Theo lãnh đạo Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh cổ điển. Cơ chế sinh học đã biết, tử vong chủ yếu do biến chứng cơ tim. Việt Nam đã có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiên quyết khống chế, kiểm soát thành công dịch bạch hầu cùng với Covid-19.
Việt Nam ghi nhận 66 ca nhiễm, 3 trường hợp tử vong vì bạch hầu
Sáng nay ngày 9/7, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng, chống dịch bạch hầu.
Tham dự buổi làm việc này còn có Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo các vụ, cục, văn phòng thuộc Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cùng đại diện nhiều ban ngành.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã ghi nhận 66 ca nhiễm bạch hầu.
Đặc biêt, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, trong số 53 ca đầu tiên thì chỉ có 28 ca có biểu hiện triệu chứng, 25 trường hợp còn lại không có biểu hiện triệu chứng, chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm.
Đến nay, Việt Nam đã có 3 bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu trong 2 trường hợp ở tỉnh Đắk Nông, 1 trường hợp ở Gia Lai.
“Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng”, Cục trưởng Đặng Quang Tấn nhấn mạnh.
Phân tích đặc điểm dịch tễ, có thể thấy tỷ lệ người lành mang chủng cao. Bệnh vẫn có khả năng lây lan qua tiếp xúc, giao tiếp dù người lành mang chủng không biểu hiện triệu chứng. 90% bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số. 85% bệnh nhân ở độ tuổi trên 7. Cá biệt có trường hợp bệnh nhân 60 tuổi nhiễm bệnh.
Dịch bạch hầu lan rộng vì không được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ?
Hầu hết các ca mắc bệnh không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, hoặc không nhớ trước đó đã tiêm những loại vắc-xin nào.
Sau khi tiếp nhận thông tin ban đầu về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chỉ đạo mạnh tay và kiên quyết.
Cụ thể, Bộ Y tế chỉ đạo Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội công tác nhanh đến trực tiếp hỗ trợ các vùng có dịch. Ngoài ra, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã vào tận Đắk Nông phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, các tỉnh Tây Nguyên cần làm tốt cồng tác truyền thông để làm sao thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân về phòng chống bệnh này.
Thực tế thời gian qua có tình huống cán bộ y tế đã đến tận nhà vận động nhưng người dân vẫn không đi tiêm chủng, do đó trong công tác truyền thông cần đa dạng các hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của đồng bào, tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động bà con.
Cũng trong buổi làm việc hôm nay, đại diện ngành y tế và lãnh đạo các tỉnh đã chia sẻ một số khó khăn trong công tác phòng bệnh bạch hầu.
Theo đó, các khó khăn đó có thể kể đến như việc mua huyết thanh điều trị, đặc điểm người dân các địa phương đa phần ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện vệ sinh, ý thức chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.
Các đối tượng này rất dễ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh, trong thời gian tới, nguy cơ cao sẽ xuất hiện các ổ dịch bạch hầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Trần Thị Nga nêu ví dụ dẫn chứng, có trường hợp, cán bộ xuống kiểm tra, phát thuốc nhưng một số người không uống mà ngậm trong miệng rồi nhổ ra.
Do vậy, cán bộ xong khi cho bệnh nhân uống thuốc phải đứng lại kiểm tra miệng, cổ họng.
Thậm chí có người còn nói: “Chúng tôi đâu có bệnh gì đâu mà uống, ai bị bệnh thì uống”. Do đó, việc thay đổi nhận thức của người dân là điều không hề dễ dàng.
Phải điều tra dịch tễ, truy dấu và sớm phát hiện bạch hầu
Phát biểu tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Dịch tễ Tây Nguyên thông tin rằng tuần này và tuần sau sẽ triển khai xét nghiệm bạch hầu tại Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo đó, cơ quan này sẵn sàng cung ứng 500.000 liều vắc-xin cho Tây Nguyên trong một ngày nhưng khó khăn là người dân phần lớn ở vùng sâu vùng xa, chưa có ý thức tiêm phòng.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng thông tin dù tiêm vắc-xin nhưng vẫn có vi khuẩn trong người nên vẫn có khả năng lây lan.
