Hai người trong một nhà dương tính với bạch hầu
Ngày 12/7, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn huyện M’Đắk vừa ghi nhận thêm hai ca bệnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân V.A.B. (nam, sinh năm 1994), trú thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk. Bệnh khởi phát ngày 8/7 với các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi.
Ngày 10/7, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk và được lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu. Ngày 11/7, kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy bệnh nhân này dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân G.S.C. (nam, sinh năm 1994), trú thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk là người nhà và trực tiếp chăm nuôi bệnh nhân V.A.B. tại Trung tâm y tế huyện M’Đrắk. Ngày 10/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; đến ngày 11/7, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Như vậy, tính đến sáng 12/7, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Ngay sau khi phát hiện hai ca nhiễm bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk, ngành Y tế Đắk Lắk đã lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; phun thuốc khử khuẩn tại nhà bệnh nhân và 25 hộ xung quanh.
Sở Y tế Đắk Lắk cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk khẩn trương báo cáo với chính quyền huyện M’Đrắk về diễn biến của bệnh bạch hầu để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống; tổ chức khoanh vùng cách ly thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk. Bên cạnh đó, điều tra, giám sát việc sử dụng kháng sinh dự phòng đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân; khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng từ 7-26 tuổi tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk; tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng 7 tuổi tại trường học và trong cộng đồng trên địa bàn toàn huyện M’Đrắk.
Cấp 10 triệu liều vắc-xin bạch hầu cho 4 tỉnh Tây Nguyên
Ngày 9/7, tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong quá trình phòng, chống bạch hầu tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có trường hợp, cán bộ xuống phát thuốc, một số người không uống mà ngậm trong miệng rồi chờ cán bộ đi rồi nhổ ra. Khi phát hiện, cán bộ y tế cho uống thuốc xong thì phải đứng trực tiếp kiểm tra phần cổ họng. Có những trường hợp cho rằng không có bệnh nên không uống.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng phòng chống bệnh, trong đó có bạch hầu. Trước mắt, sẽ triển khai tiêm chủng cho 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum, sau đó sẽ là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lâm Đồng. Dự kiến sẽ có hơn 10 triệu liều vắc-xin được cấp cho các tỉnh và khoảng 4,7 triệu người sẽ được tiêm chủng.
Theo đó, số vắc-xin sẽ tiêm cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. Với trẻ em từ 2-4 tháng tuổi tiêm rộng rãi vắc-xin phòng bệnh và tiêm nhắc lại vắc- xin 3 trong 1 đối với trẻ từ 18-24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5-7 tuổi. Còn với người trên 7 tuổi tiêm vắc-xin Td. Để tránh bị bỏ sót, ngoài tiêm ở các trung tâm y tế, sẽ kết hợp tiêm chủng di động đến tận buôn làng.