cực lớn.
Theo nghĩa này, hẳn là Việt Nam cũng thấy nên tránh xa mẫu một động cơ. Khi đó, xuất hiện ứng viên thực sự đủ sức thay thế cho máy bay MiG-21 huyền thoại. Tên gọi cũng là MiG, nhưng cực kỳ hiện đại. Và đã được trình làng trong «diện mạo xuất khẩu».
Với mẫu chiến đấu cơ này, sẽ không phải lo tái đào tạo phi công và kỹ thuật viên một cách tổng thể triệt để, cũng không cần thay đổi đáng kể với cơ sở hạ tầng hiện có của các căn cứ không quân Việt Nam. Những thiết bị sân bay có sẵn vẫn phù hợp, máy bay có thể sử dụng các vũ khí hàng không mà Không quân Việt Nam đang sở hữu, sẽ dễ dàng «tìm thấy tiếng nói chung» với các thiết bị điện tử và kỹ thuật vô tuyến mặt đất cũng như với các phương tiện của hệ thống phòng không.
MiG-35 có thể thay thế cho MiG-21 được chăng?
«MiG-35, mẫu hiện đại hóa sâu của MiG-29, được biết đến rộng rãi trong giới hàng không. Tổ hợp máy bay này tích hợp trong bản thân nó những kinh nghiệm chiến đấu và vận hành kỹ thuật của «anh cả dòng MiG» vẻ vang. Các thiết bị điện tử và vũ khí hàng không của máy bay đều ở cấp độ kỹ thuật quân sự hiện đại nhất. Trong vòng tối thiểu 20 năm tới, MiG-35 đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các «bạn cùng lớp» nước ngoài! Mà về tỷ lệ «hiệu quả-chất lượng» thì chiến đấu cơ hạng nhẹ đa năng này là vô đối, không gì sánh bằng!», - chuyên gia Makar Aksyonenko khẳng định.