“Vắc-xin chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bạch hầu phải phát hiện sớm. Vì thế điều tra dịch tễ để truy vết rất quan trọng giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng”, PGS.TS Phan Trọng Lân nêu rõ.
Đối với vấn đề này, TS. Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế khẳng định, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đã khởi động lại chương trình truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên và cài BlueZone cho khu vực này.
Cũng trong sáng nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho hay, ngày 9/7, hội đồng chuyên môn đã họp để cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu.
Bộ Y tế cũng đã tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu kết hợp sốt xuất huyết, Covid-19 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch, chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men.
Việt Nam phát động tiêm chủng mở rộng trên quy mô lớn
Tại buổi làm việc sáng nay, nhiều ý kiến đã được gửi tới Bộ Y tế. Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Giám đốc Sở Y tế Gia Lai đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn cho địa phương mua huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai.
Phát biểu trong buổi làm việc sáng nay, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch bạch hầu xảy ra rải rác, nhưng năm nay khác các năm trước là quy mô xảy ra trên diện rộng (hiện đã xuất hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên).
“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng đối với dich bệnh này là làm thế nào để dập dịch nhanh nhất, không để dịch lan rộng và đảm bảo yếu tố bền vững cho giai đoạn sau”, GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bạch hầu là bệnh cổ điển, tất cả các cơ chế sinh bệnh học đều đã biết, tử vong chủ yếu là do biến chứng cơ tim.
“Chúng ta đã có công cụ để đối phó với bạch hầu là vắc-xin và thuốc điều trị. Hiện đang là thời điểm rất quan trọng để triển khai phòng chống, ngăn chặn bạch hầu”, GS. TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Y tế chính thức đề nghị sẽ triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trên quy mô lớn, trước mắt là 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, sau đó sẽ là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lâm Đồng.
“Vừa rồi chỉ tiêm trong khu vực có bệnh nhân, còn lần này là tiêm chiến dịch, tất cả người dân từ 2 tháng tuổi trở lên đều được tiêm... Về những hướng dẫn chuyên môn, cơ quan của Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với từng đối tượng, độ tuổi”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần thực hiện 4 phương châm phòng chống dịch là: Cách ly, khoanh vùng, dập dịch, khi phát hiện ca bệnh ở trên địa bàn nào thì lập tức điều trị dự phòng cho tất cả các đối tượng trên địa bàn đó.
“Tuy nhiên, song song với phòng chống dịch bạch hầu cần phải chú trọng phòng chống dịch Covid-19, khộng thể chủ quan, lơ là, nếu chúng ta để xảy ra một ca bệnh thì tốc độ lây lan rất nhanh”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trên quy mô lớn, trước hết tại 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum có ca bệnh, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tiêm theo chiến dịch nên tất cả người dân từ 2 tháng tuổi đều được tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Bạch Mai lập tổ điều trị chuyên môn, hỗ trợ điều trị cho các địa phương. Bộ giao Bệnh viện Bạch Mai tiến hành mua huyết thanh, đảm bảo cung cấp cho các địa phương này.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đồng ý phương án của Văn phòng Bộ Y tế đưa ra là sử dụng truy vết trong phòng chống dịch Covid-19 đối với bạch hầu để biết toàn bộ dịch tễ cũng như ngăn chặn.
Đặc biệt, Bộ sẽ hỗ trợ toàn bộ vắc-xin, kể cả loại 5 trong 1, vắc-xin Td, dự kiến khoảng 11 triệu liều sẽ được hỗ trợ cho các địa phương.
Theo đó, toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng. Với trẻ 2-3-4 tháng thì tiêm vắc xin 5 trong 1 đang tiêm rộng rãi, trên 7 tuổi thì tiêm vắc xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).
“Chúng ta phải quyết liệt thực hiện chiến dịch này. Chúng ta đã thực hiện rất thành công chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh sởi và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên chiến dịch này khác chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi là để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu lây lan và tạo tiền đề vững chắc phòng chống dịch các năm tiếp theo”- GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ cấp khẩu trang, đồ dùng phòng hộ cho các địa phương… Các cơ quan chuyên môn của bộ sẽ hỗ trợ các địa phương về chuyên môn.
Chiều cùng ngày, tại Gia Lai, Bộ Y tế tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên quy mô lớn để phòng ngừa bạch hầu.